“5 lần” - 2 từ đơn giản khiến 2 tai tôi ù đi vì đó là số lần mà một học sinh 17 tuổi chấp nhận từ bỏ những sinh mạng chưa thành hình.
Trong phòng khám của bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tiếng bước chân đi lại đầy lo âu của bậc phụ huynh chờ kết quả ngoài cửa cũng không thể át đi tiếng khóc thút thít của nữ sinh đang cúi gằm mặt.
Năm lần phá thai - con số khiến cả những bác sĩ dày dặn kinh nghiệm như bác sĩ Thành cũng phải chùng lòng.
Cơn gió nhẹ nhàng xuyên qua cửa sổ phòng khám không thể khiến người mẹ 17 tuổi dễ thở hơn bởi dường như thiếu nữ ấy đang phải đối mặt với kết quả tệ nhất đối với cuộc đời người phụ nữ.
Theo điều tra mới nhất của Bộ Y tế (tính đến tháng 4/2024), mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo phá thai được thực hiện. Trong đó, tỷ lệ phá thai ở thanh thiếu niên (15-19 tuổi) chiếm khoảng 20% tổng số ca. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cũng đưa ra cảnh báo rằng Việt Nam đang thuộc nhóm 5 nước có tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên cao nhất thế giới.
Các thống kê cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi ở Việt Nam tăng gấp 2 lần trong 6 năm từ 1,45% (năm 2013) lên 3,51% vào năm 2019.
N.T.T bệnh nhân 17 tuổi đã phá thai 5 lần tìm chỉ tìm đến bác sĩ Thành khi sức khoẻ đã không còn đường lui.
T. nhận mình là người có đời sống tình dục khá phóng khoáng, nữ sinh nhiều lần quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn từ đầu năm lớp 10.
Nghe theo lời khuyên của bạn trai, T. đã chủ động dùng thuốc tránh thai khẩn cấp sau mỗi lần quan hệ. Khi phát hiện có thai, T. rất sợ nhưng mọi việc đã được giải quyết khi cô gái này tìm được nhóm “Thuốc phá thai” trên Facebook, đây là địa chỉ T. tin tưởng khi không có hiệu thuốc nào đồng ý bán thuốc phá thai.
T. chỉ can đảm tìm đến bác sĩ Thành khi mỗi lần quan hệ đều không thoải mái và xuất hiện tình trạng băng huyết suốt nhiều giờ.
Siêu âm phát hiện, T. bị viêm dính buồng tử cung nghiêm trọng, tình trạng sẹo xơ và tổn thương mô đã ảnh hưởng đến lớp cơ tử cung, gây ra hiện tượng chảy máu bất thường và đau đớn khi quan hệ. Đặc biệt, việc sử dụng thuốc phá thai không rõ nguồn gốc nhiều lần đã làm suy yếu chức năng co bóp của tử cung, và khả năng làm mẹ lần thứ 6 gần như không thể.
“Người phụ nữ mang thai trên sẹo xơ ở buồng tử cung rất khó có thể giữ thai. Chúng tôi đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến viện khám với tiền sử sảy thai 4 - 5 lần. Đến khi khám mới thấy tử cung - ngôi nhà của thai nhi - đã bị tàn phá nặng nề”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Từ năm 2025, Bộ Y tế sẽ tiến hành xin ý kiến các cơ quan dự án xây dựng Luật Dân số, để siết chặt quy định về nạo phá thai. Đến năm 2030, Bộ đặt mục tiêu giảm 2/3 số người vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn.
Quyền bỏ thai thường được gắn với sự tự quyết của phụ nữ lên cơ thể, nhưng đôi khi lại không phải vậy.
Theo bác sĩ Phan Chí Thành, pháp luật Việt Nam đang quy định người mẹ có thể quyết định nạo phá thai khi thai nhi dưới 22 tuần tuổi, kèm theo điều kiện không phá thai vì giới tính. Tuy nhiên, con số này vẫn quá nguy hiểm trên góc nhìn của y khoa.
“Phải nhấn mạnh một nguyên tắc, trong mọi trường hợp sản phụ chỉ nên quyết định can thiệp khi thai nhi dưới 12 tuần tuổi. Trước 12 tuần gọi là đình chỉ thai, sau 12 tuần gọi là phá thai, đến 22 tuần thì thai nhi đã đủ tứ chi và các bộ phận, việc nạo phá sẽ vô cùng nguy hiểm cho người mẹ.
Bên cạnh đó, nếu cho phép thời gian phá thai được kéo dài, nhiều gia đình sẽ sử dụng các biện pháp để có thể nhận định giới tính thai nhi và đưa ra những quyết định không công bằng”, bác sĩ Thành thông tin.
Cùng quan điểm với bác sĩ Thành, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ủng hộ luật cấm phá thai to và cấm phá thai vì giới tính. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng cấm phá thai vì giới tính rất khó để áp dụng vào thực tế.
“Năm 2020, việc tiết lộ giới tính thai nhi bị nghiêm cấm tại các cơ sở y tế, nhưng khả năng thực thi trên thực tế không được bảo đảm. Khi người ta phá thai, chẳng ai dại mà nói rằng tôi đi phá thai vì lựa chọn giới tính, người ta sẽ có những cái lý do khác. Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để bác sĩ có thể xác định được lý do khác của người ta.
Bên cạnh đó, quy định phá thai trên 22 tuần tuổi cũng không thể áp dụng cho tất cả các đối tượng. Ví dụ nếu người ta phải phá thai vì lý do sức khỏe, lý do bị xâm hại tình dục, kể cả khi người mẹ còn quá nhỏ, vậy quy định này có thể áp dụng một cách cứng nhắc không?”.
TS. Khuất Thu Hồng nhận định, quy trình và dịch vụ phá thai tại các cơ sở y tế tại Việt Nam đạt chuẩn an toàn suốt nhiều năm nay. Những trường hợp nạo phá thai dẫn đến vô sinh phần lớn là do người phụ nữ thiếu kiến thức và phá thai bất chấp tại các cơ sở làm chui, không hợp pháp.
“Việc Bộ Y tế tiến hành xin ý kiến các cơ quan dự án xây dựng Luật Dân số, để siết chặt quy định về nạo phá thai là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải linh hoạt điều chỉnh sao cho những điều luật ấy sát với thực tế.
Về phần quyết định mang thai hay chấm dứt thai kỳ hoàn toàn là quyền của người phụ nữ. Pháp luật không có lý do gì mà lại cấm, nếu cấm thì sẽ rất vô lý”, TS. Khuất Thu Hồng chia sẻ.
Năm 2022, sau phán quyết không còn xem bỏ thai là một quyền hiến định ở Mỹ, tại Châu Á và Việt Nam, nhiều người thở phào vì phụ nữ vẫn có quyền bỏ thai và tiếp cận dịch vụ này một cách an toàn, hợp pháp.
TS. Khuất Thu Hồng cũng là một trong những người tiên phong lên tiếng về quyền phá thai của phụ nữ, bà cho rằng: “Nước Mỹ đang đi ngược với sự tiến bộ của nhân loại”.
Theo bà Hồng, cơ thể phụ nữ nên quyền quyết định hoàn toàn là của họ. Nếu cấm họ, có thể tỷ lệ phá thai không thực sự giảm mà còn tăng các rủi ro vì nhiều người tìm cách phá luật và chọn những biện pháp không an toàn.
“Giữ thai, tiếp tục mang thai hay chấm dứt thai kỳ hoàn toàn là quyền của người phụ nữ, trừ khi sức khoẻ tinh thần của người đó có vấn đề hay không đủ minh mẫn để quyết định.
Nói một cách khác, việc mang thai và tất cả những vấn đề sức khỏe về tinh thần, tâm lý, thể chất, thì phụ nữ là người phải chịu đựng chứ không phải là bố mẹ, chồng hay là bất cứ một người nào khác. Vậy nên, không ai có thể quyết định thay người phụ nữ”, TS. Khuất Thu Hồng nói thêm.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhiều phụ nữ vì không thể phá thai đã phải sống trong nghèo khó vì không có khả năng nuôi con. Một trong số đó thậm chí phải gửi con đi cho người khác nhận nuôi, hay thậm chí đánh đổi mạng sống vì thai nhi. Lúc này, sức khỏe và quyền tự do cá nhân của sản phụ đã bị xếp sau sự quan trọng của một bào thai chưa được ra đời.
Đơn cử, tại Châu Á, chỉ có 3 quốc gia nghiêm cấm hoàn toàn việc bỏ thai vì bất kỳ lý do nào là Iraq, Lào và Philippines. Nhưng tại Philippines, tỉ lệ bỏ thai vẫn ở hàng cao trong khu vực, nghĩa là việc bỏ thai đều diễn ra bất hợp pháp, trong những cơ sở không đảm bảo an toàn.
Theo TS. Khuất Thu Hồng, ở hầu hết các nước Châu Á, vấn đề bỏ thai trong khoảng 10 năm trở lại đây ít nằm trong khuôn khổ của diễn ngôn ủng hộ sự sống của bào thai hay ủng hộ lựa chọn của phụ nữ. Thay vào đó, nó đi cùng với những vấn đề mang đậm văn hóa bản địa nơi đây: Kế hoạch hóa dân số và lựa chọn giới tính.
“Nếu bỏ thai ở phương Tây là vấn đề mang tính “trắng đen” thì bỏ thai ở Châu Á và Việt Nam lại là một bức tranh nhiều màu, nhiều lớp. Nó hé lộ thêm một góc nhìn mà ít người nói đến: Quyền phá thai là lựa chọn tới từ việc phụ nữ không thể toàn quyền quyết định”, bà Hồng nói.
Nếu ví cơ thể phụ nữ là chiến trường của quan điểm nạo phá thai thì nhiều người đàn ông lại cho rằng bản thân chẳng liên quan gì đến chiến trường đó.
“Dương tính”, lời kết luận của bác sĩ như một vết mực xấu xí giữa trang thanh xuân đa màu sắc của L.T.L (21 tuổi).
Không trò chuyện với gia đình suốt 2 tuần qua, L. tự giam mình trong căn phòng không chút ánh sáng, nữ sinh nói rằng đây là sự trừng phạt nhẹ nhàng nhất mà cô có thể tự đặt ra cho mình.
L. tâm sự cô nàng và bạn trai đã yêu nhau từ năm nhất đại học, bản thân L. cũng nung nấu ý định được làm vợ của chàng trai ấy khi ra trường, vậy nên cặp đôi đã quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Những tưởng câu chuyện sẽ chẳng có vấn đề gì khi cô nàng uống thuốc tránh thai khẩn cấp, nhưng không, L. vẫn có thai. Khi đi khám, L. còn bàng hoàng hơn khi bác sĩ chẩn đoán cô nàng dương tính với HIV và cả bạn trai L. cũng vậy. Kết quả, L. đành phải bỏ con dù không muốn.
“Khi đi khám, bạn trai không muốn đi cùng mình vì sợ xấu hổ, đến khi có kết quả, bạn ấy quay sang quở trách mình, nói rằng liệu có phải mình dính bệnh từ trước rồi lây cho bạn ấy không? Mình thực sự không muốn bỏ con nhưng mình không muốn đứa bé sinh ra mà mang bệnh tật và có một gia đình không hoàn chỉnh như vậy”, L. nói.
Thời gian sau đó, L. vừa phải chịu nỗi đau mất con, vừa phải chịu lời lăng mạ của gia đình nhà bạn trai. Cô gái 21 tuổi bị đổ lỗi vì phải bỏ con của mình, bạn trai cô cũng không mảy may đến người con bị bỏ mà chỉ công kích, trách mắng cô nàng.
TS. Khuất Thu Hồng cho rằng nạo phá thai không phải là vấn đề của riêng phụ nữ. Đàn ông phải có trách nhiệm bởi phụ nữ không thể một mình tự mang thai. Không chỉ đến khi chào đời, ngay cả lúc còn trong bụng mẹ, người cha cũng phải có nghĩa vụ với những mầm sống do mình tạo ra. Người đàn ông có trách nhiệm không phải là ủng hộ người phụ nữ của mình phá thai để né tránh phận sự làm cha, thay vào đó là đấu tranh cho sự tồn tại của những đứa con mình.
“Nhiều phong trào ủng hộ việc phá thai tuyên bố, họ bảo vệ và bênh vực phụ nữ nhưng thực chất chỉ khuyến khích phụ nữ từ bỏ thiên chức làm mẹ. Bên cạnh đó, nhiều người đàn ông vô tâm, ích kỷ khá bình thản khi thấy giọt máu của mình bị tước đi cơ hội sống vì họ chỉ thích hưởng thụ những thú vui chốc lát và phủ nhận trách nhiệm với những gì mình làm.
Thay vì phủ nhận mọi thứ hay để mặc người phụ nữ tự xoay xở, điều quan trọng hơn là phải lắng nghe tiếng nói của người phụ nữ, bởi họ cảm nhận rõ ràng và sâu sắc hơn ai hết về tình mẫu tử thiêng liêng và sự tồn tại của những sinh linh bé nhỏ trong cơ thể mình. Có nhiều người bị ép buộc, đe dọa phải phá thai nhưng trong lòng họ không muốn thế”, bà Hồng nói.
Suy cho cùng, “phá thai, cấm hay không” không chỉ là vấn đề luật pháp. Cái xấu vẫn không biến mất chỉ vì sự có mặt của luật pháp.
Thay vào đó, giải pháp có thể là: Gia đình, nhà trường thôi ngại nhắc đến giáo dục giới tính, siết chặt luật đối với các cơ sở phá thai không an toàn, và cùng với đó là nâng cao nhận thức về quyền thai nhi trong tương quan với quyền sinh sản của phụ nữ.
CẦN ĐƯỢC TƯ VẤN? Tổng đài tư vấn sức khỏe sinh sản Bệnh viện Phụ sản Trung ương: 1900 57 57 47 |
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.