- Cả lớp… Đứng!

- Chúng con chào cô Côi ạ!

Đó là những âm thanh quen thuộc vào mỗi buổi sáng của một lớp học đặc biệt tại nhà văn hóa Khu dân cư số 2, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Từ ngoài cổng, một cô giáo già với chiếc áo khoác nâu giản dị, mái tóc ngắn ngang vai, bước trên đôi giày sờn cũ đi vào lớp. Nhìn phong thái nhanh nhẹn của cô, không ai nghĩ đây đã là một cụ bà 84 tuổi. Cứ đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 trong suốt 30 năm nay, bà giáo già Nguyễn Thị Côi cần mẫn mang từng con chữ đến cho những người học trò đặc biệt…

Lớp học đặc biệt của những con người đặc biệt

Đến với “Lớp học linh hoạt” của cô Nguyễn Thị Côi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp thật nhiều học trò với đa dạng lứa tuổi. Có em nhỏ 6 tuổi, có em 10 tuổi, cũng có những “em” đã ngoài 30. Họ đều có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt: người bị tăng động, người có hoàn cảnh khó khăn, người từng bị nhà trường đuổi học… Với nhiều người, họ là người “bên lề” xã hội, không còn cơ hội hòa nhập với những người xung quanh. Nhưng ở lớp học của cô Côi, họ là những học trò được cô hết lòng yêu thương, hy vọng.

Sau khi lớp tập trung, cô giáo Côi bắt đầu di chuyển đến từng bàn để dạy các học trò của mình. Chẳng ai bảo ai, mỗi người lại tự mở sách vở, tiếp tục hoàn thiện bài học của mình. Đôi mắt họ ánh lên vẻ háo hức, chờ mong cô giáo đến bên giảng bài cho mình. 

Ở lớp của cô Côi, các học trò không học theo một lộ trình cụ thể nào. Mỗi người sẽ có một chương trình riêng phù hợp với năng lực của mình. Dù điều ấy mất thời gian hơn, mất công sức hơn so với dạy tất cả học sinh cùng một bài, song cô Côi không nề hà vất vả. Cô nhớ tiến độ của từng học sinh, nhớ rằng buổi hôm nay học sinh này đã học đến bài nào, đã thuộc những chữ nào, đã thạo phép toán gì…

Cô Côi chia sẻ với chúng tôi về phương pháp dạy học của mình: “Ở lớp tôi, dạy chung chương trình là rất khó bởi có bạn học trước, bạn học sau, bạn tiếp thu nhanh, bạn tiếp thu chậm. Bởi thế, mỗi học sinh đều được tôi dạy theo một chương trình riêng. Các bạn phải chắc kiến thức phần trước thì tôi mới dạy đến những phần sau”.

Cô Côi đến gần anh học trò trạc tuổi thiếu niên, nhẹ nhàng hỏi:

- Số liền trước số 69 là số nào?

- Con không nhớ…

- Con mở lại bài học hôm trước rồi trả lời cô.

Xem cô Côi dạy học trò, chúng tôi như được trở về thời tuổi nhỏ, khi còn được các cô giáo cầm tay chỉ từng con chữ. Bàn tay nhăn nheo dịu dàng cầm lấy bàn tay cứng cáp, vụng về của cậu học trò lớn tuổi, dạy cậu viết những con số cơ bản. Chỉ khi học trò viết đúng, cô mới yên tâm đến giảng cho học trò khác. 

Không chỉ lấp đầy cho học trò những khiếm khuyết về tri thức, cô Côi còn bù đắp cả những tổn thương, thiếu thốn tình cảm cho các học trò. Những khi trái gió trở trời, học sinh đột nhiên ngất đi, cô lại kiên nhẫn xoa bóp, bấm huyệt để học sinh tỉnh lại. Những khi học sinh phát bệnh, mất kiểm soát hành vi, cô Côi kiên nhẫn dỗ dành, tâm sự để các bạn ổn định trở lại. 

“Tôi vừa là bác sĩ, vừa là cô giáo của các bạn. Để dạy những trò đặc biệt này, tôi cũng cần tìm hiểu bệnh lý của các bạn để biết cách phản ứng khi học sinh mất kiểm soát. Trò nào, bệnh nào, tâm lý ra sao tôi đều biết và sẽ trao đổi với phụ huynh khi cần thiết”, cô Côi tâm tình. 

