(Sóng trẻ) - Giữa những tấp nập của đời sống hiện đại, có một không gian yên bình và sâu lắng, nơi mà từng nét cọ nhẹ nhàng đang lặng lẽ kể câu chuyện về người Hà Nội một thời. Nơi ấy là cửa hàng của họa sĩ Trần Văn Thịnh, một nghệ nhân tài hoa, người dành cả cuộc đời “thả hồn” vào từng bức tranh truyền thần.

Tranh truyền thần là một dòng tranh chân dung đặc biệt, nổi bật với khả năng tái hiện chi tiết và cảm xúc của nhân vật đến từng nét mặt, đặc biệt là đôi mắt, phần được coi như "linh hồn" của bức tranh. Ra đời từ thời Pháp thuộc, nghệ thuật tranh truyền thần ở Hà Nội đã từng phát triển mạnh mẽ, khi các nghệ nhân tận dụng kỹ thuật tinh xảo để khắc họa chân dung theo lối tả thực, lưu giữ ký ức cho nhiều gia đình.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, từ nhỏ, hoạ sĩ Trần Văn Thịnh đã được đắm mình trong không gian sáng tạo của từng nét vẽ. Cha của ông, cụ Cả Nghệ, là người thầy đầu tiên hướng dẫn và truyền đạt từng bí quyết nghề. Với nền tảng gia đình vững chắc, cộng thêm sự kiên trì và đam mê, ông đã sớm thành thạo kỹ thuật vẽ truyền thần khi chỉ mới 15 tuổi. "Thổi hồn vào từng bức tranh" với ông, không chỉ là kỹ thuật mà còn là tâm huyết, cảm xúc của họa sĩ muốn gửi gắm vào tác phẩm.

“Tranh truyền thần, không đơn thuần chỉ là một bức chân dung. Đó là cả một tác phẩm nghệ thuật, mà yếu tố tinh hoa chính là ở cái thần trong mỗi nét vẽ. Linh hồn của bức tranh thể hiện rõ nhất qua đôi mắt và đôi môi, hai phần tạo nên sự sống động, tạo cảm giác gần gũi cho người xem” ông Thịnh nói. "Điểm nhãn" như cách những họa sĩ thường nói, là cách mà người nghệ nhân truyền tải ánh nhìn sâu sắc, thần thái, và cảm xúc chân thật của nhân vật.

Đôi mắt “cửa sổ tâm hồn” trong tranh truyền thần (Ảnh: Thanh Huyền)
Đôi mắt “cửa sổ tâm hồn” trong tranh truyền thần (Ảnh: Thanh Huyền)

Điều làm nên cái “thần” trong tranh của ông không chỉ là kỹ thuật mà còn là cách ông nhìn nhận vẻ đẹp rất riêng của người Hà Nội. Trong mắt ông: “Người Hà Nội luôn tỏa ra vẻ thanh lịch, điềm đạm, một phong thái mà không cần phô trương nhưng vẫn toát lên sự tao nhã. Không cần xưng danh, chỉ cần nhìn qua cử chỉ, cách ăn mặc là có thể đoán được xuất xứ".

Qua những tác phẩm của mình, ông mang đến cho người xem cái hồn cốt, cái đẹp văn hóa của đất Hà Thành. Chính vì vậy, mỗi bức tranh của ông đều có một sức sống riêng, khiến người xem luôn cảm thấy muốn chìm đắm, lặng yên chiêm nghiệm từng nét vẽ. Đối với ông Thịnh: “Đây không phải chỉ là công việc mà là một hành trình tìm kiếm và gìn giữ nét đẹp truyền thống”.

Cửa hàng của ông Thịnh không chỉ là nơi ông sáng tạo mà còn là điểm dừng chân cho những ai muốn tìm về quá khứ. Nhớ lại thời kỳ chiến tranh, ông Thịnh kể: “Ngày ấy, nhiều thanh niên ra đi mà không hẹn ngày về. Nhiều gia đình đến với tôi mong lưu lại hình ảnh người thân trước lúc lên đường. Có những người mẹ, người vợ mang theo những bức ảnh đã hoen ố, mờ nhạt của con, chồng mình, nhờ tôi phục dựng lại. Khi họ nhận bức tranh, có người đã ngồi lặng yên trước tranh hàng giờ, rồi bật khóc nức nở vì cảm giác như gặp lại người thân".

Bức ảnh chân dung cũ nát, hoen ố được họa sĩ vẽ lại một cách chân thật (Ảnh: NVCC)
Bức ảnh chân dung cũ nát, hoen ố được họa sĩ vẽ lại một cách chân thật (Ảnh: NVCC)

Nghề vẽ tranh truyền thần đang đối mặt với nhiều thử thách khi các loại hình nghệ thuật hiện đại xuất hiện và thu hút sự chú ý của giới trẻ. Ngày nay, ảnh kỹ thuật số có thể chụp và in ngay tức thì, chi phí ở mức thấp. Trong khi đó, một bức tranh truyền thần phải mất hàng giờ, thậm chí hàng ngày để hoàn thiện và có giá cao hơn hẳn. 

Ông Thịnh chia sẻ: “Giờ chỉ còn ít người theo nghề này thôi, nhưng tôi tin tranh truyền thần không thể mất đi. Người ta vẫn trân trọng những bức tranh vẽ bằng tay vì nó có chiều sâu và cái thần mà công nghệ không thể làm ra.” Để thích nghi với thời đại, ông Thịnh cũng tìm cách kết hợp phương pháp vẽ truyền thống với những phong cách hiện đại nhằm làm mới và thu hút khách hàng trẻ tuổi.

Giữa dòng chảy thời gian và sự phát triển của công nghệ, hoạ sĩ Trần Văn Thịnh vẫn bền bỉ với tình yêu nghề và niềm tin vào giá trị nghệ thuật chân chính. Qua từng bức tranh, ông không chỉ giữ gìn ký ức của người Hà Nội mà còn gửi gắm khát khao tiếp nối nghề, giúp nghệ thuật truyền thần mãi sống động giữa lòng Hà Nội.

Đừng bỏ lỡ
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ

Tin nổi bật1 ngày trước

(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân

Tin nổi bật3 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.

XEM THÊM TIN