(Sóng trẻ) - Đỗ Hà Cừ, một người khuyết tật do ảnh hưởng chất độc da cam phải nằm xe lăn. Mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của mẹ và người thân. Nhưng Anh có một niềm đam mê mãnh liệt đối với những cuốn sách và tri thức.

daa6bc6a7_2.jpg
Chân dung anh Đỗ Hà Cừ

Chân tay co quắp, nói năng cũng khó khăn, chỉ còn mỗi một ngón tay có thể cử động được. Vượt lên số phận, Đỗ Hà Cừ đã tạo dựng được một không gian đọc sách miễn phí với trên 2.000 đầu sách, thu hút hàng nghìn lượt độc giả. Anh  mong muốn không gian đọc sách “Hy Vọng”  của mình sẽ truyền tải đi thông điệp sống tích cực đến mọi người. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên làm thơ về thế giới quan xung quanh và đặc biệt là về mẹ, người đã luôn ở bên cạnh, truyền cảm hứng sống cho anh. 

 

PV: Chào anh, đâu là động lực để anh có thể đọc được sách và yêu sách như hiện nay?

Anh Đỗ Hà Cừ: Bệnh tật đeo đuổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của thần kinh từ bé, nên tôi không thể đến trường như những đứa trẻ bình thường. Nhưng tôi vẫn luôn khao khát được đến trường, được vui đùa cùng bè bạn. Mẹ tôi thương tôi lắm! Biết được nguyện vọng của tôi, mẹ đã tự mua sách vở để giúp tôi nhận biết từng con chữ. Dần dần, tôi biết ghép chữ, biết đánh vần và làm bạn thân với các con chữ, với các quyển sách từ lúc nào không hay. 

PV: Quá trình học chữ đối với anh có lẽ rất gian nan?

Anh Đỗ Hà Cừ: Hồi bé tôi học khó lắm, vì thứ nhất tôi thuộc kiểu không thông minh cho lắm, thứ hai chân tay tôi thế này nên không có khả năng viết, biết mặt chữ rồi mà không viết được thì cũng khó thuộc hơn rất nhiều. Ngày ấy, mỗi hôm tôi học được 1, 2 chữ thôi, hơn thế còn học mãi mới xong. 

Sau khi học thuộc chữ cái rồi đến công đoạn đánh vần. Mẹ tôi biết rất nhiều thơ, đặc biệt là thơ Tố Hữu, mẹ chọn những bài thơ lục bát để dạy tôi cho dễ thuộc dễ nhớ. Bình thường người ta học đánh vần, ghép chữ rồi mới học cả câu, cả bài. Tôi thì ngược lại, học thuộc thơ xong mới học đánh vần. Cũng từ đó tôi thuộc rất nhiều thơ Tố Hữu (cười). 

Biết chữ rồi, đọc được thành thạo, tôi bắt đầu mượn sách của em trai đọc. Ở nhà cũ, trong một căn phòng nhỏ, em trai tôi ngồi trên bàn học, còn tôi nằm dưới. Ngày nào cũng vậy, hễ em tôi học là mẹ lại ngồi kèm, không hiểu gì thì mẹ dạy luôn, thế là tôi cũng học lỏm được một số thứ.

 PV: Học con chữ đã khó, vậy để đọc được sách anh đã nỗ lực như thế nào?

Anh Đỗ Hà Cừ: Đối vớ một người chỉ cử động được một ngón tay như tôi thì làm gì cũng khó. Như mở sách, có khi thời gian mở còn lâu hơn thời gian đọc. Để tôi có thể đọc được, mẹ đã nghĩ đến việc để cuốn sách lên cái bàn, nhưng bàn phải thiết kế nhiều lần, thiết kế  nó thẳng 90 độ không được, lại thiết kế nghiêng, nhưng nghiêng quá cũng không được, như độ nghiêng bây giờ 45 độ thì mới phù hợp. 

daa6bc6a7_1.jpg 
Sách là người thầy, người bạn không thể thiếu đối với Đỗ Hà Cừ

Tôi đọc sách hay bị phá lắm, gáy hay bị gãy ra, mặc dù tôi cũng đã cố gắng giữ những vẫn rách. Vì vậy, chỉ có người nhà mới dám cho tôi mượn thôi, còn hàng xóm có rât nhiều sách hay những họ cũng ít cho mượn vì sợ rách. Gần đây có ông nhà văn sưu tầm được rất nhiều sách hay, nhiều sách văn học hay lắm. Nhưng ông ấy không cho tôi mượn. Thương tôi, mẹ nghĩ ra một cách là nói ông ấy cho mẹ đóng lại những cuốn sách bị rách và bung gáy, sau khi đóng lại hoàn chỉnh, mẹ để tôi đọc trước khi trả. Như vậy mới có thể đọc được sách của ông ấy đấy… (cười thích thú)

Tôi đọc chậm so với những người khác. Bởi khi đọc là phải đọc ra thành tiếng, nhưng không phải âm thanh phát ra từ miệng mà là tiếng kêu trong đầu. Kiểu như mình vừa đọc vừa nghĩ, như mình nói nhưng không thoát ra âm thanh. Tôi đọc rất chậm, không đọc nhanh được, đọc ít nhưng mà chất lượng.

PV: Anh có một niềm đam mê lớn với những cuốn sách, vậy anh thường đọc những thể loại sách gì?

Anh Đỗ Hà Cừ: Trước tôi hay mượn sách giáo khoa của em trai để đọc,  còn sách văn học hay sách khác thì tôi mượn những người hàng xóm xung quanh, họ hàng, nhiều người là giáo viên dạy văn nên rất nhiều sách văn học cho tôi đọc, tôi thích lắm. Tôi còn đọc cả sách phật dạy, sách tâm lý nữa.

PV: Anh có quan điểm như thế nào về sách? 

Anh Đỗ Hà Cừ: Sách là người thầy rất lớn, người bạn rất quan trọng đối với tôi. Nếu không có sách tôi buồn lắm. Đầu tiên phải nói sách là người thầy, sách cho tôi những kiến thức xã hôi mà mẹ tôi không thể dạy hết được. Chỉ có đọc sách mới có kiến thức thôi. 

Sách là người bạn tâm sự cùng tôi, chia sẻ với tôi những lúc buồn, tủi. Nếu không có sách, tôi hay rơi vào tình trạng cảm thấy mình vô dụng với cuộc đời.

PV:  Nài đọc sách, anh còn có niềm đam mê nào khác?

Anh Đỗ Hà Cừ: Đó chính là việc sử dụng máy vi tính để kết nối với mọi người, để không đi chậm hơn so với sự phát triển của thời đại.

PV: Việc sử dụng máy tính đối với anh có dễ dàng?

Anh Đỗ Hà Cừ: Tôi sử dụng máy tính khoảng 5 năm trở lại đây. Vì trước đây giá thành một dàn máy tính tương đối đắt. Gia đình tôi không phải không mua được, mà ai cũng nghĩ, bản thân tôi cũng nghĩ là không sử dụng được. Sau này nhờ em trai nghiên cứu, nghĩ là tôi có thể làm được, kích động tôi, xin bố mẹ mua cho tôi bộ máy tính. Lúc đầu tôi phải nằm úp bò ra để gõ, cũng không ăn thua, vì nó không được chính xác, hơn nữa phải úp bụng xuống nên rất đau.

Mãi về sau mới nghĩ ra một cách sử dụng chuột dễ dàng hơn, đó là ngửa con chuột lên và di chuột ngược. Mọi thứ xuôi bây giờ trở thành ngược hết. 

Tôi sử dụng máy tính vất vả lắm. Mỗi lần vào máy tính tôi toát hết mồ hôi ra, do phải vật lộn với con chuột. Vì vậy nó rất nhanh hỏng, chỉ khoảng vài tháng là phải thay chuột. 

Chuyện gì tôi cũng gặp rất nhiều vất đề khó khăn, những dần dần cũng quen đi.

PV: Giai đoạn nào đối với anh là khó khăn nhất?

Anh Đỗ Hà Cừ: Nhiều lúc nản chí lắm, đặc biệt lúc tôi 14, 15 tuổi bước vào tuổi dậy thi hay nghĩ ngợi lung tung. Đôi khi bố mẹ chẳng nói gì cả nhưng trong đầu luôn nghĩ bố mẹ đang nói mình là thằng vô dụng, ngay cả khi xem tivi cùng bố tôi cũng nghĩ người phát thanh viên đang khiển trách mình, tôi chán lắm! Lúc đó tôi tìm cách tự vẫn những chân tay thế này nên chẳng thể làm gì được. 

Ngày tháng đó khó khăn, nghĩ nhiều quá tôi lên cơn co giật, trương lưc cơ, bật như tôm. Bác sĩ thần kinh phải đến khám, và điều trị. Đợt đó có ngày tôi ngủ liền 2 ngày 2 đêm mới dậy, tè dầm ra giường cũng không biết, mọi thứ giường như suy sụp… 

Lần đó đã để lại di chứng, đến bây giờ hàng ngày tôi vẫn phải sử dụng thuốc an thần. 

PV: Vậy làm thế nào mà anh có thể vượt qua giai đoạn khó khăn ấy?

Anh Đỗ Hà Cừ: Sau lần quyên sinh đó, tôi thấy được rằng bố mẹ đã sinh ra mình, công sinh thành, nuôi nấng, ai lại làm điều dại dột. Làm vậy là có lỗi với bố mẹ. Rồi bố mẹ hàng ngày động viên; họ hàng, anh em, mọi người đều quan tâm, an ủi. Trước những tấm lòng đó, tôi nghĩ mình phải sống sao cho xứng đáng. Rồi cố gắng không nghĩ tiêu cực, cố găng vượt qua tất cả. 

Dần dần cũng đỡ, sau này nghĩ lại mình không nên làm thế, khổ mọi người, khổ chính bản thân mình. Tất nhiên bây giờ cũng có lúc chán nản, tiêu cực, những nghĩ đi nghĩ lại phải tìm mọi cách để vượt qua.

PV: Thất bại nào làm anh nhớ nhất?

Anh Đỗ Hà Cừ: Đó là khi tôi muốn làm một tủ sách ở làng trẻ em SOS, và tôi đã nhờ bạn bè liên hệ nhưng bị họ từ chối thẳng thừng. Lý do bị từ chối là bởi tôi chưa tìm hiểu kĩ xem họ cần những gì và những thứ tôi có không đáp ứng được yêu câu của họ. Gần đây tôi có dự định xây dựng một tủ sách ở Trại giam Thái Bình, những cũng không thành công. Khi đó tôi đã viết thư rất cụ thể nhưng họ đã từ chối, vì họ muốn mình đến tận nơi để trao đổi. Trước đây trại giam cách nhà tôi 300m, nhưng bây giờ mới được chuyển sang huyện Vũ Thư. Tôi đi lại khó khăn như thế này thì làm sao đến tận nơi được. Những dự án không thành công, thật đáng buồn.

Sau thất bại đó tôi bị mất uy tín với bạn bè, và cả nhà tài trợ. Nói đi cũng phải nói lại, nguyên nhân thất bại là do tôi chưa tìm hiểu kĩ, chưa đủ kiến thức để thuyết phục họ. Qua đây tôi đã rút ra được bài học kinh nghiệm cho những dự định tiếp theo của mình.

PV: Quan điểm sống của anh là gì?

Anh Đỗ Hà Cừ: Quan điểm sống à, tôi không có quan điểm sống gì cả, mà chỉ có một tâm niệm là  mỗi sáng mình thức dậy mình hãy cảm thấy may mắn vì được sống trên đời này, và hãy tận hưởng nó. Bởi có những lúc tôi ốm nặng và tôi tưởng mình chết rồi.  Sau khi thập tử nhất sinh như thế tôi đã hiểu được suộc sống đáng quý hơn nhiều lần. 

PV: Anh có dự định gì cho tương lai?

Anh Đỗ Hà Cừ: Hiện tôi đang chuẩn bị cho ra mắt cuốn tự truyện mang tên “Mãi Mãi tuổi lên ba” cùng những bài thơ do tôi tự sáng tác về cuộc sống và những người xung quanh mình.

Tôi cũng đang bắt tay vào công việc bán hàng trên mạng, cùng kết nối với những người khuyết tật như mình. Mong muốn rằng sẽ tạo công ăn việc làm cho chính bản thân mình và cho những người bạn đó. 

Cảm ơn anh, chúc anh cùng những dự định của mình sớm thành công!

Phương Thảo

Chàng trai “ Mãi mãi tuổi lên ba”

Video 7 năm trước