(Sóng trẻ) - Sáng ngày 13/11, trang tin điện tử Sóng trẻ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với hai khách mời Nguyễn Chí Nam - nguyên phóng viên báo Quân Đội và Nguyễn Hạnh Hà My – người sáng lập ra câu lạc bộ Phượt Radio, với chủ đề “Đi Phượt bạn sợ gì?”, tại phòng 101 tòa nhà B11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Kính mời quý độc giả quan tâm, theo dõi và đặt câu hỏi về chương trình.

06a47f8fc_a1.jpg
Hai vị khách mời Nguyễn Chí Nam và Nguyễn Hạnh Hà My đang trả lời câu hỏi tại buổi giao lưu

Chương trình Giao lưu trực tuyến "Đi Phượt bạn sợ gì?" có sự tham dự của Thạc sĩ Trần Phương Lan - Trưởng ban biên tập trang tin điện tử Sóng trẻ; Thạc sĩ, nhà báo Phạm Quý Trọng, Ban tuyên giáo Trung Ương, các bạn đến từ câu lạc bộ phượt Radio và đông đảo các bạn sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Giao lưu trực tuyến

Trong những chuyến đi phượt của mình thì điểm dừng chân nào gây cho anh nhiều xúc cảm nhất? (Thu Hương, 24 tuổi, Hà Nội)

Chí Nam (CN): Mỗi vùng miền với những đặc trưng riêng đều đem lại cho mình rất nhiều những cảm xúc khác nhau. Miền Trung và miền Nam thì khá xa nếu các bạn muốn đi, nhưng ở những địa điểm đó lại có rất nhiều điểm thú vị. Khu vực miền Bắc thì hiện tại đang rất "hút" với dân phượt cũng như những người yêu thích đi du lịch. Nơi để lại trong mình nhiều xúc cảm nhất là Cao nguyên đá Đồng Văn, bởi ở đây có cảnh đẹp hoang sơ, tự nhiên và có nền văn hóa lâu đời.

Tại sao chị lại đặt tên nhóm Phượt của mình là Phượt Radio?

Hà My (HM): Bản thân mình thấy bén duyên với phượt qua những chuyến đi, tạo cho mình đam mê để làm 1 sản phẩm gì đấy cho những người bạn và cho chính mình, cho cộng đồng du lịch bụi. Từ đó, mình đã thai nghén để thành lập Phượt Radio.

Có 2 ý kiến cho rằng đi phượt là để hành xác và giải thoát tâm hồn, vậy chị định nghĩa như thế nào về việc đi phượt? (Thanh Mai, 29 tuổi, Hà Nội)

CN: Trước tiên, theo mình "hành xác" hay không là do tự bản thân mình quyết định. Với mình "Phượt" là sự chủ động về thời gian, tiền bạc và nhiều yếu tố khác nữa. Cái quan trọng nhất vẫn là sự chủ động về cảm xúc. Và vào thời điểm này, ai cũng ganh đua nhau để đi để thể hiện vì vậy chưa chắc đi phượt đã là đi để hành xác.

Giải thoát tâm hồn theo mình hiểu đi để chạm vào con người, cảnh quan đất nước. Khi đã chạm được vào chúng rồi, mọi thứ nỗi buồn, cá nhân mình đều rất nhỏ bé.

Hình thức phượt dành cho những ai? Xin mời chị My? (Hải Vân, 27 tuổi, Hà Tĩnh)

HM: Với mình thì suy nghĩ rất đơn giản, phượt là hình thức di chuyển chủ động về mặt thời gian. Bất cứ ai có thể đi phượt được nếu có sự chuẩn bị về thời gian. Phượt không giới hạn đối tượng, bạn cứ nghĩ phượt là hình thức khám phá du lịch bình thường thôi.

135511505_a1.jpg
Rất đông khán giả có mặt theo dõi chương trình giao lưu trực tuyến

Sau một số câu hỏi đầu tiên, MC đưa khách mời và các khán giả trong trường quay vào phần chính của buổi giao lưu - "Đi phượt bạn sợ gì?" bằng một clip phỏng vấn nhanh.



Khi mới bắt đầu đi phượt thì anh chị có cùng chung nỗi lo sợ như những bạn trẻ trong clip chương trình đã chuẩn bị không? 

CN: Khi mình bắt đầu đi mình sợ rất nhiều thứ, nhưng khi đi nhiều mình cũng bớt sợ. 

Với mình, nỗi lo khi đi phượt chỉ là lo sợ về những rủi ro bất ngờ xảy ra trên đường đi. Kỉ niệm đáng sợ đối với mình có lẽ là những chuyến leo núi vì phải trải qua rất nhiều khó khăn. Bắt đầu cuộc hành trình rồi mới thấy hối hận vì bản thân đã không có những chuẩn bị tốt về sức khỏe để đi. Nhưng khi đối mặt với những khó khăn như vậy thì bạn bè của mình đã luôn giúp đỡ để mình vượt qua khó khăn và những sợ hãi đó. Bình thường, mình có thể sợ nhiều thứ nhưng khi đối mặt với nó, mình sẽ luôn tìm ra được cách để vượt qua.

Càng ngày trải nghiệm khiến mình vượt qua được hết. Thậm chí chuyến đi của mình nếu không có thử thách thì với mình là thất bại. Bây giờ thì mình đã có đủ tự tin để đi rừng - những nơi có địa hình hiểm trở.

HM: Ban đầu mình sợ không được đi, còn những thứ kia (sợ ma, sợ bỏ bùa, sợ gặp cướp, sợ bị tai nạn....) mình không sợ gì cả. Mình đến nỗi rất cuồng, mình có cảm giác là lúc nào cũng có thể đi được. Lúc nào bản thân cũng cảm thấy thiếu đi, rồi mình vạch ra những điểm mốc, những nơi mà mình chưa đặt chân tới, những địa điểm cần được khám phá và cố gắng chạm được đến những điểm mốc do chính mình đặt ra. 

Nhưng sau đấy 1 thời gian, sau khi đã trải qua những chuyến đi, bước qua vô vàn khó khăn cùng những người bạn thì mình nhận ra có rất nhiều rủi ro có thể xảy ra khi đi phượt, những rủi ro đó còn đáng sợ hơn là việc mình không được đi. Các bạn sẽ có nhiều nỗi sợ như sợ tai nạn, vì những người bạn không hợp tính mình, sợ đói, sợ ma, sợ lạnh, rét... Nhưng nó cũng tồn tại hết sức tự nhiên giống như cuộc sống của mình vậy, các bạn phải luôn có sự chuẩn bị để tránh những rủi ro không may sẽ xảy đến, phải có thật nhiều phương án để dự phòng và khi đó nỗi sợ không phải là rào cản chuyến đi của các bạn nữa.

Em bị gia đình cấm không cho đi phượt bởi bố mẹ em cho rằng đi phượt rất nguy hiểm? Chị Hà My có cách nào giúp em thuyết phục được bố mẹ không ạ? (Hoài Thu, 23 tuổi, Lạng Sơn)

HM: Bản thân mình cũng như bạn. Gia đình mình truyền thống, thời gian đầu đi phượt không dám nói cho bố mẹ bởi biết là bố mẹ nhất định sẽ không cho mình đi vì sợ con gái đi nguy hiểm. Nhưng sau đó, bố mẹ cũng biết đến hiểu được sự đam mê của mình và các lợi ích của việc đi phượt nên yên tâm hơn không còn phản đối kịch liệt thời gian đầu nữa. Nếu trong trường hợp gia đình không ủng hộ thì các bạn hãy tạo niềm tin cho bố mẹ. Sau một thời gian bố mẹ sẽ hiểu và đồng ý với các quyết định của bạn.


d239e50bd_a2.jpg
"Khi mình bắt đầu đi mình sợ rất nhiều thứ, nhưng khi đi nhiều mình cũng bớt sợ."

Ở Việt Nam hiện nay, Phượt đang dần trở thành như một xu hướng, hàng trăm nhóm phượt được lập ra, trong các nhóm phượt đó có những người “đi phượt” đích thực và có những người đi du lịch đơn thuần nhưng vẫn nghĩ mình là một “phượt thủ” nên những biến tướng của Phượt rất nhiều. Vậy anh Nam có thể giải thích cho tôi biết được sự khác nhau giữa đi phượt và đi du lịch được không? Tôi xin cảm ơn! ([email protected])

CN: Phượt là sự chủ động, bạn sẽ phải lo nhiều thứ, không có ai lo cho bạn việc ăn uống, nhà nghỉ, khách sạn như đi du lịch. Nhiều bạn trẻ muốn được coi như đi phượt nhưng lại mong muốn có người lo cho ăn uống và đi lại. Họ lập ra các nhóm phượt, phó mặc cho các bạn leader (trưởng đoàn), coi họ như bảo mẫu phải lo cho mình hết việc ăn nghỉ đi lại nên khá thụ động. Người đi phượt cần chủ động trong tất cả khâu chuẩn bị từ ăn gì, nghỉ ở đâu, đi những đâu, mang theo những gì,... còn đi du lịch theo tour thì người đi không cần chuẩn bị nhiều lắm về các thứ đó.

