(Sóng trẻ) - Nhóm PV Sóng trẻ đã có cuộc phỏng vấn bạn Nguyễn Minh Đức, hiện đang làm Phó bí thư Liên chi Phát thanh - Truyền hình, Lớp trường khóa đầu tiên của chuyên ngành mới: Báo chí đa phương tiện.

3991528e5_puchai.png
Minh Đức (bên trái) - Lớp trưởng năng động của Lớp Báo chí đa phương tiện K33

PV: Chào bạn, là lớp trưởng đứng đầu lớp thuộc một chuyên ngành mới, bạn cảm thấy chuyên ngành đa phương tiện này có điểm gì hấp dẫn và thú vị?

Mình đến với chuyên ngành Báo chí Đa Phương Tiện có lẽ cũng là một cái duyên lớn khi hướng đi của mình ban đầu là chuyên ngành Quay phim truyền hình. Cái tên “Đa phương tiện” đã nói lên đặc tính của chuyên ngành mà mình đã chuyển hướng hoàn toàn khi biết đây là khóa đầu tiên. Thực sự sau gần 2 năm học mình cảm thấy đây là một chuyên ngành này khá là  thú vị; khi mình có thể học, tiếp cận và làm được nhiều loại hình báo chí hơn.

PV: Bên cạnh những cái hấp dẫn và thú vị, chắc cũng không tránh khỏi nhiều khó khăn. Bạn có thể chia sẻ những khó khăn khi học 1 chuyên ngành mới? Và với cương vị là người đứng đầu lớp Báo chí Đa phương tiện K33, bạn thấy khó khăn nhất trong vấn đề quản lý, điều hành lớp mới như thế nào?

Vì lớp mình là khóa đầu tiên mở chuyên ngành nên có rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập như: có sự xuất hiện của những môn học mới, chương trình đào tạo có nhiều điểm mới, thiếu trang thiết bị khi học tập môn chuyên ngành... Và đặc biệt là khi không có các anh chị khóa trên cùng chuyên ngành trao đổi kinh nghiệm học tập và nghiên cứu.

Công việc quản lí và điều hành của một cán bộ lớp thực sự là rất khó khăn và vất vả rồi. Mình thì rất may mắn được các thành viên trong lớp tín nhiệm bầu làm lớp trưởng và mọi quyết định của mình đều được đa phần lớp ủng hộ thế nên là lớp cũng vui lắm đó.

Có một điều là đã ở trong một tập thể thì để làm hài lòng được tất cả các thành viên trong lớp quả thực là rất khó, và mình cũng nỗ lực hết sức hạn chế những khuyết điểm, giúp các thành viên phấn đấu trong học tập và các hoạt động tập thể.

PV: Theo nhận định của bạn, Báo đa phương tiện có điểm giống và khác gì so với các loại báo khác và đặc biệt là Báo mạng điện tử?

Báo chí đa phương tiện theo mình hiểu là có hai nghĩa.

Nghĩa thứ nhất: Sau khi học chuyên ngành này ra, bạn sẽ linh hoạt hơn và làm được nhiều loại hình báo chí (báo mạng, phát thanh, truyền hình, báo in) tại các cơ quan báo chí.

Nghĩa thứ hai: Bạn có thể tích hợp nhiều loại báo chí trong một tác phẩm báo chí. Ví dụ như trong một tác phẩm báo chí online thì mình có thể có bài viết, hình ảnh, video, đồ họa, hình họa... để đọc giả có thể lựa chọn và tiếp cận rõ hơn về một vấn đề.

Về cơ bản thì báo chí đa phương tiện vẫn là nền tảng từ báo mạng điện tử nhưng cách thể hiện sẽ khác nhau và hướng độc giả đến sự tiếp cận và đón nhận mới hơn.

PV: Theo bạn thì việc trở thành một nhà báo, một phóng viên đa di năng tức là biết làm tất cả mọi việc từ viết bài, quay phim, chụp ảnh, ghi âm hay là có thể làm ở bất cứ loại hình nào là một xu thế mới? Như vậy trong tương lai bạn có nghĩ báo đa phương tiện sẽ phát triển mạnh và công việc của một nhà báo cũng vất vả và áp lực hơn?

Việc trở thành một nhà báo đa di năng trong xã hội hiện đại là hoàn toàn tất yếu, vì nhu cầu thông tin của xã hội ngành càng tăng, đòi hỏi nhà báo phải linh hoạt hơn khi làm đề tài, tiếp cận, thu thập, xử lí thông tin và sáng tạo nên một tác phẩm báo chí để đưa đến công chúng nhanh nhất, chính xác nhất và hấp dẫn nhất. Nhà báo đa phương tiện chắc chắn sẽ phát triển và trở thành một xu thế mới.

PV: Bạn nghĩ sao khi có người nói rằng, Báo đa phương tiện là học mỗi thứ một ít nhưng chẳng chuyên sâu vào thứ gì?

 “Một nghề giỏi còn hơn chín nghề” - Câu nói dân gian được ông cha đúc kết lại có thể nói là rất đúng. Tuy nhiên,  đúng là Báo chí đa phương tiện học mỗi thứ một ít nhưng nói không chuyên sâu thì cũng không phải.  Học báo chí đa phương tiện là được tiếp cận đầy đủ với các chuyên ngành để làm được nhiều loại hình báo chí hơn, khi đó đòi hỏi sinh viên phải cố gắng nhiều hơn so với chuyên ngành khác, khéo khi phải cố gấp 4-5 lần so với các chuyên ngành ý chứ (cười) 

Nài học trên lớp thì các bạn sinh viên phải nên chủ động đi thực tế nhiều hơn để thu nạp thêm kiến thức thực tiễn.

PV: Vậy chuyên ngành báo đa phương tiện mà các bạn đang được học là học về cái gì? Có điểm gì khác so với hình thức học các chuyên ngành khác?

Sau hai năm học thì mình đã được học các môn chính trị đại cương, cùng với đó là xen kẽ các môn cơ sở ngành. Đến năm 3 thì được học các môn chuyên ngành với nhiều loại hình báo chí khác nhau.

Điểm khác của của chuyên ngành báo chí đa phương tiện với các chuyên ngành khác là sau khi học và được tiếp cận đầy đủ các loại hình báo chí thì các sinh viên đã biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình sẽ được lựa chọn ra 2 loại hình báo chí (báo mạng, báo in, phát thanh, truyền hình) để nghiên cứu chuyên sâu về các đề tài trong xã hội hiện nay. 

PV: Trong 2 năm trở lại đây, điểm thi Đại học xét tuyển chuyên ngành Báo đa phương tiện rất cao, và từ 1 lớp K33 đầu tiên đã được bổ sung thành 2 lớp K34, bạn có nghĩ đó là xu thế mới và là một ngành “hot” sắp tới?

Một vài năm nữa, khi kĩ thuật làm báo thay đổi, nhu cầu thông tin của công chúng nhiều hơn thì báo chí đa phương tiện thực sẽ trở thành một ngành “hot”.

PV: Kỳ thi Đại học 2015 sắp đến, cũng là năm thứ 3 mà chuyên ngành Báo đa phương tiện được mở ra, thay mặt Liên chi Khoa Phát thanh - Truyền hình cũng như là một lớp trưởng Khóa đầu tiên, bạn có gì muốn nhắn nhủ đến các em học sinh đang chuẩn bị thi Đại học đặc biệt là những bạn có niềm yêu thích đối với loại hình mới này?

Năm nay quy chế tuyển sinh có nhiều thay đổi, có thể sẽ là điều kiện tốt cho những ai thực sự quan tâm đến công việc truyền thông báo chí nhưng cũng có không ít khó khăn trước mắt. Thế nên, các em hãy cố gắng lên!

Thay mặt liên chi Khoa Phát thanh - Truyền hình và là người anh đi trước, xin gửi lời đến chúc các em sẽ đỗ vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói chung và đỗ vào khoa Phát thanh - Truyền hình nói riêng.

Lời chúc riêng cho các em có ý định thi Báo chí đa phương tiện là hãy bình tĩnh, tự tin, đừng quá quan tâm hay nhìn vào điểm số, mà hãy làm bài hết sức mình là được nhé. “Hãy theo đuổi sự ưu tú - Thành công sẽ theo đuổi bạn”

PV: Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện ngắn cũng như nhưng chia sẻ khá thú vị về chuyên ngành Báo đa phương tiện. Chúc bạn sẽ luôn thành công trong công việc, là đầu tàu dẫn dắt cả Khoa Phát thanh - Truyền hình nói chung và Lớp Báo chí Đa phương tiện K33 nói riêng, cũng như “anh cả” của thế hệ các lớp Đa phương tiện khóa sau.  

Video phỏng vấn:


Nhóm PV Sóng trẻ
Khánh Linh, Hồng Nhung, Ngô Cường

Báo chí Đa phương tiện - Một xu thế mới

Nhóm PV Sóng trẻ đã có cuộc phỏng vấn bạn Nguyễn Minh Đức, hiện đang làm Phó bí thư Liên chi Phát thanh - Truyền hình, Lớp trường khóa đầu tiên của chuyên ngành mới: Báo chí đa phương tiện.

Video 9 năm trước