(Sóng Trẻ) - “Nhà tôi làm lồng chim nay đã bốn đời rồi, từ đời cụ tôi, bố tôi, đến đời tôi, bây giờ truyền lại cho con tôi, thằng cháu tôi cũng làm lồng chim”. Bác Nguyễn Văn Nghệ chia sẻ với chúng tôi đầy tự hào.
Những đôi tay tỉ mẩn, công phu
Khi nhắc đến một địa điểm làm lồng chim, người ta nghĩ ngay đến Làng Vác, hay còn có cái tên làng Canh Hoạch, xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Hình ảnh đầu tiên mà người ta nhìn thấy ngay khi bước chân vào làng là dưới mỗi hiên nhà, những người nghệ nhân đang cần mẫn làm lồng. Những thanh nứa, thanh trúc, thanh tre dài từ 4-5 mét được phơi dọc 2 bên đường.
Hai vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Vũ và Nguyễn Thị Mận
Bác Nguyễn Văn Bần, một người thợ làm lồng chim làng Vác
Để làm được những chiếc lồng chim, người thợ Vác phải trải qua rất nhiều công đoạn và phải đặt cả cái tâm, tấm lòng của mình trong đó. Nguyên liệu làm lông chim chủ yếu là tre, trúc. Những thanh tre, thanh trúc được mua từ tận các tỉnh miền núi phía Bắc xa xôi như Cao Bằng. Từng chiếc nan lồng nhỏ xíu được người thợ vót tỉ mỉ, nan nào nan đấy đều tăm tắp. Chưa kể đến lúc ráp lồng, đòi hỏi những người nghệ nhân phải khéo léo, có con mắt tinh tường và thẩm mĩ cao, có như thế mới cho ra đời được những chiếc lồng tuyệt mỹ.
Nan lồng chim được vót tỉ mỉ phơi khô
Người dân ở đây cho biết, có những khách ở rất xa đến tận làng Vác để đặt làm lồng chim. Ở đây, họ đã từng làm những chiếc lồng chim có giá hàng chục triệu đồng, có những chiếc lồng được làm hoàn toàn bằng tay, không hề qua máy móc. Mỗi một loài chim, đều có những dáng lồng khác nhau.
Bản thân mỗi người nghệ nhân luôn đổi mới trong cách làm lồng để cho ra đời những mẫu lồng phong phú, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã. Và theo như lời của bác Nguyễn Văn Vũ ( thợ làm lồng chim làng Vác), đôi khi chính những khách hàng là người chỉ cho những người thợ làm ra những mẫu lồng độc đáo, những người thợ cũng từ đó mà tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, làm càng lâu tay nghề càng lên cao.
Cha truyền con nối
Người làng Vác không ai không biết đến nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ, người sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề lồng chim lâu đời. “Cha truyền con nối”, bản thân bác cũng được học nghề từ chính người cha của mình. Cả làng Vác, người ta gọi cha của nghệ nhân Nguyễn Văn Nghệ, cụ Nguyễn Văn Nghi với cái tên thân mật là cụ Ba Mi. Cụ được xem là ông tổ của làng nghê, là nghệ nhân xuất sắc của làng, những chiếc lồng cụ làm đã vinh dự được đặt treo trong khu nhà sàn tại Lăng Bác.
Những bức ảnh của cụ Nguyễn Văn Nghi (cụ Ba Mi) lúc sinh thời
Được thừa hưởng đôi bàn tay khéo léo từ cụ Ba Mi, bác Nguyễn Văn Nghệ cũng là nghệ nhân duy nhất trong làng được nhận danh hiệu: Nghệ nhân làng nghề xuất sắc 2008, cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.
Mỗi một người dân làng Vác, họ luôn tự hào khi được sinh ra và lớn lên, được gắn bó với nghề truyền thống của làng. Khi được hỏi liệu rằng những người thợ làm lồng chim như bác Nghệ có lo lắng khi xã hội ngày càng phát triển, người ta sẽ quên đi cái thú chơi chim, quên đi những chiếc lồng chim hay không. Bác Nghệ cười thật tươi và nói: “ Bố tôi ngày xưa khi dạy nghề cho chúng tôi có bảo rằng, nghề của mình không sợ mất đi đâu. Tôi có hỏi tại sao thì ông nói, có nhiều người yêu chim lắm, và khi đời sống người ta khấm khá hơn, người ta càng có nhiều thời gian để nuôi chim, chơi chim, thế là chúng tôi vẫn có việc để làm. Và tôi tin là như thế”
Vợ chồng 2 bác Nguyễn Văn Vũ và Nguyễn Thị Mận cũng đã có tay nghề làm lồng chim hơn 30 năm. "Tôi tự hào khi sinh ra và lớn lên trên đất Vác, được bố dạy làm lồng chim từ nhỏ, thu nhập tuy không phải là cao, nhưng cũng đủ để lo cho cuộc sống gia đình. Cái nghề tuy không giàu, nhưng không phải ra đồng vất vả nắng mưa. Ngày nào còn làm được lồng là tôi cảm thấy hạnh phúc.”. Bác Vũ vừa ngồi đan lồng, vừa chia sẻ với chúng tôi một cách hân hoan.
Những chiếc lồng sau khi hoàn thiện, chuẩn bị giao đến tay khách hàng
Tre, trúc được phơi trước khi đem vào sử dụng
Với mỗi nghệ nhân làm Vác, họ làm lồng không phải chỉ để mưu sinh, họ làm vì yêu, vì thích. Bởi lẽ nếu không đặt tâm tư, tình cảm của mình vào, sẽ không bao giờ có thể làm ra những chiếc lồng trăm nan như một. Chính bởi lẽ đó mà lồng chim làng Vác đã trở thành điểm đến đầu tiên của những người yêu chim. Những chiếc lồng được bán đi cả nước, thậm chí có giai đoạn đã được bán ra nước nài, mang lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Người dân làng Vác hiện tại và mãi sau này vẫn sẽ luôn tự hào rằng nơi đây là địa điểm uy tín số 1 về làm lồng chim.
Nguyễn Thị Trang
Giữ mãi làng nghề lồng chim Canh Hoạch
(Sóng Trẻ) - “Nhà tôi làm lồng chim nay đã bốn đời rồi, từ đời cụ tôi, bố tôi, đến đời tôi, bây giờ truyền lại cho con tôi, thằng cháu tôi cũng làm lồng chim”. Bác Nguyễn Văn Nghệ chia sẻ với chúng tôi đầy tự hào.
Video
6 năm trước