(Sóng trẻ) - Là môn học được xem như có ưu thế nhất trong việc giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, vậy nhưng, lịch sử đang dần trở thành nỗi “ám ảnh” với đa số thế hệ học sinh Việt Nam hiện nay. Những câu trả lời ngô nghê, những câu nói ngập ngừng, sự lúng túng khi được hỏi về các nhân vật lịch sử lừng danh của những cô cậu học trò đang là nỗi lo lắng với các bậc phụ huynh, với ngành giáo dục và sự tồn vong của lịch sử nước nhà.
“Học sử vì phải thi, không phải vì thích thú”
Theo thống kê của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, trong kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia 2019 vừa qua, 70% số bài thi lịch sử không đủ điểm trung bình, tức là dưới 5/10 điểm, và điểm thi trung bình của môn lịch sử chỉ có 4,3 – thấp nhất trong 9 môn thi.
Nếu gõ tìm kiếm “Điểm thi Lịch sử THPT quốc gia” sẽ chỉ thấy những từ khóa như “đội sổ”, “thấp nhất”,...
Con số này đã không còn là điều quá đỗi xa lạ đối với ngành giáo dục Việt Nam trong những năm gần đây. Bởi một thực trạng đang diễn ra hiện nay là học sinh cảm thấy chán ghét, thậm chí “sợ” môn lịch sử Việt Nam. Những câu hỏi tưởng chừng rất quen thuộc như: “Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ như thế nào?”, “Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm bao nhiêu?”,... nhưng lại khiến phần lớn những học trò Việt phải bối rối. Một thực tế đáng báo động, nhiều người thấy, nhưng lại làm ngơ và dần dần lặng lẽ “chấp nhận” nó.
Theo cô Đỗ Thị Thoan – giáo viên Lịch sử tại Trường THPT Chuyên Hà Nam chia sẻ: “Không kể đến những em học chuyên Sử, nhiều học sinh hiện nay, nhất là những bạn bên khối tự nhiên cảm thấy “nhẹ nhõm” khi biết môn lịch sử không nằm trong danh sách những môn phải thi. Như vậy, có thể nhìn nhận rằng, các em hiện nay đang học sử chỉ vì đó là bắt buộc, phải học mới thi được, chứ không phải học vì thích thú, vì phát triển trí tuệ và phát triển nhân cách, bồi dưỡng lòng yêu nước”. Điển hình như năm 2015, kì thi THPT Quốc gia diễn ra tại điểm thi trường THPT Yên Thành 2, huyện Yên Thành (Nghệ An), duy nhất một thí sinh Phạm Xuân Hải dự thi môn Lịch sử, hội đồng coi thi vẫn bố trí 66 cán bộ phục vụ sĩ tử này.
Cô giáo Đỗ Thị Thoan
Dưới đây là một đoạn clip ngắn được nhóm phóng viên thực hiện về thực trạng học sinh học môn lịch sử hiện nay:
Thực trạng hiểu biết về kiến thức lịch sử cơ bản của học sinh.
Nếu nói rằng việc học sinh không cảm thấy hứng thú với môn lịch sử nước mình sẽ ảnh hưởng đến sự tồn vong là quan trọng hóa vấn đề thì chưa phải. Bởi thực tế chứng minh rằng, các em đang dần “xa lánh”, thậm chí là “quay lưng” với những giá trị lịch sử, với cội nguồn, với những gì mà ông cha ta đã phải hi sinh để có cuộc sống tươi đẹp như ngày nay. Học sinh là những mầm non của đất nước, sẽ là lớp thế hệ thừa kế để phát triển quê hương, nhưng các em sẽ xây dựng và có trách nhiệm với Tổ quốc như thế nào khi chính các em đang không biết, không hiểu và không học về lịch sử của chính dân tộc mình?
Gương mặt khá gượng gạo của cậu học sinh khi được hỏi “Em có thích học môn lịch sử không?”
Do cách dạy hay cách học?
Nhìn vào thực trạng, câu hỏi được đặt ra là: Tại sao môn lịch sử lại khiến học sinh “chán” đến vậy? Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, cô Phan Mỹ Bình – giáo viên Trường THPT Ỷ La Tuyên Quang cho rằng: “Học sinh không hứng thú vì nghĩ môn lịch sử khô cứng, không hấp dẫn, không có cảm hứng học, khi cần các thông tin về lịch sử đã có mạng xã hội cung cấp. Bên cạnh đó, các em bị thu hút quá nhiều vào các trang mạng xã hội có tính chất giải trí”. Cũng theo cô Bình, môn lịch sử không có tính đa dạng về ngành nghề chính là lý do khiến học không thích học môn học này.
Cô giáo Phan Mỹ Bình
Tuy nhiên, chỉ nhìn từ phía học sinh thôi là chưa đủ. Đa số giáo viên bộ môn này đều được đào tạo căn bản ở trình độ Đại học, thậm chí cao hơn và họ đều nhận thấy tác dụng cũng như ý nghĩa của việc tổ chức các hoạt động nài giờ lên lớp bộ môn cho các đối tượng học sinh phổ thông, nhưng thực tế, không phải ai cũng làm tốt được điều này. Nhiều thầy cô đang quá cứng nhắc và khô khan với phương pháp cũ; tài liệu minh họa chỉ dừng lại ở sa bàn, bản đồ, hình ảnh các trận chiến, hoặc những tranh ảnh tư liệu. Giáo viên cũng sẽ gặp khó khăn khi chương trình sách giáo khoa Lịch sử khô khan, thiếu sức hấp dẫn vì quá chú trọng vào các con số, các ngày tháng, niên đại, mà không tái hiện được một cách sống động các sự kiện, các nhân vật lịch sử, từ đó khó mà có được những phương pháp dạy học tích cực, tiên tiến, khó mà truyền cho học sinh niềm đam mê lịch sử.
Mặt khác, các phương tiện truyền thông đang quá mải mê đưa thông tin theo tính chất một chiều mà chưa lường trước được hậu quả của nó. Thực tế đáng lo ngại hiện nay: nhiều học sinh thích xem phim nước nài, đặc biệt là phim cổ trang, rồi hiểu rõ lịch sử nước họ hơn là lịch sử nước mình.
Lịch sử là quá khứ, nhưng lịch sử làm nên và tồn tại song song với thực tại. Lịch sử là hành trình gây dựng đất nước từ thuở sơ khai cho đến những ngày tháng đấu tranh, hi sinh máu và nước mắt vì độc lập dân tộc. Và chỉ khi nhìn lại quá khứ ấy, giở lại những trang sử hào hùng ấy, chúng ta mới có động lực để viết nên những trang mới tươi đẹp hơn, viết nên một tương lai sáng lạn hơn, một Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” với nét truyền thống được bảo tồn bằng những trái tim yêu lịch sử.
BBT Sóng trẻ
Nhằm tạo một diễn đàn mở để tiếp thu, phản biện, đóng góp,… những ý kiến, quan điểm, giải pháp xoay quanh câu chuyện học sinh đang dần “quay lưng” với môn lịch sử; đồng thời là cầu nối giữa học sinh với giáo viên, phụ huynh học sinh và các chuyên gia, Sóng Trẻ News mở Diễn đàn với chủ đề: “Học sinh Việt có đang “quay lưng” với lịch sử Việt?”. Độc giả có thể gửi bài viết đóng góp cho diễn đàn về địa chỉ: [email protected] hoặc để lại bình luận phía dưới bài viết. |
Học sinh Việt có đang “quay lưng” với lịch sử Việt?
(Sóng trẻ) - Là môn học được xem như có ưu thế nhất trong việc giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, vậy nhưng, lịch sử đang dần trở thành nỗi “ám ảnh” với đa số thế hệ học sinh Việt Nam hiện nay. Những câu trả lời ngô nghê, những câu nói ngập ngừng, sự
Video
4 năm trước