Nếu ai ít ra đường khi đêm muộn chắc hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên với hình ảnh từng nhóm người vô gia cư ngồi co ro với nhau dọc các con phố như Thợ Nhuộm, Tràng Thi, Lê Duẩn hay Hai Bà Trưng. 23 giờ đêm, các con phố sáng đèn, dòng người cũng dần thưa thớt; ai cũng tạm gác lại công việc sau một ngày dài để về với tổ ấm của chính mình. Đây cũng là khoảng thời gian những người vô gia cư trở về nơi nghỉ để ngả lưng, chờ đợi ánh hừng đông của một ngày mới. Chốn nương náu của họ cũng rất đặc biệt; người chọn bậc thềm trước ngân hàng, cửa hiệu để làm “nhà”, cũng có người chọn những chiếc ghế đá trong công viên hay trạm xe buýt để chợp mắt.

“Cũng một kiếp người, người ta thì được con cháu sum vầy còn mình phải gồng gánh nuôi thân, sống cảnh màn trời chiếu đất, tủi hổ lắm”, ánh mắt ông Nguyễn Bá Lực (67 tuổi) nặng trĩu suy tư khi kể về hoàn cảnh của bản thân. Ở tuổi xế chiều, lại thêm căn bệnh gút cùng những cơn đau quái ác khiến sức khỏe ông Lực không còn được như chính cái tên cha mẹ ông đặt cho.


Hằng ngày, ông vác theo bên mình chiếc bao tải, đi dọc các cung đường như Lê Duẩn hay Đại Cồ Việt để lượm nhặt ve chai. Tối đến, vẫn hành trang duy nhất là chiếc bao tải, ông Lực lại tập tễnh đi về trước thềm một cửa hàng trên phố Xã Đàn để nghỉ ngơi.

Ngoài ông Lực, rất nhiều người khác cũng đang sống hoàn cảnh tương tự. Với nhiều độ tuổi khác nhau, những người vô gia cư ấy từ nhiều địa phương, vùng quê xa xôi tới Hà Nội. Ban ngày, họ đi làm đủ các công việc chân tay; người có sức khỏe thì bốc vác thuê, đánh giày, người già hay ốm yếu hơn chỉ có thể lựa chọn quanh quẩn nhặt phế liệu hay ve chai dọc các con phố.


Có những người đã lớn tuổi, thân hình gầy xác xơ; cũng có cả những đứa trẻ đáng ra phải được cắp sách vở tung tăng tới trường như bao bạn bè cùng chăng lứa. Mỗi người một số phận, một hoàn cảnh nhưng tựu chung, họ đều không có một mái nhà cho riêng mình.

“Tôi có chết cũng không dám phiền hà đến con, đến cháu. Chúng nó không lo được cho mình thì mình phải tự nuôi lấy thân mình chứ trông chờ vào ai được”, bà Đào Thị Lam (83 tuổi) vừa phe phẩy chiếc quạt tay vừa nói. Tuy đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ngày ngày bà vẫn tự bươn trải bằng cách bán sạp hàng con con của mình.

Sinh sống trên vỉa hè con phố Thợ Nhuộm đã nhiều năm, bà Lam là hình ảnh không còn xa lạ với những người dân sống quanh khu vực này. Theo lời kể của ông Bùi Văn Tuấn, chủ một cửa hàng tạp hóa tại đây, cứ sáng đến bà dắt chiếc xe đạp rong ruổi khắp các con phố rồi tối lại về đây, bày nước lên vỉa hè ngồi bán. Nhiều người qua lại cho tiền nhưng bà không nhận, chỉ thỉnh thoảng có người thương tình mua nước, biếu bà chút tiền dư bà mới chịu cầm.

Mỗi người vô gia cư đều mang trong mình một hoàn cảnh đặc biệt đưa đẩy họ đến hiện tại. Lang thang khắp các con phố trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1958) đã quen với cuộc sống lấy đất làm chiếu, vỉa hè làm nhà. Vốn là dân ngụ cư, bà quyết định rời bỏ quê Thanh Hóa để lên Hà Nội mưu sinh. Bà Huệ sống bằng việc nhặt sắt vụn, có ngày nhiều thì được vài chục nghìn, ngày ít thì chỉ được “mấy tờ lẻ tẻ chẳng đủ bữa cơm”.

Khi được hỏi về nguồn cơn dẫn đến cảnh éo le của hiện tại, nét mặt bà bỗng thay đổi. Giọng bà khàn đặc, đôi bàn tay run run: “Chồng tôi mất được chục năm rồi. Gia cảnh ở quê vốn đã bần hàn, lại không có họ hàng thân thiết để nhờ cậy nên tôi cũng chỉ đành lang thang nơi Thủ đô này một mình thôi ”.

Bà kiếm một công việc làm qua ngày vì không muốn bản thân bị gọi là ăn xin, sống nhờ vào tình thương của người khác. “Khổ lắm các cô à, nhiều hôm bị công an, trật tự đuổi tới đuổi lui. Ở đây có nhiều người vô gia cư nhưng cũng không ít kẻ cải trang để giành cả miếng ăn với những phận khốn khổ”, bà Huệ nói thêm.

Những người vô gia cư trên địa bàn Thủ đô đa phần là những người lớn tuổi, sức khỏe yếu hay bệnh tật không thể làm những công việc nặng. Một số người già phải sống trong cảnh neo đơn vì bị gia đình, con cái ruồng rẫy dẫn đến không còn chốn để về. Lại có trường hợp lặn lội lên Hà Nội để khám bệnh nhưng không đủ tiền chi trả nên đành sống tạm bợ qua ngày, cóp nhặt từng đồng để chờ ngày hồi hương.

“Chúng tôi quê ở Thái Bình. Bố mẹ nó bỏ nó, hai ông bà thương tình nên cưu mang”, ông Đặng Văn Nhâm (77 tuổi) nói. Bên cạnh ông bà là cô cháu gái khoảng chừng 5 tuổi, em thiếu may mắn khi bị chính cha mẹ bỏ lại để rồi được vợ chồng ông Nhâm nhận nuôi, xem như cháu ruột. Trên khuôn mặt lấm lem vết bẩn của cô bé là ánh mắt sáng ngời, chứa đầy vẻ hồn nhiên và ngây thơ.
Vợ ông Nhâm, bà Bùi Thị Lành chia sẻ, cứ mỗi tối ông bà lại dắt cháu ra cổng công viên Thống Nhất để nhận quà từ thiện từ những người hảo tâm.

Xung quanh ông bà là những kiếp người luẩn quẩn khác, một số người có quê nhưng không thể về, có gia đình nhưng không thể nhận. Mảnh đời nào tại đây cũng bất hạnh nhưng họ vẫn luôn tự đùm bọc, che chở và trao hơi ấm tình thương cho nhau như cách họ nhận được tình thương và sự giúp đỡ từ những người hảo tâm.

Đằng sau hoàn ảnh éo le của những người vô gia cư là rất nhiều những tổ chức, câu lạc bộ thiện nguyện được thành lập với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ họ. Là một trong những hội nhóm thiện nguyện lớn tại Hà Nội, câu lạc bộ Chắp Cánh Ước Mơ đã hoạt động gần 9 năm với mục đích san sẻ tình yêu thương đến với những người vô gia cư trên địa bàn Thủ đô.

Đều đặn vào 20 giờ tối thứ 5 hàng tuần, các thành viên sẽ có mặt tại căn nhà nằm trong con ngõ nhỏ của phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân. Căn nhà nhỏ trở thành địa điểm nấu cháo từ thiện của cả đoàn; người có thịt góp thịt, người có gạo góp gạo, mỗi người một việc cùng chung tay phân phát hơi ấm tình thương đến nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt. Ngoài cháo, câu lạc bộ Chắp Cánh Ước mơ còn tặng những nhu yếu phẩm cần thiết như sữa, bánh mỳ hay nước tới tay những người vô gia cư.

“Khởi điểm chúng tôi chỉ là một nhóm với vài người có cùng đam mê đi phượt, sau đó thành lập nhóm làm thiện nguyện cùng nhau. Từ một nhóm nhỏ cứ thế lớn dần lên, lấy tên là Chắp Cánh Ước Mơ với hy vọng đem lại chút gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời. Đến nay, câu lạc bộ đã hoạt động được 9 năm với rất nhiều thành viên từ khắp mọi miền Tổ quốc”, anh Hân, trưởng nhóm thiện nguyện chia sẻ.

Mỗi đêm đi phát cháo, anh Hân cùng các thành viên chia làm hai đoàn, xuất phát ở hai cung đường khác nhau. Theo lời anh, bất kể nắng mưa, tối thứ 5 nào đúng 20 giờ tối câu lạc bộ cũng tụ họp ở điểm nấu cháo rồi xuất phát lúc 22 giờ 30 phút. Những ngày vắng có khoảng trên dưới 30 người tham gia, hôm nào đông số thành viên hoạt động có thể lên tới 60 người.

Hoạt động lâu nên cả nhóm đi tới đâu cũng được những người vô gia cư nhớ mặt, nhớ tên. “Tối thứ 5 nào các cô chú ấy cũng qua đây phát cháo, ngoài cháo ra hôm thì cho thêm bánh, hôm thì cho sữa. Cháo cô chú ấy nấu ngon, nhiều rau, nhiều thịt nên mọi người ai cũng cảm kích nhiều lắm”, một người vô gia cư trên phố Tràng Thi chia sẻ.

Ngoài nấu và phát cháo cho người vô gia cư tại Thủ đô, câu lạc bộ Chắp Cánh Ước Mơ còn cùng nhau tặng những chuyến xe không đồng cho những người bị kẹt lại Hà Nội không thể về quê hay hỗ trợ những bệnh nhân nghèo không đủ chi phí khám chữa bệnh. Nhóm đã nhiều lần cùng nhau đi phượt tới những bản làng xa xôi để trao những suất quà đến tay những trẻ em nghèo hay lặn lội tới miền Trung để hỗ trợ bà con gặp bão lũ.

“Chỉ cần một hạt giống tốt lành được ươm mầm, chúng ta sẽ có cả vườn hoa việc tốt. Hãy cứ cho đi để rồi ta nhất định sẽ nhận lại được, không nhất thiết là của cải, vật chất mà có thể chỉ đơn giản là niềm vui, hạnh phúc vì tình yêu thương hay đơn giản nụ cười khi thấy người khác được giúp đỡ”, anh Đặng Ngọc Huy, một thành viên trong câu lạc bộ nhắn nhủ.

Xem toàn bộ tuyến bài tại: Bám trụ tại Thủ đô 

 

 

Đừng bỏ lỡ
Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - Sau ba ngày (16-18/5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bế mạc ngày 18/5, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

XEM THÊM TIN