Em Ngọc Phúc (31 tuổi) là lớp trưởng của Lớp học Linh hoạt. Phúc đến với “Lớp học linh hoạt” từ năm 2020, đến nay đã gần bốn năm. Nhìn chàng trai với vóc dáng cao lớn, trò chuyện nhanh nhẹn, ít ai nhận ra em mắc bệnh thiểu năng, chậm phát triển. Phúc theo học cô Côi đã lâu nhưng vẫn chưa thạo đọc viết, tính toán. Em Phúc chia sẻ với chúng tôi: “Em đi học lớp cô Côi 3 4 năm nhưng chưa được tốt nghiệp. Học với cô rất vui, có những lúc cô mắng nhưng em vẫn yêu cô”. 

Có những người 3 4 năm chưa thuộc mặt chữ, có những bạn học đi học lại một vần trong nhiều tháng, có cả những trò biết viết chữ nhưng mãi không thạo tính toán… Để dạy dỗ những học sinh khiếm khuyết như vậy suốt nhiều năm qua là cả một hành trình dài được vun đắp bởi tình yêu và tâm huyết với nghề của cô giáo U80. 

30 năm làm “người mẹ thứ hai” của trẻ khuyết tật

Trò chuyện với cô Côi, chúng tôi khỏi ngưỡng mộ trước tâm huyết của cô với học trò. Ít ai ngờ rằng, bà giáo với vóc dáng nhỏ bé ấy đã dành biết bao tâm huyết, không ngại biết bao vất vả để lập nên” Lớp học linh hoạt”. 

Cô Côi bồi hồi nhớ lại những ngày đầu mở lớp. Xuất phát từ tình yêu thương cho con trẻ, cô “đi tận ngõ, gõ từng nhà” để tìm kiếm những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, chưa có cơ hội cắp sách đến trường. Cô tâm sự: “Những ngày đầu mới mở lớp, tôi phải tự đi tìm học sinh. Tôi cố gắng nắm bắt hoàn cảnh của từng gia đình và đến tận nhà tâm sự, trò chuyện với cha mẹ học sinh. Tôi tìm đến cả những nhà thuyền trên sông Hồng, tìm các trẻ bán báo, đánh giày để động viên các con đi học”.

Hành trình thành lập lớp của cô Côi đã mất rất nhiều thời gian, công sức. Đến khi lớp đã vào quy củ, có học sinh đến đều đặn thì lại xuất hiện những thử thách khác cho cô Côi. Dạy trò bình thường đã nhiều mệt mỏi, dạy trò khiếm khuyết về trí tuệ lại càng khó khăn, vất vả hơn gấp nhiều lần.  

Khi được hỏi về những học trò “bất hảo”, cô Côi liền chỉ tay về phía một cậu học trò cao lớn ngồi cuối lớp. Cô thủ thỉ với chúng tôi, cậu học trò đó là Việt, năm nay đã ngoài 20. Việt là học trò “nghịch” nhất lớp, thời gian đầu hành vi của em rất mất kiểm soát, không ít lần tỏ thái độ chống đối. Có những lúc lời nói của Việt rất khó nghe, thậm chí chửi bậy ngay trước mặt cô giáo. 

Việt có bản tính hung hăng, hay trêu ghẹo các bạn, “cứ nhìn đểu là đánh”. Không ít lần cô Côi phải nhắc nhở Việt vì em hay tự ý ra khỏi chỗ, nói chuyện riêng với các bạn khác. Để cảm hóa học trò, cô Côi đã rất nhiều lần tâm tình với Việt, phân tích đúng sai để trò biết kiềm chế cảm xúc của mình. 

“Với những trò như vậy, cần nghiêm khắc nhưng cũng cần tinh tế, tình cảm để các bạn nhận ra lỗi sai. Nhiều lần tôi tâm sự với Việt, nhắc nhở em về hoàn cảnh gia đình, thấy cha mẹ vất vả thì phải biết thương yêu, biết nỗ lực cố gắng”, cô Côi chia sẻ.

Bên cạnh những học trò thiểu năng trí tuệ, “Lớp học linh hoạt” của cô Côi còn có cả những học trò có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện đi học. Hồng Ánh - cô bé nhỏ tuổi nhất lớp là một học trò như thế. Hồng Ánh năm nay 6 tuổi, vừa đủ tuổi đi học lớp 1 nhưng lại thiếu giấy tờ nên không thể đến học tại trường công lập.

Cô Côi vừa kể, vừa nhìn học trò nhỏ với ánh mắt xót xa: “Hồng Ánh là học sinh của lớp từ đầu năm nay. Gia đình Ánh hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ chia tay, sau đó mẹ đi bước nữa. Ánh không được vào trường tiểu học như các bạn nên tôi nhận em vào dạy cho biết mặt chữ, sau này sẽ giới thiệu em vào các trung tâm để tiếp tục học lên cấp 2, cấp 3”.

Trong suốt những năm gắn bó với trẻ khuyết tật, không ít lần cô Côi bỏ tiền túi để mua sách vở, dụng cụ học tập cho các em, liên hệ các tổ chức thiện nguyện để giúp đỡ học trò của mình, thậm chí có những khi thuê người giúp việc để làm việc nhà, còn mình đi dạy miễn phí. Suốt hơn ba mươi năm, từ trước khi nghỉ hưu đến hiện tại, cô vẫn luôn cần mẫn mỗi ngày để mang con chữ cho học trò.

 

Chúng tôi không khỏi thắc mắc, không hiểu vì sao người phụ nữ nhỏ bé ấy lại có nhiệt huyết lớn lao đến thế với trẻ khuyết tật. Cô Côi cười, đáp lại: “Tôi làm vì cái tâm của mình. Cũng nhiều người thắc mắc sao lại phải mất thời gian thế, già rồi thì nên nghỉ ngơi. Có cả những người chê tôi “dở hơi”, “bao đồng”... Nhưng tôi kệ họ thôi, tôi cứ làm việc thiện theo cách của mình”.

“Chỉ cần tụi trẻ biết đọc, biết viết là tôi mãn nguyện”

Chính nhờ tình yêu và sự kiên trì của cô giáo Côi, những học trò dần được mở mang kiến thức, tư duy rõ ràng hơn, không còn quá chậm hiểu, mù mờ. Trong lớp học, các anh lớn ngồi sau, các em nhỏ ngồi trước, tất cả học trò đều ngoan ngoãn nghe cô giảng bài. Cứ thế, không biết bao nhiêu thế hệ học trò trưởng thành ở lớp cô Côi, có cả những em sau này thành tài, thi đỗ Đại học. 

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, một số phụ huynh tặng quà, biếu tiền nhưng cô Côi đều không không nhận. Tất cả những số ttiền quyên góp sẽ được cô Côi sử dụng để mua sách vở, dụng cụ học tập cho học trò. Với cô, chỉ cần học trò ngoan ngoãn vâng lời cô, biết đọc biết viết là đã vô cùng mãn nguyện. 

Chị Thanh Thủy (sinh sống tại phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội) là phụ huynh có con theo học tại lớp. Từ ngoài cửa lớp, chị chăm chú quan sát con gái Trang Anh của mình học bài. Hôm nay, chị đến lớp vì cô giáo phản ánh con gái học không tập trung, nghịch ngợm trong giờ. 

Chị Thủy không giẩu nổi sự xúc động, biết ơn với tấm lòng của cô giáo: “Con tôi năm nay đã 9 tuổi nhưng không thể đến trường tiểu học vì thiếu giấy tờ. Để con như vậy tôi rất xót xa, may mà có cô Côi dạy con biết đọc, biết viết. Cô Côi nhiệt tình lắm, dù dạy miễn phí nhưng vô cùng sát sao, quan tâm tới học trò. Con có bướng, không chịu học bài, tiếp thu chậm… cô cũng sẽ thông báo ngay với tôi. Trên đời rất hiếm người như thế. Chỉ ước cô có nhiều sức khỏe để tiếp tục dạy dỗ, giúp cho trẻ khuyết tật và trẻ khó khăn như con tôi được nên người”. 

Ở lớp, học trò cũng rất yêu cô Côi. Các trò không ngại bày tỏ tình cảm với cô, gọi cô là “mẹ Côi” như một người mẹ thứ hai. Chẳng có khoảng cách nào giữa cô giáo và các học trò của mình, tất cả gắn bó tựa một gia đình ruột thịt.

Không học phí, không roi vọt, không phân biệt - 3 chữ không ấy đã đi theo “Lớp học Linh hoạt” trong suốt 30 năm qua. Cô Côi tâm niệm, còn sức khỏe là còn dạy chữ, còn giúp đỡ trò khuyết tật, còn tiếp tục làm việc thiện cho đời. 

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN