(Sóng trẻ) - Nguy cơ tuyệt chủng vẫn luôn rình rập loài voọc chà vá chân nâu trước áp lực từ du lịch ồ ạt và nạn săn bắt trái phép. Để bảo vệ tốt hơn "nữ hoàng" của các loài linh trưởng, việc nâng cao nhận thức cộng đồng là nhiệm vụ cấp bách.
Với kinh nghiệm nghiên cứu, thực hiện nhiều dự án bảo tồn voọc tại Đà Nẵng và nhiều địa phương khác, anh Hoàng Quốc Huy (Phó Giám đốc - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và Quản lý dự án Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh) có những chia sẻ chi tiết về hoạt động bảo vệ loài này hiện nay.
Tại Việt Nam, loài voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng” và “đại sứ ngoại giao” của TP. Đà Nẵng. Vậy loài này có ý nghĩa như thế nào đối với hệ sinh thái của nước ta?
Voọc chà cá được chia thành 3 loại: Chân xám, chân nâu và chân đen. Về hình thái cơ thể, ba loài này khá giống nhau, khác biệt lớn nhất giữa chúng là màu sắc ở chân và mặt. Voọc chà vá chân nâu có bộ lông 5 màu rực rỡ, xứng đáng với danh hiệu “nữ hoàng linh trưởng”.
Trên thế giới, voọc chà vá chân nâu được liệt kê là một trong 25 loài linh trưởng nguy cấp cần được bảo tồn. Khu vực phân bố ở duy nhất tại hai nước Việt Nam và Lào. Tại Việt Nam, voọc chà vá chân nâu phân bố từ Nghệ An đến Kon Tum gồm có 3 quần thể quan trọng là tại bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, vườn quốc gia Pù Mát.
Voọc chà vá chân nâu là một mắt xích quan trọng của chuỗi thức ăn trong rừng. Chúng góp phần phân tán hạt giống, duy trì sự cân bằng sinh thái. Sự tồn tại và phát triển của quần thể voọc, đặc biệt là tại bán đảo Sơn Trà cho thấy chất lượng môi trường sống, hệ sinh thái của khu vực đó đang ở mức tốt.
Ngoài ra, voọc chà vá chân nâu còn là đối tượng nghiên cứu quan trọng của các nhà khoa học về hành vi, sinh thái và tiến hóa của loài linh trưởng. Bên cạnh đó, Voọc chà vá chân nâu thu hút đông đảo du khách đến thăm các khu bảo tồn, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Chuyên gia đánh giá nguy cơ bị “xóa sổ” của Voọc chà vá chân nâu tại Việt Nam hiện nay đang ở mức độ nào?
Mặc dù đã được đưa vào danh sách các loài cần bảo vệ cấp bách và có những hoạt động bảo vệ cụ thể, các quần thể voọc chà vá chân nâu tại nước ta vẫn đối mặt với nguy cơ suy giảm liên tục do nhiều nguyên nhân.
Một trong những mối đe dọa lớn nhất đến số lượng cá thể loài là sự mất đi môi trường sống. Việc người dân phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ, xây dựng thủy điện, làm đường xá giao thông đã làm thu hẹp diện tích rừng tự nhiên, nơi voọc sinh sống và tìm kiếm thức ăn. Sự phân tán và chia cắt các khu rừng còn khiến cho các quần thể voọc bị cô lập, giảm thiểu cơ hội giao phối và làm suy yếu khả năng thích nghi của loài. Tại các vườn quốc gia, quần thể voọc chà vá chân nâu được bảo vệ tốt hơn, tại những khu rừng phòng hộ, rừng sản xuất, hoạt động bảo tồn còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, nạn săn bắt đối với loài này hiện nay vẫn diễn ra bởi người dân địa phương. Theo văn hóa của một số người đồng bào, voọc có giá trị về dược liệu, tăng cường sức khỏe nên bắt về ngâm rượu, làm thực phẩm. Nhưng quan điểm này là hoàn toàn sai lầm, loài voọc không có giá trị gì về dược liệu. Một số khác bắt làm thú cưng, lấy bộ da để trang trí thể hiện đẳng cấp.
Tại sao vẫn còn tình trạng săn bắt trái phép voọc chà vá chân nâu dù pháp luật đã nghiêm cấm?
Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất đến từ nhận thức của người dân. Các vụ săn bắt động vật hoang dã đa số đến từ người dân địa phương. Họ mới chỉ tiếp cận được thông tin chứ chưa hiểu rõ về giá trị của các tài nguyên thiên nhiên đó nên khi thấy cái lợi ngắn hạn trước mắt, họ vẫn sẵn sàng bắt trộm. Nếu như họ hiểu rõ, sẽ không còn các hành vi đấy xảy ra vì bảo vệ cho thiên nhiên ở hiện tại cũng là bảo vệ cho thế hệ tương lai.
Nguyên nhân thứ hai là do yếu tố kinh tế và tập quán của một số cộng đồng sinh sống tại vùng đệm của rừng. Mục đích mà họ săn bắt trước tiên là để làm thực phẩm trong gia đình, sau đó là bán lấy tiền, ngâm thuốc theo kinh nghiệm dân gian.
Nguyên nhân thứ ba liên quan đến thực thi pháp luật của nước ta. Mặc dù các quy định pháp luật có cơ chế xử phạt rõ ràng nhưng vấn đề thực thi lại chưa triệt để, chưa có tính chất răn đe mạnh. Cộng đồng dân cư vùng đệm thường là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Khi các vụ việc xảy ra công an hay kiểm lâm có thể xử phạt nương nhẹ vì thông cảm cho hoàn cảnh những đối tượng đấy. Nhưng chính sự thông cảm đó lại giảm đi tính chất răn đe, cảnh cáo của pháp luật.
Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ nhu cầu của một số bộ phận người tiêu dùng - những người chưa thật sự hiểu được ý thức của loài đó nên vẫn mua như một thứ đồ trang trí, thể hiện đẳng cấp, làm thuốc…, tạo ra nhu cầu để săn bắt động vật hoang dã.
Các hoạt động du lịch sinh thái, sự tham quan đông đảo của du khách tại một số địa phương có sự phân bố của voọc chà vá chân nâu như bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng có thể gây ảnh hưởng thế nào đến hoạt động bảo tồn loài này?
Như tại Sơn Trà - Đà Nẵng - nơi có quần thể voọc chà vá chân nâu lớn nhất của Việt Nam, cuộc sống giữa con người và loài voọc tại Sơn Trà hiện tại đang diễn ra hài hòa, không gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống của chúng so với trước đây. Ban quản lý địa phương đã có quy định cụ thể đối với du khách tham quan như không được xả rác bừa bãi, gây tiếng ồn lớn, đốt nhựa… Đồng thời, trên đảo luôn có một đội quản lý thường xuyên chạy xe máy quanh đảo để kiểm tra hoạt động du lịch.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết tốt như tình trạng cho cho động vật hoang dã ăn bừa bãi để du khách ngắm và chụp ảnh.
Vì vậy, Sơn Trà đang cố gắng giải quyết bằng cách tăng cường lực lượng kiểm tra, tuyên truyền. Với sự tham gia của nhiều bên, tôi tin rằng một thời gian nữa địa phương sẽ kiểm soát tốt hơn vấn đề đó.
Làm thế nào để đảm bảo rằng du lịch sinh thái không gây ra những tác động tiêu cực đến quần thể voọc và môi trường sống của chúng?
Điều quan trọng nhất là phải có một định hướng, quy hoạch phát triển dài hạn và cụ thể. Quy hoạch này cần xác định rõ các khu vực ưu tiên bảo tồn, các khu vực dành cho hoạt động du lịch, đồng thời phân bổ nguồn lực hợp lý để thực hiện các biện pháp bảo vệ.
Việc xây dựng một chiến lược bảo tồn dài hạn, chia nhỏ thành các giai đoạn cụ thể sẽ giúp địa phương dễ dàng ưu tiên các hoạt động cần thiết. Bằng cách đánh giá mức độ đe dọa của các yếu tố tác động đến loài voọc, chúng ta có thể tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách nhất trước.
Chuyên gia đánh giá như thế nào về ý thức của người dân Đà Nẵng trong việc bảo vệ Voọc chà vá chân nâu hiện nay?
Tại Đà Nẵng, cộng đồng người dân tham gia rất tích cực vào các hoạt động bảo vệ thiên nhiên nói chung và voọc chà vá nói riêng.
Trên mạng xã hội, có rất nhiều hội nhóm tình nguyện viên bảo vệ Sơn Trà với hàng ngàn người tham gia, cùng thảo luận, chia sẻ thông tin, hình ảnh các trường hợp vi phạm quy định du lịch, trường hợp voọc bị thương hay thông báo các nguy cơ giúp chính quyền ngăn chặn kịp thời các tổn hại đến chúng. Khi lên Sơn Trà, có rất nhiều tình nguyện viên địa phương hàng ngày tham gia nhặt rác trên đảo để giữ gìn vệ sinh.
Ngoài ra, người dân cũng rất quan tâm đến giáo dục con cái họ về bảo vệ môi trường, yêu thiên nhiên, không được xả rác bừa bãi. Họ thường dành thứ bảy, chủ nhật dẫn con lên Sơn Trà chơi, tham gia các chương trình trải nghiệm để trực tiếp ngắm nhìn loài voọc, nuôi dưỡng tình yêu với chúng.
Để có được chuyển biến này, địa phương và các tổ chức bảo tồn thực hiện liên tục các hoạt động truyền thông giáo dục cụ thể. Thuận lợi của Sơn Trà là có một quần thể voọc chà vá chân nâu lớn, nhờ vậy mà thực hiện các hoạt động trải nghiệm rất hiệu quả. Khi người dân thấy được tận mắt giá trị của voọc mang lại cho địa phương về du lịch, kinh tế, đa dạng sinh học... sẽ thúc đẩy họ thay đổi nhận thức, gia tăng sự chia sẻ và tinh yêu thiên để sau này thực hiện đóng góp qua những hành động thực tiễn hay ít nhất họ không làm xâm hại đến tài nguyên trên đảo.
Đặc biệt, các hoạt động truyền thông còn giúp chúng tôi vận động thay đổi chính sách hướng đến có lợi cho bảo tồn thiên nhiên. Ví dụ, năm 2018 Chính phủ có kế hoạch quy hoạch khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thành khu du lịch. Trong quy hoạch đó dự kiến xây dựng resort dưới 200m độ cao và nối cáp treo từ đất liền ra bán đảo Sơn Trà. Cách làm này có lợi về mặt kinh tế nhưng lại gây ra những tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái, cần tham vấn chính quyền để điều chỉnh.
GreenViet không thể làm việc đó một mình, nên cần phải có sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức dân sự, xã hội khác để họ cùng lên tiếng, kêu gọi cũng như là tác động đến Ủy ban nhân dân, lãnh đạo thành phố đề nghị là không nên triển khai. Sau quá trình nỗ lực đấu tranh 2, 3 năm thì quy hoạch đó tạm dừng. Như vậy, thành quả mà chúng ta thấy được hiện nay trên bán đảo Sơn Trà là sự đóng góp từ rất lớn từ cộng đồng, mà nguyên nhân sâu xa để họ tham gia là do tác động của các hoạt động truyền thông.
Làm thế nào để nâng cao được vai trò của người dân địa phương tham gia bảo vệ loài này đạt hiệu quả tốt nhất?
Chúng ta cần phải đi từng cộng đồng để tìm hiểu cuộc sống của người dân. Có thể họ biết nhưng chưa thể thay đổi hành vi. Vì vậy cần phải nghiên cứu để xây dựng các hoạt động truyền thông giáo dục cụ thể hơn, phù hợp với văn hóa, tập quán của từng cộng đồng khác nhau để dần dần khuyến khích họ trước tiên là không xâm hại rừng - môi trường sống của voọc chà vá chân nâu và sau là khuyến khích tham gia bảo vệ cùng cơ quan chức năng. Bởi vì đa số những người săn bắt đều là người dân địa phương, người đầu tiên có thể bảo vệ loài cũng là người dân địa phương chứ không phải là các nhà nghiên cứu loài, các chương trình, dự án.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phân nhóm từng đối tượng để kết quả truyền thông hiệu quả. Ví dụ như hoạt động vận động với nhóm người thợ săn sẽ khác với hoạt động dành cho nhóm nông dân làm nương rẫy và khác với hoạt động cho nhóm học sinh, sinh viên. Bởi mỗi người là mỗi hoàn cảnh, mỗi nhu cầu cũng như trình độ học vấn khác nhau nên không thể làm các hoạt động truyền thông chung chung mà mong họ hiểu được ngay lập tức.
Thông thường, chúng tôi xác định nhóm cần thay đổi trong cộng đồng đầu tiên là nhóm thợ săn. Chúng tôi theo dõi và chia sẻ cùng với họ nhẹ nhàng để người dân hiểu vì sao phải bảo vệ con này, bảo vệ cho ai. Làm sao nói cho họ hiểu bảo vệ cái đó là cho họ chứ không phải cho mình. Việc nâng cao nhận thức là việc rất nan giải, cần thời gian dài và phải làm liên tục.
Ngoài ra, nhiệm vụ thứ hai cần giải quyết trong cộng đồng địa phương là về vấn đề kinh tế. Nếu không muốn người dân vào rừng khai thác tài nguyên phục vụ cho nhu cầu của họ nữa thì chúng ta phải thực hiện các hoạt động hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng tại địa phương, ví dụ như cung cấp vốn cho người dân chăn nuôi, trồng dược liệu dưới tán rừng hoặc hướng dẫn họ làm các dịch vụ du lịch sinh thái để ổn định cuộc sống. Khi cuộc sống của người dân được cải thiện thậm chí họ còn có thể hỗ trợ lại cho chính quyền địa phương để củng cố hoạt động bảo tồn.
Về cơ chế pháp luật muốn làm tốt thì cần phải có lực lượng, có công cụ, có kinh phí. Cần phải gia tăng tuyên truyền pháp luật không chỉ dừng lại ở cho người dân biết, mà cần làm cho người dân hiểu, có sự so sánh giữa lợi và hại như thế nào khi vào rừng săn bắt, khai thác tài nguyên trái phép so với các công việc khác.
Trong định hướng hoạt động của GreenViet, tổ chức luôn theo đuổi mục tiêu xây dựng tình yêu thiên nhiên trong từng con người cụ thể. Người dân bình thường, hoặc du khách, hoặc trẻ em khi có tình yêu thiên nhiên sẽ lan tỏa nó rộng rãi trong xã hội.
Ngoài ra, để hoạt động bảo tồn loài này hiệu quả hơn, chúng ta cần giải quyết vấn đề nào nữa?
Các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn hiện tại hầu như được đầu tư bởi các tổ chức bảo vệ quốc tế. Cơ hội tiếp cận với các nguồn kinh phí này của chúng ta đang còn khá lớn. Nhưng dự báo trong khoảng 5 - 10 năm tới, khi nước ta trở thành quốc gia có thu nhập cao thì các khoản tài trợ có thể cắt dần đi.
Phương châm của GreenViet là "người Việt Nam phải chung tay bảo tồn tài nguyên thiên nhiên Việt Nam" thay vì phụ thuộc vào các tổ chức quốc tế. Vì vậy, tổ chức huy động thêm sự đóng góp từ cộng đồng cho các hoạt động bảo tồn, đặc biệt là từ doanh nghiệp.
Qua nghiên cứu các cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy họ chưa sẵn sàng đóng góp cho các hoạt động môi trường vì các hoạt động này không mang lợi nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Quỹ ESG của đa số doanh nghiệp hiện tại đầu tư từ 80 - 90% để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như y tế, giáo dục, người khuyết tật, nghèo đói - những vấn đề liên quan trực tiếp đến con người. Còn về đầu tư cho hoạt động bảo tồn thì chưa nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vì kết quả của việc đầu tư không hiện ngay lập tức mà cần phải có thời gian dài để thu được kết quả.
Từ nguyên nhân đó, hiện tại GreenViet đang tiếp cận các doanh nghiệp theo một cách hiện hữu hơn là huy động họ đóng góp cho hoạt động trồng cây như dự án "Một triệu cây xanh đô thị" triển khai từ năm 2020 để tạo ra các con đường cây xanh, công viên xanh… Từ kết quả trực tiếp dẫn đến kết quả gián tiếp là góp phần nâng cao nhận thức của mọi người về giá trị của cây xanh như giúp cân bằng hệ sinh thái… Khi người dân hiểu thì sẽ hạn chế được các hoạt động tác động xấu đến môi trường tự nhiên, đóng góp vào quá trình bảo tồn Voọc chà vá chân nâu qua bảo vệ môi trường sống của nó.
4 nhiệm vụ cần giải quyết để bảo vệ Voọc chà vá chân nâu của GreenViet:
- Nghiên cứu khoa học để có được thông tin về đặc điểm sinh học, khu vực phân, nguy cơ đe dọa sự tồn tại của loài
- Vận động chính sách theo hướng có lợi cho bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
- Tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức của mọi người
- Hỗ trợ sinh kế thay thế cho người dân địa phương
Xin cảm ơn anh vì những chia sẻ trên!
Xem chi tiết 3 kỳ tại: "Nữ hoàng linh trưởng" trước nguy cơ tuyệt chủng
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.