Tiếp tục buổi giao lưu trực tuyến, hai khách mời được xem một clip câu hỏi tình huống. Trong clip đó, một đôi bạn trẻ đang chuẩn bị cho một chuyến đi phượt nhưng không biết phải mang theo những vật dụng gì để đi phượt.


Trong một chuyến đi dài, theo anh (chị) người đi phượt cần chuẩn bị kỹ nhất về điều gì? Phương tiện đi lại, tâm lý, sức khỏe, hay là tài chính? 

CN: Cái quan trọng nhất khi đi phượt là mang tiền. Thứ 2 là mình phải có sự hiểu biết về địa điểm đó. Khi bạn hiểu về địa điểm đó bạn sẽ biết phải mang gì. Còn về đi phượt thì cần những gì? thì hiện nay với sự phát triển và phổ biến của công nghệ, bạn có thể search những từ khóa  như “đi biển cần gì?”, “đi leo núi cần gì?”. Bước đầu, các bạn sẽ hình dung được mình cần những gì cho chuyến đi. Sau đó, nếu còn chưa yên tâm thì có thể hỏi những người có kinh nghiệm hơn để chuẩn bị tốt hơn.

Ví như, bạn mình 1 lần đoàn của mình đi biển, giao cho các chị trong đoàn chuẩn bị đồ ăn cho cả đoàn, các chị mang 1 thùng đầy 4,5kg thịt lợn và rất nhiều xúc xích. Thực tế, mang như vậy sẽ khá bất tiện và chưa hợp lý. Đi biển thì nên ăn đồ hải sản, đó là theo quan điểm của mình.

Chị có nghĩ con gái đi phượt thì sẽ xuống sắc? ([email protected])

HM: Các bạn có thấy mình xuống sắc không? (cười) Đi phượt các bạn sẽ phải đi xa, dài ngày, chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết. Đặc biệt là đi “hành xác” sẽ tác động xấu đến cơ thể mình, nhưng mình chấp nhận những sự đánh đổi nếu bạn thấy nó xứng đáng. Nếu các bạn lo da mình có thể bị đen thì có thể chuẩn bị cho mình một tuýp kem chống nắng, các dụng cụ bảo hộ chuyên dùng cho đi phượt, vừa có thể đảm bảo an toàn cho bạn, vừa có thể hạn chế những tác nhân từ bên nài có thể khiến bạn xuống sắc…

Tốt nhất bạn nên chuẩn bị đầy đủ mọi thứ bản thân cần cho một chuyến đi. Nếu bạn lo rằng đi phượt làm cho bản thân bạn xấu đi, xuống sắc thì bạn hãy nghĩ rằng khi đi phượt bạn sẽ được hiểu nhiều điều hơn trong cuộc sống, sẽ được nhiều hơn mất. Vẻ đẹp người con gái lúc này không nằm ở nại hình mà nằm ở sự hiểu biết và trái tim rộng mở.

6f0bfc78e_a4.jpg
Phượt thủ Hà My trả lời câu hỏi từ độc giả gửi về

Nếu bị lạc đoàn, và ở một nơi hoang vắng thì cần những kỹ năng sinh tồn nào? (Bảo Anh, 20 tuổi, ĐHQGHN)

CN: Ở dưới đồng bằng thì mình chưa gặp tình trạng bị lạc đoàn bao giờ. Nếu xảy ra thì mình sẽ được sự hỗ trợ từ phía những người dân. Ở vùng núi thì khó khăn hơn vì trên ogle Maps thường không hiển thị đường đồi núi và kênh rạch. Vậy nên, khi bạn gặp  tình huống như thế này thì tất cả những cách ứng biến đều phụ thuộc vào bản lĩnh của bạn, nó có đủ lớn, đủ mạnh để vượt qua không? và vượt qua thế nào?

Khi bị lạc đoàn thì việc đảm bảo nguồn thực phẩm cho mình cũng vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng nhất vẫn là bạn có nước để uống. Nước sẽ giúp bạn tồn tại được một thời gian nhất định, ít nhất là khi bạn có thể tìm ra một cách nào đó để giải quyết tình huống của mình. Nếu không thể tìm được cách giải quyết thì bạn buộc phải tìm xuống chân núi để nhờ người dân giúp đỡ.

Vào khoảng một năm trước, có một vài người trong đoàn Phượt đã bị lạc ở Tam Đảo, các phượt thủ khác trong đoàn đã phải xuống núi nhờ dân quân lên hỗ trợ.

Món ăn đặc thù của dân phượt là món nào ạ?

HM: Món mỳ tôm là món bất hủ mà bất cứ dân phượt nào cũng phải ăn, rồi đến lương khô, sau đó là nước khoáng pha xê sủi. Mỗi lần đi núi mình phải uống cái đấy khiến mình khỏe hơn. Nhưng đến lúc về nhà thì buồn nôn không thể uống được loại nước này. Trong khi đi phượt thì phải tranh giật để tránh cái đói, tức là dù không muốn ăn mỳ tôm với lương khô thì cũng cố gắng ăn để đỡ đói. Còn món ăn nhiều phượt thủ làm trong chuyến đi là thịt ốp ống bô. Mình thì không khoái những món lạ như vậy, bởi mình rất sợ thịt không chín nên mình không ấn tượng lắm.

CN: Mình cũng chưa bao giờ thử món thịt ốp ống bô. Mình cũng không thấy khoái lắm. Còn các món ăn dân phượt hay ăn là những món mà Hà My đã kể.

Trên báo điện tử Vietnamnet ngày 3/12/2013 có một bài viết của độc giả Nguyên Hùng  với tiêu đề: Không dám yêu gái “phượt” vì quá bạo dạn.

Trong bài viết này, độc giả Nguyên Hùng đã chia sẻ rằng ôm của anh là một cô gái chưa gặp lần nào, nhưng khi bắt đầu hành trình thì cô gái tỏ ra rất tự nhiên, vòng tay ôm eo, ngủ chung lều, và có một số hành động như ôm hôn, sau đó còn coi như độc giả Nguyên Hùng như người yêu của mình. Sau chuyến đi thì chủ động mời đi chơi, đi café nhưng độc giả cảm thấy cô gái này quá dễ dãi nên đã từ chối.”

Qua câu chuyện này thì anh chị có suy nghĩ gì về cặp “xế - ôm” này? Anh, chị nghĩ sao về cô gái trong câu chuyện đó? (Mai Phương Thúy, 29 tuổi, Thanh Hóa)

HM: Khi đi phượt thì khung cảnh thiên nhiên rất là nên thơ, lãng mạn. Một cơn mưa, mặc chung áo mưa, hay đơn giản là ngồi trên 1 xe cũng rất dễ nãy sinh tình cảm giữa người với người. Mình thì nghĩ cảm xúc tự nhiên nó đến qua một cuộc hành trình. Tuy nhiên, các bạn đừng để tình cảm bất chợt đó đánh lừa chính mình. Qua quá trình tìm hiểu nhau, bạn mới nên đi tới quyết định quan trọng hơn. Bạn sợ điều gì thì hãy tìm nó để tránh điều đấy.

CN: Mình nghĩ nó không chỉ nằm ở tình cảm. Bạn gái có sự chủ động quá mức như vậy, bạn hiểu là khi đi phượt mình cũng gặp mọi thể loại người trong xã hội như người xấu, người tốt, lưu manh. Không phải ai mình cũng kết thân được. Các bạn phải tìm hiểu xem họ như thế nào, để xem tính cách như thế có thể chấp nhận họ cùng mình trong một chuyến đi không? Các bạn đừng lấy một chuyện cá nhân để đánh giá con gái đi phượt thiếu sự nữ tính, bạo dạn quá. Con gái hay con trai đi phượt đều có mục đích riêng không chỉ là giao lưu, kết bạn.

c1c7e7a54_a5.jpg
Các khán giả chăm chú theo dõi buổi giao lưu trực tuyến

Em thấy trên các diễn đàn, nhiều bạn nữ chia sẻ về vấn đề bị quấy rối tình dục khi đi phượt? Làm sao để khi đi phượt có thể tránh được trường hợp này? ([email protected])

HM: Vấn đề về người bạn đồng hành, nếu như các bạn có mục đích đi là để tìm hiểu văn hóa hay ngắm cảnh thiên nhiênhay đi để khám phá thì sẽ không xảy ra những chuyện như thế. Nhưng nếu bạn đi với một nhóm không biết tính cách của người ta thế nào thì cũng có trường hợp như vậy. Có một số câu chuyện mà các bạn chia sẻ trên diễn đàn về vấn đề quấy rối tình dục. trong cuộc sống, các bạn phải có hiểu biết nhất định để tự bảo vệ mình. Nó không có gì là quá đặt nặng trong vấn đề đi phượt.


Chào anh chị! Em có một tình huống khá tế nhị muốn nhờ anh chị giải đáp: "Em có tham gia vào một nhóm phượt, nhóm phượt của em cũng thường xuyên tổ chức các chuyến đi phượt ngắn ngày và dài ngày. Tuy nhiên, em thường xuyên cảm thấy không thoải mái vì anh leader đồng thời cũng là xế của em, hay có những hành động không đúng mực, và có những đòi hỏi hết sức vô lý. Nài em ra, một số bạn nữ khác trong đoàn cũng chuyền tai nhau rằng bị anh leader gạ gẫm. mọi người đều chưa thể nói ra vì sợ ảnh hưởng đến cả đoàn, và cá nhân em với anh leader kia sẽ rất khó xử. Vậy anh chị đã bao giờ gặp phải tình huống này hay chưa? Và em cần giải quyết như thế nào để chấm dứt việc này được ạ? Em xin cảm ơn anh chị ạ!" ([email protected])

CN: Đây là vấn đề về người bạn đồng hành. Nếu mục đích của bạn chỉ đơn thuần đi để khám phá thì sẽ không xảy ra những chuyện đó. Việc bạn chưa hiểu rõ người bạn đồng hành mà đã quyết định đi cùng trong chuyến Phượt thì mình không phủ nhận là có những sự việc như vậy. Từ câu chuyện bạn nữ chia sẻ trên diễn đàn, theo mình nghĩ các bạn gái trong cuộc sống cần có những hiểu biết để tự bảo vệ mình chứ không chỉ riêng phượt.

HM: Mình đã từng nghe tâm sự nhiều rồi, những trường hợp như này là có thật. Với tình huống của bạn nữ trong câu chuyện, mình nghĩ các bạn nữ khác khi đi phượt cần tìm hiểu trách nhiệm và quyền lợi của họ là gì? Họ chỉ có thể đòi hỏi ở mình phải làm gì hay hiệu lệnh trên đường, còn những đòi hỏi khác nài luồng những quy định chung thì mình không có nghĩa vụ, trách nhiệm phải thực hiện. Nếu mối quan hệ đấy mà bạn không nói thì bạn sẽ thiệt thòi. Đấy cũng chính là lỗi khi bạn đi cùng bạn bè của mình.

Phượt từ thiện có gì khác so với phượt thông thường? (Phạm Hằng, Xã hội học K32, HVBCTT)

CN: Khi đi quá nhiều người ta sẽ nhìn thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều mảnh đời bất hạnh và họ muốn chia sẻ một phần nào với những hoàn cảnh như vậy thì họ tổ chức, như vậy thì đi phượt từ thiện là rất đáng quý.
Đi phượt từ thiện thường gắn liền với 1 địa điểm du lịch nhưng mục đích đó không được át đi mục đích họ đi làm từ thiện.

Khi đi phượt với mục đích làm từ thiện thì chúng ta nên tìm hiểu xem ở địa điểm mình đến để làm từ thiện thì họ khó khăn về cái gì, họ thiếu cái gì và họ cần gì để hỗ trợ. Phượt từ thiện không có nghĩa là bạn có gì thì bạn cho họ cái đấy trong khả năng của mình, chứ không phải là cứ mang quần áo, bánh kẹo lên bắt họ nhận.

Hiện đang có mùa hoa tam giác mạch, anh nghĩ thế nào về việc mọi người đổ xô khi đi lên Hà Giang tham dự lễ hội này? ([email protected])

CN: Mình cũng sợ mùa tam giác mạch. Người ta gọi là bão tam giác mạch. Mình chia sẻ một câu chuyện của người đi trước của mình đã tạo ra chữ “phượt”. Mình thấy trong thâm tâm họ rất tự hào khi sinh ra điều đấy. Cái hiếm và cái quý để hiểu được điều ấy thì không phải ai cũng hiểu được. Nhiều người đi phượt với mục đích là theo trào lưu, như thế không hay, không ý nghĩ và không thú vị.

Anh nghĩ gì về việc cho kẹo trẻ con ở hai bên đường?

CN: Cho trẻ con 2 bên đường kẹo ngày xưa thì không nói, còn bây giờ thì không nên. Như tấm ảnh mới nhất của bạn ở hà giang gửi về thì mình thấy cho kẹo thì phải đến tận trường, tận nhà, nghĩa là mình phải tạo ra cần câu chứ không phải cho cái ngọn.

Anh Nam nghĩ sao về trào lưu đi xuyên Việt với 0 đồng? (Thanh Ngân, Truyền hình K32, HVBCTT)

CN: Trào lưu đi phượt 0 đồng, 1 người hay 2 người có thể làm được nhưng không nên cổ xúy cho tất cả mọi người. Đi phượt mà 0 đồng thì rất cần sự giúp đỡ của mọi người, nhất là những người dân xung quanh địa điểm phượt, mình đi là đi cho mình chứ không phải cho ai vậy sao phải nhờ vả người khác. Càng đi xa, tình người càng cao nhưng mình không nên sử dụng lòng tốt của họ để tiếp bước cho hành trình của mình vì họ nghèo lắm! Nếu mình không có tiền, mình sẽ không làm bởi mình sướng hay khổ là do mình, không nên để ảnh hưởng đến mọi người.

Đi phượt có dễ tìm người yêu không ạ? (Nguyễn Thị Thu Hà, Nghệ An)

HM: Thật ra chuyện cảm nắng ai đấy đi phượt thì cũng nhiều. bản thân mình thì là một người dễ xúc động. sự rung động, cảm động trong mỗi chuyến phượt rất là bình thường. những cảm xúc đấy giống như việc bạn cảm thấy ngọn núi này đẹp, món ăn này nn. Sự rung động, cảm nắng ấy là kỷ niệm đẹp, điều mình nhớ. Còn từ chuyện cảm nắng để đến một chuyện quan trọng hơn thì đó là vấn đề khác.

Nếu bạn đi phượt có mục đích tìm người yêu thì bạn cứ đi đi, mình nghĩ là tìm được. Nhưng mục đích của bạn muốn tìm người như thế nào, người yêu trong chuyến đi, hay post ảnh đẹp,… Mình nghĩ nó sẽ không bền, không giá trị bởi nó không xuất phát từ những điều tự nhiên nhất.

Tình yêu của chị và người yêu là phượt thủ được rất nhiều người biết tới và ngưỡng mộ. Vậy, chị có thể cho biết tình yêu của 2 phượt thủ liệu có khác gì với tình yêu khác hay không? Chị có thể chia sẻ trường hợp cụ thể về chuyện 2 phượt thủ nảy sinh tình yêu? (Thu Dung, Báo in K32, HVBCTT)

Thật ra thì tình yêu của ai cũng như ai, nó rất bình dị thôi. Với mình thì tình yêu khi đi phượt nó đến rất là tự nhiên. Giống như lúc nãy mình nói, yếu tố khách quan tác động thì trong hoàn cảnh đấy bạn sẽ bộc lộ tính cách của chính mình, mình thấy hiểu nhau hơn, mình cần nhau. Cứ những điều đơn giản sẽ giúp hai người thấy cần nhau hơn và nảy sinh tình cảm.

CN: Trong 4 năm những người bạn, người anh, người chị đi với mình thì đã có 3 đôi đã kết hôn thành gia đình, 3 đôi đã yêu nhau nhưng chắc duyên số chưa tới nên chia tay nhau. Tình yêu trong các chuyến đi phượt rất dễ đến, nhưng để đến được với nhau thì cần tới nhiều yếu tố khác nữa.


Mới đây, một nam sinh ĐH Công nghiệp qua đời trong chuyến đi phượt. Anh chị nghĩ gì về trách nhiệm của Leader trong vụ việc này? (Quang Đức, sinh viên lớp Báo Mạng điện tử K32, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

22dc3dcc2_a6.jpg
Khán giả tham dự buổi giao lưu đặt câu hỏi trực tiếp cho khách mời

CN: Cái sai sót trách nhiệm đầu tiên chia ra 10 phần thì lead phải chịu 9 phần. Khi các bạn tin tưởng đi theo đoàn mình thì mình phải có trách nhiệm. Một trường hợp xảy ra nói không chỉ ảnh hưởng đến một người mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều người: bạn bè, gia đình... Có thể người mất rồi cũng có thể có một phần sai sót nhưng mình không muốn nói nữa, còn những người khác cũng phải có trách nhiệm.

HM: Rất nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra khi đi phượt. Mình đồng ý với anh Nam, leader là người có trách nhiệm với an toàn, ngủ nghỉ cho các bạn. Bạn leader đó chưa nắm được khả năng của bạn nam, với những bạn xế non tay không nên đi những cung đường dài, nguy hiểm như vậy.

Trước khi đi có 4 người quan trọng nhất trong đoàn: thủ quỹ, người dẫn đầu (lịch trình đi như thế nào, tốc độ như thế nào), người chốt đoàn, người chạy biên (chạy tự do lúc lên lúc xuống để bao quát đoàn) để tránh trường hợp tụt người hay có chuyện gì xảy ra.

Trên báo chí có đưa thông tin về nhóm Phượt  Phong Vân đã từng nằm giữa ngã ba đường để ngủ. Chị Hà My có suy nghĩ gì về việc nằm ngủ ở ngay tại đường như thế này? 

HM: Thật ra mình không biết nhiều về đoàn của anh Phong Vân, nhưng khi mình xem các bức ảnh này thì mình đánh giá những người trong bức ảnh này thật liều lĩnh khi để cả xe và người ở giữa đường.  Mình nghĩ trên đường có xe đi qua lại là một điều tất yếu, nhưng họ không lường trước được sẽ có xe tải đi. Bản thân mình nhiều lúc cũng không nhận thức được những điều mình sai. Những chuyện như thế thì không phải ai cũng hoàn hảo, cơ bản là bạn phải nhận thức được điều đúng điều sai.

