Cận Rằm Trung thu, việc thức dậy từ khi mặt trời chưa ló rạng, ngồi miệt mài đục đến trưa, ăn qua bữa vội vàng, rồi tiếp tục làm đến 2-3 giờ sáng, chẳng có thời gian nghỉ ngơi đã trở thành nếp sống của ông Trần Văn Bản.
“Từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch là vào mùa cao điểm, gia đình tôi 5 người gần như phải thức xuyên đêm để kịp giao hàng cho khách. Các sản phẩm làm ra phục vụ chủ yếu cho các hộ làm bánh tại Xuân Đỉnh, các chợ và cơ sở sản xuất bánh trung thu trong nước”, ông Bản cho biết.
Để làm một chiếc khuôn bánh Trung thu truyền thống phải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn của người thợ.
Đầu tiên, gỗ phải được làm sạch vỏ, bào nhẵn mặt, pha gỗ thành hình khuôn theo kích thước và mẫu mã khách hàng yêu cầu. Nghệ nhân thường dùng gỗ thị và gỗ xà cừ để làm khuôn, giúp cho khuôn dẻo, bền và ít cong vênh sau thời gian sử dụng.
Đục tạo hoa văn là bước khó nhất và quan trọng nhất, đòi hỏi sự tỉ mỉ tới từng chi tiết, chỉ cần một nhát đục sai có thể khiến chiếc khuôn bị hỏng, phải bỏ đi rồi làm lại cái khác.
Mỗi họa tiết trên khuôn được tạo nên bằng một loại công cụ chuyên biệt. “Tôi có đến hơn 100 loại đục, từng loại sẽ cho ra đường nét to nhỏ khác nhau. Nhiều chi tiết phải sử dụng đến vài ba loại mới cho ra đường nét ưng ý”, ông Bản cho biết.
Nhớ lại quãng thời gian chưa có sự trợ giúp của máy móc, ông Bản liên tục nhắc lại câu “vất vả lắm”, “hao sức người kinh khủng”. Tuy nhiên, theo ông Bản, máy móc hiện đại cũng chỉ giúp khâu đục hình thù cơ bản, còn khâu “kẻ vẽ đục hoa” vẫn phải tự tay làm tỉ mỉ mọi chi tiết.
Đặc biệt, khuôn bánh nướng và khuôn bánh dẻo được làm khác nhau. Khuôn bánh dẻo đường nét thô, nông, còn khuôn bánh nướng phải đục đều nét, để khi nướng lớp vỏ bên ngoài bắt lửa đều.
Trung bình, mỗi khuôn bánh có hình thù đơn giản ông Bản làm mất 3 giờ đồng hồ và mỗi ngày, ông làm được nhiều nhất 2-3 cái. Với những khuôn phức tạp, ông Bản mất đến vài ngày mới xong.
Mùa Trung thu năm nay, gia đình ông Bản dự kiến làm ra khoảng 500 - 600 khuôn bánh. Giá khuôn dao động từ 150.000 đồng đến 2 triệu đồng, tùy theo kích cỡ khuôn.
Thời huy hoàng của chiếc khuôn thủ công giờ chỉ còn đọng lại trong hai từ “ngày xưa”, trước khi khuôn nhựa “mì ăn liền” tràn lan trên thị trường.
Theo ông Bản, khuôn nhựa Trung Quốc đã giải quyết được tất cả các vấn đề khách hàng mong muốn. Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa chúng và khuôn truyền thống chính là hoa văn, họa tiết truyền thống cùng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Đường nét ở khuôn nhựa khá nông, dù cho ra thành phẩm nhưng chiếc bánh không rõ hoa văn. Bánh được đúc từ khuôn nhựa cũng bị nén hơi, thân bánh chắc quá, nhanh mốc bởi bánh bị ẩm bên trong. Khuôn nhựa còn chứa nhiều hóa chất, trong khi khuôn gỗ đặt yếu tố vệ sinh an toàn lên hàng đầu”, ông Bản cho biết.
Do tính chất làm thời vụ, thu nhập không cao và đòi hỏi sự tỉ mỉ nên nhiều gia đình tại làng Thượng Cung đã bỏ nghề và chuyển sang làm đồ thờ cúng, đồ thủ công mỹ nghệ. Hiện, chỉ còn gia đình ông Trần Văn Bản có 3 thế hệ theo nghề đục khuôn bánh Trung thu.
Theo nghề từ năm 18 tuổi, để giữ được "lửa", ông Bản luôn tìm tòi, sáng tạo để phát triển nghề, nhất là khi những chiếc khuôn nhựa Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam trong những năm vừa qua.
Bên cạnh những hoa văn truyền thống như mai, trúc, cúc, sen, cá chép, rồng, phượng…, người thợ mộc đã bước sang tuổi 56 còn tạo tác ra những khuôn bánh có họa tiết mới mẻ giúp mâm cỗ trông trăng sống động hơn với hình ảnh lợn mẹ, lợn con, 12 con giáp, Chùa Một Cột…, và cả những khuôn bánh chạm khắc tinh xảo theo đơn đặt hàng của các công ty.
“Mỗi người có một mắt nhìn riêng. Người thì thích rồng phượng, người thì thích hoa lá, người thì thích con giống, tôi cứ nhận rồi mày mò làm theo. Khách hàng chủ yếu gửi ảnh qua điện thoại, tôi nhìn cũng phải tự hình dung cái nào vẽ trước, cái nào vẽ sau, đường nét này phải dùng mũi đục nào”, ông Bản kể.
Chia sẻ về cái nghề “của một đồng công một nén” của mình, ông Bản khẳng định “riêng nghề truyền thống thì không bao giờ bỏ được”, “còn khách đặt thì còn làm”.
“Dù thị trường có sản xuất bao nhiêu mẫu khuôn bánh bằng nhựa cũng không thay thế nổi khuôn gỗ truyền thống. Bằng chứng là sau một vài năm rầm rộ chuộng các mẫu mới, khách hàng gần đây lại có xu hướng quay về với khuôn gỗ quen thuộc”, ông Bản lạc quan chia sẻ.
Thỏa sức sáng tạo không biên giới với Workshop Én Joy
(Sóng trẻ) - Chiều ngày 10/11, Workshop Én Joy chính thức diễn ra với không gian sáng tạo nghệ thuật độc đáo cùng chủ đề “Sáng tạo không biên giới 2024”.
Hoà quyện giá trị truyền thống và hiện đại qua sự kiện “Chèo nảy chèo nay”
(Sóng trẻ) - Vào chiều ngày 10/11, không gian trải nghiệm nghệ thuật và biểu diễn Chèo “Thị Mầu xuyên không” thuộc sự kiện “Chèo nảy chèo nay” chính thức diễn ra tại Rạp Công nhân (Hà Nội).
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong bảo tồn ký ức văn hóa
(Sóng trẻ) - Chiều ngày 10/11, tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Ký ức nhân văn và trí tuệ nhân tạo - Vai trò công nghệ với bảo tồn ký ức văn hoá”.