“Tôi nghĩ là mình đã sống một cuộc đời không hổ thẹn với lương tâm khi chỉ là một người khuyết tật” - Đó là niềm tự hào của anh Phùng Văn Trường, người thầy giáo đặc biệt tại Hà Nội.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội, mới 2 tuổi, anh Phùng Văn Trường đã bắt đầu có triệu chứng teo cơ. Căn bệnh càng ngày càng nặng khiến cho mọi sinh hoạt của anh trở nên khó khăn và gần như phải phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ. Năm lên lớp 8, dù vẫn còn rất đam mê với công việc học tập nhưng anh Trường buộc phải thôi học vì điều kiện sức khoẻ không cho phép. 

Xa bảng đen, phấn trắng, xa thầy cô, bè bạn, anh Trường bắt đầu làm bạn với chiếc xe lăn, thế nhưng chưa một phút giây nào anh ngừng nỗ lực cầm bút để có thể viết chữ trở lại. 

Tình cờ nghe được câu chuyện về cố nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký hay anh Hoa Xuân Tứ - những người tật nguyền nhưng vẫn tìm cách để vượt lên số phận, lại biết đến một nhân vật trong phim Bao Thanh Thiên viết chữ bằng miệng đã giúp anh Trường tìm thấy động lực trong mình và quyết tâm ngậm bút vào miệng, bắt đầu tập viết chữ.

Anh Phùng Văn Trường (Chương Mỹ, Hà Nội)
Anh Phùng Văn Trường (Chương Mỹ, Hà Nội)

“Tôi cũng là một người bất hạnh như thế thì mình cố gắng nhìn tấm gương để vươn lên. Đó như là ánh sáng, còn tôi ở trong bóng tối nên mình phải ra chỗ ánh sáng chứ ngồi ở trong bóng tối thế nào được”, anh Trường chia sẻ.

Những ngày đầu tập viết chữ bằng miệng, anh Trường cũng gặp không ít khó khăn. Anh phải cắn răng vào bút để giữ cố định, cơ miệng đau và mỏi rã rời. Thậm chí, đã có những lúc miệng chảy máu vì phải cắn bút chặt trong thời gian quá lâu. Nhưng dường như chút khó khăn này không thể ngăn cản ý chí của anh. Sau nhiều lần cố gắng, anh Trường đã tìm ra cách cắn bút nghiêng để viết chữ dễ dàng hơn.

Không thể viết bằng tay, anh Trường quyết tâm luyện viết bằng miệng
Không thể viết bằng tay, anh Trường quyết tâm luyện viết bằng miệng

Không dừng lại ở việc viết được chữ, anh Trường còn phấn đấu viết cho thật đẹp để có thể chỉ dạy cho những học trò của mình. Anh Trường cho biết: “Tôi nghĩ là cái chữ viết bằng tay đẹp được tôn trọng 5, thì chữ tôi viết bằng miệng đẹp, thì người ta tôn trọng tôi 10, phải gấp đôi người viết bằng tay, vì nó không hề đơn giản, mình nghĩ không phải tự hào mà cái lẽ đời nó phải thế…”

Anh Trường cũng luôn luôn nhắc nhở bản thân mình rằng nếu như anh không viết đẹp thì làm sao có thể bắt học sinh của mình viết chữ đẹp được.“Mình phải làm gương, làm gương thì phải tập viết cho thật đẹp”, anh Trường tự nhủ. 

Những nét chữ được viết bằng miệng của thầy Trường
Những nét chữ được viết bằng miệng của thầy Trường

Nhìn những nét chữ bay bổng trên trang giấy, có lẽ chẳng ai có thể nghĩ rằng những dòng chữ ấy lại được viết bằng miệng. Những nét chữ thanh đậm ấy đã chuyên chở bao nỗ lực, bao ước mơ và khao khát của anh Trường.

Bị mắc căn bệnh thoái hóa cơ quái ác, phải ngồi xe lăn nhưng anh Phùng Văn Trường vẫn hằng ngày miệt mài đưa con chữ đến với con trẻ. Suốt 10 năm dạy viết chữ đẹp và toán miễn phí cho học trò nghèo, cái tên  “Người thầy viết chữ đẹp bằng miệng” được mọi người nhắc đến anh bằng tất thảy sự tôn trọng và quý mến.

“Tôi không có bằng cấp gì nên cũng không dám nhận mình là thầy giáo, phụ huynh tôn trọng nên gọi như vậy thôi. Tôi chỉ là chú là bác của các cháu, hàng ngày hướng dẫn chỉ bảo cho các cháu biết cái chữ, có kiến thức để sau này có cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn và trở thành những công dân có ích cho xã hội”, anh Trường bày tỏ. 

Không chỉ dạy học miễn phí cho các em học sinh nghèo, thầy Trường cùng một số người đã vận động được hàng ngàn đầu sách từ sách giáo khoa đến sách khoa học, kỹ năng sống, truyện tranh... và mở một thư viện Hallo World (Xin chào thế giới) miễn phí cho các em. 

Thư viện miễn phí Hallo World ngay trong ngôi nhà của thầy Trường
Thư viện miễn phí Hallo World ngay trong ngôi nhà của thầy Trường

Lớp học của “thầy Trường” là một lớp học vô cùng đặc biệt, nơi có người thầy tâm huyết ngồi xe lăn giảng bài, có sự thích thú, chăm chú của học sinh nhìn thầy nắn nót từng dòng chữ bằng miệng. Phụ huynh đưa con đến đây không chỉ mong muốn con mình được học chữ mà còn để con học được nghị lực, tính kiên trì, quyết tâm từ người thầy nhiệt huyết này.

Em Nguyễn Thanh Trúc, học sinh Trường tiểu học Nam Phương Tiến A chia sẻ: “Khi đến lớp học của thầy Trường, em không chỉ được học viết chữ mà còn học được nghị lực, sự cố gắng và vươn lên em học được từ thầy. Em cảm ơn thầy vì dạy em học giỏi và biết nhiều điều tốt đẹp hơn".

Các em nhỏ chăm chú lắng nghe thầy Trường dạy học
Các em nhỏ chăm chú lắng nghe thầy Trường dạy học

Bên cạnh những lời động viên, khích lệ việc làm đầy ý nghĩa của thầy Trường, cũng có không ít những người cho rằng việc làm của thầy là không bình thường. Bỏ ngoài tai những lời lẽ không hay, anh Trường vẫn hàng ngày tận tụy mang kiến thức cho lớp học của mình, lo lắng, quan tâm đến từng học sinh như con cháu trong nhà. “Có nửa chữ tôi cho các cháu một nửa, có một chữ thì tôi cho các cháu một chữ. Tôi giúp được các cháu được phần nào tôi cũng cảm thấy mình hạnh phúc hơn ngần ấy", anh Trường chia sẻ.

Căn nhà nhỏ ấy không lúc nào ngớt tiếng đọc bài, làm toán, tiếng nói, tiếng cười ríu rít của đám trẻ nhỏ. Anh Trường cho biết, ngày nào mà các cháu không qua nhà, không được nghe tiếng cười nói của đám trẻ thì cả ngày đó anh cảm thấy buồn và thiếu vắng thứ gì đó…

Ngoài những đóng góp kể trên, anh Trường còn tâm nguyện sẽ hiến giác mạc của mình - thứ quý giá và lành lặn nhất của anh cho đời. “Tàn nhưng không phế, càng tàn tạ bao nhiêu tôi lại càng phải vươn lên để được sống có ích, cống hiến cho cuộc đời dù chỉ là những điều nhỏ bé nhất…”, anh Trường bày tỏ. 

Đừng bỏ lỡ
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

XEM THÊM TIN