Chặng đường 28km đi bộ đường rừng là hành trình tới trường đầy khó khăn của những em bé Làng Sáng. Cùng đồng hành trên chặng đường gian khổ đấy là những thầy cô tận tụy bám bản gieo chữ.

Làng Sáng - Ngôi làng đặc biệt khó khăn nằm sâu trong trong vùng lõi của núi rừng Tà Xùa (Bắc Yên, Sơn La), không điện thắp sáng, không sóng điện thoại, mọi thứ gần như biệt lập với bên ngoài, thế nhưng ở đấy có những bước chân vẫn ngày ngày tới trường mang theo nhiều ước mơ, hoài bão về một tương lai tươi sáng hơn.

10h30p trưa thứ 7, tiếng trống trường TH & THCS Háng Đồng báo hết giờ vang lên, cũng là lúc học sinh làng Sáng nhanh chóng thu dọn trở về nhà sau 1 tuần học nội trú. 

Rảo bước thật nhanh cùng các em giữa cái nắng oi ả ban trưa và rồi những gì trước mắt khiến ai nhìn thấy không khỏi hãi hùng, những con đường cao, sâu hun hút, thẳng đứng,... được bao phủ bởi rừng cây rậm rạp, thoạt nhìn như một mê cung không lối thoát. 

Men theo cánh rừng già cùng những thân cây cao ngút, hai bên đường một bên là núi đá, bên kia là vực sâu thăm thẳm không thấy đáy, con đường chỉ đủ cho 1 người và 1 xe máy đi qua… tôi thấu hiểu phần nào những nhọc nhằn mà người dân Làng Sáng phải trải qua, đặc biệt là sự vất vả khi đi tìm con chữ của trẻ em nơi đây. 

28km, 5 tiếng rưỡi đồng hồ cùng những cung đường rừng và đồi núi hiểm trở chính là thách thức mà những đứa trẻ phải vượt qua trong hành trình tìm kiếm tri thức nhằm thoát khỏi đói nghèo. 

Quãng đường gồ ghề, đầy rẫy đá dăm, đoạn lại bùn lầy, và rất nhiều con suối chảy xiết cắt ngang đường… lấy nước suối để uống, lấy giọng hát làm niềm vui để băng qua những cánh rừng già. Những hôm trời mưa gió, quãng đường sẽ xa gấp đôi bởi bùn đất trên núi lở xuống và các em sẽ không thể đi đường mòn.

Vừa đi vừa cười Mùa Thị Sua (lớp 6 TH & THCS Háng Đồng), tâm sự: “Đi học thì con mới có ăn, còn ở nhà thì không có gì ăn…”, câu nói vô tư của một đứa trẻ lớp 6 lại có gì đó chua xót ngậm ngùi.

 Tôi thấy được trên gương mặt các em một khao khát mãnh liệt về một tương lai tươi sáng hơn phía trước. Trò chuyện về ước mơ của mình, Thào A Hờ Lớp 7 trường Th& THCS Háng Đồng cười nói: “ con muốn được học đại học, muốn làm thầy giáo, để được đi dạy giống các thầy của con.” Thấu hiểu được hoàn cảnh sống, các em đều đặt cho mình những mục tiêu để phấn đấu. 

 Làng Sáng là một làng khó khăn nhất và biệt lập với bên ngoài, thế nhưng tỉ lệ các em đi học lại chiếm cao nhất xã. Hơn 4h chiều , những đứa trẻ đã thấm mệt sau 1 quãng đường đi bộ xa xôi. Các em tất bật dọn dẹp phụ giúp bố mẹ và chuẩn bị đồ đạc cho ngày hôm sau lại lên đường tới trường.

3:30p sáng, khi màn sương còn đặc quánh trong đêm, các em học sinh của làng Sáng- Háng Đồng- Bắc Yên-Sơn La, đã dậy chuẩn bị cơm nước, quần áo, sách vở để bắt đầu cho hành trình đi bộ tới trường với một tuần học mới.

Dẫu biết còn nhiều khó khăn nhưng với các em, được đi học mỗi ngày chính là niềm vui to lớn trong cuộc đời. Cái đói, cái nghèo và muôn vàn cái khó bủa vây lấy cuộc đời các em, thế nhưng cuối ngọn núi già chính là nơi sẽ cứu rỗi lấy sự khó khăn và kéo các em lên từ vũng bùn của sự nghèo đói.

Làng Sáng là một trong những làng có số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao của huyện Bắc Yên. Ở mảnh đất này, với gần 100% đồng bào Mông sinh sống, có truyền thống dựng nhà trên tận vách núi cao, đường đi hiểm trở. Cái khó, cái khổ nhất là mạng lưới điện còn yếu, cơ sở vật chất còn rất hạn chế, đường đất khó đi, nhiều hộ gia đình sống trong những căn nhà tạm đơn sơ, thiếu kiên cố. Thời hội nhập, nơi đô thành phát triển nhanh đến chóng mặt, thì tại nơi này vẫn còn rất nhiều hộ chưa có được một cuộc sống đúng nghĩa.

Từ trên đỉnh núi nhìn xuống những ngôi nhà lấp ló bên sườn núi ẩn mình trong những tán cây. Được lợp bằng gỗ pơ mu truyền thống vẫn được lưu giữ và trở thành nét độc đáo của Làng Sáng. Hiện, Làng Sáng có 108 nóc nhà, thì có tới 98 nóc lợp gỗ pơ mu, bởi mái nhà lợp bằng gỗ có thời gian sử dụng lâu, không bị mối, mọt. Hơn nữa, vào mùa hè gỗ hấp thụ nhiệt, nên trong nhà luôn mát mẻ. Ngoài ra, mùi thơm của gỗ pơ mu tỏa ra làm cho không khí trong nhà rất dễ chịu. Từ ngày thành lập bản đến nay, bà con luôn sử dụng gỗ pơ mu để lợp mái nhà. Một là do truyền thống dựng nhà của đồng bào Mông vùng cao Làng Sáng. Hai là, Làng Sáng là nơi biệt lập, nằm ở vùng lõi của rừng, trước đây không có đường đi, không thể vận chuyển vật liệu xây dựng từ ngoài vào để dựng nhà. Nên người dân chỉ có cách sử dụng nguyên liệu tại chỗ để làm nhà. Mái nhà làm bằng nguyên liệu gỗ pơ mu tốt, bền nên luôn là lựa chọn của bà con.

Cấu trúc chung của ngôi nhà dân tộc Mông làng Sáng là nhà nền đất, thường là cột kê, có ba gian, hai chái, mái chảy. Nhà thường được làm ba gian, gian chính bao giờ cũng là nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Đây cũng là nơi sinh hoạt chung của gia đình, nơi ăn uống, tiếp khách. Các gian nhà của người Mông không quây kín mà để mở. Không gian sinh hoạt cá nhân trong nhà được ngăn cách bằng những chiếc rèm. Trong căn nhà gỗ xiêu vẹo, nhìn lên nóc là thấy bầu trời, mọi sinh hoạt của gia đình gói gọn trong không gian chật chội vỏn vẹn 50 – 60m2 của 2 – 3 thế hệ.  

Không chỉ khó khăn bởi vị trí địa lý, mỗi gia đình ở Bản Sáng đều đông (từ 4-5 người) con, các em nhỏ chỉ cách nhau từ 2-3 tuổi bởi vậy với điều kiện kinh tế có hạn thì việc học tập của các em cũng bị hạn chế.

Đến với gia đình em Thaò A Hờ, căn nhà rộng 3 gian, nền đất gồ ghề, bếp lửa đun nấu và sưởi ở ngay phía cửa ra vào. Cả gian nhà có duy nhất 1 bóng điện để thắp vào những đêm đông lạnh giá, chiếc giường đơn là nơi ngủ nghỉ đặt lưng sau một ngày đi bộ đi học, đi làm phụ giúp gia đình cũng trở thành góc học tập của em Hờ. Một chiếc kệ sách làm bằng miếng gỗ treo lên bức tường với nhiều khe hở, khi nắng ánh sáng len lỏi vào gian nhà, còn khi mưa nước cứ thế hắt và thấm vào giường ngủ. Góc học tập thiếu sáng, với những quyển sách giáo khoa đã cũ bởi mua lại và được truyền từ đời anh chị sang đời các em. 

Có cơ hội bắt chuyện với chị Hờ Thị Say mới hiểu rõ hơn về nếp sống và sinh hoạt của gia đình cùng các em nhỏ: Gia đình chị gồm 4 người con, 2 trai 2 gái, 2 người con đầu khi đang học dở cấp 2 thì nghỉ học để đi làm, hiện tại còn 2 người con út một bé đang học lớp 7 còn bé thứ 2 đang học lớp 4 tại Trường Tiểu học và THCS Háng Đồng. Gia đình luôn mong muốn để cho các con được học tập đầy đủ đến hết cấp 3 và cao hơn nữa là đi học nghề, trung cấp, cao đẳng, Đại học để có cơ hội thay đổi cuộc sống và tương lai và nâng cao trình độ dân trí.

Cuộc sống sinh hoạt của người dân Làng Sáng khó khăn càng thêm khó khăn, để có được nguồn nước dùng trong sinh hoạt, ăn uống người dân phải tự chủ động dẫn nước từ những khe suối về tận Bản. Tứ bề là rừng núi bao phủ, bởi vậy hoạt động mua bán, giao thương của người dân, trẻ em vùng sáng còn gặp rất nhiều hạn chế. Cuộc sống làm kinh tế trồng các cây nông, lâm nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, với hình thức tự cung tự cấp hoàn cảnh gia đình các em nhỏ trên Bản Sáng tách biệt hoàn toàn với trung tâm xã, huyện. Với địa hình xung quanh toàn núi hiểm trở, cỏ cây um tùm, đất khô cằn việc trồng các cây lương thực để duy trì sự sống cho gia đình cũng không đạt được năng suất cao. Mỗi hộ gia đình đều trông chờ vào luống rau, hay vài ba con gà, vịt nuôi trong vườn nhà. Mọi thành viên trong gia đình vẫn nỗ lực đi làm nương, rẫy, đi làm thuê làm mướn với hi vọng cuộc sống gia đình đủ ăn đủ mặc.

Xúc động hơn cả khi thấy một số em nhỏ mới chỉ 3-4 tuổi ở Làng Sáng không có quần, áo để mặc tự trông nhau ở trước hiên nhà. Nhìn vào bát cơm ấy, không rau, không thịt, chỉ vỏn vẹn ít cơm trắng chan nước mì tôm nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc hiện hữu lên khuôn mặt của các em nhỏ ấy. Các em vui vì được ăn no các em cảm thấy mình còn được may mắn khi không bị bỏ đói. Lắng nghe em (Em con gái gặp trên đường đi học về) chia sẻ, Chúng em cố gắng băng rừng lội suối đi học để được thầy cô giảng dạy, được giao lưu vui chơi cùng các bạn. Chúng em đi học để về dạy tiếng Việt cho bố mẹ ở nhà. Chúng em đi học thì mới có cơm để ăn, ở nhà thì không có gì cả!”

Trẻ em Làng Sáng ý thức được hoàn cảnh sống nên dù nhỏ con hơn so với trẻ thành phố nhưng suy nghĩ về cái ăn, cái mặc lại rất già dặn. Nhiều em nhỏ đi học mà trong lòng còn lo ở nhà ai lấy cỏ về cho trâu ăn? Ai bế em cho mẹ đi rẫy? Ai đong gạo cho mang tới trường?... Bởi vậy chúng tôi không khỏi xót xa khi lên với Làng Sáng bắt gặp những cậu bé chăn trâu đen nhẻm với đôi chân trần sớm chai sạn vì đất đá, đầu không mũ, nón...đôi bàn tay trầy xước và những cô bé người dân tộc Mông oằn mình cõng trên lưng những gánh củi to, nặng bằng cả trọng lượng cơ thể. Ngày nào cũng vậy nhiều em nhỏ buổi sáng đi học, buổi chiều lên nương cuốc đất, trồng cây, chặt củi trở về nhà khi mặt trời đã lặn. Những gương mặt lấm tấm mồ hôi, hai má cháy đỏ bởi không đeo khẩu trang, mũ nón. Nhiều em nhỏ hơn khi chưa đủ sức khỏe đi làm nương thì ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc nhà: Nấu cơm, cho gia súc gia cầm ăn,...Thiếu thốn hơn bao em nhỏ ở vùng xuôi, các em nhỏ Làng Sáng mặc lên mình những bộ quần áo đã sờn chỉ, màu áo đã xỉn đi bởi vết bẩn khi đi làm nương rẫy nhưng dù có khó khăn, có vất vả nhưng các em Làng Sáng vẫn luôn giàu nghị lực, hi vọng cùng niềm tin về một tương lai. 

Họ vẫn luôn sống, hướng về phía mặt trời đón lấy ánh sáng, như cây xương rồng kiên cường bất khuất giữa sa mạc khô cạn.

Chúng ta cần nhiều hơn nữa những “bữa cơm có thịt”, “bàn chân có dép”, “lưng trần có áo”... Tất cả cùng chung tay để cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ em vùng cao, bằng việc: tăng cường công tác vận động, xã hội hóa, thực hiện các hoạt động trợ giúp, khuyến khích, động viên và tạo cơ hội để trẻ em được học văn hóa, được tiếp cận với các dịch vụ xã hội, hưởng đầy đủ quyền cơ bản và nhu cầu thiết yếu của trẻ em. Người ta thường nói: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Nhưng trẻ em đâu chỉ là của ngày mai mà còn của chính ngày hôm nay, của cuộc sống hiện tại.

Người lái đò thầm lặng trên hành trình cõng chữ lên non

Nhắc đến làng Sáng, nhiều giáo viên vùng cao ở Sơn La biết rất rõ, bởi con đường để vào được nơi đây không dễ dàng. Học sinh trường tiểu học Háng Đồng phần lớn đều là người dân tộc Mông và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đường vào đây thuộc hàng khó đi bậc nhất ở vùng miền núi Sơn La. Làng sáng vào mùa nắng đã khó, đến mùa mưa lại càng khó đi hơn.

Ấy vậy mà trong suốt những năm tháng gắn bó với trường tiểu học Háng Đồng, thầy Nguyễn Anh Tuấn chưa bao giờ nghĩ đến việc chuyển trường. Thời gian đầu mới đi làm, đôi lúc thầy Tuấn cũng cảm thấy hơi chạnh lòng và có chút buồn bởi công việc mình lựa chọn khó khăn, gian nan hơn những người bạn cùng trang lứa rất nhiều. Nhưng trải qua quãng thời gian đó, với tâm huyết của người thầy giáo nhân dân thầy tiếp tục hành trình “gieo chữ” đến các em học sinh vùng cao của mình. 

Bước qua năm thứ 9 công tác ở điểm trường tiểu học Háng Đồng khối 1 đến 3, thầy Tuấn kể rằng, cơ sở vật chất của trường ngày càng cải thiện, đầy đủ hơn. Nếu như cách đây 8 năm, thời điểm thầy Tuấn vừa mới nhận công tác, con đường từ xã vào trường hoàn toàn là con đường đất, các thầy cô đều phải đi bộ. Thì hiện tại, đường đi đã được rải bê tông, công tác "gieo chữ" cũng phần nào bớt khó khăn. Lớp học tại trường giờ cũng có nhà lắp ghép, các em học sinh của thầy Tuấn không cần phải lo lắng về những ngày mưa lớn hay mùa đông thời tiết lạnh lẽo, khắc nghiệt nữa.

Nói về điều kiện sinh hoạt của các thầy cô giáo vùng cao, thầy Tuấn chia sẻ thực phẩm trên khan hiếm nên ngày cuối tuần khi lên trường, ai cũng tranh thủ mang thêm ít trứng, lạc, vừng, cá khô... để làm thức ăn khô cho cả tháng. Điều kiện giảng dạy và công tác khó khăn vẫn chưa thấm vào đâu so với khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay, thầy giáo Tuấn cùng các giáo viên khác phải sống trong căn phòng nhỏ tạm bợ, chỉ rộng khoảng 5-6m2. 

Vất vả thiếu thốn là thế, khó khăn là vậy nhưng vì yêu nghề, yêu trẻ nên thầy Tuấn cùng những giáo viên khác vẫn ngày ngày miệt mài "cắm bản" gieo chữ nơi vùng đất heo hú,  xa xôi này.

Hơn 9 năm dạy học ở  địa bàn khó khăn nhất tỉnh Sơn La, thầy Tuấn đã hy sinh niềm hạnh phúc riêng tư để miệt mài “cắm” bản dạy chữ cho học trò. Thầy tâm sự: “Cũng vì thương học sinh, không muốn các em vì cuộc sống khó khăn mà bị mù chữ, rồi lại phải gắn bó với nương rẫy suốt đời nên tôi sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn để ở lại dạy chữ cho các em. Vì trách nhiệm, tâm huyết với nghề nên mỗi ngày trôi qua tôi cũng tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa”

“Tình yêu đối với các em đã giữ chúng tôi ở lại”

Cũng như vậy, với nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm đam mê nghề giáo, suốt 9 năm nay, cô giáo Đinh Thị Quyên luôn ăn, ở, sống, làm việc và dạy chữ cho con em đồng bào. Từ khi công tác ở điểm trường tiểu học và trung học Háng Đồng, bàn chân của cô Quyên đã chai sạn bởi những lần trèo đèo, lội suối đến các bản làng heo hút để vận động các em học sinh đến trường. 

Bao nhiêu năm cắm bản, đã có vô vàn câu chuyện, kỷ niệm để nhớ. Nhưng đáng nhớ nhất với cô Quyên vẫn là những lần vận động các em tới trường không quản nắng mưa, ngày đêm. Ở địa bàn xã Háng Đồng có nhiều gia đình quá khó khăn, nên nhiều phụ huynh không quan tâm đến việc học hành của con. Có những em chỉ mới 7, 8 tuổi đã phải nghỉ học ở nhà làm nương, làm rẫy giúp việc cho bố mẹ. Những điều đó vô tình trở thành rào cản vô hình, khiến công tác giáo dục càng thêm phần gian nan hơn. 

Sự nỗ lực không quản ngày đêm của các thầy cô giáo đã giúp nhiều em tiếp tục đến trường, nhiều học sinh đã tốt nghiệp THCS, THPT, đi học nghề hoặc tham gia học các trường chuyên nghiệp với những ước mơ, hoài bão về một tương lai tốt đẹp, tươi sáng hơn. 

Và rồi, khi đón được các em đến trường, các thầy, cô lại lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho học trò như con cái của họ. Giờ đây, cuộc sống của bà con dân bản cũng đỡ vất vả hơn ngày trước rất nhiều. Đặc biệt, từ khi Nhà nước có chế độ hỗ trợ 15kg gạo, tiền ăn ăn, ở bán trú, chi phí học tập... cho các em học sinh. Những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp của nhà trường gần như đạt 100%. 

“Bằng sự chân thành, tôi và các thầy cô giáo ở đây đã nhận lại được tình yêu thương, quý mến của các em học sinh và phụ huynh nơi. Đây cũng chính là độc lực giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, thử thách trên con đường “gieo chữ” cho các em học sinh. Tôi thấy mình thật may mắn và tự hào khi được cống hiến một phần tuổi trẻ để giúp đỡ các em  - những người con yêu quý của tôi”, cô Quyên chia sẻ.

Chọn nghề cũng một phần vì sinh kế, thế nhưng với những giáo viên vùng cao thì hơn hết chính là lòng yêu nghề, mến trẻ, sự hy sinh thầm lặng mới có thể giúp họ trụ vững và “chèo đò” miệt mài cùng năm tháng. Tình yêu học trò phải chiến thắng nỗi sợ hãi và muôn vàn khó khăn, thử thách.

Với nhiều vị khách du lịch, khung cảnh thiên nhiên nơi núi rừng Sơn La rất thơ mộng, đơn sơ, mang màu sắc thiên nhiên yên bình. Nhưng với các em học sinh sinh sống tại địa bàn xã Háng Đồng nói chung và tại bản Sáng nói riêng thì con đường tới trường không hề “nên thơ”. 

Không có điều kiện tiếp cận với những kiến thức kỹ thuật sản xuất mới, nên bao năm qua, bà con vẫn sản xuất theo phương thức lạc hậu, kinh tế tự túc, tự cấp; hằng ngày vào rừng hái măng, hái rau rừng về phục vụ sinh hoạt của gia đình và vì vậy, cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám cuộc sống người dân nơi đây.  

Nên phần lớn trẻ em sinh sống tại bản Sáng phải đi bộ tới trường vì gia đình không có đủ điều kiện để mua xe máy đưa con em mình đi học.

Tạo điều kiện thuận lợi giúp trẻ em vùng cao tới trường 

Để con đường tới trường của học sinh bớt gian nan, nhà nước, cùng chính quyền xã Háng Đồng đã xây dựng nhiều điểm trường biệt lập để rút ngắn quãng đường tới trường của các em học sinh. Cụ thể, có một điểm trưởng trên bản Sáng từ lớp 1-3 và 1 điểm trường tại trung tâm xã Háng Đồng dạy từ lớp 4 - lớp 9. 

Những năm qua, huyện Bắc Yên đã thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn. 

So với những năm trước đây, hệ thống cơ sở vật chất của trường đã được nâng cao nhờ có sự quan tâm của Đảng, Chính Phủ, Uỷ ban Nhân dân xã cùng các nhà hảo tâm đã giúp các em học sinh có cở sở trường học khang trang hơn. 

Từ năm 2012-2020, toàn huyện Bắc Yên đầu tư xây dựng mới 256 phòng học, 102 phòng công vụ, 12 nhà hiệu bộ, 143 phòng ở bán trú học sinh, 3 nhà đa năng và 152 công trình, hạng mục phụ trợ khác cho các trường với tổng kinh phí hơn 212 tỷ đồng. Đến nay, 16 xã, thị trấn có trường học kiên cố, các điểm trường lẻ đang được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa. 100% các bản có lớp học mầm non, lớp học tiểu học. Giai đoạn 2011- 2020 đã có 16 trường đạt chuẩn quốc gia (8 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 3 trường THCS, 2 trường TH&THCS).  

Mở 48 lớp xóa mù chữ tại các xã Song Pe, Tạ Khoa, Tà Xùa, Háng Đồng, Xím Vàng, Phiêng Côn, Chiềng Sại, Làng Chếu, Hang Chú, Hua Nhàn, Phiêng Ban, Mường Khoa với 1.353 học viên theo học. Có 1/16 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ I, 15/16 xã, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ II; huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ II vào tháng 10/2020. 

Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ về chi phí ăn ở tại các điểm trường nội trú cho học sinh vùng cao. 

Các trường nội trú trên địa bản huyện Bắc Yên nói chung và tại xã Háng Đồng nói riêng đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở bếp ăn bán trú. 

Phòng Giáo dục và Đào tạo còn yêu cầu các đơn vị trường có học sinh bán trú phải lựa chọn nguồn thực phẩm sạch từ những cơ sở có uy tín và ký cam kết trách nhiệm về VSATTP, tuyệt đối không để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm.  

Khi tiếp nhận thực phẩm đều ghi sổ và có sự giám sát chặt chẽ của bộ phận phụ trách bếp ăn. Bếp ăn phải gọn gàng, sạch sẽ, được trang bị máy lọc nước và các loại tủ lạnh, tủ đông để đựng thực phẩm chưa sử dụng, hoặc thức ăn chín không sử dụng hết, tủ lưu mẫu thực phẩm.  

Bếp ăn phải được niêm yết công khai giá thực phẩm, thực đơn hàng ngày để học sinh, phụ huynh biết và trực tiếp giám sát. 

Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về VSATTP tại các đơn vị trường học, tránh nguy cơ các bệnh lây truyền qua thực phẩm.  

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, phụ huynh học sinh, các trường học có bếp ăn bán trú thực hiện đúng quy định về VSATTP, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, đảm bảo và nâng cao sức khỏe cho học sinh. 

Từ việc tạo nhiều điểm trường, cải tạo cơ sở vật chất trong trường học, hỗ trợ chi phí ăn tại các điểm trường nội trú trên địa bàn xã đã khuyến khích 100% các em học sinh vùng cao tới trường để học chữ và tiếp thu kiến thức.  Chu

Đến với bản Làng Sáng, có thể thấy rằng trình độ dân trí, nhận thức pháp luật đã ngày một cải thiện rõ rệt. Trong những năm trước đây tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến, nhất là các em trong độ tuổi từ 14-16. Cá biệt, có những trường hợp các em đã lấy chồng từ khi chỉ mới 13 tuổi. Tuy nhiên, nhờ sự tuyên truyền của các cán bộ cũng như giáo viên mà 3 năm trở lại đây tình trạng tảo hôn đã giảm tương đối. Đến các trường học của xã Háng Đồng, số lượng học sinh đến trường đã tăng cao. Nhờ công tác vận động đến trường của thầy cô nhà trường mà tỉ lệ học sinh đến trường của bản làng Sáng đã tăng cao, đạt 98% so với xã Háng Đồng. Mặc dù vậy vẫn có tình trạng các bạn nhỏ không được đến trường do gia đình đông con, hoàn cảnh khó khăn phải làm việc phụ giúp gia đình.  

Trong thời gian gần đây, được các đoàn báo chí giời thiệu đã có các nhà từ thiện làm phòng bán trú cho học sinh để việc sinh hoạt tại trường dễ dàng hơn. Năm nay chính quyền xã đã đại diện nhà trường nhận hai nhà bán trú của trường tiểu học và phòng máy tính học trực tuyến gồm 18 máy. Nhờ sự triển khai chính sách và tạo điều kiện của chính quyền xã đã đẩy mạnh tinh thần ham học của các bạn học sinh.  

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, đơn vị cùng các ban, ngành, đoàn thể, giờ đây người dân trong bản đã có nguồn điện để phục vụ đời sống tinh thần hàng ngày. Trong giai đoạn từ 2016-2020, số hộ dân được sử dụng điện đã nâng từ 87,6% lên 97,5%. Đến hết năm 2021, đơn vị phấn đấu tỷ lệ hộ được sử dụng điện của toàn tỉnh đạt 98%. Có được nguồn điện người dân có thêm động lực tăng gia, sản xuất, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần được cải thiện. Nhờ vậy trình độ dân trí của người dân cũng như các em nhỏ được tăng cao. 

Mang niềm vui đến bản làng 

Là bản làng xa xôi và hoang sơ nằm ở vị trí tận cùng trên bản đồ của xã Háng Đồng nên ít có ai biết đến Làng Sáng. Dù vậy nhờ tinh thần tương thân tương ái những bạn trẻ trong nhóm Lăn bánh đã cùng nhau vượt đường lên tới đây. Họ không phải đi để check in hay săn mây mà chỉ là mang những tấm áo ấm, chăn ấm và bánh kẹo cho hơn 100 trẻ tiểu học và mầm non nơi đây. Vào đợt rét nhất 2021, hơn 30 thành viên nhóm Lăn bánh đã mượn xe máy của nhà trường, vượt hơn 20km đường rừng để vận chuyển xích đu và nhu yếu phẩm vào trường. Nhóm đã xây dựng sân chơi tái chế lốp xe cũ thành xích đu cho trẻ em. Chương trình trao sân chơi tại bản Làng Sáng là chương trình thứ 13 của nhóm nên có thể thấy tinh thần ấm áp của các bạn đối với các em nhỏ trên đây như nào.  

Bên cạnh các bạn trẻ nhóm Lăn bánh còn có rất nhiều hội nhà báo và nhóm thiện nguyện khác biết đến bản Làng Sáng nhiều hơn qua công tác tuyên truyền của chính quyền. Hai điểm trường đã được xây dựng tại bản Làng Sáng là nhờ sự kết hợp của Ban thường vụ huyện Đoàn Bắc Yên đã phối hợp với Hội Thiện nguyện Hiếu nghĩa. Với tổng giá trị khoảng 700 triệu đồng Hội Thiện nguyện đã xây dựng được 6 phòng học lắp ghép, 40 chiếc giường ngủ, 35 bộ bàn ghế học sinh, 40 chiếc chăn nhỏ và 5 tủ đựng đồ.  

Qua các hoạt động này thấy rằng đời sống vật chất của người dân cũng như các em nhỏ trên bản Làng Sáng đã được cải thiện rõ rệt. Nhờ tinh thần thiện nguyện của nhiều cơ quan nhà nước, hội nhóm đã mang lại hiệu quả thiết thực cho tô thêm màu sắc cho cuộc sống người dân nơi đây. Hi vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều hội nhóm, cơ quan đoàn thể biết đến bản Làng Sáng nhiều hơn để hỗ trợ, giúp đỡ đời sống người dân được tăng cao.  

Mời quý vị xem chi tiết tại đây: Khát vọng "thắp sáng con chữ" và bước chân đầy ý chí của trẻ em vùng cao 

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật6 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN