(Sóng trẻ) - Người Việt Nam từ xa xưa đã rất coi trọng truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Chính vì vậy, tục tảo mộ đã trở thành ăn sâu vào tiềm thức, trở thành một nét đẹp văn hóa. Những ngày cuối cùng của năm cũng chính là lúc người ta nhớ về nguồn cội và tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên.
Tục tảo mộ diễn ra vào cuối tháng 12 âm lịch, khoảng từ ngày 24 đến 29. Hàng năm, vào những ngày này, người dân Việt Nam thường đi tảo mộ, tức là sửa sang, chăm sóc lại mộ phần cho những người thân đã khuất.
Cắt cỏ dại, soạn lại bát nhang, vun đắp phần mộ là những công việc cần làm trong ngày tảo mộ nhằm sửa sang phần mộ cho sạch sẽ để tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên.
Trong truyền thống tâm linh của người Việt, họ quan niệm rằng, khi năm mới đến, mọi thứ đều phải được chuẩn bị, tu sửa cho sạch sẽ, mới mẻ. Mộ phần của ông bà, tổ tiên cũng không nại lệ.
Tục tảo mộ cuối năm càng trở nên thiêng liêng, quý trọng đối với những người lớn tuổi. Bởi đối với họ, đây không chỉ đơn giản là một quan niệm, tập quán mà còn là một nét đẹp truyền thống từ bao đời nay.
Tảo mộ cũng là dịp để con cháu giãi bày với ông bà, tổ tiên về những gì đã diễn ra trong năm cũ cũng như cúi xin sự tha thứ về những sai sót của con cháu và cầu mong cho một năm mới nhiều tài lộc.
Bác Nguyễn Thị Vân, 45 tuổi chia sẻ: “Hàng năm, vào những ngày giáp Tết, gia đình tôi đều ra mộ phần các cụ để tu sửa. Có cỏ thì dọn, thấy mộ phần hư hại gì thì phải sửa sang lại ngay. Tết đến là phải chuẩn bị cho các cụ mâm cơm cúng sao cho tươm tất để tỏ lòng hiếu kính. Có như thế các cụ mới phù hộ độ trì cho được.”
Đối với những người đi làm ăn xa, cuối năm cũng phải tranh thủ về để thăm viếng, tu sửa phần mộ ông bà, cha mẹ và những người thân đã khuất của mình. Việc tảo mộ cuối năm không chỉ để tỏ lòng thành kính đối với tổ tiên mà còn giúp tâm hồn mỗi người trở nên thanh thản, nhẹ nhõm hơn.
Những nén nhang thành kính của con cháu thắp lên để tỏ lòng biết ơn với tổ tiên và cầu mong cho một năm mới an khang, thịnh vượng.
Tảo mộ cuối năm chính là một nét đẹp trong văn hóa người Việt. Qua đây, con cháu không những được tỏ lòng hiếu kính, biết ơn với tổ tiên mà còn góp phần lưu giữ và phát huy một truyền thống đáng quý của dân tộc.
Trần Thị Kim Nhung
Báo chí đa phương tiện K34A1
Tảo mộ ngày Tết - một nét đẹp trong văn hóa Việt
(Sóng trẻ) - Người Việt Nam từ xa xưa đã rất coi trọng truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Chính vì vậy, tục tảo mộ đã trở thành ăn sâu vào tiềm thức, trở thành một nét đẹp văn hóa. Những ngày cuối cùng của năm cũng chính là lúc người ta nhớ về nguồn cội
Video
7 năm trước