(Sóng trẻ) - 13 giờ 15 phút ngày 15/5/2017, tại hội trường B11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra buổi giao lưu với PV- BTV Hoàng Tuấn Anh. Anh là một trong những người đã lan tỏa được những hành động đẹp của chương trình “Việc tử tế”.

Phóng viên - Biên tập viên Hoàng Tuấn Anh là một cựu sinh viên khóa K31 của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hiện nay anh đang là một trong những phóng viên trẻ của Trung tâm tin tức VTV24 và là một trong những phóng viên chủ lực của chương trình “Việc tử tế”.

Ngay từ khi lên sóng, "Việc tử tế" đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của công chúng mà minh chứng rõ nhất là tỉ lệ người xem đạt 8,44 - cao gấp đôi so với một số chương trình gameshow ăn khách hiện nay. Chương trình nổi lên như một điểm sáng. Bởi trước đó, theo như nhiều độc giả chia sẻ, báo chí đã nói quá nhiều về các nhân tố tiêu cực, mô tả tội ác một cách quá tỉ mỉ dễ khiến niềm tin vào sự tử tế của họ ngày một suy giảm.

Đằng sau sự thành công của chương trình là những phóng viên, nhà báo như anh Tuấn Anh. Họ đang âm thầm, nỗ lực từng ngày nhằm lan tỏa những điều tử tế trong xã hội. 

Những thắc mắc về công việc mà phóng viên Hoàng Tuấn Anh đang thực hiện sau mỗi số của chương trình Việc tử tế cũng như những câu hỏi xoay quanh nghề báo, đam mê của một người trẻ đã được anh giải đáp trong buổi giao lưu trực tuyến. 

Buổi giao lưu trực tuyến còn có sự tham gia của Ths. Đinh Thị Hồng Anh, GV Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng đông đảo các bạn sinh viên lớp Đa phương tiện K34 A1 và nhiều sinh viên trường khác.

13h15, buổi giao lưu trực tuyến chính thức được bắt đầu.

Nội dung của buổi giao lưu trực tuyến:

Phần 1: Giải đáp những thắc mắc về công việc của một phóng viên trong chương trình Việc tử tế

Buổi giao lưu bắt đầu với không khí sôi nổi và hào hứng. Đã có rất nhiều câu hỏi được gửi về BBT Sóng  trẻ.

1fa2cf907_anh_trao_qua.jpg

BBT Sóng trẻ chụp ảnh cùng PV Hoàng Tuấn Anh

Cơ duyên nào khiến anh đến với chương trình “Việc tử tế”? (Câu hỏi đến từ độc giả có địa chỉ email: [email protected])

PV Tuấn Anh: Thực ra đến hiện tại mình vẫn chưa hiểu vì sao lại làm công việc này. Đầu tiên mình học ngành quay phim, mọi thứ mình thực hiện trong trường với tư cách là một sinh viên đều là các công việc liên quan đến hình ảnh, clip. Hiện tại mình vẫn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này. Vì vậy mình vẫn tiếp tục công tác với tư cách là một phóng viên, biên tập viên trong chương trình “Việc tử tế” của Trung tâm tin tức VTV24.

Việc tử tế là một trong những chương trình đặc sắc của Chuyển động 24 giờ. Vậy anh có thể chia sẻ điều gì làm nên đặc sắc đó? (Câu hỏi đến từ độc giả có địa chỉ email: [email protected])

PV Tuấn Anh: Việc tử tế xuất phát từ những điều nhỏ nhất trong xã hội. Ngày xưa mình rất vô tư nhưng suy nghĩ của mình đã thay đổi khi mình bắt gặp những việc tử tế, gặp gỡ những con người tích cực. 
Nhân vật tử tế có thể là bất kỳ ai, không phân biệt độ tuổi. Đó có thể là một bác thương binh, nhịn ăn một bữa để lấy tiền cho các em học sinh nghèo mặc dù hoàn cảnh của bác cũng khá khó khăn. Đây cũng là lí do khiến chương trình “Việc tử tế” trở nên đặc sắc hơn.  
   
Chào anh, thành công của chương trình “Việc tử tế” có gì khác biệt so với sự thành công của một chương trình truyền hình thông thường? (Câu hỏi đến từ độc giả có địa chỉ email: l[email protected])

PV Tuấn Anh: Việc tử tế là một chương trình khá đặc biệt, khác với những chương trình gameshow khác trên truyền hình. Việc tử tế nhấn mạnh vào sự lan tỏa những điều tốt đẹp, yêu thương đến cộng đồng. Chính những nhân vật của việc tử tế cũng đã kết nối với nhau để lan tỏa thêm yêu thương. Điều đó đã có sức ảnh hưởng và gây ấn tượng sâu rộng trong cộng đồng.

                                                                        
                                                                                                                                                   

Trích đoạn trong buổi giao lưu trực tuyến với PV Hoàng Tuấn Anh
 
Anh hãy chia sẻ một kỉ niệm đáng nhớ nhất trong quá trình làm “Việc tử tế”? 
(Câu hỏi đến từ độc giả có địa chỉ email: [email protected]

PV Tuấn Anh: Có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất là một lần mình đi làm phóng sự về một võ sư. Mặc dù đang trong thời gian điều trị bệnh nhưng ngày nào thầy cũng đi dạy võ miễn phí. Điều làm mình xúc động và ấn tượng nhất là thầy luôn cười, dù thầy rất mệt. Bản thân mình nghĩ, một người mà khả năng đi tiếp ngắn như vậy mà luôn lạc quan thì không có gì khó mà mình không thể vượt qua. Đó là động lực đi theo mình trong nhiều năm nữa.

Nài các kĩ năng chuyên môn, anh nghĩ điều gì cần thiết của một phóng viên làm một chương trình mang tính chất nhân văn lớn như “Việc tử tế”? 
(Câu hỏi đến từ độc giả có địa chỉ email: [email protected])

PV Tuấn Anh: Theo bản thân mình thấy, nài kĩ năng chuyên môn mình phải có cái tâm. Trước đó, mình được giao thực hiện chuyên mục “Góc thành phố” trong Chương trình chuyển động 24h, đòi hỏi sự trẻ trung, trải nghiệm, nó khác hẳn với chương trình hiện tại mình đang theo đuổi. Đầu tiên phải hướng cái tâm vì mỗi người có một cách chia sẻ lòng tốt khác nhau. Đôi khi mình có thể ức chế do không diễn ra theo mong muốn của mình, thông điệp về lòng tốt sẽ không được lan tỏa trọn vẹn. Khi đó mình phải kìm lại sự ức chế. Cách tốt nhất mình có thể làm là giúp đỡ họ sau các phóng sự, các chương trình thiện nguyện.

Công việc phóng viên, biên tập viên chắc chắn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là theo em được biết thì anh là phóng viên trẻ tuổi trong ê kip sản xuất của “Việc tử tế”. Anh có thể chia sẻ một chút về những khó khăn mà anh gặp phải trong quá trình công tác? 
(Câu hỏi đến từ độc giả có địa chỉ email: [email protected])

PV Tuấn Anh: Tuổi trẻ là thời điểm cho chúng ta sáng tạo và sống hết mình với nhiệt huyết. Tuy nhiên theo mình, tuổi trẻ là một thách thức vì đối với mình khuôn mặt trẻ đôi khi chưa thực sự phù hợp cho một MC chương trình, nhất là những chương trình mang đậm tính nhân văn như việc tử tế.

Trước những khó khăn đó đã bao giờ anh chùn bước hoặc bỏ cuộc? (Câu hỏi đến từ độc giả có địa chỉ email: [email protected]

PV Tuấn Anh: Không phải riêng mình, bất cứ phóng viên làm tin tức, họ đã có rất nhiều lần muốn bỏ việc. Mình cũng vậy. Nhưng chỉ cần 1 ngày nghỉ, sẽ cảm thấy buồn chán, cực kỳ nhớ, vì nó gắn bó với mình. Đấy là lý do mình tiếp tục theo đuổi công việc của mình.

Công việc bận rộn như vậy anh có thường xuyên xem lại chương trình đã thực hiện và theo dõi phản ứng của khán giả hay không ạ? (Câu hỏi đến từ độc giả có địa chỉ email: d[email protected])

PV Tuấn Anh:  Mình là người xem lại rất nhiều. Mình thường xem trên các bản tin trực tiếp. Mình theo dõi mọi thứ trên fanpage và phản ứng của khán giả. Ví dụ như những người khó khăn sau đó họ được giúp đỡ gì. Với những sản phầm thành công thì những cảm xúc vẫn vẹn nguyên. 

Sau mỗi số được phát sóng, một tấm gương tử tế được biết đến và nhân rộng. Vậy cảm xúc của anh sau mỗi số của Việc tử tế là gì?
[email protected]

PV Tuấn Anh Sau mỗi số được phát sóng và nhiều gương tử tế được nhân rộng thì mình cảm thấy thực sự hạnh phúc. Cảm giác bao nhiêu mệt mỏi và khó khăn trong quá trình quay dường như không là gì so với những điều tử tế đang dần được lan tỏa. Đó chính là nguồn động lực cực lớn để mình làm tiếp những số tiếp theo.

Được biết quê anh ở Thái Bình. Vậy anh đã thực hiện được chương trình nào ở đây hay chưa? Cảm giác khi thực hiện trên chính quê hương của mình có khác gì so với các miền đất khác?
[email protected]

PV Tuấn Anh: Trong quá trình tác nghiệp, mình may mắn được làm ở Thái Bình rất nhiều trong cả trong chương trình “Việc tử tế” và “Cặp lá yêu thương” . Cảm xúc cực kỳ mạnh vì tất cả mọi người được giúp, mọi người đều khóc, khóc vì hạnh phúc.

Phần 2: Đam mê và những trải nghiệm với nghề báo của một người trẻ tuổi

Chào anh, theo em được biết thì chuyên ngành trước đây của anh là quay phim. Vậy lí do gì khiến anh quyết định chuyển từ quay phim sang lĩnh vực truyền hình? Điều gì đã khiến anh lựa chọn trung tâm tin tức VTV 24?

PV Tuấn Anh: Thực sự bây giờ mình vẫn thích và đam mê quay phim. Nhưng mà trót vào đây rồi, trót làm rồi thì sẽ cố gắng làm tốt những công việc mình đang làm. Lí do chuyển từ quay phim sang phóng viên thì có lẽ là do sức hút của chương trình Chuyển động 24h – một chương trình có khả năng tương tác cao và mình rất muốn thử sức. Hơn nữa, mỗi lần được nghe một giai điệu, xem một chương trình về những việc tử tế, chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, lại là một động lực và biềm đam mê lớn đối với mình, phù hợp với sự yêu thích công việc của mình. Đấy chính là động lực, là lí do để mình tiếp tục theo đuổi công việc phóng viên của Trung tâm tin tức VTV24.

Hiện tại em thấy anh đang thực hiện các chương trình mang ý nghĩa nhân văn và các phóng sự về giới trẻ. Anh có ý định thử sức ở một lĩnh vực khác như chính luận hay không?

PV Tuấn Anh: Nếu có cơ hội, mình vẫn rất muốn được thử sức, còn không, mình vẫn rất muốn gắn bó với những chương trình mình đang làm. Hiện tại, mình đang làm hết các công việc của phóng viên, những sự kiện liên quan đến văn hóa giải trí, chân dung về những con người đặc biệt, có một thời gian mình cũng tập tành đi làm phóng sự điều tra. Tuy nhiên, sức hút về mảng văn hóa văn nghệ nó phù hợp hơn đối với mình. 

Công việc của một phóng viên, biên tập viên yêu cầu thường xuyên phải đi công tác xa, thậm chí có những sự kiện đột xuất. Anh đã làm thế nào để thích nghi với điều này? Đã bao giờ bố mẹ anh phiền lòng về điều này hay chưa?

PV Tuấn Anh: Trước khi đến với buổi giao lưu này, mình cũng vừa chạy thông tin phát vào khung giờ trưa nay, thậm chí còn sợ đến muộn nữa. Những thứ đột xuất nó luôn luôn xảy ra. Có những khi đang đi chơi với bạn bè, tự dưng có lệnh đột xuất đi làm, lúc đó cho dù có đang làm gì, bận công việc nào đi chăng nữa cũng nên đi, bởi vì đó là chỉ đạo của cấp trên, nhưng quan trọng hơn là biết đâu, mình có thể giúp cho những mảnh đời khó khăn cần sự giúp đỡ. Đôi khi bận bịu hay mệt mỏi, mình định “bùng”, nhưng lương tâm lại không cho phép. Và mình lại đi. 
Bố mẹ mình thật sự không thích mình theo nghề này, thích mình làm về mảng tài chính hay ngành công an, nhưng vì đam mê nên mình quyết tâm theo đuổi nghề phóng viên. Bố mẹ nhiều khi cũng lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, nhưng rồi cũng ủng hộ và luôn động viên để mình cố gắng nhiều hơn.

Chào anh, em hâm mộ anh từ rất lâu rồi. Em thấy anh dẫn hiện trường khá tự nhiên và ăn hình, liệu anh có nghĩ đến việc sẽ lấn sân sang lĩnh vực MC hay không?

PV Tuấn Anh: Mình rất thích dẫn ở hiện trường, vì nó có tính tương tác rất cao và khi phóng sự phát sóng sẽ đem đến cho người xem sự tin tưởng cao vì đã đến tận nơi để thông tin về sự kiện. Có thể bạn khán giả cũng đã xem được những lúc mình dẫn hiện trường dù là trực tiếp hay ghi hình nài hiện trường cho một sự kiện văn hóa giải trí nào đó vui vui, công nhận lúc đó mình dẫn thoải mái và tâm trạng vui hơn vì tính chất hiện trường và đề tài mình làm sẽ có cách để mình dẫn dắt câu chuyện khác nhau. Còn lấn chân sang MC thì mình nghĩ còn phải học hỏi thêm khá nhiều.

Theo em được biết thì anh là thuộc K31, tức là ra trường đã được 2 năm. Vậy sau 2 năm ra trường, anh thấy cuộc sống của một sinh viên báo chí thay đổi như thế nào?

PV Tuấn Anh: Từ khi còn là sinh viên, mình đã cộng tác với khá nhiều cơ quan báo chí. Khi còn có lí do để cộng tác, bạn sẽ chủ động hơn về thời gian gửi bài, thời gian được nghỉ ngơi vì mình mới ở cương vị cộng tác viên. Tuy nhiên, sau khi ra trường đi làm chính thức ở cơ quan báo chí, sẽ có rất nhiều thứ phát sinh. Thứ nhất, bạn không có thời gian cho cá nhân; thứ hai, bạn không có thời gian cho gia đình; thứ ba, bạn không có bạn. Nói chung, phải hy sinh rất nhiều, nó rất khác cuộc sống sinh viên hồi xưa, thời gian làm một phóng sự ít nhất là 1 tuần/ phóng sự. Còn bây giờ, một ngày/ phóng sự, có những hôm cao điểm, một ngày mình phải đi chạy nóng 2 sự kiện, rồi lại phải lo cho bản tin ngày hôm sau. Thực sự nó không giống với những gì mình tưởng tượng ở thời sinh viên, mặc dù đã trải nghiệm, cộng tác ở nhiều nơi.

Cách nhìn trong cuộc sống của anh chắc hẳn đã thay đổi rất nhiều sau hai năm đó?

PV Tuấn Anh:  Sau khi ra trường, cách nhìn của mình lúc đầu có thể bị tiêu cực hóa vấn đề, vì mọi thứ nó dồn vào, có cái tôi rất cao. Ra trường rồi, những khoản viện trợ của bố mẹ sẽ bị cắt, phải tự kiếm tiền để nuôi sống bản thân, phải biết tiết kiệm hơn, biết quý đồng tiền làm ra từ chính sức lao động của mình. Vượt qua được quãng thời gian đấy, mọi thứ nó nhẹ nhàng lắm. Khi mình thoải mái về đầu óc thì có thể làm ra những sản phẩm tốt hơn, kỹ năng mềm của mình cũng lên tay hơn một chút, khi đó mọi thứ sẽ dần đi vào ổn định.

Chỉ ra trường sau hai năm nhưng anh đã làm trong VTV24 - Trung tâm tin tức lớn và cũng là vị trí mong ước của nhiều sinh viên mới ra trường. Vậy anh đã cố gắng như thế nào để được lựa chọn là một trong những phóng viên của VTV24?

PV Tuấn Anh: Câu nói “Nghề chọn người” luôn đúng với mình. Không ai theo học khối A lại thi vào trường Báo như mình. Cứ nghĩ ra trường mình sẽ theo đuổi ngành quay phim, vì năm cuối mình đã thành lập nhóm để làm các video, sự kiện trực tiếp của trường mình luôn tham gia bấm máy quay phim. Nhưng khi ra trường lại khác, đến bây giờ lại là phóng viên, bây giờ cũng vẫn không hiểu lắm, thật sự cũng là một cái duyên, một môi trường mới để mình thử sức và gắn bó. Với các bạn sinh viên, mình nghĩ nài sự cố gắng nỗ lực hết mình, đam mê với nghề mình chọn, thật sự yêu thích công việc mình chọn, và đặc biệt là năng động ngay trên giảng đường, thì không phải chỉ mình Trung tâm tin tức VTV24, mà rất nhiều vị trí quan trọng tại cơ quan báo chí hay truyền hình luôn chào đón các bạn.

Anh có thể chia sẻ, nài niềm đam mê - yếu tố cần thiết cho mọi thành công thì em phải làm gì để có thể bước vào ngôi nhà chung VTV24?

PV Tuấn Anh:  VTV24 hay VTV thì luôn luôn đón chào các bạn trẻ có sự hợp tác, có niềm đam mê với công việc. Yếu tố cần nhất như mình đã nói, đó là sự cố gắng nỗ lực. Vì như chúng ta bây giờ học ở môi trường này, nó còn quá nhẹ nhàng, có thể các thầy cô vẫn còn thương các bạn, ra nài kia chẳng có ai chỉ cho mình từng chút, mà đó là sự quan sát, cũng không có ai chỉ cho bạn vào nghề tốt hơn mà mình phải tự học. Tốt hơn hết, mình phải là người có trách nhiệm trong công việc, vì chỉ cần sai sót một chút thôi, cũng đủ làm ảnh hưởng đến tất cả ê kíp. Bởi vậy, chúng ta cần vững tâm, yêu nghề và luôn luôn cố gắng.


e5916213d_i_1889.jpg

Các thành viên tham gia diễn đàn chăm chú theo dõi

Sau khi giải đáp các thắc mắc gửi đến từ hòm thư của BTC, các khách mời trả lời những câu hỏi của khán giả trong hội trường và câu hỏi phía dưới comment trên livestream trực tiếp của Sóng Trẻ.

Câu hỏi đến từ bạn Phương Thảo: Theo em được biết thì ê kip sản xuất chính của Việc tử tế có một số anh chị phóng viên. Việc tác nghiệp chắc hẳn gặp rất nhiều khó khăn. Anh và ê- kip có cần tuyển cộng tác viên không ạ? Em và một số bạn rất muốn tham gia hoạt động ý nghĩa này?


08fdaf303_i_1860.jpg

Bạn Phương Thảo tham gia đặt câu hỏi cho khách mời

PV Tuấn Anh: Thực sự, ekip Việc tử tế lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Các thành viên có rất nhiều việc. Các mảng tin 30 phút bên anh cũng có sự tham gia của các cộng tác viên là sinh viên trường mình. Hiện tại các bạn ấy cũng đang làm làm trong chương trình Cặp lá yêu thương. Anh sẽ cố gắng liên hệ với cấp trên để tạo điều kiện cho các em tham gia.

Câu hỏi đến từ bạn Hương Đỗ: Em xin hỏi tiêu chí để lựa chọn một nhân vật cho Việc tử tế là gì? Có bao giờ anh và ê kip thấy “bí” nhân vật hay không?

PV Tuấn Anh: Tiêu chí lựa chọn nhân vật của Việc tử tế là: Không phân biệt tuổi tác miễn là bạn là người tốt và việc tử tế được duy trì hơn một năm. Nếu bạn là người tử tế hãy đến với chúng tôi. Còn về công tác lựa chọn nhân vật thì hiện tại chúng tôi cũng đang rất bí nhân vật đây bạn (cười). Nếu bạn có, hãy chia sẻ với chương trình.

Câu hỏi đến từ Ths Đinh Thị Hồng AnhVới một phóng viên có nhiều tâm huyết và say mê với nghề, sở hữu nại hình ưa nhìn, chất giọng ấm thì hiện Tuấn Anh đang có được vị trí phóng viên của Chuyển động 24h. Một số bạn sinh viên năm cuối thì chia sẻ: Các bạn chưa thực sự có nhiều tâm huyết, lại không có thế mạnh về nại hình cũng như không có được chất giọng tốt, ra trường sợ không xin được việc như ý. Bạn có chia sẻ hay lời khuyên nào muốn dành cho các sinh viên như vậy? 

PV Tuấn Anh: Các bạn đều biết là bất cứ vẻ đẹp nại hình nào hiện nay đều có cách sửa (cười). Theo mình những người luôn tự nhận là xấu là vì họ không biết mình đẹp ở phương diện nào. Bản thân mình thấy cho tới hiện tại mình vẫn xấu (cười).

Nếu bạn không có một chất giọng tốt, hãy tiếp xúc với người phát âm chuẩn. Hãy xem và nghe nhiều bảng tin vì vô tình nó sẽ tác động đến cách phát âm. Điều quan trọng là bạn phải nghĩ rằng: không có gì có thể cản được.
 
Bản thân mình cũng từng có thời điểm không thể về nhà trong vòng một tháng. Hồi xưa bố mẹ không hiểu điều này. Tuy nhiên, khi trải qua các chướng ngại vật lớn bạn sẽ trưởng thành một cách nhanh chóng. Bạn phải luôn tin tưởng là nghề của mình là cung cấp thông tin. Và một trong những sứ mệnh của mình là lan tỏa các hành động đẹp..

 14h15 phút, buổi giao lưu trực tuyến với phóng viên Hoàng Tuấn Anh kết thúc

Mặc dù vẫn còn khá nhiều độc giả quan tâm gửi câu hỏi đến hòm thư điện tử nhưng do thời gian của buổi giao lưu có hạn nên BBT sẽ tiếp tục cập nhật các câu hỏi chưa được giải đáp trực tiếp đến khách mời và cập nhật những giải đáp trên trang tin điện tử Songtre.

Xin chân thành cảm ơn đến khách mời là PV - BTV Hoàng Tuấn Anh đã dành thời gian đến giao lưu và chia sẻ những điều bổ ích và thú vị đến các độc giả của Sóng Trẻ. Chương trình “Việc tử tế” có sức lan tỏa lớn mạnh trong cộng đồng bởi bản thân sự lao động thầm lặng nỗ lực hết mình của các PV như anh Tuấn Anh đã là một điều tử tế và nhân văn. 

Cảm ơn Ths Đinh Thị Hồng Anh trong thời gian qua đã luôn quan tâm đồng hành, tư vấn cho BBT thực hiện buổi giao lưu trực tuyến này.

Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi, quan tâm và ủng hộ chương trình.


BBT Sóng trẻ










Giao lưu trực tuyến với PV Hoàng Tuấn Anh – Người lan tỏa những hành động đẹp trong chương trình “Việc tử tế”

(Sóng trẻ) -13 giờ 15 ngày 13/5/2017, tại hội trường B11, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã diễn ra buổi giao lưu với PV- BTV Hoàng Tuấn Anh. Anh là một trong những người đã lan tỏa được những hành động đẹp của chương trình “Việc tử tế”.

Video 6 năm trước