Người đàn bà ba ngón làm gấm vóc “nở hoa” - Kỳ 1: Số phận trớ trêu từ thuở lọt lòng

(Sóng trẻ) - Chị lớn lên nghe những lời dị nghị của người đời mà sống. Thời gian còn đi học, bố mẹ của các bạn trong lớp không cho con họ chơi với chị vì mọi người bảo không được lại gần đứa “quái thai”. 

Chị Đỗ Thị Hậu (32 tuổi, Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Nội) sinh ra với đôi bàn tay chỉ có ba ngón. Bệnh tật dày vò liên miên nhưng chị vẫn lạc quan, theo đuổi đam mê và vượt lên nghịch cảnh. Dưới đôi mắt đã nhòa đi vì căn bệnh bẩm sinh, đôi bàn tay chỉ có ba ngón của chị đã tạo nên những bức thêu làm đẹp cho đời. 

“Tôi là quái thai!”

Ở vùng bán sơn địa cạnh dòng sông Đáy, Mỹ Đức là một huyện của Hà Tây cũ được mệnh danh là vùng đất trăm nghề. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, chị Hậu cũng như bao con người nơi đây qua bao đổi thay của thời cuộc vẫn giữ được nguyên cái nét hồn hậu, cần cù vươn lên. Người đàn bà ba ngón tật nguyền cứ thế sống vượt lên nghịch cảnh và tỏa sáng như đóa sen hồng vươn giữa ao tù nước đọng.

anh-1.jpg
Chị Đỗ Thị Hậu miệt mài thêu bằng đôi tay ba ngón.

 

Xe gập ghềnh vượt qua con đường đất đỏ sình lầy, có những lúc chồm hổm viên đá chặn đứng bánh xe. Trên con đường quen thuộc này từ chục năm trước, chị Hậu với đôi bàn chân và bàn tay ba ngón hàng ngày vẫn đạp xe từ sớm tinh mơ đến tàn canh gà gáy để đi làm đủ thứ nghề mưu sinh kiếm tiền chữa bệnh. 

Thoáng rõ sau hàng hoa giấy xanh mướt mắt, ngôi nhà mái ngói ba gian mang đậm nét đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ hằn rõ vết chai lì của thời gian. Hàng cau ngả nghiêng chắn gió, che chở cho căn nhà nhỏ thọt lỏm dưới biết bao nhà cao tầng xung quanh. Chị Hậu ngồi bệt dưới hiên lặng lẽ chạy lướt từng đường mũi chỉ trên khung vải trắng. Tâm hồn chị như đặt hết trên khung thêu mà không hề để ý đến sự xuất hiện của chúng tôi.

Ba đời gia đình thuần nông, bố mẹ chị yêu thương và đến với nhau. Đứa con đầu lòng hẳn là biết bao sự hạnh phúc và chờ mong. Nhưng cô gái nhỏ với dáng vẻ “quái thai” khác người của họ đã khiến niềm vui đó vơi đi vài phần và thay vào đấy là lo âu và sợ hãi. Chân tay vỏn vẹn chỉ có ba ngón gầy gò thoi thóp nằm sau lớp tã cũ, dáng vẻ của đứa trẻ sơ sinh đã làm bà đỡ đẻ thất kinh bạt vía đến độ không dám tắm rửa cắt dây rốn mà sợ hãi bỏ về. Chỉ vì mẹ chị thiếu hiểu biết uống thuốc tây trong thời gian mang thai, chị Hậu từ khi sinh ra đã phải chấp nhận mang trên mình một số phận đau khổ, chịu sự kì thị của người đời từ lúc mới lọt lòng.

anh-2.png
Sinh ra với căn bệnh “ba ngón”, cuộc đời chị phải gắn liền với cái tên “quái thai”.

 

Đứa trẻ dị tật thoi thóp không biết sống nổi không. Bố mẹ chị gạt bỏ hết những lời khuyên hãy bỏ chị đi hoặc cho chị vào trại trẻ mồ côi. Họ nghĩ rằng, sinh chị ra cho dù nghèo khó đến đâu vẫn phải có trách nhiệm chăm sóc cho chị. Thật may mắn bố mẹ đã không bỏ rơi mà nuôi chị lớn thành người. 

Tên Hậu của chị hẳn cũng có cái ý nghĩa đặc biệt. Chắc hẳn bố mẹ đã mong chờ và đặt hết tình yêu thương vào cái tên, mong chị có một cuộc đời bình yên và hạnh phúc. Ấy vậy mà hành trình trưởng thành của chị lại không được giống như cái tên ấm áp của mình. Suốt những năm tháng ấu thơ theo lẽ thường phải đầy tiếng cười và niềm vui ấy, chị Hậu trầy trợt trải qua với sự kỳ thị của người đời cho một đứa “quái thai” không đáng tồn tại.

Chị lớn lên nghe những lời dị nghị của người đời mà sống. Thời gian còn đi học, bố mẹ của các bạn trong lớp không cho con họ chơi với chị vì mọi người bảo không được lại gần đứa “quái thai”. Chị không có thói quen giao tiếp với người ngoài, cả ngày chỉ quanh quẩn trong gian nhà chật hẹp. Những lời qua tiếng lại của làng xóm làm sự tự tin vốn nên có của cô gái trẻ mất trắng. Ngay cả cô giáo cũng ruồng rẫy và nhiều lần đánh đập một con người tật nguyền đáng thương như thế. Thể chất yếu cùng các bệnh nền sẵn có, sau những đòn roi của cô giáo đến chảy máu tai mưng mủ, chị đã bị viêm tai giữa mãn tính từ ngày đó và coi viện là nhà.

Sống với bệnh tắc tuyến lệ bẩm sinh và viêm tai - mũi - họng cùng hàm răng bị chết tủy,... cuộc sống của chị là những tháng ngày sống trong dày vò về cả thể xác lẫn tinh thần. Những ngày lên cơn sốt đến 40 độ, cảm giác như mọi dây thần kinh trên cơ mặt chị nhăn nhúm, co lại và giật mạnh lên theo mỗi cơn đau. Đi viện định kỳ 2 lần một tháng, từ tuyến Trung ương đến các viện tư tại Hà Nội, hành trình đi tìm sự sống của chị là những tháng ngày không có hồi kết. 

Để trang trải tiền viện phí, chị Hậu bắt đầu đi làm từ rất sớm. Khi còn nhỏ chị hái rau muống đi bán với mẹ, lớn lên đi làm công nhân cho biết bao công ty quanh nhà. Phụ may, đan hạt, cắt chỉ thừa, đóng hàng,... cô gái với ngoại hình khiếm khuyết nhưng đã làm qua biết bao cái nghề giống những người bình thường khác. Cần cù, chăm chỉ là thế, nhưng tiếng đời cay độc vẫn không buông tha chị.

Từng xin học may ở cơ sở gần nhà, chị bị người ta coi thường là người khuyết tật, cướp trắng trợn những đồng lương mồ hôi nước mắt mà chị làm quần quật suốt bảy tháng trời. Đến 8 năm làm ở công ty may xuất khẩu, chị cũng bị chính cái ngoại hình “khác đời” của mình cản bước. May mắn được người quen giới thiệu, đi làm không được bao nhiêu ngày thì chị bị ông chủ người nước ngoài miệt thị ngoại hình: “Ông ấy nhìn tôi và ra hiệu cho tổ trường vì sợ tôi làm ảnh hưởng đến tiến độ và bộ mặt của công ty. Tổ trường đã chuyển tôi vào khâu đóng gói. Mọi người nói là tôi không thể làm được đâu, nghĩ rằng tôi vào làm việc là dựa dẫm vào công sức của mọi người để nhận lương”, chị Hậu kể lại, đôi mắt rưng rưng.

Đồng nghiệp nghĩ chị dựa vào tình thương của mọi người mà sống. Họ thường nghĩ cho chị những định kiến về sự ăn bám, sự nịnh bợ để lấy lòng cấp trên. Cô gái tự ti đến nỗi không dám nói chuyện với người khác thì làm gì có đủ can đảm để đi “đút lót” hay xin bố thí lòng thương. Cái mác “khuyết tật”, cái nghèo, cái khổ cứ lẽo đẽo theo cuộc đời chị, như cái ung nhọt mưng mủ suốt từ năm này qua tháng khác. 

Hồi sinh…

Những tưởng cuộc đời chị sẽ cứ mãi một gam màu ảm đạm, u tối như thế cho đến khi một tia sáng nhỏ đến với chị. Chị Hậu biết yêu! Lần đầu tiên trong đời chị cảm nhận được một cảm giác khác lạ ngoài những nỗi đau bệnh tật triền miên, ngoài những tủi hổ và tự ti mà chị phải gánh chịu. Người đàn ông cách nhà 2 cây số đã gieo vào tâm trí cô gái khi ấy hơn 20 tuổi một hạt mầm của hy vọng. Thì ra chị vẫn giống như người bình thường, vẫn xứng đáng để yêu và được yêu.

Chị Hậu tuổi 20 đầy tự ti, bọc mình thật sâu trong lớp kén của ốm yếu bệnh tật bỗng một ngày được nếm thử tình yêu, trở nên khát khao phá bỏ chiếc kén lâu nay. Ấy thế mà tình yêu đầu đời vừa chớm nở đã vội tàn phai. Người ấy bỏ chị đi vào Nam lập nghiệp, để cô gái lần đầu biết yêu, biết hi vọng lại với những dở dang. Chị Hậu lại lần nữa chìm vào tự ti và dằn vặt. 

Chị kể lại mối tình này cho chúng tôi bằng giọng đã nguôi ngoai, không còn những nồng cháy của tình đầu, cũng chẳng còn những nuối tiếc trách than. Chị tôn trọng gọi anh là “người ấy”, coi anh như một vị ân nhân - người đầu tiên đưa bàn tay vào nội tâm tràn đầy bóng tối của mình. Khi anh đi, chị bỏ ăn gần 20 ngày, chỉ chỉ uống nước lọc và ăn mì tôm. Rồi một đợt ốm nặng, tưởng như chết đi sống lại, chị tỉnh ra, nhận ra giá trị sống của bản thân mình, nhận ra ánh mắt cha mẹ bên ngoài cửa phòng bệnh.

anh-3.png
Đau tật liên miên, bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ hai của chị Hậu.

 

Chị Hậu chợt nhớ đến người cha già bên đồng ruộng sớm hôm, nhớ người mẹ đưa chị đi chạy chữa khắp viện nọ viện kia, nhớ cô em gái cậu em trai. Chị Hậu nhận ra trong mình luôn tồn tại sự quyết tâm, chỉ là vô tình bị lớp vỏ tự ti che khuất. “Vậy thì mình một lần nữa tìm ra nó, một lần nữa đánh thức nó” - chị Hậu nghĩ. Nhưng lần này, chị sẽ không chịu đựng trong âm thầm mà là kiên gan bước về phía ánh sáng. 

(Còn nữa)

Ảnh: NVCC

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật18 giờ trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hoàn thành toàn bộ nội dung đã đề ra

Tin nổi bật22 giờ trước

(Sóng trẻ) - Sau ba ngày (16-18/5) làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bế mạc ngày 18/5, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN