Tọa đàm “Hội ngộ Giải A Giải Báo chí Quốc gia”

(Sóng trẻ) - Sáng 19/3, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức tọa đàm "Hội ngộ Giải A Giải Báo chí Quốc gia" tại Bảo tàng Hà Nội.

Tọa đàm là dịp hội ngộ, giao lưu, thảo luận nghiệp vụ của 40 tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia trong 5 năm từ 2017 - 2021. Sự kiện chia sẻ về công tác chuẩn bị, hoạt động đầu tư sáng tạo các tác phẩm báo chí có chất lượng cao tham dự Giải hằng năm. 

anh-1-1.jpg
Buổi tọa đàm có sự góp mặt của nhiều đồng chí lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí. (Ảnh: Hữu Thực)

 

Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Phạm Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; cùng đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí có tác phẩm đoạt giải A Giải Báo chí Quốc gia.

Phát biểu khai mạc, nhà báo Nguyễn Đức Lợi nêu rõ: “Giải Báo chí Quốc gia tôn vinh những tác phẩm xuất sắc, giá trị cao quý, những đóng góp trách nhiệm, hiệu quả, bền bỉ của người làm báo. Qua đó, thể hiện vị trí, vai trò quan trọng của báo chí trong đời sống tinh thần của nhân dân và đời sống xã hội của đất nước”.

Ông nhấn mạnh, nghề báo rất đáng tự hào và trân trọng dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhọc nhằn, gian khổ và cám dỗ. Nhiều nhà báo vẫn nêu cao tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt huyết và đam mê nghề để có những tác phẩm hay, chất lượng, có ý nghĩa cho xã hội, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và phụng sự nhân dân.

anh-2-1.jpg
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi khẳng định ý nghĩa Giải Báo chí Quốc gia trong phát triển nghiệp vụ của các nhà báo, phóng viên. (Ảnh: Hữu Thực)


Trọng tâm tọa đàm là buổi giao lưu giữa những tác giả của tác phẩm đạt giải A để lắng nghe câu chuyện phía sau. Phiên thảo luận đầu tiên có sự tham dự của nhà báo Nguyễn Văn Bắc (bút danh Bắc Văn) - công tác tại báo Nhân dân, tác giả của loạt bài giành giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2017: “Bài học sâu sắc về công tác cán bộ qua vụ Trịnh Xuân Thanh”; nhà báo Nguyễn Thị Tuyết (bút danh Minh Tuyết) đại diện nhóm tác giả đài PT-TH Thanh Hóa với tác phẩm: “Làm đẹp những con số”, đạt giải A năm 2019; nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Dân Việt) - chủ nhân loạt bài 5 kỳ đạt giải A năm 2021: “Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng”; nhà báo Chu Trung Đức - đại diện nhóm tác giả kênh VOV Giao thông - Đài Tiếng nói Việt Nam, đạt giải A năm 2021 với loạt bài điều tra: “Vỉa hè đang thực sự nuôi ai?”; nhà báo Võ Huỳnh Tấn Tài - đại diện nhóm tác giả của Đài Truyền hình TP.HCM với tác phẩm: “Nơi kết thúc là nơi bắt đầu” đạt giải A năm 2021.

anh-3.jpg
Các tác giả đạt giải A Giải Báo chí Quốc gia chia sẻ câu chuyện đằng sau ấn phẩm. (Ảnh: Hữu Thực)

 

Phóng sự điều tra luôn là thử thách đối với cánh phóng viên. Tại đây, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng để lại ấn tượng với hành trình cam go viết nên tác phẩm “Kinh hoàng những chiêu trò tàn sát thú rừng”. Ông chia sẻ: “Khi loạt bài điều tra được đăng tải, tôi cảm thấy khó tả bởi đây là đề tài khó, cần quyết liệt và đụng chạm nhiều thế lực. Đóng góp lớn nhất của tôi trong cuộc điều tra này chính là đã cài cắm mình vào những đường dây trái phép tại Mozambique, Nam Phi, khu vực 'Tam giác Vàng', Lào và cuối cùng là Việt Nam”.

“Đoàn phóng viên chúng tôi bắt gặp hàng chục con hổ nuôi nhốt trong một gia đình để ngâm rượu, nấu cao. Bấy giờ, tôi tự hỏi liệu tổ chức cơ sở đảng có tê liệt hay không khi không thể phát hiện tình trạng tàn sát động vật hoang dã tại địa phương? Sự trăn trở ấy giúp chúng tôi vượt qua nỗi lo bị đe dọa để tiếp cận điều tra viên, cơ quan chức năng, lãnh đạo địa phương. Sau cùng, loạt bài phóng sự chứng minh rằng báo chí có năng lực kiến tạo giải pháp, tạo hiệu ứng xã hội khi các đối tượng phạm tội nhận mức phạt 64 năm tù”, anh tự hào.

Các tác giả đều thống nhất rằng, áp lực trong quá trình thực hiện không thể bằng áp lực từ phản ứng dư luận. “Nhưng chúng tôi vẫn vững tin bởi sản phẩm báo chí phải là động lực thúc đẩy giải pháp từ cấp lãnh đạo để giải quyết tồn đọng xã hội”, nhà báo Minh Tuyết bày tỏ. Đồng tình với quan điểm trên, ông Chu Trung Đức cho rằng: “Khó khăn nhất không phải là sự đe dọa mà là ngòi bút nhà báo bị bẻ cong”.

anh-4.jpg
Nhà báo Trung Kiên - PV Truyền hình CAND ANTV - trình bày ca khúc “Khát vọng” của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn, với mong muốn thúc giục bước chân người phóng viên lăn xả vào vấn đề nóng của đời sống xã hội. (Ảnh: Hữu Thực)

Tiếp nối cuộc giao lưu với các tác giả, đại diện các cơ quan báo chí chia sẻ về kế hoạch xác định đề tài, cơ chế khen thưởng và định hướng trong tương lai. Những tác phẩm xuất sắc nhất được vinh danh tại Giải Báo chí Quốc gia không chỉ là kết quả từ sự dày công của phóng viên mà còn là sự đầu tư bài bản của cơ quan báo chí chủ quản. 

anh-5.jpg
Cuộc trò chuyện có sự góp mặt của bà Đoàn Ngọc Thu - Phó Tổng Biên tập Báo Vietnamplus; ông Hồ Quang Phương - Phó Trưởng phòng Kinh tế - Xã hội - Ủy viên BCH Liên chi hội Nhà báo - Báo QĐND; Ông Nguyễn Đức Thành - Ủy viên Ban Biên tập Báo Lao động. (Ảnh: Hữu Thực)

Với thành tựu 10 năm liên tiếp giành giải cao tại Giải Báo chí Quốc gia của Vietnamplus, bà Đoàn Ngọc Thu chia sẻ phải đối mặt với thách thức định hướng cơ quan “vượt lên chính mình”, giữ vững mục tiêu mỗi sản phẩm báo chí cần hướng giá trị tốt đẹp đến độc giả. Đồng thời, Ban Biên tập cũng theo sát phóng viên, đặc biệt là những tuyến bài chính. Vậy nên tác phẩm báo chí chất lượng phải có sự trau chuốt xuyên suốt quá trình.

Trên cơ sở ấy, ông Nguyễn Đức Thành bổ sung cơ chế khuyến khích cũng là điều cần lưu tâm. “Sở trường của Báo Lao động là tuyến bài phóng sự điều tra, vậy nên để phát huy sở trường trong bối cảnh hiện nay, sản phẩm báo chí phải là cuộc chạy đua xem ai nhanh hơn, phản ánh đúng và sâu hơn. Ban Biên tập luôn đồng hành cùng phóng viên sau mỗi loạt bài điều tra, tạo điều kiện và bảo vệ phóng viên tuyệt đối trước sức ép dư luận”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Hồ Quang Phương chia sẻ những yếu tố làm nên “thương hiệu” của Báo Quân đội Nhân dân là xác định vấn đề nóng hổi, công chúng quan tâm, kết hợp với cơ chế trả nhuận ưu tiên và cách thức tổ chức các tuyến bài khoa học, sáng tạo.

Buổi giao lưu xác định mục tiêu chung là làm cho những tác phẩm báo chí sau ngày càng tốt hơn những tác phẩm trước; thắp lên ngọn lửa đam mê nghề nghiệp, tiếp tục dấn thân, sáng tạo để cho ra đời nhiều ấn phẩm xuất sắc hơn nữa. Đây cũng là dịp tôn vinh nền báo chí chất lượng cao của Việt Nam, khẳng định sứ mệnh và vai trò của báo chí là công cụ mạnh mẽ góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

anh-6.jpg
Các tác giả đạt giải chụp hình giao lưu. (Ảnh: Hữu Thực)

Cùng chuyên mục

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

Sóng trẻ - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN

SỰ KIỆN NỔI BẬT

TIN ẢNH

XEM NHIỀU NHẤT

TIN NỔI BẬT

DIỄN ĐÀN