Phố cổ - Phố khổ

(Sóng trẻ) - Phố cổ vốn được nhớ đến như “linh hồn” của Thủ đô, ồn ào và náo nhiệt với những cửa hàng kinh doanh nằm san sát nhau. Nhiều người cho rằng đây là nơi “hái ra tiền” từ việc kinh doanh, buôn bán. Ít ai biết, ẩn sau những cửa hàng đông đúc, nhộn nhịp là những ngôi nhà cũ nằm trong ngõ nhỏ sâu hun hút.

Phía sau những con phố sầm uất

Khu phố cổ vừa mang nét sầm uất xen chút cổ xưa được coi như một đặc trưng của Thủ đô nghìn năm văn hiến. Nơi đây từ lâu đã là địa chỉ tham quan đầu tiên của du khách tứ phương khi đến Hà Nội với mong muốn được thưởng thức những món ăn ngon, ngắm nhìn những vẻ đẹp xưa cũ. Vì lẽ đó, phố cổ giờ đây trở thành địa điểm vui chơi náo nhiệt bậc nhất Hà Nội, với những con phố “không ngủ”, những cửa hiệu kinh doanh mọc lên san sát. Tại nơi “tấc đất tấc vàng” này, dường như nơi đâu cũng có thể kiếm ra tiền.

Song, đối lập với vẻ ngoài hào nhoáng, phồn hoa phía ngoài mặt đường là cảnh sinh hoạt chật vật, gò bó của người dân sống trong những con ngõ sâu nơi phố cổ. Những con ngõ trở thành địa đạo ngay trên mặt đất, với những đường cắt ngang xẻ dọc dẫn lên các căn nhà chồng, xếp lên nhau. Không khó để tìm thấy những ngõ rộng chưa đầy 1 mét, sâu tít tắp, phải bật điện 24/24 mới thấy lối đi. 

e1-ba-a2nh_2.jpg
Toàn bộ khung cảnh lối vào nhà anh Tuấn

Tại con ngõ nhỏ ở 66 Hàng Đào, cả 7 người trong gia đình anh Nguyễn Quang Tuấn (21 tuổi) hàng ngày cùng sinh hoạt trong căn hộ 15m2. Qua những bậc cầu thang bê tông với tay vịn đã rỉ sét là phòng sinh hoạt chung tích hợp ba "chức năng": vừa là phòng khách, phòng ăn và cả phòng ngủ. Chia sẻ về những bất tiện khi sinh hoạt trong căn phòng này, anh Tuấn cho biết: "Chỗ ăn uống cũng chỉ có 2 - 3 người ngồi cùng một lúc, nếu đông quá sẽ không thể ngồi được".

Đằng sau căn phòng nhỏ là gian bếp chung với khu giặt, phơi đồ và chỉ cần đi vài bước chân là tới nhà vệ sinh. "Bếp liền với khu giặt, phơi đồ và nhà vệ sinh nên bất tiện lắm. Gian bếp chắc chắn không thể vệ sinh, ngăn nắp được rồi. Nhà vệ sinh cũng chỉ có một, nhà đông người nên mỗi khi cần dùng là phải chờ nhau, mất rất nhiều thời gian. Sống ở phố cổ nhưng khổ lắm" - Anh Tuấn tâm sự.

e1-ba-a2nh_3.jpg
Nhà vệ sinh cũ chật hẹp 

Cách đó không xa, ở địa chỉ số 50 phố Hàng Quạt là một khu nhà “chung” với lối đi vào nhỏ, cửa gỗ đã sờn cũ, tróc sơn. Nơi đây bao năm tháng qua, là nơi che nắng, che mưa của biết bao phận đời vất vả.

Theo lời bà Trần Lê Tùng (49 tuổi), một trong số những cư dân tại đây, gia đình chồng bà đã sinh sống ở đây từ năm 1954. Riêng bà Tùng sau khi lấy chồng mới về sống được 25 năm. Khu nhà chung có tổng diện tích 100m2 gồm 7 hộ sinh sống, mỗi hộ trung bình tầm 3 - 4 người. Riêng nhà bà Tùng rộng 28m2, gồm 3 hộ gia đình anh em ruột, với nhà bà gồm 2 vợ chồng và con trai. Hàng chục con người sống và sinh hoạt chung với nhau, từ nhà vệ sinh cho đến bếp ăn tập thể.

e1-ba-a2nh_4.jpg
Lối vào của khu nhà 50 Hàng Quạt

“Trong quá trình sinh hoạt nhiều cái bất tiện vì hầu như đều sử dụng chung. Không những chung anh em trong gia đình mà lại chung cả hàng xóm. Không gian chật hẹp nên nhiều nhà không mắc được đường nước, nếu muốn dùng phải lấy nước từ ngoài. Nhà tôi may mắn vì nằm ngoài mặt đường nên không gặp phải tình cảnh đó”, bà Tùng cho biết.

e1-ba-a2nh_5.jpg
Khu sinh hoạt chung của các gia đình trong ngõ 50 Hàng Quạt

Sinh hoạt thường ngày đã gặp nhiều khó khăn, chuyện giỗ chạp, cưới hỏi của những người dân sống tại phố cổ còn bất tiện hơn. “Nếu có giỗ, cưới hỏi thì chỉ còn cách ra vỉa hè dựng rạp, xin giấy phép của phường để mượn vỉa hè, chứ trong nhà kê được một mâm 4 người ngồi là đã chật”, bà Tùng chia sẻ.  

Những niềm an ủi riêng 

Cứ như vậy, dẫu biết là sống khổ nhưng những người dân nơi đây cũng đành chấp nhận “sống chung với lũ”. Khi được hỏi tại sao không chuyển đến nơi khác, những cư dân ở đâu đều lắc đầu bởi biết bán cho ai, hay nếu bán thì ai sẽ mua khi căn nhà có quá nhiều bất tiện về mặt diện tích và sinh hoạt. Thậm chí, như trường hợp bà Tùng, dù rất muốn rời đi song lối sinh hoạt chung đã thành quen suốt bao năm khiến gia đình bà trở nên e ngại. Những suy nghĩ ấy, cùng nếp nghĩ “phố lớn, phố nhỏ” đã làm nhiều người chọn gắn liền với cuộc sống ở những con ngõ chật hẹp, tối tăm. 

Sống trong chật chội, bất tiện, nhưng những dân phố cổ vẫn giữ được nét điềm đạm của người Hà Nội. Và trên hết, đây là nơi tập trung những địa danh lịch sử, hàng quán mang cốt cách, linh hồn của người Hà Nội gốc. Bà Tùng mỉm cười tâm sự: “Ở đây tuy nhiều cái bất tiện, nhưng lại tiện gần phố phường, cần gì ra cửa là mua được ngay. Xung quanh thì nhiều cửa hàng, chợ búa, trường học. Nhiều lúc cũng nghĩ chuyển đi được là tốt, không chuyển được thì ở cũng không sao. Đã ở đây được mấy chục năm rồi có sao đâu".

Lời tâm sự của bà có lẽ cũng là lời lạc quan, là chút niềm an ủi dành cho bao phận đời đang phải chịu cảnh sống chật chội, nhọc nhằn giữa lòng phố cổ.

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN