(Sóng trẻ) - Những kiến thức về tật cận thị học đường sẽ được khách mời Bác sĩ Đỗ Anh Tuấn (Bệnh viện mắt Hà Nội) chia sẻ trong buổi giao lưu diễn ra ngày hôm nay, 11/10/2016.
Với thực trạng tật cận thị học đường và các tật khúc xạ đang ngày càng có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị lực và nhiều phiền toái trong cuộc sống, nhất là với lứa tuổi học đường.
Những thắc mắc, câu hỏi của độc giả gửi đến sẽ được khách mời giải đáp và tư vấn trực tiếp tại chương trình giao lưu.
Đồng hành cùng buổi giao lưu còn có Thạc sĩ Trần Thị Phương Lan – Trưởng Ban biên tập Trang tin tức Sóng Trẻ cùng đông đảo các bạn sinh viên trong Học viện. Sự kiện diễn ra tại Hội trường B11 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền (36 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội).
Thạc sĩ Trần Phương Lan (phải) tặng hoa cho Bác sĩ Đỗ Anh Tuấn (giữa)
8h30, buổi giao lưu trực tuyến chính thức bắt đầu:
Tật khúc xạ là gì? Có mấy loại tật khúc xạ?
Tật khúc xạ là những sai lệch về mắt. Bình thường tật khúc xạ thường gắn với tật cận thị. Cận thị chiếm tỉ lệ cao trong các bệnh về mắt, nhất là trong lứa tuổi học đường.
Tật khúc xạ gồm 3 loại : cận thị, viễn thị , loạn thị. Cận thị là trường hợp ta nhìn xa mờ, nhìn gần rõ, thường gặp ở tuổi học đường. Viễn thị có 2 dạng: viễn thị nhẹ thì nhìn xa rõ, nhìn gần mờ; viễn thị nặng thì nhìn cả xa lẫn gần đều mờ. Loạn thị là trường hợp ta luôn nhìn mờ cả xa lẫn gần kèm theo nhìn hình ảnh biến dạng (nhìn đường thẳng thấy không thẳng, nhìn hình tròn thành hình bầu dục hoặc méo mó không đều). Loạn thị thường đi kèm với cận thị hoặc viễn thị.
Tật cận thị học đường đang ngày càng lan rộng tại các trường học ở Việt Nam, là một người mẹ tôi rất lo lắng cho tình hình mắt của con mình. Vậy khi nào thì biết con tôi bị cận thị? ( biểu hiện của trẻ khi bị cận thị là như thế nào?) ( Cô Phùng Lan Anh – 37 tuổi – Thanh Hóa)
Sự phát triển của nhịp sống thời đại: máy tính, điện thoại,…đó là một trong những yếu tố gây nên tật khúc xạ học đường. Một số biểu hiện là nheo mắt, nháy mắt, những trẻ lớn thì dễ dàng phát hiện ra bằng cách nói cho phụ huynh. Dựa trên những biểu hiện thì các bậc phụ huynh có thể đưa con đi khám tật khúc xạ. Sau khi trẻ có những biểu hiện căn bản như vậy, thì ta nên đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám.
Bác sĩ Đỗ Anh Tuấn trả lời câu hỏi của độc giả
Tật cận thị có phải là tật phổ biến và nặng nhất trong các loại tật khúc xạ hay không? ([email protected] – Đào Minh Nguyệt, 16 tuổi, Phú Thọ)
Câu hỏi rất hay. Câu hỏi này có ý đúng nhưng không hoàn toàn. Đây là một tật phổ biến nhưng không phải là tật nặng nhất. Ở đây chúng ta không thể phân biệt được tật khúc xạ nào là nặng nhất và tật khúc xạ nào là nhẹ nhất. Tật khúc xạ có được điều chỉnh hay không tùy vào chỉ số khúc xạ của bệnh nhân, như vậy chúng ta mới có thể đánh giá là nặng hay nhẹ chứ không phải tùy thuộc vào loại tật khúc xạ nào.
8h49, Bạn Hoàng Phong – khán giả tại trường quay đặt câu hỏi đến khách mời: Nếu cận thị nhẹ tầm 1 độ thì có nên đeo kính? Khi đeo kính thì tật cận thị có tăng lên không ?
Phải phân biệt giữa tật khúc xạ thực sự và giả cận thị. Trong mắt chúng ta ( trước 40 tuổi), thủy tinh thể chiếm công suất 20 dp, có sự tham gia điều tiết, để nhìn các vật ở các sự li khác nhau. Rất nhiều người đi khám được chẩn đoán là rối loạn điều tiết. Người ta mắc giả cận thị như khi bị chuột rút. Nếu tật cận thị dưới 0.5 dp mà chưa ảnh hưởng đến cuộc sống thì không phải đeo kính.
MC Hương Giang cùng bác sĩ Đỗ Anh Tuấn tương tác với khán giả trong hội trường B11 - Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Con tôi có triệu chứng nheo nheo mắt khì nhìn mọi vật ngay cả khi ở xa và gần. Vậy con tôi bị loại tật khúc xạ nào? Làm thế nào để phân biệt giữa cận thị, loạn thị, viễn thị?
Đây là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm. Tôi xin trình bày một cách sơ lược như sau: Nheo mắt là một trong số biểu hiện của tật khúc xạ, tuy nhiên đó cũng là triệu chứng của một số căn bệnh khác. Khi phát hiện ra triệu chứng nheo mắt, ta nên đưa trẻ đến khám để có phương pháp phát hiện bệnh. Việc đưa trẻ ra các cơ sở bán kính hay các cơ sở xác định đọ khúc xạ sơ lược là chưa đủ. Vì mỗi người có một nhóm bệnh khác nhau với nhiều mức độ riêng vì vậy cần có phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh.
Theo tôi đối với trẻ có những triệu chứng như vậy, lời khuyên của tôi là đưa cháu đến cơ sở nhãn khoa để được thăm khám.
Chào Bác sĩ, cháu năm nay 20 tuổi , vừa rồi cháu có đi đo mắt kính người ta bảo cháu bị cận 4. 5 và loạn 0. 5 sau khi đeo vài tiếng thì cháu thấy nhức mắt, hơi choáng nên không đeo nữa đến hôm sau thì mắt xuất hiện các mạch máu xung quanh mắt nhìn rất rõ, cho cháu hỏi nguyên nhân tại sao? ([email protected] – Quảng Ninh)
Với lần đầu đi khám, việc chẩn đoán chỉ số tật khúc xạ là rất quan trọng. Với cận – loạn – thị, loạn thị gây nhìn biến dạng hình ảnh. Cận thị gây mờ khi nhìn. Người cận thị ít mỏi mắt. Việc xác định chính xác số là quan trọng. Không thể để chỉ số cao như vậy !.
Hiện nay có một phương pháp chưa cận thị đang được nhiều phụ huynh quan tâm là ấn huyệt trị tật khúc xạ. Bác sĩ đánh giá phương pháp này có hiệu quả không và vì sao? ([email protected])
Tôi không phản bác phương pháp bấm huyệt của đông y tuy nhiên trên cơ sở khoa học tôi thấy phương pháp này chưa hợp lý lắm. Từ khi tôi bước chân vào ngành nhãn khoa thì tôi chưa gặp trường hợp nào chữa khỏi bằng phương pháp này.
Thạc sĩ Trần Phương Lan theo dõi chỉ đạo chương trình
Từ ngày cháu ra đại học thì bị cận thị. Liệu có phải do khi ra sống ở một môi trường học tập khác với thức ăn, chế độ dinh dưỡng thay đổi ảnh hưởng nên cháu bị tật khúc xạ không ? Và khi cận thì nên ăn loại thức ăn gì để bổ mắt? ([email protected])
Câu hỏi của bạn được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Thực ra môi trường sống ít ảnh hưởng nhưng chế độ ăn thì rất ảnh hưởng. Ảnh hưởng trực tiếp đến sức đàn hồi của võng mạc nên khuyến cáo sử dụng một số sản phẩm thuốc về canxi, kẽm, vitamin C để tăng sức bền thành mạch. Nài ra cần bổ sung một số vi chất để tăng khả năng hoàng điểm. Những thực phẩm màu xanh đậm như rau xanh hay thực phẩm màu đỏ, cam cũng rất tốt cho mắt.
Cận thị ảnh hưởng đến quá trình học của cháu rất nhiều. Mỗi lần học bài khuya là mắt cháu lại chảy nước mắt liên tục. Tháo kính ra thì không nhìn thấy gì mà đeo kính vào thì mắt cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Cháu không biết nên chăm sóc đôi mắt của mình như thế nào để mắt được khỏe mạnh, bác sĩ có thể chỉ cho cháu một số phương pháp tập luyện để giữ gìn đôi mắt được không? (Đỗ Thảo Ly – 13 tuổi – Thường Tín, Hà Nội)
Không chỉ riêng những người mắc tật khúc xạ, mỗi chúng ta đều cần chăm sóc mắt. Với người có tật khúc xạ, khi làm việc với cự li ngắn, chỉ nên làm việc trong 15 – 20 phút, sau đó nên đứng lên và nhìn xa. Với người làm việc đòi hỏi tập trung cao, nên chớp mắt 13 lần để kéo phần nước mắt.
Thưa bác sĩ, con năm nay 14 tuổi. Con bị tai nạn vỡ nhãn cầu mắt phải đang điều trị. Khả năng hồi phục được nhưng trong thời gian dài có thể lên đến hàng năm và khi phục hồi lại được thì khả năng nhìn thấy cũng chỉ 40 đến 50% thôi. Con muốn hỏi bác sĩ là có thể làm cách nào để tự điều trị thêm ở nhà để mắt con phục hồi được và nhìn thấy được rõ hơn không?. Xin cám ơn bác sĩ. (Hồng Quang – 14 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội)
Đây thực sự là một câu hỏi không liên quan đến tật khúc xạ nhưng tôi xin tóm tắt như sau. Ngươi có chấn vỡ nhãn cầu sẽ có ảnh hưởng trầm trọng đến chức năng của mắt. Với những người vỡ nhãn cầu thì đối với những người trẻ thì chỉ bảo tồn về độ thẩm mĩ chứ không phải chức năng thị giác. Nguy cơ về viêm nhiễm đối với những người sang chấn vỡ nhãn cầu là rất lớn, dễ dẫn đến việc teo nhãn cầu.
Việc vỡ nhãn cầu ảnh hưởng rất nhiều đến các tật khúc xạ của mắt. Việc cải thiện chức năng thị giác của mắt cần được thăm khám cụ thể chi tiết đối với từng trường hợp.
Khán giả theo dõi chương trình trên trang tin điện tử songtre.tv
Thưa bác sĩ cháu bị cận thị một mắt 2,5, một mắt 3 thì có nên mổ mắt không? Và mổ mắt có nguy hiểm không thưa bác sĩ? (Lan Phương – 22 tuổi – Hà Nội)
Đối với tật khúc xạ, về phương pháp điều trị đến thời điểm hiện tại có rất nhiều phương pháp khác nhau. Tôi xin được nói 2 phương pháp chính: điều trị xâm lấn và không xâm lấn. Về điều trị không xâm lấn là đeo kính, nhưng để có gọng kính tốt cũng cần xem xét.Thứ hai là loại kính tiếp xúc đặt trực tiếp trong mắt. Đối với một số tật khúc xạ cần điều trị bằng kính tiếp xúc như biến dạng hình chóp.
Can thiệp xâm lấn quen thuộc nhất là phẫu thuật Lasik. Đối với mổ can thiệp tật khúc xạ nói chung, người ta gọt ở giác mạc để tạo và điều chỉnh khúc xạ tương ứng. Nài ra với những bệnh nhân không thể can thiệp giác mạc được thì bác sĩ sẽ đặt kính nội nhãn. Các bạn hiểu nôm na là đặt một cái kính nội nhãn như kính bình thường vào trong giác mạc, đưa một thủy tinh thể nhân tạo vào trong mắt đặt lên mặt trước của thủy tinh thể.
Nên mổ bằng Lasik hơn hay phương pháp Smile hơn? ([email protected])
Kĩ thuật mổ Lasik chỉ một trong những kĩ thuật mổ can thiệp vào giác mạc. Hiện nay, phương pháp mổ hay dùng thì không dám khẳng định.. Độ an toàn của mỗi phương pháp thì không có phương pháp nào là an toàn nhất. Cái này tùy vào mỗi bệnh nhân.
Phương pháp mổ Lasik là một trong những phương pháp mổ an toàn và được nhiều người lựa chọn ( ảnh minh họa: nguồn internet))
Thưa bác sĩ, cháu đang nghiên cứu mổ cận thị mắt. Nhưng trên thị trường lại có rất nhiều loại mổ khác nhau và giá tiền khác nhau. Vậy có phải giá tiền càng cao thì chất lượng mổ càng tốt và giá tiền mổ rẻ thì không tốt bằng hay không? ([email protected] – Thanh Bình – Hà Tĩnh)
Thực ra không phải giá tiền càng cao thì mổ càng tốt. Giá tiền phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác. Bản thân tôi là bác sĩ nhưng cũng không thể nói về tài chính của một ca phẫu thuật. Mỗi phương pháp có ưu, nhược điểm khác nhau, áp dụng kĩ thuật, máy móc nên giá thành khác nhau. Mỗi bệnh nhân lại có phương pháp điều trị khác nhau nên giá thành cũng khác nhau.
Xin bác sĩ giới thiệu phương pháp mổ mắt mới nhất hiện nay ? ([email protected])
Phương pháp mới hiện nay như các nước Mỹ, Châu Âu tin dùng là OrthorK, nài chức năng điều trị tật khúc xạ để không phải đeo kính mà còn hạn chế việc tăng chỉ số.
Em thấy hiện nay có rất nhiều người bị cận lệch. Bác sỹ có thể cho em biết đc nguyên nhân của bệnh và các biện pháp chữa trị được không? Nếu không có phương pháp chữa trị kịp thời thì sẽ dẫn đến nhược thị và có thể bị mù hay không? (Bạn Đức Minh Nguyễn – câu hỏi live stream trên FB).
Với tật khúc xạ, mỗi người khi mắc tật khúc xạ thường sẽ mắc thêm tật khúc xạ khác. Khi không điểu chỉnh kịp thời thì dẫn đến mắc nhược thị. Nhược thị là thị lực 1 trong 2 mắt dưới 8/10 hoặc sự chênh lệch nhau khi được can thiệp mà vẫn bị 2 dòng trở lên. Nhược thị thường gặp ở mắt có chỉ số khúc xạ cao hoặc người khúc xạ không được điều chỉnh. Nhược thị sẽ dẫn đến mù lòa, cần được đặc biệt quan tâm. Tập nhược thị chỉ là phương pháp sơ lược. Với trẻ em dưới 18 tuổi, tập nhược thì sẽ tốt hơn.
Có biện pháp tối ưu nào để phòng ngừa tật khúc xạ mắt cho trẻ và cho các bạn học sinh, sinh viên hiện nay hay không? (Trần Công Minh [email protected], Quảng Trị)
Tật khúc xạ ngày càng tăng lên hiện nay. Với trẻ nhỏ nên tránh màn hình quá sáng, nhìn ở cự li gần, và nên tăng cường hoạt động nài trời.
Cháu là Tâm, đang là sinh viên trường đại học văn hóa nghệ thuật quân đội. Cháu vừa mổ mắt tháng 8, tính ra là đã mổ được 2 tháng. Vì đặc thù trường cháu là thường xuyên phải đi diễn nên yêu cầu chúng cháu phải trang điểm. Vậy 2 tháng sau mổ cháu đã có thể trang điểm vùng mắt chưa? ([email protected])
Kỹ thuật mổ can thiệp giác mạc thì thời gian phục hồi cũng như quá trình phẫu thuật khá nhanh. Tuy nhiên ở một vết can thiệp giác mạc như vậy cũng nên tránh việc tác động dẫn đến sang chấn mắt. Nói về an toàn thì chỉ 5 đến 7 ngày đã hồi phục vết thương. Nếu trang điểm mà không gây chấn thương đến giác mạc thì không sao.
Khán giả chăm chú theo dõi buổi giao lưu trực tuyến
Sau khi phẫu thuật mổ mắt cần tránh những gì?( [email protected])
Sau khi phẫu thuật thì bác sĩ sẽ đưa ra pháp đồ điều trị hậu phẫu. Bác sĩ yêu cầu điều trị kháng sinh để tránh viêm nhiễm, tăng cường dinh dưỡng để nhanh liền sẹo. Tránh tác động cơ học lên bề mặt nhãn cầu. Trong quá trình làm việc tránh làm việc nặng nhọc để ảnh hưởng đến nhãn cầu.
Bác sĩ có lời khuyên nào đến các bạn độc giả để có đôi mắt sáng, khoẻ mạnh?
Tôi xin đưa ra 1 số lời khuyên như sau. Đối với công việc thì tránh tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử. Đối với trẻ nhỏ càng hạn chế càng tốt. Tiếp theo là cần có chế độ thăm khám mắt phát hiện những triệu chứng bất thường như nheo mắt,…tránh những biến chứng không tốt về tật khúc xạ.
Qua buổi giao lưu trực tuyến của với chủ đề " Tật cận thị học đường", Ban biên tập Sóng trẻ nhận được hơn 100 câu hỏi từ quý độc giả. Nhưng do thời gian chương trình có hạn, chúng tôi chỉ có thể trả lời được một số câu hỏi được quý độc giả gửi về. Mời quý độc giả tiếp tục gửi câu hỏi về email [email protected], hoặc liên hệ qua hotline: 0974582130 . Bác sĩ Đỗ Anh Tuấn sẽ tiếp tục trả lời trong thời gian sớm nhất. Mong quý độc giả đã có được những thông tin hữu ích về tật cận thị học đường.
9h40, Chương trình giao lưu trực: Tật cận thị học đường tuyến kết thúc thành công.
Ban biên tập lên chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời
Xin chân thành cảm ơn bác sĩ Đỗ Anh Tuấn đã dành thời gian giao lưu và chia sẻ cùng độc giả của Songtre.tv. Xin cảm ơn Ban Chủ nhiệm Khoa PTTH đã tạo những điều kiện tốt nhất để chương trình diễn ra tốt đẹp. Cảm ơn Thạc sĩ Trần Thị Phương Lan trong thời gian qua đã luôn quan tâm đồng hành, tư vấn cho BBT thực hiện buổi giao lưu trực tuyến này. Cảm ơn quý độc giả đã quan tâm, theo dõi và ủng hộ chương trình!
BBT Sóng Trẻ
Giao lưu trực tuyến: Tật cận thị học đường
(Sóng trẻ) - Những kiến thức về tật cận thị học đường sẽ được khách mời Bác sĩ Đỗ Anh Tuấn (Bệnh viện mắt Hà Nội) chia sẻ trong buổi giao lưu diễn ra ngày hôm nay, 11/10/2016.
Video
8 năm trước