(Sóng trẻ) - Cho đến hôm nay, lịch sử Việt Nam không thể nào quên một lão thành cách mạng - người đã dành 105 năm tuổi đời của mình để sống và cống hiến cho sự nghiệp đất nước. Dù cụ Trinh đã đi xa, thế nhưng, sự trung thành tuyệt đối với Đảng, tinh thần giữ sự trong sạch của Đảng như giữ con ngươi của mắt mình luôn là một tấm gương mẫu mực cho các thế hệ noi theo.
Cảm phục tinh thần yêu nước của người con Quảng Ngãi, chúng tôi tìm gặp PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh, con gái của cụ Trinh để hiểu hơn về cuộc đời của nữ lão thành tròn 90 năm tuổi Đảng.
Trong xã hội cũ, phụ nữ ít tham gia Cách mạng. Được biết, cụ Trinh thuộc thế hệ Đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguồn động lực nào để cụ Trinh được giác ngộ cách mạng sớm như vậy?
Ngày mẹ còn sống, mẹ kể, hồi 14 tuổi, phải canh gác cho các anh trai hội họp lúc đêm khuya, mẹ cứ ấm ức rằng sao các anh không cho mẹ làm cách mạng cùng.
Mẹ là con gái trong một gia đình truyền thống Cách mạng. Bố mẹ (tức ông bà ngoại) và các anh trong nhà đều tham gia kháng chiến. Anh của mẹ là Phạm Ngọc Trân, hay còn gọi là Sáu Trân, là Trưởng Ty công an đầu tiên của Quảng Ngãi. Một anh là Phạm Kiệt, đội trưởng đội Du Kích Ba Tơ, từng là thứ trưởng Bộ công an. Hai anh tham gia cách mạng từ những năm 1926-1927, về dìu dắt, giác ngộ mẹ. Tháng 10/1930, mẹ kết nạp Đảng. Năm ấy mẹ mới 16 tuổi.
Những năm 30 của thập niên 90, thực dân Pháp đô hộ khiến cho cuộc sống của nhân dân rơi vào đường cùng. Trong hoàn cảnh ấy, cụ Trinh đã học tập và tham gia cách mạng như thế nào?
Mẹ tôi có tinh thần kháng chiến sục sôi lắm. Từ một người nông dân, mẹ trở thành một chiến sĩ cách mạng. Thuở đầu, mẹ không biết làm cách mạng là làm những gì. Thế nhưng, được các anh hướng dẫn, bảo mẹ cứ làm dần rồi biết.
Năm mẹ 16 tuổi, mẹ trực tiếp đi rải truyền đơn, dán tờ rơi, áp phích chống thực dân Pháp. Mẹ còn treo cờ búa liềm trong thôn xóm. Hồi ấy, mẹ cầm cờ chỉ huy cuộc biểu dương lực lượng quần chúng cách mạng của Đảng, gồm 2000 người tham gia tại Sơn Tịnh và giành thắng lợi. Từ đó, mẹ lại càng hăng hái tham gia cuộc cách mạng cứu nước.
Nói về việc học, trong xã hội xưa, phụ nữ nông thôn ít được học hành, chỉ biết làm lao động. Nhưng mẹ tôi có chí tiến thủ lớn lắm. Mẹ thấy người ta học chữ, mẹ lấy gạch viết trên sân, bắt chước theo. Vì vậy, từ một người không được học hành, mẹ trở thành người sành sỏi chữ viết.
Ngay cả khi bị bắt vào tù, mẹ vẫn không nản lòng. Ở trong nơi tù đày khốc liệt, bố (tướng Nguyễn Chánh) dạy mẹ lý luận cách mạng, dạy làm thơ Đường. Khi ấy, hai người chưa thành đôi, nhưng sự ham học hỏi của mẹ trở thành sợi duyên kết nối 2 người.
Cụ Trinh và cụ Chánh đã quen nhau như thế nào?
Cả bố và mẹ đều là người Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Trước khi bị bắt giam, họ cùng hoạt động cách mạng, làm công tác tuyên truyền ở Tỉnh uỷ Quảng Ngãi. Thời gian đó, 2 người thân nhau lắm. Theo lời mẹ kể, hồi mới trở thành tuyên truyền viên, mẹ hay lo vì nhiều anh đi trước “doạ”. Khi ấy, mẹ được tiếp thêm nhiều động lực từ bố.
