(Sóng trẻ) - Từ những lớp học đàn miễn phí, những buổi diễn Tuồng, Chèo sáng tạo, đến những bản cover nhạc trẻ bằng nhạc cụ dân tộc… Giới trẻ đang "chuyển mình" cho nghệ thuật truyền thống, mang đến một diện mạo mới mẻ, hấp dẫn và gần gũi hơn.
Tuồng, loại hình nghệ thuật sân khấu cổ điển, từng là niềm tự hào của văn hóa Việt. Với những tích trò hấp dẫn, lời thoại bác học, âm nhạc, vũ đạo, mặt nạ, phục trang đặc sắc; Tuồng mang đậm tính nghệ thuật và giá trị lịch sử. Thế nhưng, ánh đèn sân khấu Tuồng ngày nay dường như đã le lói, ít được khán giả quan tâm.
Theo Hoàng Hà, Trưởng BTC dự án “Khai sắc Tuồng Thanh”, nghệ thuật Tuồng kén người xem vì “khó hiểu”: "Khán giả không hiểu vì sao Tuồng cần vẽ mặt, cần mặc phục trang như vậy, cần đi đứng, ăn nói như thế...". Điều này đặt ra một thách thức lớn cho việc bảo tồn và phát triển Tuồng trong thời đại mới.
Là người đã theo đuổi nghệ thuật Tuồng suốt 10 năm nay, Nguyễn Thị Thanh Phương - diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam, cũng cho biết: “Khán giả hiện tại đã không còn quan tâm Tuồng như trước đây nữa. Điều này phản ánh sự cần thiết phải có những giải pháp để thu hút khán giả, đặc biệt là giới trẻ, đến với loại hình nghệ thuật đặc sắc này”.
Bên cạnh Tuồng, Việt Nam còn tự hào với kho tàng nhạc cụ dân tộc phong phú, đa dạng. Mỗi loại hình nghệ thuật dân gian lại mang một âm sắc, một câu chuyện riêng: Từ tiếng đàn bầu da diết, tiếng đàn tranh réo rắt, tiếng sáo trúc du dương… tất cả tạo nên một bức tranh âm nhạc đầy màu sắc, thể hiện tâm hồn, cốt cách của dân tộc.
Tuy nhiên, Lê Hà Thu - chủ nhiệm CLB Cầm Ca nhận định: "Trong xã hội hiện đại ngày nay, các bạn trẻ nói riêng và thính giả nghe nhạc nói chung có nhiều cơ hội tiếp xúc với các thể loại âm nhạc hiện đại nhưng lại ít có dịp được nghe, trải nghiệm với âm nhạc truyền thống. Chính vì thế mà nhạc cụ truyền thống đang dần bị quên lãng theo năm tháng”.
Sự lấn át của âm nhạc hiện đại, cùng với sự thiếu hụt sân chơi, lớp học, người thầy giỏi đã khiến nhạc cụ dân tộc ít được giới trẻ biết đến và chơi. Nguyễn Thị Mỹ Duyên - thành viên CLB FTIC, cho biết: “Nhạc cụ dân tộc là một môn học được bắt buộc ở trường đại học FPT. Trên thực tế, âm nhạc truyền thống chưa tiếp cận được nhiều đến đến các bạn trẻ”.
Mỹ Duyên nhận định: “Việc chơi nhạc cụ truyền thống cũng khó hơn so với chơi các loại đàn khác. Bên cạnh đó cũng không có sẵn các cái tài liệu hướng dẫn hay giảng viên hướng dẫn để có thể tập chơi.
Chung quy là mình sẽ cần nhiều thời gian và công sức hơn so với âm nhạc hiện đại. Và một cái khó nữa của nhạc cụ truyền thống là sẽ không có nhiều sân khấu để biểu diễn”.
Với mong muốn tạo nên "một không gian trải nghiệm nghệ thuật độc đáo, nơi người tham dự có thể hiểu và cảm nhận đủ đầy hơn về những đặc sắc trong bộ môn nghệ thuật dân gian", dự án “Khai sắc Tuồng Thanh” đã ra đời, mang theo sứ mệnh kết nối Tuồng với giới trẻ.
Dự án đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như: Xây dựng các bài viết cung cấp kiến thức về Tuồng trên Fanpage, mở ra không gian trải nghiệm nghệ thuật Tuồng, tổ chức workshop “Nét Tuồng”, talkshow và biểu diễn nghệ thuật “Mãn sắc”.
Hoàng Hà - Trưởng BTC “Khai sắc Tuồng Thanh” nhấn mạnh: “Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng đang xây dựng những kế hoạch dài hạn để đưa Tuồng tới gần hơn với công chúng. Mong rằng công chúng cũng sẽ ngày càng yêu thương, góp phần bảo tồn và phát huy bộ môn nghệ thuật này”.
Đối với Thanh Phương, Tuồng có sức hút đặc biệt bởi "cái tính yêu nước, trung quân, ái quốc". Bên cạnh đó, chị cũng bị cuốn hút bởi "vũ đạo, hóa trang, phục trang,... thực sự đặc sắc" của Tuồng.
Chị chia sẻ về niềm vui và động lực trong suốt 10 năm theo đuổi nghệ thuật Tuồng, Việt Nam cảm nhận sâu sắc từng khoảnh khắc "được thăng hoa trên sân khấu, được khán giả, bạn nghề công nhận và được sống với bản chất, với cái truyền thống của con người Việt Nam”.
Xuất phát từ mong muốn tạo ra một sân chơi cho những người trẻ yêu nhạc cụ dân tộc, nữ sinh Lê Hà Thu đã ấp ủ và thành lập nên CLB Cầm Ca từ những năm cô bạn học cấp 3. Trong suốt 5 năm qua, CLB đã tổ chức dự án âm nhạc phi lợi nhuận “Bình Dân Học Nhạc” với mong muốn tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác đều có thể tiếp cận đến nhạc cụ truyền thống.
Hà Thu tâm sự: “Mình tâm đắc với câu ‘Người đi học miễn phí, người đi dạy miễn lương, nơi đây học viên và giáo viên trao nhau những tình cảm, lòng nhiệt tình’. Chúng mình biết nhiều bạn chưa có cơ hội mua đàn tập tại nhà, điều kiện học thêm các trung tâm, chúng mình không muốn đó là rào cản khó tiếp xúc với âm nhạc truyền thống”.
“Bình Dân Học Nhạc” khi cất lên thấy tên này gần giống với cụm từ bình dân học vụ, người Việt được xóa mù chữ và diệt giặc dốt. “Bình Dân Học Nhạc” mang âm nhạc đến gần hơn tới cộng đồng, phổ cập kiến thức về các loại nhạc cụ truyền thống, mong muốn truyền tải những điều đơn giản và gần gũi. Vào thời điểm hè, mọi người có thể rủ nhau tham gia học hoàn toàn miễn phí.
Bên cạnh việc dạy nhạc miễn phí, Cầm Ca còn thực hiện việc cover nhạc hiện đại bằng nhạc cụ dân tộc, một cách làm sáng tạo để thu hút sự quan tâm của giới trẻ, đồng thời lan tỏa vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng.
Cũng theo Hà Thu: “Đã từng có một thời gian nghệ thuật truyền thống bị giới trẻ quên lãng và Cầm Ca chúng mình cũng cảm thấy tiếc nuối vì điều đó. Tuy nhiên, gần đây, việc giáo dục nghệ thuật truyền thống có những khởi sắc”.
Cụ thể, nhiều người yêu âm nhạc đã biết cách lồng ghép âm hưởng truyền thống vào âm nhạc hiện đại. Bên cạnh đó, một số trường cũng đưa nhạc cụ dân tộc vào chương trình học cũng là một dấu hiệu đáng mừng. Và để duy trì cũng như truyền dạy nhạc cụ truyền thống cho các bạn trẻ, không chỉ ngày một ngày hai đã thành thạo, mà đó là cả một quá trình luyện tập dài”.
Tại các ngôi trường đại học sôi nổi CLB theo sở thích, những đội nhóm đam mê chất liệu nghệ thuật truyền thống cũng được hình thành. Mỹ Duyên - một thành viên tích cực trong CLB FTIC cho biết: “Hiện tại thì CLB có khoảng 300 thành viên và trong câu lạc bộ thì có hầu hết tất cả các bạn trong các ngành đang học tại trường đại học FPT”.
FTIC tổ chức các buổi sinh hoạt hàng tuần, tập luyện, biểu diễn tại các sự kiện của trường, và tham gia vào dự án đưa nhạc cụ dân tộc đến các trường trung học phổ thông. Các hoạt động này không chỉ giúp các thành viên trau dồi kỹ năng, mà còn góp phần lan tỏa tình yêu âm nhạc dân tộc đến với cộng đồng.
Theo đó, hoạt động của CLB không chỉ giới hạn trong khuôn khổ nhà trường mà còn kết hợp biểu diễn tại các sự kiện âm nhạc và kết hợp với đội nhóm khác để giao lưu. CLB cũng mở các lớp đàn dành cho sinh viên khóa mới nhằm giao lưu, giới thiệu về nhạc cụ dân tộc.
Đối với quy mô nhỏ hơn, dự án “Nghệ Việt” là sản phẩm từ quá trình nung nấu khát khao lưu giữ vẻ đẹp, giá trị của văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Bạn Lăng Thùy Linh - Phó dự án cho rằng: “Người trẻ có thể tạo ra những tác phẩm mới dành cho nhạc cụ truyền thống, tổ chức các buổi biểu diễn, triển lãm, hay tham gia vào các dự án bảo tồn di sản văn hóa, các làng nghề truyền thống… để giới thiệu về văn hóa truyền thống đến đông đảo mọi người”.
Thùy Linh cũng nhấn mạnh: "Người trẻ ngày nay chính là ‘nhịp cầu’ nối liền truyền thống và hiện đại, thổi hồn và làm mới nghệ thuật truyền thống để văn hóa Việt Nam không chỉ được bảo tồn mà còn phát triển bền vững”.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nhấn mạnh vai trò quan trọng của lớp trẻ trong việc gìn giữ nghệ thuật truyền thống: "Lớp trẻ hiện nay đang thống trị nghệ thuật truyền thống. Nếu so với âm nhạc bình thường thì số lượng nó ít hơn, nhưng nếu không có lớp trẻ thì dân gian biến mất rồi còn đâu”. Ông cũng nhấn mạnh việc cần phải khéo léo biến đổi cho phù hợp sao cho vừa giữ được hồn cốt truyền thống, vừa mang hơi thở hiện đại.
Những nỗ lực của giới trẻ trong việc thổi hồn vào nghệ thuật truyền thống đã và đang mang lại những tín hiệu tích cực. Hành trình này tuy còn nhiều thử thách, nhưng với niềm đam mê và sự sáng tạo không ngừng, tin rằng nghệ thuật truyền thống Việt Nam sẽ tiếp tục tỏa sáng, vươn xa và trường tồn cùng dân tộc.
Khai mạc thành công Lễ hội Kanagawa 2024 tại Hà Nội
(Sóng trẻ) - Trưa 16/11, Lễ hội Kanagawa 2024 đã khai mạc tại Công viên Tượng đài Quyết Tử (Hà Nội), mở đầu cho chuỗi hoạt động giao lưu văn hóa giữa Thủ đô Hà Nội và tỉnh Kanagawa (Nhật Bản).
Tọa đàm "Sáng tạo hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh": Hành trình ký ức đô thị qua màn ảnh
(Sóng trẻ) - Sáng ngày 16/11, toạ đàm "Sáng tạo hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh" được tổ chức tại Cung Thiếu nhi Hà Nội nhằm gặp gỡ những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong việc định hình hình ảnh Hà Nội trong điện ảnh, đồng thời khám phá hình ảnh Hà Nội
Xử phạt đối với xe ôtô chở trẻ em không có thiết bị an toàn
(Sóng trẻ) - Theo dự thảo nghị định của Bộ Công an, chở trẻ em trên ôtô không có thiết bị an toàn bị phạt 800.000 - 1 triệu đồng, áp dụng từ 1/1/2026.