(Sóng trẻ)- Những thùng hàng chất đầy trong kho, số lượng nhân công giảm, những chú chuồn chuồn tre làng Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) phải nói lời hẹn gặp lại với các chuyến vi vu nước nài giữa lúc đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành trên thế giới.

“Làm ra thì phải bán được. Đầu tiên thì cũng có chục gia đình làm nhưng vì không có đầu ra, giờ chỉ còn 3 hộ theo nghề”, nghệ nhân Đỗ Văn Liên bộc bạch.

8dd8c5903_anh1.jpg
Trước dịch, gia đình có thuê 10 công nhân, nay chỉ còn nghệ nhân Đỗ Văn Liên và vợ

Để tạo nên những chú chuồn chuồn đẹp mắt, người thợ thủ công phải trải qua hàng chục bước với nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay. Từ việc phơi những thân tre tươi được nhập từ các tỉnh lân cận trong khoảng 3 đến 4 tháng cho khô vừa đủ; đến việc vót, chặt tre thành từng khúc để làm thân, trụ, cánh. Với mỗi bộ phận của chuồn chuồn, người thợ lại có những lưu ý riêng. Mỏ phải dùng thanh sắt hơ lửa để uốn cong, thân và cánh không được quá mỏng cũng không được quá dày, lắp cánh phải lưu ý độ cân bằng để chuồn chuồn đậu được,...

Cô Nguyễn Thị Xoan, vợ nghệ nhân Đỗ Văn Liên chia sẻ: “Làm nghề này, đứt tay là chuyện thường.”

490ad8974_anh2.jpg
Hơn 20 loại dao, mỗi dao gắn với một hoặc một vài công đoạn

Là một món quà tuổi thơ, những chú chuồn chuồn tre xuất hiện ban đầu chỉ là đồ chơi cho trẻ con trong làng. Sau, chuồn chuồn được nhiều khách du lịch chùa Tây Phương gần đó mua về như một món quà kỷ niệm. Tiếng lành đồn xa, làng sản xuất con nào bán hết con đó, các đơn đặt hàng cứ dần nhiều lên. Không chỉ chu du từ Bắc vào Nam, chuồn chuồn tre của làng còn được ưa chuộng trên khắp thế giới, chinh phục cả những thị trường khó tính nhất như: Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản,...

Chia sẻ thêm, nghệ nhân Đỗ Văn Liên cho biết: “Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid nên bán chậm 1 chút. Năm nái, năm kia đắt hàng lắm, có thời điểm không có hàng mà bán.”

490ad8974_anh3.jpg
Sản phẩm chuồn chuồn tre thô đã được gắn keo

Ấy thế mà làng chuồn chuồn cũng phát triển được gần 20 năm, thời điểm đông nhất có đến cả chục thợ khéo. Tới thời điểm hiện tại, các đơn hàng quốc tế chững lại, đơn hàng trong nước giảm hẳn so với cùng kỳ năm nái. Hàng không bán được, chuồn chuồn tre thành phẩm xếp đầy trong kho, người dân làng Thạch Xá chỉ làm cầm chừng bám nghề chờ ngày khôi phục nền kinh tế.

Tình trạng này cũng diễn ra với làng quạt Chàng Sơn 200 năm tuổi cách đấy 2km. “Dịch thế này, người dân không làm quạt nữa vì làm thì cũng không biết bán cho ai”, nghệ nhân Dương Văn Đoàn, con trai cố nghệ nhân Dương Văn Mơ chia sẻ.


Mặc dù tại Việt Nam dịch Covid cơ bản đã được khống chế nhưng chưa ai dám đảm bảo cho sự khởi sắc của ngành du lịch nói chung và những làng nghề truyền thống gắn với du lịch như làng chuồn chuồn tre Thạch Xá hay làng quạt Chàng Sơn nói riêng. Người dân chỉ biết giữ nghề với niềm hy vọng xa xôi và chuồn chuồn tre Thạch Xá dường như cũng tạm gác lại việc cất cánh bay để đặt lên đôi cánh mỏng manh nỗi lo cơm áo.

Lê Xuyến

Chuồn chuồn "nắng cánh" vì COVID-19

(Sóng trẻ)- Những thùng hàng chất đầy trong kho, số lượng nhân công giảm, những chú chuồn chuồn tre làng Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) phải nói lời hẹn gặp lại với các chuyến vi vu nước nài giữa lúc đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành trên thế giới.

Video 4 năm trước