“Đừng lo, chúng mình sẽ giúp nhau. Ban đầu khó, sau quen dần chứ ai tài giỏi sẵn đâu. Các anh ấy trêu chứ trai gái đều như nhau. Đảng ta không phân biệt, nam nữ đều bình đẳng, bình quyền” - Cụ Chánh an ủi cụ Trinh.
Thế rồi tháng 5/1931, bố bị địch bắt trong một cuộc họp bí mật. Ít lâu sau, mẹ cũng bị bắt. 2 người bị giam trong nhà lao Quảng Ngãi. Biết mẹ thích làm thơ nên bố tận tình chỉ dạy. Tình yêu của họ nảy nở từ tình yêu thơ ca, từ tình yêu Tổ quốc.
Trong nhà lao, nam với nữ bị giam riêng, gặp gỡ nhau rất khó. Vậy làm cách nào để cụ Chánh dạy cụ Trinh làm thơ?
Dẫu bị địch tra tấn dã man, nhưng 2 người vẫn biến ngục tù thành trường học. Hai người hẹn nhau ở nhà vệ sinh. Ở đó, nam một bên, nữ một bên. Họ quay lưng vào nhau. Qua ô cửa nhỏ, mẹ đọc thơ mình làm, rồi bố sửa cho mẹ. Nhiều ngày như thế, họ trở thành đôi bạn tâm giao. Họ cùng nhau làm thơ, truyền lửa cho các đồng chí trong tù.
Kể từ đó, hai người dần hiểu nhau hơn. Mẹ cảm phục và thầm yêu người giảng giải cho mình về Đường thi, về cách đưa lý tưởng vào thơ. Bố thì thương trộm giọng đọc thơ hồn nhiên, vụng về của cô gái sông Trà.
Khi mẹ ra tù, bố có viết một lá thư để xin cưới bà về làm vợ. Dù bị gia đình phản đối, nhưng tình yêu, sự chân thành đã giúp cho họ nên duyên.
Thời kỳ trước Cách mạng, nước ta bị ảnh hưởng nhiều bởi quan niệm Nho giáo: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Vì vậy, việc làm cách mạng có khó khăn gì khi cụ Trinh lấy chồng, sinh con hay không?
Mẹ sẵn sàng hy sinh những hạnh phúc đời thường để tiến đến tình yêu lớn lao hơn - tình yêu Tổ quốc. Việc mẹ hy sinh cho cách mạng có thể nói là không có giới hạn. Mẹ chẳng nghĩ gì đến mình. Khi mẹ sinh tôi, hay các em, mẹ chỉ ở với con được vài tháng. Sau đó mẹ gửi con cho họ hàng, ra cơ quan tỉnh nhận công tác. Chúng tôi phải tự lập, đùm bọc nhau từ bé. Nhưng chưa bao giờ tôi hết tự hào về mẹ.
Ở cơ quan tỉnh, 2 cụ công tác cùng nhau, nhưng không dám nhận nhau là vợ chồng. Ít lâu sau, bố về núi rừng Ba Tơ lãnh đạo du kích, mẹ về cơ sở xây dựng tổ chức quần chúng để chuẩn bị khởi nghĩa.
Sự nghiệp cách mạng khiến cho cụ Trinh và cụ Chánh luôn phải sống xa nhau. Thế nhưng, câu chuyện tình yêu của 2 cụ vẫn được biết đến là một mối tình thế kỷ. Phải chăng, chính tình yêu với Đảng, với nước đã trở thành chất xúc tác, gắn kết 2 người?
2 người yêu nhau là bởi vì cùng làm cách mạng, cùng chung sự nghiệp cứu nước. Ngày mẹ còn sống, mẹ kể tình yêu của hai người là tình yêu cách mạng. Mẹ nhớ thời gian Đội du kích Ba Tơ chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa 1945, mẹ (Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh) đã trao thanh gươm cho bố (Chính trị viên Đội du kích Ba Tơ). Đây giống như lời hẹn thề, chờ mong sum họp vào ngày độc lập.
Thế rồi, Cách mạng tháng Tám thành công, 2 người ra Thủ đô nhận công tác. Bố về Bộ Quốc Phòng, còn mẹ công tác cán bộ ở TƯ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Nhưng sum họp không được bao lâu thì bố mắc bệnh nặng, qua đời. Ngày bố mất, mẹ đang học ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, không kịp về gặp chồng lần cuối nên mẹ áy náy lắm.
Tuy là vợ chồng nhưng 2 người ở với nhau chẳng được bao. Thế nhưng, cả cuộc đời này, mẹ chỉ yêu mỗi bố thôi. Kể cả khi bố mất, mẹ ở vậy nuôi con và lúc nào cũng nhớ về bố.
Có kỷ niệm nào đặc biệt về cụ Trinh với cụ Chánh - đôi vợ chồng cùng chung tình yêu sâu sắc với Đảng, với Cách mạng hay không?
Khi mẹ còn sống, mẹ có viết hồi ký về cuộc đời mình. Trong đó, mẹ có kể về ngày bố đi nhận huân chương của Đảng, Chính phủ tặng. Khi ấy, bố được Bác Hồ tặng chiếc đồng hồ có khắc tên Bác. Bố tặng lại cho mẹ. Lúc ấy mẹ xúc động, nghẹn ngào lắm.
Trong hồi ký, mẹ viết rõ từng lời bố nói: “Anh nói thật, nói những ý nghĩ của anh từ trước tới giờ, nếu trong quá trình hoạt động cách mạng mà không có sự giúp đỡ của em thì anh không được tặng huân chương này”.
Với mẹ, sự khiêm tốn của bố chính là lời nhắc nhở mẹ không bao giờ được thỏa mãn trong công tác. Vì vậy, khi bố qua đời, mẹ vẫn sống một đời trách nhiệm, liêm khiết với đất nước, với quê hương.
Sau khi cụ Chánh qua đời, cuộc sống của mẹ con cụ Trinh có sự xáo trộn nào hay không? Sự liêm khiết của cụ Trinh được thể hiện như thế nào?
Nhiều lần tôi hay đùa, làm con mẹ thiệt thòi. Khi bố còn sống, bố được phân cho một khu biệt thự ở Lý Nam Đế. Nhưng ngay sau khi bố mất không lâu, mẹ viết đơn gửi Bộ Quốc phòng xin trả lại căn biệt thự với lý do “đây không phải tiêu chuẩn của tôi”. Nhiều người khuyên vì con cái, nhưng mẹ nhất quyết trả lại.
Mẹ được tổ chức phân cho ngôi nhà ở khu tập thể Trần Phú. Sau này, khi đế quốc Mỹ xâm lược, các con đứa đi bộ đội, đứa học hành, công tác xa nhà. Mẹ sống một mình, vừa làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, vừa làm Đại biểu Quốc hội. Chẳng bao lâu, mẹ cũng trả lại căn nhà ở khu tập thể Trần Phú.
Nghỉ hưu, mẹ chuyển hẳn về ngoại ô Hà Nội, bây giờ là Khương Trung, Thanh Xuân. Mẹ vẫn tích cực nghe đài, đọc báo về tình hình trong nước và quốc tế. Khi gặp bạn bè, các đồng nghiệp cũ, mẹ lại hỏi han về việc thực hiện Nghị quyết TƯ Đảng. Mẹ viết sách về truyền thống cách mạng, về lịch sử Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Cả cuộc đời của mẹ, sống cũng vì Đảng, chết cũng vì Đảng. Chưa bao giờ mẹ thôi nghĩ về sự nghiệp đất nước.
Được biết, 5 người con của cụ là cán bộ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Là một Đảng viên, cụ Trinh đã nuôi dạy các con, hướng các con đến con đường cách mạng như thế nào?
Ngày mẹ còn sống, mẹ dạy chúng tôi về tình yêu nước, về cách mạng. Khi đế quốc Mỹ xâm lược, các con đều tham gia kháng chiến, công tác xa nhà. Mẹ cứ đau đáu mãi chẳng biết có đứa nào trở về hay không.
Thời bình, Mẹ dạy anh em trong nhà sống phải trong sạch, lương thiện: “Các con khó đến đâu, mẹ hỗ trợ đến đó. Còn khả năng chỉ có thế thì không nên cố tìm một vị trí cao hơn. Như thế vừa khổ mình, vừa khó cho tổ chức, lại tạo nên sự bất công trong xã hội”.
Tôi chỉ muốn nói một điều trong đời thường, bản chất người cộng sản thể hiện. Quả là mẹ chẳng dạy bảo nhiều. Cứ nhìn tấm gương mẹ, chúng tôi tự soi mình vào đấy và tự học tập. Đến bây giờ, mẹ không còn sống nữa, nhưng những gì mẹ để lại trong lòng các con, các cháu là một người mẹ, người bà hết lòng vì đất nước. 105 tuổi đời, 90 năm tuổi Đảng của mẹ là niềm tự hào của gia đình chúng tôi.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!
Xem bài viết chi tiết tại:
Hạt ngọc sông Trà Phạm Thị Trinh: Sống vì Đảng, chết vẫn theo Đảng
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.