(Sóng trẻ) - Hiếm có một loại hình nghệ thuật nào kết hợp nhiều yếu tố đến thế trong một bài biểu diễn: những khúc chèo ngọt ngào, tích truyện cổ quen thuộc, những con rối sống động như có linh hồn dưới bàn tay người nghệ nhân,... Trải qua hàng nghìn năm, múa rối nước vẫn có thể khiến người ta yêu thích.
Từ văn hóa dân gian trở thành văn hóa dân tộc
Múa rối nước là một nhánh rất phát triển của nghệ thuật múa rối, có tuổi thọ khoảng 1000 năm.
Ban đầu, múa rối nước chỉ là một hình thức sinh hoạt giải trí của người nông dân nghèo. Các tích truyện chủ yếu liên quan đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân lao động như chuyện cày cấy, đánh bắt cá, các lễ hội chọi trâu, múa lân,...
Theo giảng giải của ông Mạnh, một nghệ nhân lâu năm của phường múa rối Đào Thục nổi tiếng, mục đích của các vở múa rối nước ngày ấy chỉ là hài hước, gây cười hoặc châm biếm là chính. Sau này, vào thời Lý – Trần, nghệ thuật múa rối rất phát triển, trở thành một loại hình phục vụ cho việc hoạt động lễ bái, thờ cúng thần linh.
Rối nước ra đời trong dân gian nên cũng mang đậm phong vị dân gian, phản ánh đời sống của người dân nước Việt. “Thời thế thế nào thì ông bà dựng vở rối thế đó. Sau này chúng tôi có phục dựng, nhưng cái “cốt” của ông bà vẫn được giữ nguyên.” – ông Mạnh chia sẻ. Múa rối nước từ mục đích gây cười đã trở thành cuốn sử ký bằng nghệ thuật từ khi nào không hay. Từng câu chuyện về những chiến công vẻ vang trong lịch sử dựng nước và giữ nước được lưu truyền trong những vở múa rối vừa chân thực, vừa kỳ ảo.
Trích đoạn tích vua Lê Lợi trả gươm cho thần Kim Quy
Người dân của bất cứ vùng miền nào cũng có thể thấy hình dáng ông cha trong những vở rối nước. Từ những hoạt cảnh sinh hoạt được hình tượng hóa với những cái tên quen thuộc: chú Tễu, Thị Nở, Chí Phèo,... cho tới những câu chuyện thần thoại về Thánh Gióng nhổ tre giết giặc, hay trang sử của Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh đuổi xâm lăng,...
Anh Khiêm, một nghệ nhân của phường múa rối Đào Thục chia sẻ: “Múa rối nước có nhiều ý nghĩa lắm. Trẻ con xem múa rối thì thuộc cổ tích, biết cổ tích hơn. Người lớn xem thì nhớ lại lịch sử. Múa rối không chỉ để cho vui mà còn lưu giữ văn hóa của tổ tiên, còn thể hiện xã hội bây giờ. Khán giả còn thích thì mình còn làm, còn sáng tạo, còn yêu nghề lắm chứ.”
Quả thật múa rối nước vẫn luôn được quần chúng yêu thích. Bạn Phương Thảo (sinh viên Đại học KTQD) hào hứng: “Đầu năm nay mình có đi xem múa rối ở Hoàng thành Thăng Long. Các vở múa rối có nhiều thay đổi so với mình xem khi còn bé. Có những vở cốt truyện cũ nhưng thay đổi tình tiết cho phù hợp với xã hội hiện đại hơn. Mình rất thích những vở có tính phê phán vì nó vẫn đúng cho đến tận bây giờ.”
Múa rối nước trong đời sống hiện đại
Múa rối nước ngày nay, trên cơ bản vẫn giữ nguyên các yếu tố đặc trưng của thể loại. Âm nhạc vẫn là một dàn hát chèo với những nhạc cụ quen thuộc như đàn tranh, sáo, trống,... Thông thường một vở múa rối nước cần sáu nghệ sĩ hát chèo: ba nghệ sĩ nam và ba nghệ sĩ nữ. Hai đội nam – nữ sẽ ngồi hai bên sân khấu, khi hát đối đáp, khi lại độc diễn tạo nên nhịp điệu, tiết tấu luyến láy rất riêng cho mỗi phân đoạn của vở múa rối.
Những con rối vẫn được làm bằng gỗ, được các nghệ nhân giấu mặt sau tấm mành che điều khiển bằng chiếc gậy mảnh dài. Hầu hết người xem đều vô cùng thán phục trước khả năng phối hợp tài tình của những nghệ nhân điều khiển rối. Ít ai biết được phía sau sự ăn ý ấy là cả một quá trình luyện tập lâu dài, vất vả.
Chị Mơ, một người điều khiển rối tại Nhà hát múa rối Trung ương chia sẻ về những khó khăn của nghề
Bên cạnh đó cũng có những thay đổi. Ánh sáng và âm thanh được đầu tư công phu hơn. Những vở rối không chỉ đơn thuần là sự chuyển động của những con rối trên nền nước, mà còn có những yếu tố phụ trợ như pháo sáng, để màn biểu diễn thêm phần kỳ ảo.
Pháo sáng tạo nên không gian thơ mộng, huyền ảo cho bài múa rối
Múa rối nước là nghệ thuật dân gian, mà dân gian thì gắn liền với đại chúng. Để phù hợp với nhịp phát triển của đất nước, bên cạnh những tích dân gian quen thuộc, các phường múa rối cũng sáng tạo thêm nhiều vở mới như: “Tặng hoa ngày hội”, “Rước ảnh Bác Hồ”,... mang hơi thở của xã hội hiện đại, gần gũi hơn với công chúng.
Trong những dịp lễ tết như Trung thu, Giáng Sinh, Tết cổ truyền,... các nhà hát múa rối còn tổ chức những chương trình biểu diễn đặc biệt, phù hợp với không khí ngày hội.
Bạn Trà My (sinh viên Đại học Hà Nội) chia sẻ: “Thỉnh thoảng mình cũng đi xem múa rối nước. Bây giờ múa rối có kết hợp thêm cả các loại hình khác vào, có thêm nhiều câu chuyện mới nên hấp dẫn hơn trước nhiều.”
Việc múa rối nước cần những cú chuyển mình để môn nghệ thuật này ngày càng hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu của khán giả là điều tất yếu. Thế nhưng dù có thay đổi nhiều thế nào, có hai điều chắc chắn là bất biến: sự say mê của khán giả đối với những con rối, và nhiệt huyết của những nghệ nhân với một tinh hoa văn hóa dân gian.
Nhà hát múa rối Trung ương kín chỗ trong chương trình đầu xuân.
Minh Nguyệt
Báo chí Đa phương tiện K34 A1
Múa rối nước - nét văn hóa mộc mạc mà sâu sắc
(Sóng trẻ) - Hiếm có một loại hình nghệ thuật nào kết hợp nhiều yếu tố đến thế trong một bài biểu diễn: những khúc chèo ngọt ngào, tích truyện cổ quen thuộc, những con rối sống động như có linh hồn dưới bàn tay người nghệ nhân,... Trải qua hàng nghìn năm,
Video
7 năm trước