(Sóng Trẻ) - Ở độ tuổi 45 nhưng ông Trường đã có tới 37 năm trong nghề bán trà đá ở Hà Nội. Một dải vỉa hè nhỏ cạnh con ngõ gần nhà là nơi mà hằng ngày vợ chồng ông dọn hàng ra bán. Một nghề không quá vất vả nhưng lại đủ nuôi sống cả gia đình.
Nghề cha truyền con nối
Cùng tại một địa điểm, hơn 30 năm về trước ông Trường vẫn còn là một cậu học sinh theo bố mẹ đi bán hàng. Công việc bán trà đá cũng khá nhàn nên chủ yếu ông Trường đi theo làm chân sai vặt, giúp được việc gì thì giúp. Giờ đây, vị trí ấy đã được thay thế bởi một người chủ chín chắn, trưởng thành và vui tính. Ông Trường bắt đầu tự bán trà đá từ năm hơn 20 tuổi, tự mình lập nghiệp bằng chính cái nghề mà bố mẹ để lại.
Gương mặt hiền lành thân thiện chính là nguyên nhân khiến lúc nào quán của chú cũng đông khách hơn cả
Không phải ngẫu nhiên mà ai cũng có thể nối được nghề của bố mẹ. Nhiều người họ có niềm đam mê và khát khao riêng của bản thân, không ai có thể bắt ép họ làm những công việc mà mình không thích cả. Đặc biệt là những nghề được coi là bình thường trong xã hội.
Nhưng đối với nghề nghiệp của mình, ông Trường lại nghĩ khác: “Bố mẹ tôi bán trà đá để nuôi mấy anh chị em chú ăn học được, bây giờ tôi cũng làm như thế để nuôi con của tôi. Tôi bán suốt ngày suốt tháng mà tôi có thấy chán đâu. Bán trà đá được gặp và nói chuyện với nhiều người, vui thế này thì sao mà chán được.”
Bán trà đá tuy là một công việc hết sức bình thường nhưng không phải ai cũng có đủ bình tĩnh và sự kiên nhẫn để có thể duy trì mãi một công việc “ngồi một chỗ” trong suốt hơn 30 năm như thế này. “Không kể công việc kiếm cơm trên vỉa hè lại không mấy suôn sẻ, công an họ đi dẹp là hàng quán phải bỏ dở,…” – ông Trường chia sẻ.
Gặp được bạn đời
Khi được hỏi về gia đình nhỏ của mình, ông mỉm cười và khẽ nói: “Có lẽ mình yêu công việc quá nên cũng chính nhờ công việc nó lại mang duyên đến cho mình”. Trước đây, ông Trường bán trà đá cả ngày, bán đến tối muộn mới về, thời gian còn lại là để ăn uống nghỉ ngơi. Nhưng ở độ tuổi “xuân xanh” của cuộc đời, ai mà không khao khát tìm được cho mình một tình yêu vĩnh cửu. Và tình cờ, tình yêu của ông cũng nảy nở từ ly trà đá".
Bà Hoa - vợ của ông trước đây cũng làm nghề bán trà đá, hai người mở hai quán trà đá đối diện nhau cũng ở con ngõ hiện tại. Cái duyên với nghề, cái duyên với người đã mang đến cho hai người một tình yêu bình dị mà đẹp! Giờ đây, họ đã có với nhau hai người con, một trai một gái, cuộc sống không khá giả nhưng đủ đầy niềm vui và hạnh phúc. Vợ ông ở nhà công việc chính là nội trợ, thỉnh thoảng có thời gian thì ra phụ giúp ông mấy việc lặt vặt, đến bữa thì lại thay ca nhau.
Ông Trường chia sẻ thêm: “Vợ tôi trước cũng bán trà đá như tôi, hai người gặp nhau suốt ngày, nhưng mãi về sau bà mới nhận lời lấy tôi. May sao, làm cái nghề giống nhau nên cũng dễ thấu hiểu và đồng cảm với nhau. Năng lực đến đâu thì làm đến đó thôi…”
Quen từ dân thường cho đến quan chức cấp cao
Công việc bán trà đá không dễ dàng và nhàn hạ và có thu nhập cao như người ta vẫn nghĩ. Nếu có đúng thì phải chăng nó cũng đúng với từng người, từng hoàn cảnh. Ông nói: “Công việc nào cũng vậy. Mình không có duyên thì khó bán hàng lắm! Tôi thì cứ thân thiện và cởi mở với mọi người thôi, lần sau ai người ta cũng nhớ đến mình mà đến.Với lại địa điểm mới là quan trọng. Có khi có những người từ xa đến, họ uống một lần rồi thời gian rất lâu sau quay lại, họ vẫn tìm đến quán của tôi chỉ để ngồi và uống một cốc trà đá vài nghìn bạc.”
Như ông Trường nói, nghề nào thì nó cũng đều có cái giá của nó. Qua tâm sự của ông, nghề bán trà đá có nhiều điều thú vị hơn các nghề khác. Nghề này tuy không cần bằng cấp nhưng lại được tiếp xúc và nói chuyện với đủ kiểu người trong xã hội. Ngồi một chỗ nhưng chuyện gì cũng biết.
“Trà đá thì thu nhập cao, tiền vốn mình bỏ ra ít. Trung bình một ngày lãi từ năm đến sáu trăm nghìn, cũng đủ sống. Nhưng tôi quen nhiều lắm, cả đại biểu Quốc hội với mấy ông sếp to làm ở Bộ Công an cũng hay ngồi ở quán. Nhiều khi hỏi thì họ bảo là họ thèm được ngồi trà đá lắm, thoải mái, chuyện gì cũng nói được, không ai cấm, mà cũng không ai biết để mà cấm…”, ông Trường nói.
Trải qua 37 năm làm nghề, sống chung với nghề, có lẽ ông đã thấu hiểu rất nhiều về sự đời, về lẽ sống. Ông Trường nói mình rất có duyên với nghề, có duyên với người. Dân văn phòng nhiều người có khi lại không biết nhiều như ông, không được tiếp xúc với nhiều người và quen được quan chức như ông. Nhưng nói gì thì nói, nghề nào cũng vậy, phải kiên trì, phải sống vì nó thì mới mong có ngày mình sống nhờ nó được.
Video
Thu Hà
Đa phương tiện K34a2
37 năm cuộc đời bên ly trà đá
(Sóng Trẻ) - Ở độ tuổi 45 nhưng ông Trường đã có tới 37 năm trong nghề bán trà đá ở Hà Nội. Một dải vỉa hè nhỏ cạnh con ngõ gần nhà là nơi mà hằng ngày vợ chồng ông dọn hàng ra bán. Một nghề không quá vất vả nhưng lại đủ nuôi sống cả gia đình.