(Sóng trẻ) - Tháng 8 năm 1945, Đại tá Trần Tiệu, khi ấy mới chỉ ở độ tuổi thanh niên, dám đứng lên cắm lá cờ đỏ sao vàng tại cổng đình làng Vĩnh Tuy (nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), như một lời hiệu triệu người dân đồng lòng tham gia cách mạng. Mỗi khi nhớ lại sự kiện ấy, ông vẫn không giấu được tự hào, xúc động.

Trong không gian yên tĩnh của căn phòng nhỏ ở ngõ Nghi Tàm (quận Tây Hồ, Hà Nội), Đại tá Trần Tiệu (sinh năm 1928), dù đã tuổi cao sức yếu, vẫn toát lên sự nhiệt huyết của một người từng cống hiến cả tuổi xuân cho cách mạng. Có dịp trò chuyện với ông, tôi như được sống lại trong những khoảnh khắc hào hùng của cuộc cách mạng tháng Tám. Mặc cho những cơn ho thường xuyên, ông vẫn nhiệt tình chia sẻ ký ức của một chàng dân quân tự vệ tràn đầy nhiệt huyết 17 tuổi.

Đại tá Trần Tiệu giữ thói quen đọc báo mỗi ngày (Ảnh: Ngọc Thanh)
Đại tá Trần Tiệu giữ thói quen đọc báo mỗi ngày (Ảnh: Ngọc Thanh)

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê thanh bình ở làng Vĩnh Tuy (nay thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An), chàng thanh niên Trần Tiệu đã sớm bộc lộ tinh thần hiếu học và được gia đình khuyến khích theo đuổi con đường học tập để có tương lai tươi sáng. “Cả làng Vĩnh Tuy khi ấy chỉ mình tôi được đi học trung học. Bố mẹ quyết chí cho tôi đi học bằng mọi giá, dù gia cảnh còn nhiều khốn khó. Khi đi học, tôi phải mang gạo từ nhà vào Vinh để có cái ăn", ông Tiệu bộc bạch. 

Trong những năm tháng tiểu học, ông đã không ngại khó khăn khi làm gia sư cho con em của các nhà giàu, quan lại trong làng nhằm kiếm thêm tiền theo đuổi con chữ. Sau đó, ông tiếp tục theo học trung học tại Trường Quốc học Vinh và đồng thời mở rộng kiến thức tại Trường Kỹ nghệ Trường Thi. Ông khẳng định: “Nhờ đi học mà tôi gặp kháng chiến. Quá trình học tập cho tôi có cơ hội tiếp xúc với tri thức và thông tin. Đây cũng là nền tảng để tôi được giao phó các nhiệm vụ tuyên truyền trong làng khi ấy”. 

Sớm được giác ngộ cách mạng, ông Trần Tiệu đã nhanh chóng trở thành một trong những thanh niên tiên phong trong các hoạt động cách mạng tại làng Vĩnh Tuy. Năm 1945, qua bồi dưỡng từ trường lớp và được sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ tuyên truyền, ông đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng trong công tác tuyên truyền.

Ông không chỉ tham gia phát động các Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về tình hình “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, mà còn tích cực rải truyền đơn, viết khẩu hiệu, vận động người dân ủng hộ Việt Minh. Ông cũng góp phần chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, tiếp nhận và chuyển phát tài liệu, công văn, báo chí từ Việt Minh đến các cơ sở. Đặc biệt, ông tham gia vào việc thành lập các lực lượng bộ đội chủ lực, dân quân du kích và dân quân tự vệ, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền tảng cho đội ngũ bộ đội chính quy trong bối cảnh kháng chiến diễn ra ác liệt.

Trong bối cảnh kháng chiến diễn ra quyết liệt, ông cũng tích cực tham gia vào việc lập làng kháng chiến, xây dựng hệ thống hào giao thông, chuẩn bị vũ khí như súng ống, lựu đạn, mìn; cũng như thành lập Hội mẹ chiến sĩ để phục vụ bộ đội và tiếp tế lương thực, đội cứu thương để chăm sóc thương binh. Với sự giác ngộ cách mạng từ sớm và hoạt động sôi nổi trong tổ chức, ông là một trong những người trẻ nhất tham gia tổ chức Việt Minh của huyện Yên Thành vào thời điểm đó.

nhung-ngay-dau-tham-gia-cach-mang.jpg
Đại tá Trần Tiệu giữ thói quen đọc báo mỗi ngày (Ảnh: Ngọc Thanh)

 

Tháng 8 năm 1945 – thời điểm lịch sử, không khí cách mạng sục sôi trên khắp cả nước. Đặc biệt, tin tức về sự thành công của cuộc khởi nghĩa tại Thủ đô Hà Nội được lan nhanh, thổi bùng ngọn lửa yêu nước trên khắp cả nước. Nhân dịp này, theo chỉ đạo của Việt Minh tỉnh Nghệ An, Ủy ban Khởi nghĩa huyện Yên Thành được thành lập, ông Trần Tiệu trở thành một trong ba thành viên tiên phong bám trụ tại làng Vĩnh Tuy, quyết tâm đóng góp hết mình cho cách mạng.

Sáng ngày 24/8, dưới sự chỉ đạo từ Việt Minh huyện, ông Trần Tiệu được giao một trọng trách quan trọng - treo cờ đỏ sao vàng, một biểu tượng tập trung lực lượng cách mạng, tại đình làng. “Muốn giành chính quyền, phải có cờ”, ông tâm sự. Mỗi bước đi, mỗi hành động của ông đều ẩn chứa sự căng thẳng và hồi hộp. Mặc dù trong lòng tràn đầy lo lắng, ông vẫn giữ vững bình tĩnh, lên kế hoạch hành động một cách bí mật tránh bị tuần đinh cản trở, với sự cảnh giác cao độ nhằm đảm bảo sự an toàn cho bản thân cũng như lá cờ thiêng liêng.

Quá trình chuẩn bị cho nhiệm vụ cao cả này là những kỷ niệm khắc sâu trong tâm trí ông Tiệu về quãng thời gian hoạt động cách mạng tại làng Vĩnh Tuy. “Sau khi nhận nhiệm vụ, chiều hôm ấy, tôi nhanh chóng tìm một chiếc sào tre dài làm cán, chuẩn bị dây lạt để buộc cờ vào cột đình. Tôi còn tính toán vị trí cắm cờ và hướng gió để lá cờ có thể bay phần phật”, ông nhớ lại. Tối đến, ông sang nhà một người bà con họ hàng để mượn bộ quần áo nâu tử tế và khi đêm đen buông xuống, một mình ông âm thầm mang cờ ra cắm chặt vào cổng đình làng rồi dán thêm khẩu hiệu dưới cột cờ. Sau khi hoàn tất, ông lặng lẽ trở về nhà khi gia đình đã say giấc.

Tờ mờ sáng hôm sau, ông hối hả chạy ra đình để kiểm tra xem lá cờ có còn không hay đã bị tuần đinh nhổ mất. Niềm vui như vỡ òa khi nhìn thấy cờ vẫn tung bay mạnh mẽ trước gió. Người dân trong làng kéo đến xem đông đảo, chỉ tay vào lá cờ và thắc mắc: “Cờ này là cờ gì?”. Ông tự hào giới thiệu: “Đây là cờ Việt Minh, cờ của cách mạng, cờ của nước Việt Nam chúng ta”. Dân làng lúc này mới nhận ra giá trị của lá cờ, biết tên nước Việt Nam chứ không còn là An Nam như cách gọi của thực dân Pháp. Lá cờ có giá trị như một biểu tượng làm sống dậy niềm tin và khát vọng độc lập. Những khẩu hiệu như “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo chính quyền tay sai” vang lên rộn rã, tạo nên khí thế hào hùng cho cuộc cách mạng. Chàng thanh niên Trần Tiệu khi ấy, với nụ cười tự hào, khẳng định rằng: "Tất cả mọi người đã đứng về phía cách mạng”. 

Sáng ngày 25/8/1945, dưới lá cờ đỏ sao vàng, ông Trần Tiệu cùng các đồng chí trong Ủy ban Khởi nghĩa làng Vĩnh Tuy đã kêu gọi bà con mang theo cờ đỏ búa liềm và cờ đỏ sao vàng cũng trang bị dao, kiếm, giáo mác, vượt sông Điển, hướng tới Phụng Luật để tham gia khởi nghĩa tại huyện. Vào chiều cùng ngày, hàng nghìn người dân tập trung tại đình Vĩnh Tuy, tiến hành thu giữ sổ sách, triện bạ của lý trưởng, tuyên bố chính thức phế bỏ bộ máy chính quyền cũ và thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời. Trong số năm thành viên được nhân dân tín nhiệm, ông Trần Tiệu là người trẻ nhất, được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng, cũng như thúc đẩy văn hóa, giáo dục và cổ động lối sống mới. "Tôi cảm thấy vô cùng tự hào khi là người cắm lá cờ đỏ sao vàng ở làng. Lá cờ chính là biểu tượng hiệu triệu nhân dân trong cuộc cách mạng này", ông Tiệu chia sẻ với niềm hứng khởi.

Năm 1946, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai Trần Tiệu hăm hở lên đường. Từ Vĩnh Tuy, ông thẳng tiến về Diễn Châu để vào Vinh tham gia cách mạng. Hành trang ngày ấy giản dị vô cùng, vỏn vẹn chỉ có vài món đồ thiết yếu: “Tôi mang theo một chiếc cặp học sinh, hai bộ quần áo nâu, một đôi dép cao su, một chiếc màn và một tấm vải mỏng làm chăn phòng khi trời trở gió” - ông Tiệu kể.

Hành trang đơn sơ ấy đã cùng ông Tiệu rong ruổi khắp các nẻo đường kháng chiến, in dấu trên mọi chặng đường lịch sử của Tổ quốc, từ những ngày đầu tiên hăng say phụ trách sản xuất vũ khí tại Binh Công xưởng Đặng Thái Thân thuộc Quân giới Quân khu 4 ở Nghệ An (1947); khi tiến vào Quân giới Hà Tĩnh; cho đến những tháng ngày gian khổ "ăn gió nằm sương" tại chiến khu Việt Bắc ATK (thuộc Cục Quân giới) những năm 1950 - 1954.

Cũng trong suốt khoảng thời gian hoạt động cách mạng, ông Tiệu đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau. Khi thì ông là người cán bộ văn hóa tận tụy, lăn xả vào công tác dân vận, khi lại là người thợ cần mẫn, miệt mài sản xuất vũ khí, súng đạn cho tiền tuyến. Rồi ông tham gia thành lập Công đoàn Sản xuất vũ khí Việt Nam, góp phần xây dựng Cơ quan Cục Chính trị... Dù ở bất cứ cương vị nào, ông Tiệu cũng hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, không phụ sự tin tưởng, tín nhiệm của những người xung quanh.

tam-huyet-cong-hien-cho-que-huong.jpg
Tâm huyết cống hiến cho quê hương và tình yêu với con chữ vẫn rực sáng trong trái tim người chiến sĩ (Ảnh: Ngọc Thanh)

Ngày 10/10/1954, Hà Nội rợp trời cờ hoa, vui mừng nhận tin chiến thắng. Từ Thái Nguyên - Tuyên Quang, ông Tiệu cùng đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô trong niềm hân hoan, phấn khởi. “Chiều ấy khi về tới nơi, chúng tôi tập trung ngay trước cột cờ Hà Nội, được nghe Bác Hồ phát biểu vô cùng xúc động” - ông Tiệu hồi tưởng, đáy mắt ánh lên niềm tự hào.

Sau ngày chiến thắng của Thủ đô, ông Tiệu tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp phụng sự Tổ quốc. Với năng lực của mình, ông được đảm nhiệm các công tác Đảng, chính trị, tuyên huấn - dân vận tại Phòng Tuyên huấn thuộc Cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần. Năm 1964, ông vinh dự được cử đi học lớp Cao trung Chính trị và được giữ lại trường để tiếp tục cống hiến.

Gần 10 năm miệt mài trên mặt trận tư tưởng, cuối năm 1971 - đầu năm 1972,  ông Tiệu đã quyết định tham gia vào đội ngũ những người cầm bút của báo Quân đội Nhân dân, trở thành một cây viết cách mạng với nhiều tác phẩm xuất sắc, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. 

Sau hơn 7 năm, ông tiếp tục tham gia thành lập Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng. Tại đây, Đại tá Trần Tiệu đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Bộ môn (Trưởng phòng) Lịch sử kháng chiến chống Pháp, mở ra một chương mới trong sự nghiệp của mình. Ông đã dồn tâm huyết cho những nghiên cứu sâu sắc về lịch sử dân tộc, tiêu biểu là tác phẩm đồ sộ "Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954" dày hơn 1.200 trang, tái hiện sống động một thời kỳ đấu tranh oanh liệt của dân tộc.

Cả một đời dành hết cho sự nghiệp cách mạng, cho tới năm 1991, ông Tiệu nhận được quyết định nghỉ nghỉ hưu. Dẫu vậy, với lòng nhiệt huyết cháy bỏng, ông vẫn tiếp tục cống hiến thêm ba năm nữa. Mãi đến năm 1994, người cách mạng lão thành ấy mới thực sự được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già.

Tại Hà Nội, ông Tiệu vẫn không ngừng đóng góp cho cộng đồng. Ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương và đảm nhận nhiều trọng trách quan trọng như Chủ tịch Hội Người cao tuổi phố Trường Chinh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội… Ông còn tham gia công tác Đảng ủy phường với nhiệm vụ kiểm tra kỷ luật, thực hiện dân vận - tuyên huấn. Đặc biệt, tình yêu với con chữ luôn hừng hực cháy trong trái tim người chiến sĩ năm nào. Ông hiện tại vẫn đang cầm bút, trở thành cây viết chủ lực của Tạp chí Lịch sử Quân sự và Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng thuộc Báo Quân Đội Nhân dân.

tinh-than-bo-doi-cu-ho.jpg
Tinh thần Bộ đội Cụ Hồ trong Đại tá Trần Tiệu bất diệt với thời gian (Ảnh: Ngọc Thanh)

Đã gần 8 thập kỷ trôi qua kể từ ngày lá cờ cách mạng Việt Minh kiêu hãnh tung bay trên nóc đình làng Vĩnh Tuy, mái tóc người thanh niên năm nào giờ đã bạc màu sương gió; đôi mắt, đôi bàn tay cũng đã hằn dấu thời gian, trí nhớ cũng đã dần phai nhạt. Thế nhưng, chỉ cần nhắc về cái ngày cắm cờ lịch sử, ánh mắt ấy dường như lại sáng lên lấp lánh niềm hạnh phúc, ký ức như được sống lại một cách sinh động. Bởi lẽ, đó là một trong những kỷ niệm đẹp đẽ, thiêng liêng nhất cuộc đời người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

chung-nhan.jpg
Gác tay súng, Đại tá Trần Tiệu tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ cho mặt trận tư tưởng cho đến ngày nay (Ảnh: Ngọc Thanh)

 

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật1 tuần trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN