(Sóng trẻ) - Với lịch sử hơn 500 năm, làng gốm Bát Tràng là địa phương nổi tiếng với nghề gốm truyền thống, gắn liền với quá trình phát triển văn hóa và nghệ thuật thủ công của người Việt. Bước vào kỷ nguyên công nghệ mới, Bát Tràng đang dần chuyển mình, kết hợp những yếu tố hiện đại vào bảo tồn di sản, tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc của làng nghề.
Không còn chìm trong bầu không khí đặc quánh, xám xịt từ các lò nung bằng than và củi như nhiều năm về trước, giờ đây, không gian tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được “xanh hóa” hoàn toàn. Điều này có được là nhờ sự quyết tâm chuyển đổi công nghệ của các hộ sản xuất kinh doanh ở Bát Tràng. Người dân tại đây đã thay thế toàn bộ lò nung gốm bằng than, củi sang sử dụng lò gas và điện.


Suốt hàng trăm năm, bầu không khí nghẹt thở, đen kịt từ những lò nung bằng than đã thâm nhập vào sức khỏe của nhiều người dân sinh sống tại làng gốm Bát Tràng. Tâm trạng của nghệ nhân Phùng Thị Huyền (65 tuổi) - chủ cơ sở sản xuất gốm Ngọc Bích (thôn 2, Bát Tràng) trùng xuống khi nhắc đến gia đình mình: “Nhà tôi ngày xưa vì lò than này mà cả nhà bị ung thư. Cả bố, anh đến cậu em ung thư phổi hết… Nung bằng than độc hại, ảnh hưởng sức khỏe lắm”.
Bà Huyền cho biết, thời điểm còn sử dụng lò nung bằng lò than, lượng khí độc thải ra khiến người dân trong làng thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp. Về sau, khi chính quyền kiểm tra các chỉ số không khí, phát hiện hàm lượng chất gây ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép, từ đó mới bắt đầu triển khai sử dụng lò hộp, rồi dần chuyển qua nung gốm bằng lò gas.


Bà Huyền phấn khởi giới thiệu về công nghệ nung gốm mới: “Các công đoạn nung gốm bằng lò gas đơn giản hơn khi dùng than rất nhiều. Sau khi tạo hình và phơi khô, gốm được xếp vào lò gas sao cho tất cả sản phẩm đều được tiếp xúc với mức nhiệt đồng đều nhau. Nhiệt độ trong lò cũng được điều chỉnh tự động theo từng giai đoạn, nên thợ nung không cần chú ý canh lò như khi sử dụng than và củi. Lò gas giúp sản phẩm ở xưởng tôi lúc nào cũng có màu sắc đồng đều, đạt độ bền cao”.


Nếu như lò than, củi cần nhiều nhân công túc trực suốt 3 ngày 3 đêm để hoàn thành một mẻ gốm, thì với lò gas, toàn bộ quy trình được tự động hóa, chỉ mất 1 ngày 1 đêm. Không chỉ tiết kiệm thời gian, lò gas còn giảm đáng kể nhiên liệu tiêu thụ. Theo thống kê, để hoàn thành một mẻ nung, lò gas chỉ tiêu tốn khoảng 30 – 50 kg gas, trong khi lò nung truyền thống lại cần đến 500 – 700 kg củi hoặc 300 – 500kg than.
Tuy chi phí vận hành một lò nung bằng gas cao gấp hơn 8 lần so với lò nung than, nhưng vì cho ra sản phẩm đồng đều về mặt chất lượng, việc sử dụng lò gas để nung gốm vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với lò than. Theo bà Huyền, việc chuyển đổi công nghệ trong phương pháp nung đã giúp doanh thu trung bình của các cơ sở sản xuất tăng gấp đôi so với khi sử dụng lò nung truyền thống.
“Bây giờ chuyển đổi lò gas thì 99% sản phẩm đạt chất lượng toàn diện. Ngày xưa đun lò hộp dùng than dễ bị hỏng, sống khê, nát… Làm lò hộp là cứ trên thì sống, dưới thì già, dưới nữa lại trắng nõn, rất vất vả. Giờ thì sản phẩm đồng đều như nhau, lúc nào cũng đảm bảo nhiệt độ từ 1250 đến 1350 độ tùy theo loại lò” - Bà Huyền chia sẻ về sự chuyển đổi công nghệ nung ở Bát Tràng.

Bên cạnh những lợi ích kinh tế vượt trội, khi chuyển đổi công nghệ nung sang lò gas, vấn đề môi trường ở Bát Tràng được cải thiện đáng kể. Theo đó, việc sử dụng lò gas góp phần cắt giảm phát sinh các loại khí gây ô nhiễm phổ biến như CO2, CO và bụi mịn. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng không khí tại làng nghề mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch “xanh”, tạo không gian trải nghiệm an toàn cho du khách.

Tham gia trải nghiệm nặn gốm thủ công cùng bạn bè, Mai Thùy Trang (sinh viên năm 3 Học viện Ngân hàng) chia sẻ về trải nghiệm du lịch ở Bát Tràng: “Mình cảm thấy không gian ở đây rất thoải mái, trong lành, không đông đúc, ô nhiễm như trong nội thành. Ngoài ra, trải nghiệm được tự tay nặn sản phẩm gốm mình thích cũng rất thú vị và đáng để thử. Mình và các bạn chắc chắn sẽ quay trở lại đây”.

Ngoài lò nung bằng gas, các hộ sản xuất, kinh doanh tại Bát Tràng đã chuyển đổi công nghệ trong hầu hết mọi quy trình làm gốm. Để sản phẩm được đồng bộ chất lượng, các xưởng sản xuất sử dụng máy đánh hồ và tạo khuôn mẫu tự động. Chưa đến 1 phút, một sản phẩm bát gốm đã được tạo hình xong, thay vì phải tạo hình bằng tay trên bàn xoay hay đổ khuôn thủ công theo cách truyền thống.
Sự chuyển đổi trong máy móc, thiết bị không chỉ giúp Bát Tràng giải quyết được vấn đề môi trường, mà còn tạo nên những phát triển vượt bậc về kinh tế và du lịch, cải thiện sinh kế cho người dân, giúp họ có động lực bám trụ với nghề truyền thống. Cùng với đó, trong kỷ nguyên công nghệ mới, những hình thức số hóa làng nghề đang được nhiều chủ doanh nghiệp và chính quyền địa phương quan tâm, góp phần quan trọng trong quá trình sản xuất cũng như quảng bá và kinh doanh, thương mại.

Trong thời kỳ hội nhập kinh tế như hiện nay, Bát Tràng đang là ngôi làng tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là gắn công nghệ số với truyền thông, quảng bá và bảo tồn di sản. Nhiều cơ sở tại đây đang sáng tạo nên những mô hình kinh doanh mới, gắn với chuyển đổi số trên các nền tảng mạng xã hội.
Đại diện cho thế hệ trẻ làm gốm tại Bát Tràng, anh Lê Đình Tùng - Giám đốc điều hành tiệm gốm Vigo (Vigo - Hành trình của gốm) tiên phong mang mô hình kinh doanh Workshop làm gốm và Tour trải nghiệm làng gốm cổ của mình đến gần hơn với công chúng bằng các nền tảng số:
“Vì tệp khách hàng mà bên tôi hướng đến là các bạn trẻ và du khách nước ngoài, nên cửa hàng đang hiện diện ở nhiều kênh truyền thông số khác nhau như Facebook, TikTok, Instagram, Thread... Cửa hàng cũng đã xây dựng trang web riêng để mọi người có thể tìm hiểu về các sản phẩm trên không gian mạng” - anh Tùng chia sẻ.

Chuyển đổi số không chỉ xuất hiện ở những hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ. Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt (thôn 5, Bát Tràng) - nơi lưu giữ tinh hoa di sản làng nghề cũng đã có mặt trên nhiều nền tảng số, thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng yêu gốm nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung. Ở các nền tảng này, trung tâm triển khai tích hợp những mã QR code và công nghệ thực tế ảo VR, giúp nâng cao trải nghiệm của người dùng khi tìm hiểu về thông tin của làng gốm Bát Tràng.
Bước tiến của công nghệ số mở ra cơ hội phát triển kinh doanh mới trên sàn thương mại điện tử cho các chủ doanh nghiệp tại làng gốm Bát Tràng. Theo anh Tùng, việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử giúp các hộ kinh doanh tiếp cận được tệp khách hàng lớn hơn, đồng thời tiết kiệm nhiều thời gian, công sức hơn trong việc bán hàng hay quảng cáo so với cách thức truyền thống.
“Thực ra, tôi đã đưa gốm lên các sàn thương mại điện tử được nhiều năm rồi, từ thời còn là sinh viên. Tuy không lớn, nhưng đây cũng là một khoản thu khá ổn có thể hỗ trợ được một số chi phí cho công ty. Thời điểm hiện tại, 60-70% doanh thu của cửa hàng tôi đến từ tệp khách ở các nền tảng trực tuyến” - anh Tùng bày tỏ.
Đặc biệt, các nền tảng CRM hỗ trợ quản lý đơn hàng và doanh thu như Sapo CRM, CRMVIET,... cũng được anh Tùng và nhiều chủ doanh nghiệp khác sử dụng để tối ưu hóa cách thức bán hàng trên các nền tảng số và sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh sự phát triển về việc quảng bá và kinh doanh, công nghệ số cũng đã xuất hiện song hành cùng những phần việc mang tính sáng tạo, tưởng chừng như chỉ được thực hiện bằng đôi tay nghệ nhân. Hiện nay, để cập nhật các xu hướng thiết kế mới của thị trường, nghệ nhân làng Bát Tràng đã tìm kiếm những loại mẫu mã, hoa văn, màu sắc… mới lạ, độc đáo trên các nền tảng số để sản phẩm gốm đến gần hơn với thị hiếu giới trẻ.
Cầm trên tay sản phẩm gốm thủ công được sáng tạo dựa trên xu hướng mới của mạng xã hội, anh Tùng chia sẻ về cách tìm kiếm cảm hứng thiết kế nhờ ứng dụng AI: “Để cho ra mắt các sản phẩm mới, tôi thường tham khảo ý tưởng trên các ứng dụng có hình ảnh đẹp như Pinterest, hoặc dựa vào những ý tưởng chung để hỏi các công cụ AI như chat GPT hay Gemini. Các công cụ này có thể hỗ trợ tôi triển khai nội dung cụ thể từ ý tưởng sơ bộ, cuối cùng cho ra phương án hoàn chỉnh để thử trên các sản phẩm của mình”.
Có thể nói, trí tuệ nhân tạo AI hay các nền tảng số đang đưa làng gốm Bát Tràng đến với một kỷ nguyên công nghệ mới, làm thay đổi hoàn toàn diện mạo làng nghề. Dù vậy, khi công nghệ thâm nhập quá sâu vào tiến trình vận động của làng nghề truyền thống thì thách thức của sự mai một bản sắc, hiện tượng “công nghiệp hóa” di sản cũng là vấn đề đáng được lưu tâm.

Quá trình chuyển đổi công nghệ tại làng gốm cổ Bát Tràng đang đặt ra những vấn đề liên quan đến công tác bảo tồn di sản. Làng nghề làm gốm thủ công truyền thống, nhưng không xuất hiện hình ảnh nghệ nhân nặn gốm trên bàn xoay ở hầu hết các cơ sở sản xuất. Theo người dân địa phương, giờ đây, công việc nặn gốm thủ công chỉ còn dành cho khách du lịch muốn trải nghiệm nghề truyền thống, vì tất cả quy trình sản xuất đều đã được hiện đại hóa nhờ máy móc, công nghệ.
Những ứng dụng công nghệ trong sản xuất đã giúp người dân Bát Tràng có được nguồn sinh kế ổn định từ nghề truyền thống. Song, các sản phẩm gốm tại đây đang dần thiếu đi đôi tay tỉ mỉ, khéo léo vuốt nặn của người nghệ nhân lành nghề. Hầu hết sản phẩm mà họ làm ra đều dựa trên đơn đặt hàng, được sản xuất hàng loạt bằng khuôn máy. Đây là hiện thực đáng buồn đang diễn ra tại làng gốm Bát Tràng.

Ngoài ra, với các hộ sản xuất nhỏ lẻ, sự chuyển giao công nghệ toàn diện trên cả địa bàn huyện Bát Tràng cũng tạo ra sức ép về chi phí đầu tư và quản lý hệ thống. Để khai thác hiệu quả các thiết bị như lò nung gas hay phần mềm thiết kế, người thợ cần được đào tạo bài bản. Đây chính là thách thức lớn đối với nhiều nghệ nhân cao tuổi – những người đã quen gắn bó với quy trình thủ công truyền thống suốt hàng chục năm qua.
“Là một người con của làng gốm truyền thống, tôi nhận thấy những chuyển đổi về công nghệ số cũng phần nào gây khó khăn cho thế hệ nghệ nhân lâu năm tại làng nghề. Sự chuyển đổi sẽ mất khá nhiều thời gian, vì nhiều người đã quen với phương pháp ghi chép bằng tay đơn thuần. Việc đẩy mạnh số hóa trên toàn bộ làng nghề là rào cản khiến cho những nghệ nhân cao tuổi khó có thể thích nghi với những thay đổi” - anh Tùng cho hay.

Dù vậy, đối với người dân làng Bát Tràng, nghề gốm có mai một hay không không liên quan đến công nghệ, mà nằm ở yếu tố con người. Anh Tùng bày tỏ: “Tôi nghĩ, cái chất truyền thống, cái hồn gốm của Bát Tràng thực ra nó nằm ở con người, chứ không phải ở bất kỳ một yếu tố nào khác. Nếu tôi vẫn còn hồn gốm, người Bát Tràng vẫn còn hồn gốm, thì bất kỳ công nghệ nào, ứng dụng nào cũng không thể thay thế được”.

Xét trên khía cạnh lan tỏa giá trị làng nghề, công nghệ đã và đang mang những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng trẻ. Việc thúc đẩy số hóa làng nghề gắn với phát triển du lịch không khiến làng nghề mai một, ngược lại còn thành công vun đắp tình yêu của thế hệ trẻ đối với văn hóa nghệ thuật truyền thống.
Bạn Nguyễn Thu Hà (20 tuổi) - khách du lịch tại làng gốm Bát Tràng chia sẻ: “Mình biết đến trải nghiệm làm gốm ở Bát Tràng thông qua các video trên Tiktok và rất ấn tượng với không gian văn hóa tại đây. Đối với mình, việc số hóa du lịch hoàn toàn không làm mất đi sức sống làng nghề, mà còn giúp cho những bạn trẻ như mình có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với nghệ thuật truyền thống”.

Trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số mạnh mẽ, tương lai của Bát Tràng không chỉ nằm ở việc giữ gìn những giá trị truyền thống, mà còn ở khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại một cách linh hoạt và hiệu quả. Để làng nghề phát triển toàn diện, cần cân bằng giữa bảo tồn di sản và đổi mới sáng tạo - nơi mà truyền thống không bị lãng quên, và công nghệ trở thành đòn bẩy đưa Bát Tràng vươn xa trên bản đồ văn hóa – kinh tế trong nước và quốc tế.
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ
(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.