CN: Thông tin báo chí bao giờ cũng đa chiều, đó là những cái không nên xảy ra nhưng đã xảy ra rồi. Ai cũng có một tuổi trẻ chưa hiểu biết, 3 năm là một quá trình khác xa hoàn toàn, mọi người chưa ý thức được nên đã xảy ra nhiều điều đáng tiếc. Theo mình thiện chiến nhất mà mình từng gặp, đó là những người cực kỳ dũng cảm, đó là điều mình nghĩ có thể xóa hết lỗi lầm mà đã xảy ra. Ý thức có thể thay đổi được, thật sự là bất biến rồi thì họ rất là tuyệt vời.

Tôi đã hơn 30 tuổi rồi, có chồng và có hai con. Với độ tuổi này, mình có còn đủ sức khỏe để đi nữa không? (Thu Trà, 37 tuổi, Yên Bái)

CN: Sức khỏe đối với mình ko quan trọng bằng ý chí, đam mê. Đi được hay không là do mình. Mình quen rất nhiều cô ở độ tuổi 50-60, họ vẫn đi. Vì thế, nếu bạn có đam mê thì bạn hãy sắp xếp thời gian và đi.

Được biết anh Nam đã đi nhiều nơi, vậy xin hỏi anh đã khám phá chính quê hương mình chưa?

CN: Mình quê ở Hà Nội, mình nghĩ rằng ở thời điểm hiện tại, quê hương mình dưới góc nhìn của người trẻ như vậy là đủ.

Buổi giao lưu trực tuyến đón chào thêm một khách mời đặc biệt: anh Hachi8, tác giả của cuốn sách "Bước chân Việt Nam "4 cực, 1 đỉnh". Các câu hỏi được chuyển về cho anh Hachi8.

Em được biết ở hội trường còn có nhiều phượt thủ, chủ nhân của cuốn sách “4 cực 1 đỉnh”. Anh có thể cho biết, anh đã trải qua bao nhiêu chuyến đi phượt để có thể viết lên cuốn sách "4 cực, 1 đỉnh"? (Trần Hà, 22 tuổi, Phú Thọ)

Hachi8: Mình đã đi 4 cực, 1 đỉnh, như vậy là có 5 điểm, 5 chuyến đi để hoàn thành cuốn sách. Năm chuyến đi đấy không phải là những thứ đúc kết từ kinh nghiệm, mà mình phải đi khá nhiều từ những cực của tổ quốc và các điểm khác trên tổ quốc nữa.

Chuyến đi nào là chuyến đi khó khăn nhất đối với anh? (Thanh Hảo, 26 tuổi, Thanh Hóa)

Hachi8: Địa điểm với mình nó là hoang sơ và khó khăn nhất là A Pa Chải. Quãng đường dài từ Hà Nội đến Điện Biên Phủ, ra biên giới, mình phải liên hệ với đồn biên phòng vì không có dân cư ở đây.


543efc1d8_a7.jpg
Hachi8 - tác giả của cuốn sách "Bước chân Việt Nam - 4 cực, 1 đỉnh" trả lời câu hỏi

Đi xe ga có thể đi phượt không?
 
(Hoàng Hạnh, 21 tuổi, Tuyên Quang)

CN: Theo mình xe ga, đi xe đạp, hay đi bộ 2 chân cũng có thể đi được hết nhưng quan trọng là bạn đi cung đường nào. Đi xe ga thường gầm thấp, nhiều dốc cao bị cháy phanh nên các bạn cũng nên cẩn thận.

Anh Hachi8 và anh Chí Nam là những phóng viên. Hai anh đã sắp xếp như thế nào để đi phượt dài ngày? (Ngô Văn Cường, Vĩnh Phúc)

CNHiện tại mình đang làm phóng viên của một báo về quân đội. Mình cũng làm thêm 6 -7 trang về mảng du lịch. Việc đảm bảo bài vở thì mình lên khung trước tuần này cần bài gì mình sẽ gạch đầu dòng theo đó là mở rộng bài viết.

Hachi8: Mình là cộng tác viên tự do cho một số báo về mảng du lịch nên đi du lịch cũng không ảnh hưởng gì đến việc viết bài của mình. Mình có thể chủ động về vấn đề công tác bài viết mà không bị bó buộc về số lượng tin bài.

Theo anh Hachi8 thì vừa đi phượt vừa viết bài thì có bó buộc không?

Hachi8: Bản thân mình khi đi thì mình đam mê chụp hình. Bản thân mình đi mình luôn đặt trải nghiệm và những khung hình của mình lên hàng đầu thì việc viết báo với mình không còn quá khó. Từ những chuyến đi thì mình đã kết hợp với nhau. Việc các bạn đi và trải nghiệm thì viết những bài báo hoàn toàn có thể được không có gì bó buộc cả. Thông qua bài viết, bạn có thể trải lòng mình ra trong từng câu chữ, bộc bạch tình cảm và sự hiểu biết của mình nữa. Việc vừa đi vừa viết bài là điều rất thú vị.

Xin hỏi chị My là chị đã chứng kiến tình huống đánh ghen khi đi phượt chưa ạ? (Nguyễn Trang, Báo Mạng điện tử K32, HVBCTT)

HM: Mình cũng chứng kiến nhiều rồi (cười). Mô-típ ở những trường hợp này là có 1 anh leader đẹp trai, chụp ảnh đẹp xong các cô ôm trong đoàn đều thích và họ cạnh tranh, ghen ghét nhau.

Trong các chuyến đi phượt sẽ không tránh khỏi những lúc thời tiết bất chợt mưa, anh có thể chia sẻ về bảo quản máy ảnh khi đi phượt được không ạ? ([email protected])

Hachi8: Bức ảnh là khoảnh khắc của chúng ta. Bức ảnh xuất sắc thì ít nhưng khung hình đẹp thì khá nhiều, chỉ cần nắm vững bố cục và hiểu về văn hóa của các vùng miền.

Còn về bảo quản máy móc thiết bị, sợ nhất là lúc thời tiết ẩm ướt, nên các bạn lúc nào cũng có túi bọc cẩn thận, áo mưa, nên để gần thiết bị của mình. Sau khi bạn đi trong thời tiết ẩm ướt, chúng ta có thể lấy máy sấy sấy qua thiết bị của mình. Như thế sẽ đảm bảo được thiết bị của bạn không bị ảnh hưởng.

Em muốn trở thành một leader như anh Nam, vậy em cần có những tố chất gì? (Hoài Nam, 22 tuổi, Hưng Yên)

CN: Theo mình nghĩ, khả năng biến chuyển, xử lý tình huống, linh hoạt vì do thời tiết hoặc do con người, thay đổi về lịch trình, cách đối xử tránh để xảy ra những điều đáng tiếc. Đó là điều quan trọng của một leader.

Trong tháng 12 này, theo anh thì nên đi phượt tại đâu thì thú vị nhất? ([email protected])

 Hachi8: Đi đâu để thành trào lưu thì có nhiều điểm. Tháng 12 cũng là thời điểm săn mây, lên núi, trecking; tháng 12 cũng là thời điểm hoa mận nở lác đác, hoa mơ,... Các địa điểm như Y Tý, Mộc Châu là đẹp nhất. Miền Tây thì tháng 12 là mùa nước nổi. Từ năm nay trở đi sẽ không còn mùa nước nổi nữa vì phía Trung Quốc đã chặn dòng, nước không thể nổi.

Có bao giờ anh chứng kiến tình huống bạo lực khi đi phượt? 

CN: Anh gặp rất nhiều, vì quan điểm cá nhân mỗi người đều rất khác. Chính vì thế, việc xảy ra xung đột, bất đồng quan điểm giữa các thành viên là điều khó tránh khỏi. Ai nóng tính, không làm chủ được bản thân thì sẽ xảy ra bạo lực thôi. Bởi thế, các bạn khi đi phượt cần có tính nhẫn nhịn cao, nhường nhịn mọi người trong đoàn phượt.


db1c8be09__mg_9430_meitu_1.jpg
Giảng viên Trần Thị Phương Lan tặng hoa cho khách mời của buổi giao lưu trực tuyến

Clip buổi giao lưu trực tuyến


Trải qua gần hai tiếng trong buổi giao lưu trực tuyến, nhóm tổ chức nhận được rất nhiều câu hỏi. Vì thời gian có hạn mà buổi giao lưu trực tuyến đã phải kết thúc. Những câu hỏi chưa được trả lời sẽ được chuyển đến các khách mời sau buổi giao lưu hôm nay.

Sóng trẻ

GIAO LƯU TRỰC TUYẾN: "ĐI PHƯỢT BẠN SỢ GÌ?"

Sáng ngày 13/11, trang tin điện tử Sóng trẻ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với hai khách mời Nguyễn Chí Nam - nguyên phóng viên báo Quân đội và Nguyễn Hạnh Hà My –người sáng lập ra câu lạc bộ Phượt Radio, với chủ đề “Đi Phượt bạn sợ gì?”, tại phòng 101

Video 9 năm trước