Ông Ích Trung sinh năm 1931, tại thôn Đổng Xuyên, xã Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nhập ngũ vào tháng 9 năm 1949, khi vừa tròn 18 tuổi, người cựu công an nhân dân lục tìm trong ký ức: “Thời điểm 1949 là lúc tôi chính thức gia nhập bộ đội địa phương. Thế nhưng, tôi đã tham gia các phong trào yêu nước trước những năm 1945. Phá kho thóc Nhật, tham gia sinh hoạt thanh thiếu niên,... từ đó mới bắt đầu hành trình nhập ngũ”.

Những năm đầu nhập ngũ, vì vóc dáng nhỏ bé, cậu thanh niên 18 tuổi được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau. “Làm gì cũng được!”; người chiến sĩ với giọng điệu khảng khái, cười tươi khi kể về quá khứ. Tại đây, ông Trung được giao làm liên lạc phụ trách đưa đón cán bộ từ vùng địch ra vùng giải phóng. Nhiệm vụ được hoàn thành xuất sắc, và chính lúc này, tính chất nhiệm vụ ngày càng khó khăn, ông phải đưa xác đồng đội từ vùng địch trở về. Người cựu công an bộc bạch: “Có người chiến sĩ chết trên hàng rào sắt, không ai tiếp cận được. Lúc đó, tôi được giao nhiệm vụ mang thi hài người liệt sĩ ấy trở về. Những sợi dây dù dài nối lại cùng nhau, tôi đưa xác anh về trọn vẹn. Những kỉ niệm đó, tôi không bao giờ quên”.

Quá khứ khói lửa bập bùng hiện lên trước mắt chúng tôi theo từng dòng kí ức của người cựu chiến sĩ. Lúc bấy giờ, 18 tuổi, ông nghĩ về nước nhà, về những ngày tháng giải phóng và chiến đấu cho những giây phút đó. Trong hành trình này, 3 vết thương trở thành dấu vết theo ông Trung đi đến hết cuộc chiến, vẫn nhức nhối cho tới thời điểm hiện tại. Trong một trận đánh phục kích, ông chiến đấu trực diện với kẻ thù: “Khi rút quân về, thấy máu chảy, tôi mới biết mình bị thương. Lúc chiến đấu, tôi không hề thấy đau dù máu chảy ướt hết áo, cái đau thế nào ấy?”; rồi ông cười, nụ cười giòn tan rộn rã.

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức về ngày Thủ đô được hoàn toàn giải phóng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của ông Nguyễn Ích Trung. Với ông, đó là khoảnh khắc của sự tự hào, khó nén nỗi xúc động dâng trào trong không khí thiêng liêng ấy. Người cựu chiến binh bồi hồi kể lại: “5 giờ chiều, lá cờ đỏ sao vàng của dân tộc Việt Nam được kéo cao trên cột cờ Hà Nội. Giờ phút này không còn bóng quân giặc nào trên Thủ đô. Hà Nội đã hoàn toàn giải phóng, tâm thế của mình đã khác, mình thành người làm chủ, không còn sự lo sợ. Lúc đó, mọi người tràn ra đường đông đúc như trẩy hội, không sao cản được, không có luật lệ gì".

Lúc bấy giờ, ông Trung đang chấp hành nhiệm vụ canh gác vòng ngoài của trung tâm thủ đô. Lòng người chiến sĩ hứng khởi phấn chấn nhưng tay chân cần giữ nguyên, không được rời vị trí. Ông hoài niệm: “Tôi cùng đồng đội mình không được rời vị trí, không được hân hoan như mọi người, nhiệm vụ canh gác phải thực hiện. Thế nhưng, trước khung cảnh ấy, lòng mình hồi hở lắm”. Từ giây phút ấy, ngày 10/10/1954 đã trở thành cột mốc lịch sử, ghi nhận bao nỗ lực, cả những mất mát, hy sinh của quân và dân ta.

Trước mắt những người lính cảm tử năm ấy là một Hà Nội cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu, các kiểu chữ rất cầu kỳ, nhiều nhất là “Hồ Chí Minh muôn năm". Trong dòng hoài niệm về kí ức xa xăm, người chiến sĩ vẽ ra khung cảnh lúc bấy giờ: “Khung cảnh cờ hoa vẫy chào, người dân cầm khẩu hiệu cùng tấm hình Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc áo kaki, dép cao su diễu hành dọc đường phố. Vài trăm người dân nhưng số lượng ảnh lên tới sáu bảy chục tấm hình. Từng chiến sĩ được người dân ân cần hỏi han về quê quán, vợ con..”. Người dân Hà Nội, không kể già - trẻ, gái - trai tập trung ở các phố chính, hân hoan, chào đón đoàn quân chiến thắng trở về. Cả Hà Nội ngập tràn niềm vui giải phóng và niềm tự hào vô hạn với những người lính cảm tử đã “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh". Kể từ giây phút ấy, Hà Nội như ngày hội của toàn dân.

Mỗi lời kể như thêm một nét vẽ, một chút màu sắc vào bức tranh thủ đô hào hùng, rực rỡ cờ hoa ngày 10 tháng 10 năm 1954. Ông Nguyễn Ích Trung tâm sự: “Tôi sinh ra tại Bắc Ninh, đứa con của đất quan họ. Tôi không phải là người thủ đô, nhưng được chọn về tiếp quản thủ đô, đó là một vinh dự. Một niềm vinh dự lớn đi kèm với trách nhiệm cao cả". Ký ức xa xưa bỗng chốc sống dậy, hòa quyện cùng nhịp sống của hiện đại, như nhắc nhở về một trong những trang vàng chói lọi nhất. Lúc ấy, Hà Nội rực rỡ cờ hoa, cờ hoa của tấm lòng chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nhìn lại chặng đường 70 năm Giải phóng Thủ đô Hà Nội, cảm xúc của người cựu chiến binh Nguyễn Ích Trung vẫn tràn đầy tự hào. Ông là nhân chứng sống của những tháng ngày hào hùng của vùng đất Hà Nội nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Ở tuổi 93, ông tiếp tục đóng góp tích cực cho địa phương, duy trì sự nhiệt huyết trong sinh hoạt Đảng.

Người cựu công an nhân dân luôn muốn gửi gắm lòng tin của mình đến với thế hệ trẻ : “Đảng và Tổ quốc sẽ mãi vững bền, bởi vì thanh niên hiện nay đều có ý thức và trách nhiệm rõ ràng với bản thân, với dân tộc. Một vinh dự với bản thân tôi, suốt 45 năm cống hiến với nhiều chức vụ khác nhau, tôi luôn hoàn thành nhiệm vụ. Lớp trẻ phía sau tôi, khó khăn hơn, giỏi hơn tôi, và vì thế cần có sự nhận thức đúng đắn hơn tôi”.

Ông Trung nhấn mạnh quan điểm sống của bản thân: “Dân nuôi, Đảng dạy, lực lượng vũ trang rèn”. Một triết lý được người cựu chiến binh gìn giữ suốt cuộc đời mình. Triết lý đó là điều cốt lõi tạo nên tư chất của một con người. Nhiều thanh niên chọn nhiều con đường khác nhau để lập nghiệp, phát triển phù hợp với sự thay đổi của thời đại nhưng vẫn nên nhớ tới điều cốt lõi đó. Người cựu công an vẫn thường tâm niệm rằng: “Giữ lửa nhiệt huyết và ý chí kiên cường sẽ xây dựng một tương lai rạng ngời cho Tổ quốc”.

Người cựu công an nhân dân Nguyễn Ích Trung là một người lính từng đi qua bao thăng trầm của lịch sử, trưởng thành trong nhiều trận đánh khác nhau. Hơn nữa, ông còn là hình ảnh của sự kiên định, lòng tin vào Đảng, và nhiệt huyết cháy bỏng với thế hệ trẻ. Trong đôi mắt sáng ngời của người cựu chiến binh, tương lai của đất nước hiện lên với niềm tự hào và hy vọng.

Trận chiến Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là trận chiến hào hùng, có ý nghĩa to lớn vượt qua bao thế hệ. Và đến thời điểm hiện tại, trong thời điểm kỷ niệm 70 năm lịch sử đã qua, chúng tôi vẫn không khỏi bồi hồi về ý chí kiên cường của dân tộc Việt. Chính lúc này, giọng điệu cương quyết của người lính Nguyễn Ích Trung vẫn còn vang vọng trong tâm trí: “Tuổi trẻ vai dài sức rộng, việc gì cũng sẽ thành công. Bởi lẽ:

‘Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên”.

 

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật5 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN