

Mặc cho nhiều khó khăn, thiếu thốn tại tại mảnh đất Con Cuông (tỉnh Nghệ An), với trái tim yêu trẻ và niềm đam mê cháy bỏng với nghề, cô giáo Lê Thị Ngọc Thúy (Trường Mầm non Bồng Khê, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) luôn nỗ lực mang đến nhiều sự đổi mới, sáng tạo trong giáo dục tại địa phương.

Với thành tích học tập nổi bật ở bậc THPT, cô giáo Lê Thị Ngọc Thúy khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ khi chỉ lựa chọn duy nhất ngành Giáo dục Mầm non của Trường Đại học Vinh để xét tuyển đại học. Nhìn lại thời điểm đó, cô Thúy cho biết quyết định của bản thân xuất phát từ tình yêu với con trẻ và đam mê với nghề giáo - thứ vẫn giữ cô ở lại với nghề cho đến hiện nay.
Nhờ đạt kết quả cao trong suốt 4 năm đại học, trước khi tốt nghiệp, cô Thúy đã nhận được không ít lời mời dạy học từ một số trường mầm non trong một số tỉnh thành phía Nam. Tuy nhiên, từ chối những lời mời này, cô Thúy trở về quê nhà công tác tại huyện Con Cuông – một huyện miền núi thuộc tỉnh Nghệ An với tỷ lệ hộ nghèo cao, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
“Nếu tôi vào Nam hoặc ở lại thành phố Vinh, tôi sẽ có nhiều cơ hội lớn hơn để phát triển sự nghiệp. Nhưng Con Cuông là quê hương của tôi, tôi muốn gần gũi với gia đình, gắn bó với quê hương và cũng hy vọng đóng góp một phần sức mình để quê hương ngày càng phát triển, nên tôi quyết định trở lại vùng đất này”, cô Thúy trải lòng.

Gặp nhiều vất vả khi làm giáo viên mầm non với mức tiền lương ít ỏi trong thời gian đầu làm việc, cô Thúy cho biết nhiều lúc thấy nản lòng và từng có suy nghĩ rời khỏi quê hương để lên thành phố làm việc với hy vọng cuộc sống sẽ khấm khá hơn.
Dù đôi lúc dao động, nhưng nhờ tình yêu nghề và sự động viên của gia đình, cô Thúy vẫn quyết định ở lại quê nhà, tham gia kỳ thi tuyển viên chức và vào biên chế nhà nước vào năm 2015. Cô Thúy được huyện phân công dạy học tại Trường Mầm non Thạch Ngàn (xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông), 5 năm sau được luân chuyển về gần thị trấn, làm giáo viên mầm non tại Trường Mầm non Bồng Khê (xã Bồng Khê, huyện Con Cuông) và công tác đến hiện tại.

Từng trải qua không ít thăng trầm trên hành trình theo đuổi nghề giáo viên, cô Thúy khẳng định: “Cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ hối hận với quyết định trở về làm giáo viên mầm non tại chính quê hương mình. Nghề giáo là lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời tôi”.

Với trái tim nhiệt huyết và tâm hồn trẻ trung, cô Thúy luôn trăn trở tìm tòi những phương pháp giáo dục mới không chỉ nhằm đổi mới hoạt động giáo dục mầm non tại địa phương mà còn giúp các trẻ em mầm non trở nên mạnh dạn, tự tin hòa nhập với môi trường lớp học, giảm bớt sự rụt rè vốn có của những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình không mấy dư dả.
Được tham gia các buổi tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và tích lũy nhiều kiến thức quý giá liên quan đến việc cải cách phương pháp giáo dục mầm non, cô Thúy tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo sản phẩm từ các nguyên liệu thiên nhiên nhằm rèn luyện sự khéo léo, tỉ mỉ cho các em học sinh. Nhận thức rõ những khó khăn trong điều kiện kinh tế của các em học sinh, cô Thúy khéo léo lựa chọn và cải tạo những nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương để tạo ra những sản phẩm bình dị, gần gũi nhưng vẫn có thể kích thích trí tò mò của các em.
“Những con cào cào bằng lá cọ, bông hoa từ rơm rạ và hạt ngô hay những chiếc thiệp xinh xắn được dệt từ sợi lạt và trang trí bằng lá cây, ngọn cỏ là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc do chính bàn tay các em làm ra. Hơn nữa, không chỉ dừng lại ở các sản phẩm tại lớp, nhiều em học sinh còn có những sáng tạo riêng cho mình ngoài giờ học khiến tôi rất bất ngờ, gia đình các em cũng tự hào và hãnh diện lắm", cô Thuý phấn khởi chia sẻ.
Tất cả các sản phẩm ấy đều bắt nguồn từ những nguyên liệu mộc mạc do các em tự sưu tầm từ nhà hoặc nhờ phụ huynh chuẩn bị. Không ít lần, cô Thúy còn tận dụng thời gian nghỉ trưa của mình để tự tay chuẩn bị nguyên liệu, tất cả chỉ vì mong muốn mang đến cho các em những tiết học sinh động và đáng nhớ.
Việc tự tay làm ra những chiếc thiệp, những đồ vật trang trí lớp học giúp các em rèn luyện sự khéo léo, tỉ mỉ cũng như hiểu rõ hơn về ý nghĩa của lao động. Bên cạnh đó, sự nhất trí, đồng tình của phụ huynh với phương pháp học này càng là động lực để cô Thúy tiếp tục sáng tạo và mang đến cho các em những trải nghiệm học tập tuyệt vời.

“Các phương pháp học mới mẻ, sáng tạo giúp các em vừa tích lũy kiến thức vừa rèn luyện tư duy, kỹ năng làm việc nhóm khả năng giải quyết vấn đề và phát triển toàn diện các kỹ năng sống, từ đó bớt rụt rè, tự tin hòa nhập với môi trường xung quanh”, cô Thuý bộc bạch.

Trong thời đại hiện nay, ngày càng nhiều trường học và giáo viên trên khắp cả nước áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và truyền tải kiến thức. Hiểu được vai trò quan trọng của công nghệ trong giáo dục, cô Thúy cũng nỗ lực đưa khoa học công nghệ vào quá trình dạy học, dẫu cho điều kiện cơ sở vật chất tại địa phương còn nhiều hạn chế.
Cô Thúy kể lại, vào những năm 2016, 2017, tỉnh Nghệ An bắt đầu triển khai áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Thời điểm đó, cô đang công tác tại xã Thạch Ngàn - vùng sâu, vùng xa của huyện Con Cuông - nên cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, các thiết bị máy chiếu, máy tính… đều không có đủ. Cô Thúy phải tự mày mò, tìm tòi trên mạng để xây dựng được một bài giảng E-Learning (bài giảng trực tuyến) cho cuộc thi Thiết kế bài giảng E-Learning cấp tỉnh và đã may mắn đạt giải ba với sản phẩm đó.
Vốn có nhiều am hiểu về công nghệ dạy học, cô Thúy được chọn là một trong những giáo viên phụ trách dạy chuyên đề ứng dụng công nghệ thông tin cho các thầy cô giáo trong toàn huyện. Mỗi năm, cô Thúy đều xây dựng một chuyên đề và hướng dẫn cho các giáo viên mầm non trên địa bàn.
Nhờ sự hướng dẫn của cô Thúy và một số báo cáo viên khác, hiện tại đa số các giáo viên trên địa bàn huyện Con Cuông đã ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, trong đó hơn 80% thầy cô có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để sáng tạo một số sản phẩm cần chuyên môn cao như bài giảng điện tử, bài tuyên truyền, bài thơ, câu chuyện… để dạy trẻ mầm non.
Quan niệm rằng công nghệ giữ vai trò vô cùng quan trọng trong nền giáo dục hiện nay, cô Thúy cũng sử dụng chính những sản phẩm mình sáng tạo ra để cung cấp kiến thức cho học sinh theo một cách thú vị. Những sa bàn trước kia, nay được thay thế bằng nhiều video hoạt hình, các đối tượng tương tác ảo vô cùng sinh động, hấp dẫn.

“Sử dụng công nghệ trong giáo dục vừa giúp trẻ hào hứng, thích thú hơn trong các giờ học, vừa tạo cơ hội cho trẻ có cơ hội tiếp cận và làm quen với khoa học - công nghệ từ sớm. Thấy con em mình hào hứng, nhiều bậc phụ huynh cũng ủng hộ tôi tiếp tục giảng dạy theo cách này”, cô Thúy vui vẻ bộc lộ.
Hiện tại, cô Thúy ấp ủ dự định thiết kế sách điện tử để việc ôn luyện kiến thức trở nên thuận tiện hơn với các học sinh. Cụ thể, mỗi bài học trên lớp sẽ được gửi về cho phụ huynh theo hình thức sách điện tử tích hợp các video giáo dục về một số nội dung như quy tắc rửa tay, nói lời cảm ơn, xin lỗi… Nếu dự án được đưa vào thực tiễn, trẻ chỉ cần bật sách lên là có thể ngay lập tức ôn luyện được kiến thức, cha mẹ cũng có thể học cùng với con vào mỗi buổi tối.
Dù đã có không ít đóng góp cho sự phát triển của giáo dục tại địa phương và trở thành giáo viên duy nhất của tỉnh Nghệ An được tuyên dương trong Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023, cô Thúy vẫn khiêm tốn khi nói về mình.

“Biết đến nhiều tấm gương thầy cô khác trên khắp mọi miền Tổ quốc, tôi nhận ra bản thân mình chỉ là một hạt cát bé nhỏ. Tôi vẫn đang tích cực học tập, trau dồi chuyên môn, phấn đấu hết mình vì nền giáo dục nước nhà”.
Xem toàn bộ 4 kỳ tại: https://preview.shorthand.com/JsxZaTVujuRu6SWT
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"
(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.