(Sóng trẻ) - Ngôi làng cổ Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, mà ở đây còn lưu giữ loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo là điệu múa “Con đĩ đánh bồng". Ông Triệu Đình Hồng (73 tuổi), nghệ nhân múa trống bồng cuối cùng làng Triều Khúc – người được dân làng truyền tụng qua câu thơ “Thân giai làm đĩ đánh bồng, làng này còn mỗi tay Hồng ấy thôi” sẽ cho chúng ta hiểu rõ về điệu múa này.
Con đĩ đánh bồng (hay còn gọi là múa Bồng) là điệu múa cổ nhất đất Thăng Long. Ra đời cách đây 12 thế kỷ, múa Bồng có ở nhiều nơi nhưng không đâu múa đẹp bằng làng Triều Khúc.
PV: Được biết, ông đến với điệu múa trống bồng từ rất sớm và hiện nay, ông là nghệ nhân múa cuối cùng làng Triều Khúc. Vậy ông có thể chia sẻ về cơ duyên ông đến với điệu múa này?
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng: Điệu múa trống bồng của chúng tôi ra đời từ thế kỉ thứ VII, VIII. Và riêng tôi năm lên tám, lên chín, khi còn là cậu bé quần đùi, áo may ô, tôi đã chạy theo các bậc cha anh đi học điệu múa này. Lúc đó là cuộc kháng chiến chống Pháp vừa thành công, đất nước vừa giải phóng, tôi đã nuôi niềm ao ước về điệu múa từ thời đó. Và khi tôi trưởng thành 20 tuổi, được các cụ trong làng vận động cho vào đội múa, tôi đã say mê, luyện tập ngày đêm trở thành một nghệ nhân múa trống bồng giỏi, thứ nhất là phục vụ Thánh, thứ hai là phục vụ các hội hè.
Có thể nói cho đến giờ được múa trống bồng, được mê say trong điệu múa tôi thấy mình rất may mắn khi có được điệu múa cổ của dân tộc. Cha ông mình đã sáng tạo nên một điệu múa như thế mình được học hỏi, được chọn mặt gửi vàng mới được tham gia thì tôi thấy rằng múa con đĩ đánh bồng đã lựa chọn tôi như một câu nói cái nghề chọn người và với tôi cũng là thế.
PV: Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa điệu múa trống bồng và điểm làm nên nét độc đáo, khác biệt điệu múa này với điệu múa khác?
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng: Điệu múa trống bồng này mang tính chất độc đáo, không như các điệu múa khác, đặc biệt là các điệu múa tuổi trẻ hiện nay. Múa trống bồng có nét riêng, duyên dáng, uyển chuyển, có tình người của con người đồng bằng Bắc bộ thời xa xưa. Thường thường, người ta nói câu cửa miệng “lẳng lơ như con đĩ đánh bồng”. Tại sao lại lẳng lơ? Là vì điệu múa này là trai giả gái để múa, nó độc đáo và khác biệt hơn các điệu múa trống bồng trên toàn quốc.
Đâu chỉ có vậy, không điệu múa nào có động tác đặc biệt như múa trống bồng. Động tác vừa manh mẽ, dứt khoát lại có trong đó sự uyển chuyển, mềm mại. Tay đưa lên, chân khua lại, tay hạ xuống chân khua ra, phải phối hợp làm sao để tay chân mềm mại, để dài lụa tung tăng gắn bên hông tung tăng trong gió. Điểm khác nữa là múa trống bồng theo cặp, phải phối hợp làm sao để cả hai người không thị chệch nhịp, người bên nọ người bên kia như thế là múa hỏng. Bởi vậy mà đâu phải ai cũng múa được trống bồng, ngày xưa tuyển múa là vinh hạnh của cả làng.
Múa trống bồng là điệu múa độc đáo khi giai giả gái uyển chuyển múa kết hợp nhịp nhàng giữa tay và chân
PV: Tên điệu múa khá “lạ” và “độc”, “Con đĩ đánh bồng”, vậy bị gọi là “con đĩ”, ông có bao giờ cảm thấy chạnh lòng?
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng: Tôi rất cảm động với câu nói dân gian, con đĩ là gái mà, là nữ giới, chứ không phải con đĩ là làm việc này, việc kia. Mà đã là con gái là từ đầu tới chân toát lên vẻ nữ tính.Vì vậy, trước khi múa, người nghệ nhân là nam giới phải trang điểm, mặc váy vó như một người phụ nữ. Đây cũng là điều làm nên nét độc đáo của điệu múa này.
PV: Vậy là gần như cả cuộc đời ông gắn bó với điệu múa trống bồng, thành công gặt được không phải là ít, nhưng có bao giờ ông cảm thấy khó khăn trong việc theo đuổi con đường này?
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng: Cái thuận lợi của điệu múa này là để hầu thánh, nên dễ gọi người vào ngày lễ hội. Còn khó khăn nhất của chúng tôi là về trang phục, vì đây là điệu múa không chuyên, không có ai bảo trợ. Phấn son, quần áo, đạo cụ tôi đều phải tự chuẩn bị. Thêm khó khăn nữa là khi ra nài, không gọi được người biểu diễn, vì đặc thù làng Triều Khúc là một làng nghề cổ, họ kiếm được nhiều tiền từ làm nghề truyền thống, mà khi đi biểu diễn thì sẽ phải mất rất nhiều thời gian của họ.
Những bộ trang phục múa bồng cổ vẫn được ông Hồng cẩn thận cất giữ mặc dù chúng đã cũ xước, sờn rách
PV: Vâng, thưa ông nhiều môn nghệ thuật truyền thống khác có nhiều hoạt động bảo tồn, gìn giữ như mở lớp đào tạo thế hệ kế cận, vậy hiện giờ ông có đang mở lớp dạy múa nào cho các thế hệ trẻ trong làng không?
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng: Từ ngày được dân làng bổ nhiệm là người đứng đầu của một đơn vị múa cổ truyền, chưa gọi là chủ nhiệm câu lạc bộ như bây giờ, thì ước mơ của tôi đã là ước mơ cao đẹp, trọn vẹn cả cuộc đời tôi. Tôi đã rất cố gắng đưa điệu múa này vào các trường cấp một, cấp hai, trung học phổ thông Tân Triều, dạy từ 2010, và đến nay tôi đã dạy được sáu khoá với sự giúp đỡ của nhà trường. Mặc dù khó khăn chồng chất, nhưng niềm say mê của tôi thắng tất, không bao giờ tôi từ bỏ.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, các môn nghệ thuật truyền thống không ai còn mặn mà, nhất là các bạn trẻ, ông nghĩ sao về ý kiến này?
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng: Với tôi nghệ thuật truyền thống của dân tộc luôn là một cái gì đó thiêng liêng không thể đong đếm bằng giá trị tầm thường. Ví như điệu múa "Con đĩ đánh bồng" của làng Triều Khúc chúng tôi vừa có giá trị lịch sử vừa phục vụ việc nghi lễ hầu thánh nên nó càng được nâng lên một tầm cao mới.
Giới trẻ hiện nay các cháu cứ chạy theo mốt mà không để ý đến những gì cha ông ta đã truyền đời, thật đáng buồn về điều đó. Nhưng tôi tin rằng những môn nghệ thuật truyền thống như múa trống bồng hay các giá trị văn hóa truyền thống khác vẫn sẽ luôn được bảo tồn trong cuộc sống này.
PV: Trong tương lai, ông mong muốn điệu múa trống bồng sẽ phát triển như thế nào?
Nghệ nhân Triệu Đình Hồng: Trong tương lai, Uỷ ban Nhân dân xã Tân Triều và phòng Văn hoá và Thông tin đang cố gắng làm hồ sơ để điệu múa trống bồng vào danh sách di sản phi vật thể Quốc gia, để giá trị điệu múa được bảo tồn chặt chẽ hơn bây giờ.
Người nghệ nhân vẫn luôn đau đáu nỗi niềm truyền dạy điệu múa cổ đến với nhiều người trẻ
Tôi lúc nào cũng mong muốn làm sao để nhiều các cháu trẻ hứng thú với điệu múa của dân tộc, của dân tộc, bảo tồn và phát triển nó. Bản thân tôi đã mấy chục năm theo múa bồng, sống cùng nói cho đến giờ việc làm mà tôi mong ước nhất đó là có thể truyền thụ cho càng nhiều vốn cổ của dân tộc cho các cháu trẻ tuổi càng tốt. Thời gian cho tôi không còn nhiều mong sao các cháu trẻ hiểu được tìm đến múa bồng như một cách để tìm về với nguồn cội, với cha anh, với hồn cốt dân tộc vô cùng thiêng liêng.
Vâng. Xin cảm ơn ông về buổi gặp gỡ và chia sẻ ngày hôm nay. Chúc ông luôn có một sức khỏe tốt để có thể gắn bó và đưa điệu múa bồng phát triển hơn nữa trong tương lai!
Bài, ảnh và thiết kế: Công Bắc
“Con đĩ” đau đáu gìn giữ điệu múa cổ đất Thăng Long
(Sóng trẻ) - Ngôi làng cổ Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) không chỉ nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt, mà ở đây còn lưu giữ loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo là điệu múa “Con đĩ đánh bồng". Ông Triệu Đình Hồng (73 tuổi), nghệ nhân
Video
5 năm trước