(Sóng trẻ) – Những năm gần đây, mỗi gia đình làm đồ chơi truyền thống ở làng Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) thu về cả tỷ đồng mỗi năm nhờ các mặt hàng như mặt nạ, đầu sư tử, trống Trung thu. Số tiền lãi thu được lên đến vài trăm triệu đồng một năm.
Gia đình bà Vũ Thị Thoàn (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) chuyên làm về mặt nạ giấy bồi cũng được hơn 40 năm. Trước đây có nhiều hộ trong làng làm nghề này, nhưng vì thị trường đồ chơi truyền thống đánh mất thị phần vào tay các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc nên có không ít gia đình đã bỏ nghề. Đến nay cũng chỉ còn vài hộ trong làng giữ lấy nghề truyền thống của cha ông.
Vài mùa Trung thu trở lại đây, các gia đình Việt Nam chuộng mua đồ chơi truyền thống cho con em hơn đồ chơi Trung Quốc. Nhờ thế mà những mặt hàng Trung thu như mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, trống Trung thu ngày càng bán chạy. Thị trường đồ chơi truyền thống dần chiếm lại thị phần và được khách hàng tin tưởng nhờ sự cải tiến về mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Các sản phầm mặt nạ giấy bồi ngày càng đa dạng về mẫu mã và được trang trí đẹp mắt.
Theo bà Thoàn, so với mọi năm, số lượng mặt hàng các loại mặt nạ mà gia đình bà sản xuất có chiều hướng tăng lên. Hàng được bán chạy hơn mọi năm. Tại các đại lý và những nơi bán lẻ, các loại mặt nạ giấy bồi ngày càng bán được nhiều.
Từ đầu tháng 6 đến nay, trung bình mỗi ngày gia đình bà Thoàn xuất hơn một nghìn mặt nạ, chủ yếu là hình các con vật như: gà, mèo, thỏ, lợn, đầu sư tử,… và các nhân vật nổi tiếng như: Tôn Ngộ Không, chuột Mickey, Đôremon, Chí Phèo, Thị Nở,… Số tiền thu về tính cả vốn lẫn lãi là khoảng một tỷ đồng. Sau khi trừ tất cả các khoản phải chi thì lãi thu được là khoảng 300 triệu một năm.
Bà Thoàn cũng cho biết thêm, những tháng cao điểm, gia đình bà thuê khoảng mười nhân công gồm thợ đóng trống, thợ bồi, thợ vẽ mặt nạ. Số tiền trả cho mỗi nhân công là ba triệu một tháng.
Bà Thoàn vừa vẽ mặt nạ vừa bao quát các công đoạn sản xuất khác trong xưởng.
Chia sẻ với phóng viên về những khó khăn khi làm nghề truyền thống, bà Thoàn cho biết: “Nghề này chúng tôi làm quanh năm không hết việc, nhưng chỉ bán trong một vụ là Rằm tháng Tám. Khó khăn nhất là về vốn, vì không phải tháng nào mình cũng bán được tiền để mình thu vốn cho nên vốn phải đầu tư cả năm. Vì vậy mà lượng vốn để làm công việc này rất lớn.”
Hơn nữa, để làm ra được những sản phẩm mặt nạ đẹp và chất lượng đòi hỏi người làm phải cẩn thận và tỉ mỉ ở tất cả các công đoạn. Phải thật tỉ mỉ thì sản phẩm làm ra mới có đường nét rõ ràng, bền chặt và đẹp. Bà Thoàn chia sẻ: “Vì làm bằng giấy bồi nên phải miết chặt tay, những chỗ góc cạnh phải xé nhỏ giấy ra để bồi vào cho chặt thì mặt nạ mới cứng cáp và bền được… Còn công đoạn vẽ đòi hỏi sự khéo léo mới có thể làm cho các đường nét trên mặt nạ trở nên tinh tế và có màu sắc đẹp mắt.”
Nghệ nhân phải thật tỉ mỉ và tinh tế mới làm ra được những chiếc mặt nạ bền và đẹp.
Được trẻ em khắp nơi đón nhận và yêu thích mặt hàng của mình, bà Thoàn không giấu nổi niềm vui: “Tôi sẽ phấn đấu làm sao cho nghề của gia đình được lưu giữ và ngày càng phát triển lên. Chúng tôi cũng cố gắng tìm tòi những mẫu mã mới và đẹp để đáp ứng nhu cầu của các cháu.”
Cách nơi sản xuất của bà Thoàn vài trăm mét là nhà bà Vũ Thị Là - gia đình có bốn đời chuyên làm trống đồ chơi Trung thu. Những ngày này, cả gia đình bà tất bật với các công đoạn sản xuất để kịp đưa hàng ra thị trường.
Mấy tháng cận kề Trung thu, số lượng đặt hàng tăng lên, bà Là phải thuê thêm nhân công bán thời gian. Mỗi ngày sản xuất ra cả trăm chiếc trống với nhiều kích cỡ khác nhau. Công việc làm từ sáng đến tận khuya để ba giờ sáng hôm sau mang hàng đi giao cho các nơi.
Chị Hoàng Thị Thanh Tuyền (con dâu bà Là) cho biết: “Mặt hàng trống Trung thu của gia đình tôi thường xuất đi các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng,…. Hàng thường được đổ vào các cửa buôn lớn ở các tỉnh, thành phố lớn. Sau đó các tỉnh lẻ hoặc huyện lẻ đến lấy hàng ở đấy rồi phân phối đến các chi nhánh bán lẻ.”
Các sản phẩm được đóng thành từng bao rồi vận chuyển bằng xe tải ra các đầu mối lớn.
Giống như các gia đình làm đồ chơi truyền thống khác ở làng Hảo, gia đình bà Là cũng làm trống Trung thu quanh năm nhưng phải đến dịp Trung thu mới được thu, những tháng còn lại chẳng bán được bao nhiêu.
Theo lời kể của bà Là, gỗ và da trâu được tích trữ cả năm. Tang trống sau khi được đẽo, tiện và phơi khô thường được bảo quản ở trong kho. Đến vụ chính sẽ được hoàn thiện nốt các khâu cuối cùng như sơn, căng mặt trống và trang trí.
Để cạnh tranh với các mặt hàng đồ chơi nại nhập, đặc biệt là đồ chơi Trung Quốc, gia đình bà Là luôn chú trọng chất lượng sản phẩm và nhu cầu thị trường để có những thay đổi thích hợp cho sản phẩm. Gỗ và da trâu được lựa chọn kỹ lưỡng, nhập từ đầu mối có uy tín. Chất liệu để lên màu cho tang trống cũng được đổi thành sơn đỏ thay vì phẩm màu như trước đây, nhờ đó vừa tạo độ bóng bẩy vừa giữ cho trống bền hơn.
Dùng sơn thay thế phẩm màu vừa tạo vẻ nài đẹp hơn cho trống, vừa giữ trống bền hơn.
Nài ra, bà Là và các nghệ nhân khác trong làng cũng thường xuyên đi quảng bá nghề truyền thống ở các sự kiện văn hóa. Qua đó mà mặt nạ giấy bồi hay trống Trung thu của làng Hảo ngày càng được nhiều người biết đến, dần tạo được chỗ đứng trên thị trường.
Cho đến nay, các sản phẩm đồ chơi Trung thu của làng Hảo vẫn giữ được nét mộc mạc, duyên dáng của hồn Việt là nhờ hầu hết các công đoạn được làm làm bằng tay. Sản xuất thủ công tuy vất vả nhưng bà Là mong muốn đời con, đời cháu mình vẫn giữ nghề truyền thống của nhà của làng để vừa có nguồn thu nhập ổn định, vừa tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người.
Huyền Vũ
Thu lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm với nghề làm đồ chơi Trung thu
(Sóng trẻ) – Những năm gần đây, mỗi gia đình làm đồ chơi truyền thống ở làng Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) thu về cả tỷ đồng mỗi năm nhờ các mặt hàng như mặt nạ, đầu sư tử, trống Trung thu. Số tiền lãi thu được lên đến vài trăm triệu đồng
Video
7 năm trước