Năm 2016, phố Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) được lựa chọn thí điểm là tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên ở TP Hà Nội với lòng đường được mở rộng gấp 3 lần, chiều dài mở rộng hơn 1,5km, điểm đầu giao với đường Tôn Thất Tùng kéo dài, điểm cuối giao với đường phía đông sông Lừ. Tuyến phố còn được trồng thêm nhiều cây xanh cũng như đồng bộ hóa biển hiệu theo cùng màu sắc và kích thước.

Cụ thể, các hộ kinh doanh được yêu cầu thiết kế biển theo hai màu cơ bản xanh và đỏ. Biển quảng cáo phải có chiều cao so với mặt đất 3,2-3,3m, chiều cao biển hiệu là 1,1m. Độ dài tùy theo mặt tiền và bố trí xen kẽ. Tổng mức đầu tư dự án gần 225 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, do Sở Giao thông vận tải Hà Nội làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, tại tuyến phố Lê Trọng Tấn, nhóm PV ghi nhận đa số các cửa hàng đều đã tự thay biển hiệu khác theo nhu cầu quảng cáo để thu hút khách hàng. Từ một kiểu duy nhất, bây giờ đường phố rực rỡ sắc màu “mạnh ai nấy làm”. Thậm chí, nhiều gia đình không ngần ngại lắp đặt biển quảng cáo chèn lên biển gốc.

Cảnh tượng lấn chiếm vỉa hè cũng xuất hiện dọc phố cùng nhiều công trình xây mới “mọc” lên theo kiểu “thò thụt” xuất hiện. Những cột biển báo "Cấm để rác trên hè và lòng đường", "Không lấn chiếm vỉa hè" bị người dân ngó lơ, ít người chấp hành. Phần đường dành riêng cho người khiếm thị cũng không phát huy tác dụng do người dân bày hàng hoá, để vật dụng, xe cộ… chắn ngang lối đi. Thậm chí, nhiều đoạn đường bị nứt vỡ từ lâu cũng không được sửa chữa.

Trao đổi với nhóm PV, một số chủ cửa hàng trên tuyến phố này cho biết, thời gian đầu khi mặc “đồng phục”, lượng khách và doanh thu giảm do người mua khó tìm được địa chỉ bởi nhìn nhà nào cũng giống nhau.

Chị Vân Trang (35 tuổi, Lê Trọng Tấn) - chủ một thương hiệu thời trang có cửa hàng trên tuyến phố này cho hay, mặt hàng kinh doanh của cửa hàng chị là hàng hãng nên phải treo biển cùng logo để thu hút khách hàng.

“Nhiều khách đến đây than thở phải căng mắt ra nhìn vì biển nào cũng xanh xanh, đỏ đỏ nên tôi buộc phải thay đổi màu sắc biển quảng cáo. Cả 1 phố giống nhau rất khó phân biệt” - chị Trang nói.

Cũng theo một số người dân tại đây, việc đồng bộ biển của hội trường, nhà văn hóa giống với các cửa hàng khiến mất đi những nét riêng của khu dân cư.

Tại tuyến phố thứ 2, việc "đồng phục hóa" dễ dàng được cởi bỏ hơn. Cụ thể, năm 2018, phố Đình Thôn được UBND phường Mỹ Đình 1 đưa vào đề án "Thí điểm đường văn minh đô thị", giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, nổi bật là việc lắp hệ thống 200 cột sắt màu đỏ với độ cao 4m. Các hộ kinh doanh phải lắp biển hiệu trên hàng cột sắt tại chiều cao 3m so với mặt đất, chiều dọc biển cố định 1,5m. Trên đỉnh mỗi cây cột đều có giá treo đèn lồng.

Vậy nhưng, dù mới thực hiện xong giai đoạn 1 của đề án, tuyến phố chưa nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân trong khu vực.

Ghi nhận của nhóm PV tại tuyến phố Đình Thôn, 200 chiếc cột trở nên nhếch nhác, trở thành giá treo biển phụ. Hàng loạt biển hiệu nhấp nhô, không đồng bộ, nhiều gia đình còn lắp các loại bạt để tạo sự khác biệt.

Vỉa hè tại khu vực này vốn chật hẹp, song vẫn bị các tiểu thương lấn chiếm triệt để để kinh doanh, buôn bán. Vì vậy, chỉ cần đến giờ trưa hoặc chiều tối, con phố sẽ bị kẹt cứng, ách tắc. Rác thải cũng từ đó xuất hiện khắp nơi. Ngoài ra, hệ thống điện lưới vẫn chưa được hạ ngầm tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Anh Phúc Thọ (37 tuổi, Đình Thôn) cho biết, anh không còn nhớ đến hình ảnh kiểu mẫu bởi con phố vẫn tắc nghẽn, rác ra đằng rác, biển hiệu lệch tông không theo quy chuẩn nào.

“Con phố thường xuyên ùn tắc, khó di chuyển kể cả khi chưa đến giờ tan tầm. Sống trên phố kiểu mẫu nhưng không khác gì phố bình thường”, anh Thọ nói.

Tuyến phố xuống cấp trầm trọng, nhếch nhác, lộn xộn, mất quy chuẩn. Thế nhưng giá nhà đất tại hai tuyến phố “kiểu mẫu” lại cao chót vót.

Theo khảo sát từ thực tế và các website rao bán nhà đất, phố Lê Trọng Tấn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) có mức giá nhà đất dao động từ 200 – 350 triệu đồng/m2, thậm chí những nơi có vị trí mặt phố rộng giá nhà đất lên tới gần 400 triệu đồng/m2.

Còn phố Đình Thôn mặt đường nhỏ hẹp chỉ rộng khoảng 5m và thường xuyên xảy ra ùn tắc nhưng giá đất dao động từ 100 - 370 triệu đồng/m2, tùy vị trí.

Anh Minh Cường (40 tuổi, Hà Nội) - nhà ở phố Lê Trọng Tấn cho biết, cuối năm 2020, sau khi anh rao bán miếng đất thổ cư 90m2 giáp mặt đường với giá 18 tỷ đồng, khoảng 200 triệu/m2, có rất nhiều nhà đầu tư liên tục hỏi thăm và đàm phán việc mua bán.

"Lúc đó đang thời kỳ “sốt đất”, hơn nữa do vị trí gần mặt đường lớn nên tôi tiếc và cố giữ lại để chờ xem giá còn lên cao hơn không, dù giá này đã tăng đến 50% so với vài năm trước. Hiện nay, giá tăng thật nhưng rất khó để bán" - anh Cường nói.

Còn đối với phố Đình Thôn, anh Minh Hoàng - môi giới nhà đất khu vực Nam Từ Liêm cho biết, giá nhà đất tại tuyến phố kiểu mẫu này tăng mạnh từ cuối năm 2019, đầu năm 2020.

Sau khi có một số loại hình nhà ở mới như chung cư mini, nhu cầu cho thuê nhà ở phố Đình Thôn cũng rất lớn. Cho nên nhiều nhà đầu tư cũng mua đất để xây chung cư mini, phục vụ cho thuê và chờ giá đất tăng để bán lại.

"Giá chung cư mini hiện nay ở khu vực Đình Thôn dao động từ 140 – 280 triệu đồng/m2, tùy vị trí, diện tích và tiện ích của từng căn. Còn những vị trí bán đất để xây nhà cũng từ 90 – 120 triệu đồng/m2. Tuy nhiên rất ít giao dịch mua bán thành công. Nhiều người chỉ gọi điện thoại khảo giá nhưng không qua xem nhà", anh Hoàng chia sẻ.

Trao đổi với nhóm PV, ông Nguyễn Tiến Dương - Phó Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 1 thông tin: “Nhận thấy những bất cập từ tuyến phố, UBND quận Nam Từ Liêm cũng đã có văn bản yêu cầu UBND phường Mỹ Đình 1 dừng thực hiện đề án và không nhân rộng mô hình tuyến phố này”.

Còn ông Lưu Đình Lượng - Chủ tịch UBND phường Khương Mai cho biết, việc thực hiện đề án tuyến phố kiểu mẫu vẫn đang duy trì trên phố Lê Trọng Tấn, tuy nhiên tập trung vào việc tuyên truyền người dân cùng nâng cao ý thức thực hiện.

“Nhiều người bức xúc vì các biển hiệu kiểu mẫu làm vi phạm bản quyền kinh doanh của họ. Vì vậy chính quyền cũng chỉ cố gắng tuyên truyền làm những biển hiệu vừa phải, đừng quá sặc sỡ bởi sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh chung của khu phố”, ông Lượng nói.

Theo ông Nguyễn Anh Dân – Giảng viên trường Giao thông Vận tải, những tuyến phố được kỳ vọng là kiểu mẫu tại Hà Nội không đạt được kết quả vì chưa có một khung quy chuẩn nhất định khi xây dựng.

“Bất kỳ công trình nào muốn hướng đến mục tiêu kiểu mẫu, đều phải xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, các tuyến kiểu mẫu ở Hà Nội mới dừng lại ở phạm vi nhỏ lẻ, thiếu giám sát, dẫn tới mất kiểm soát khi người dân làm ngược lại chủ trương”, ông Dân nói.

Cũng theo ông Dân, quy trình thay đổi diện mạo của một tuyến phố đầu tiên là nghiên cứu, đặt hạ ống cáp ngầm rồi tiến đến xây dựng hè phố, mặt đường. Việc tiếp theo mới là cắm cọc hoặc trồng cây đồng bộ.

“3 giai đoạn thực hiện trên tuyến phố Đình Thôn là một quy trình ngược, có thể tạo ra một sự lãng phí lớn. Đề án giai đoạn 2 là thanh thải, xử lý dây điện, dây viễn thông được tiến hành, hạ tầng lại bị đào xới, viễn cảnh hàng trăm chiếc cột sắt ở thời điểm hiện tại phải đào lên chôn lại là điều rất dễ xảy ra”, ông Dân nói.

 

Mời quý vị xem chi tiết bài viết tại: Kỳ 1: Khu phố “kiểu mẫu” lệch chuẩn sau 6 năm thực thi 

Mời quý vị xem trọn bộ 3 kỳ tại : Hà Nội và những thí điểm: Bao giờ thành?

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN