(Sóng trẻ) – Với người dân tại xã Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội từ bao đời nay đã quen thuộc với nghề khai thác đá ong để phục vụ các công trình nhà ở, đền thờ, miếu mạo. Thế nhưng, để có một viên đá thành phẩm vuông vức như vậy, ít ai biết rằng những người thợ làm đá ong phải đánh đổi rất nhiều thứ, từ mồ hôi, nước mắt và cả máu…


Người dân xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, lấy nghề  khai thác đá ong làm gạch để xây nhà và các công trình phục vụ đời sống sinh hoạt của con người. Với sự năng động và đôi bàn tay khéo léo của những người thợ khai thác, đá ong không chỉ được chế tác thành những viên gạch truyền thống mà còn được chế tác thành nhiều loại sản phẩm khác, phục vụ nhu cầu của toàn xã hội. Khai thác và chế tác đá ong là cả một câu chuyện không chỉ cần sức khỏe mà còn cần đến sự thông minh, tỉ mỉ và sự khéo léo của đôi bàn tay, sự dẻo dai, bền bỉ từ đôi bàn chân. 

Hành trình khơi nguồn vẻ đẹp trong lòng đất

Đá ong gắn bó với người dân từ khi sinh ra, lớn lên và cả khi họ lìa trần để trở về đất mẹ. Không biết loại đá này sinh ra từ đâu, có tự bao giờ, song người dân nơi đây đều biết rằng đó là một thứ đá riêng biệt của quê hương, một thứ của “độc” mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất xứ Đoài. Thứ đá đó đã xây dựng nên các ngôi nhà cổ đặc sắc ở Đường Lâm, các ngôi chùa cổ ở Sơn Tây, Thạch Thất, các công trình kiến trúc độc  đáo phủ rêu xanh trường tồn với thời gian…

a63f34447_a1.jpg
Sau quá trình tìm kiếm đá ong được khai thác tập trung theo từng khu đất

Người thợ đá ong phải dựa vào kinh nghiệm, đi tìm những mảnh đất đá ong lộ thiên để xác định mạch đá. Thợ đá sẽ dùng dao hay thó để thăm dò địa chất, lưỡi đá mà to, rộng thì chắc chắn phiến đá bên trong sẽ dày.
Sau khi thăm dò và đào một lớp đất thịt trên cùng, đào sâu xuống chừng hơn 1 mét lúc ấy lớp đá ong mới lộ ra với một màu vàng sẫm đặc trưng với những hoa văn do thiên nhiên ban tặng.

Xong xuôi các công đoạn tìm kiếm đá ong, những người thợ đá ong tiến hành công đoạn đánh đá. Với công cụ đánh đá là một chiếc thó, công cụ đặc trưng của những người thợ đánh đá ong. Chiếc Thó dài chừng 2m, cân nặng dao động từ 7kg đến 10kg. 

Người thợ làm đá ong sử dụng chiếc thó và dùng sức đâm mạnh lưỡi thó lên mặt đá. Tỉ mỉ, khéo léo, Người thợ đánh đá ong tỉa từng chi tiết trên bề mặt đá ong một hình chữ u với chiều rộng mỗi viên đá ong khoảng 20cm và chiều dài 30cm. Để đảm bảo chính xác chiều dài và rộng cảu viên đá ong, người thợ đá ong đã dùng một cây thước tre có chia tỷ lệ.  Điểm đáng chú ý là họ không dùng tay để đo kích thước, mà hoàn toàn những việc đo đạc ấy đều được thực hiện bằng đôi bàn chân.

a63f34447_a5.jpg
Đôi bàn chân đã đảm nhận nhiệm vụ của đôi tay một cách khéo léo và linh hoạt

Với người thợ đá ong, họ không bao giờ dùng tay để xoay, lăn và lật viên đá, mọi thao tác ấy đều làm bằng đôi bàn chân. Để thấy rằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa từng bộ phân trên cơ thể khi thực hiện thao tác khai thác đá!
Liên tục đâm, xoay và dùng đầu gối đẩy vụn đá khỏi mạch, để có một viên đá ong, ước tính người thợ làm đá ong phải đâm 400 nhát lên mạch đá với lực rất mạnh trong thời gian từ 10 – 12 phút. 

a63f34447_a3.jpg
Những viên đá ong được xếp vuông vức sau bao vất vả, gian nan

Với sự đặc biệt trong cấu tạo địa chất của đá ong mà chỉ dùng thó mới có thể chế tác đá ong. Bởi mặc dù ở sâu trong lòng đất nhưng đá ong rất cứng, tiếng cạch cạch đanh tai mỗi khi lưỡi thó chạm vào mạch đá đủ hiểu về sự bền bỉ và độ cứng của loại đá này.

Mỗi ngày với sức lực của một thanh niên trai tráng, sức vóc và có kinh nghiệm thì số lượng đá ong khai thác được cũng chỉ rơi vào khoảng 20 đến 25 viên. 

“Của một đồng – Công một nén”

Chính vì sự vất vả và nặng nhọc của việc khai thác đá ong nên hiện nay đã không còn nhiều người theo đuổi nghề này, những người còn sót lại với số lượng rất mỏng đang từng ngày lưu giữ lại cái nghề truyền thống từ bao đời nay để lại… phần vì tài nguyện đang dần thu hẹp lại, phần vì thu nhập từ nghề khai thác đá ong chẳng đáng bao nhiêu.

Mỗi viên đá ong thành phẩm được bán ra với giá 10 đến 11 nghìn đồng, Nhưng để so với sức lực mà người thợ đá ong bỏ ra cho mỗi viên thì quả thực số tiền ấy có phần không cân xứng.

Nhìn viên đá ong được tách khỏi mạch đá, rồi được người thợ dùng thó xỉa, tạc cho vuông vắn, góc cạnh. Mới hiểu được sự khéo léo, tinh tế và kinh nghiệm trong nghề của những người thợ làm đá.

a63f34447_a4.jpg
Nỗi vất vả đằng sau những viên đá ong vuông vắn vàng ươm

Nghề làm đá ong vất vả ở chỗ, thời tiết mưa gió thì không thể nào làm việc được, công việc này thường diễn ra trong cái nắng chói chang, oi bức trên một vùng đất trống. Cái nắng oi ả như thiêu đốt da thịt của những người thợ làm đá, mồ hôi nhễ nhại... 

Cứ đào được 1 – 2 viên, những người thợ đá ong lại ngồi nghỉ chừng 5 – 7 phút để hồi sức và tiếp tục khai thác. Từng nhát thó chạm vào thớ đá vang lên những tiếng kêu chát chua trong cái nền trời oi ả ấy, mới thấy sự đánh đổi và hy sinh khi họ chọn khai thác đá ong làm nghề mưu sinh…

Nhìn từng hàng đá ong được dựng bên ven đường thành những bờ tường bao quanh, nhìn từng viên đá xếp chồng lên nhau tại khu làng cổ, đình chùa, miếu thờ… một cách cổ kính, rêu phong, ít ai nghĩ rằng, để có một viên đá ong thành phẩm như vậy, người thợ đá ong phải bỏ ra bao nhiều sức lực, mồ hôi và cả máu!

Hành trình của những người thợ đá ong sẽ tiếp tục đến khi nào? Nghề khai thác đá ong liệu có còn được lưu truyền cho các đời con, cháu? Đó vẫn là một ẩn số mong manh khi mà con người ta phải đánh đổi quá nhiều thứ để đến với cuộc hành trình khơi nguồn vẻ đẹp trong lòng đất ấy…

Đoàn Bổng

Phóng sự: Gian nan hành trình khơi nguồn vẻ đẹp trong lòng đất

Để có một viên đá thành phẩm vuông vức như vậy, ít ai biết rằng những người thợ làm đá ong phải đánh đổi rất nhiều thứ, từ mồ hôi, nước mắt và cả máu…

Video 9 năm trước