(Sóng trẻ) - Trần Nam Triều (26 tuổi, Hà Tĩnh) là một trong những bác sĩ thú y trẻ nhất Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã tại Việt Nam, người giải cứu thành công rất nhiều cá thể tê tê, thú ăn thịt nhỏ và đạt các thành tích khác trong lĩnh vực bảo tồn.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nam Triều về công việc bác sĩ thú y và các hoạt động cứu hộ ĐVHD của anh tại Trung tâm bảo tồn Thú ăn thịt nhỏ và Tê Tê.
PV: Là một bác sĩ thú y trẻ, lý do nào khiến anh chọn làm việc tại trung tâm bảo tồn thay vì làm việc tại bệnh viện, phòng mạch thú cảnh hay làm việc tại các doanh nghiệp kinh doanh về dịch vụ và tư vấn trong lĩnh vực thú y - vốn là những nơi có môi trường làm việc ổn định và mức
đãi ngộ tốt?
Bác sĩ thú y Trần Nam Triều: Trước tiên, tôi xin được chia sẻ một chút về cơ duyên của tôi với công việc làm bác sĩ thú y trên ĐVHD. Ban đầu, khi học bác sĩ thú y, tôi không cảm thấy quá thích thú. Điều duy nhất tôi có là niềm đam mê với y nội khoa, các căn bệnh truyền nhiễm từ động vật và tôi đặc biệt thích làm việc trên ĐVHD.
Sau đó, tôi có cơ hội “bén duyên” với công việc bác sĩ thú y tại Save VietNam Wildlife. Ngoài việc khám, chữa trị, đôi khi tôi còn đảm nhận vai trò như một thành viên của Đội Phản ứng nhanh, thực hiện các chuyến cứu hộ trên toàn quốc.
Tôi cảm thấy rất vui và gắn bó với công việc này cho đến thời điểm hiện tại vì nó “vừa vặn” đúng với chuyên môn, lại phù hợp với mong muốn, sở thích, đam mê của tôi nữa. Trước đó, tôi đã có một khoảng thời gian làm việc tại Trung tâm cứu hộ các loài Linh trưởng quý hiếm và Trung tâm bảo tồn Rùa.
PV: Công việc bác sĩ thú y cho ĐVHD khác bác sĩ thú y cho động vật thường ở điểm nào? Anh có thể nêu lý do hoặc giải thích rõ hơn cho điều này được không?
Bác sĩ thú y Trần Nam Triều: Theo tôi, không có sự khác biệt quá lớn giữa hai công việc này, các bác sĩ đều học thú y nhưng làm việc trên các loài động vật khác nhau. Bác sĩ thú y cho ĐVHD thì có thể cần đáp ứng nhiều yêu cầu hơn như: làm việc ở môi trường chuyên biệt, phải biết cách tiếp cận và cần kiến thức về nhiều loài hơn… Ngoài ra, bác sĩ công tác tại các trung tâm cứu hộ thì công việc sẽ căng thẳng, luôn luôn phải sẵn sàng tham gia các chuyến cứu hộ nên sẽ vất vả hơn.
Thực ra công việc bác sĩ thú y thực hiện công tác cứu hộ trên ĐVHD ở Việt Nam hiện nay không có quá nhiều người theo. Lý do cho điều này có thể đến từ môi trường làm việc xa thành phố, xa các điều kiện về kinh tế, giáo dục… Là một người thích sống ở rừng và đam mê tiếp xúc với nhiều loài động vật khác nhau, việc được tham gia chăm sóc, cứu hộ các cá thể động vật, nhìn chúng sống khỏe thực sự là một niềm hạnh phúc to lớn đối với tôi.
PV: Theo như chia sẻ của anh, công việc của bác sĩ thú y tại trung tâm bảo tồn rất đặc thù và vất vả, anh có thể chia sẻ cụ thể hơn cho các độc giả về một ngày làm việc tại của anh tại Trung tâm bảo tồn được không?
Bác sĩ thú y Trần Nam Triều: Một ngày làm việc của tôi thường bắt đầu từ 8 giờ sáng, trước tiên tôi sẽ kiểm tra một vòng, cập nhật tình hình sức khoẻ, tình trạng ăn uống của các cá thể tại trung tâm. Nếu có vấn đề bất thường thì thực hiện khám sâu hơn trên từng bạn, sau đó sẽ tiến hành khám cho các cá thể phải điều trị lâu dài. Nếu không có gì thay đổi, một ngày làm việc sẽ kết thúc vào khoảng 6 giờ tối.
Ngoài công việc thăm khám, kiểm tra sức khỏe và điều trị hàng ngày, tôi và những đồng nghiệp luôn trong tư thế sẵn sàng cho các cuộc gọi cứu hộ đột xuất từ cơ quan chức năng, mỗi khi có vụ bắt giữ vận chuyển ĐVHD trái phép.
Bất kể là ngày hay đêm, kể cả trong kỳ nghỉ lễ, bất kể địa điểm cứu hộ xa gần, cần phải tức tốc chuẩn bị các dụng cụ, trang bị cần thiết lên đường cứu hộ nhanh nhất có thể. Vừa rồi, nhóm thú y cùng Đội phản ứng nhanh của rung tâm đã tiến hành giải cứu cá thể tê tê tại Hà Tĩnh.
PV: Anh có thể chia sẻ về tình trạng sức khoẻ của cá thể tê tê vừa được cứu hộ, hiện tại đã có chuyển biến như thế nào không?
Bác sĩ thú y Trần Nam Triều: Cá thể tê tê sau khi được kiểm tra sơ bộ đã được đưa về trung tâm theo dõi tại khu vực kiểm dịch. Chúng tôi tiến hành cấp cứu từ đêm hôm qua đến trưa ngày hôm nay. Mặc dù tôi và đội thú y đã cố gắng hết sức nhưng bạn đã không qua khỏi. Hiện tại, nhóm đang tiến hành phân tích và đánh giá, chẩn đoán nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của cá thể này.
Thực tế SVW cứu hộ thành công rất nhiều tê tê, chủ yếu là các trường hợp buôn bán trái phép. Mỗi đợt cứu hộ có khi lên đến hàng trăm cá thể động vật được đưa về Trung tâm. Có những ngày tôi phải đứng trên bàn mổ suốt 5 tiếng đồng hồ để phẫu thuật.
Mặc dù được giải cứu, nhưng nhiều cá thể sau một vài ngày vẫn không qua khỏi vì bị vận chuyển trong một khoảng thời gian dài, cộng với việc bị thương nặng trong quá trình bị săn bắt, và mắc bẫy.
Tôi cảm thấy rất buồn vì hiện tại tê tê đang là ĐVHD cực kỳ nguy cấp, không còn nhiều cá thể trong tự nhiên. Tôi mong muốn được cống hiến hết mình để cứu hộ được nhiều tê tê nhất có thể. Ðiều quan trọng là cứu chữa, chăm sóc nhưng không làm mất đi bản tính hoang dã để thả chúng về lại môi trường tự nhiên.
PV: SVW đã thành công giải cứu rất nhiều tê tê (gần 2000 cá thể, nhiều nhất Thế giới). Là người trực tiếp có mặt trong nhiều chuyến cứu hộ, kỷ niệm nào để lại cho anh nhiều cảm xúc nhất?
Bác sĩ thú y Trần Nam Triều: Một năm tôi đi cứu hộ khá nhiều (vài chục chuyến) và đa dạng các loài động vật khác nhau như: hổ, tê tê, cầy vòi mốc… mỗi chuyến đi lại có một ấn tượng riêng. Nhớ nhất chắc là một lần đi cứu hộ ở Bình Định một cá thể tê tê vàng khi ấy chỉ mới bé bằng nắm tay, nặng khoảng 100g.
Theo tôi phán đoán cá thể này chỉ mới được sinh ra khoảng một tuần. May mắn là nhóm đi cứu hộ về kịp thời, tê tê được mang về trung tâm chăm sóc kỹ lưỡng, cho uống sữa. Cả trung tâm góp sức chăm sóc bạn như chăm con nhỏ, tôi ở lại trực đêm để có thể cho ăn đầy đủ bữa. Tính đến thời điểm hiện tại thì đã 2 năm rồi, bạn lớn rất nhanh, nặng khoảng 3 - 4kg.
Hay năm ngoái, tôi cùng SVW tiếp nhận 7 cá thể hổ con với trọng lượng 3,4kg/1 cá thể (khoảng 4 tuần tuổi) tại rừng Quốc gia Phù Mát. Tôi phụ trách chăm sóc tiêu hoá, dinh dưỡng, đảm bảo đúng chế độ ăn uống cho đến thời điểm mỗi cá thể nặng 25kg. Tôi rất vui vì có cơ hội tiếp xúc, điều trị cho loài vật hiếm này đồng cảm thấy tự hào khi được chứng kiến quá trình phát triển của các bạn, từ khi còn bé cho đến lúc trưởng thành.
Còn một kỷ niệm gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi là khi tiếp nhận một cá thể tê tê trúng rất nhiều đạn được cứu hộ từ Điện Biên về. Chúng tôi chỉ có thể gắp vài viên đạn dưới da, còn 13 viên đạn do quá sâu nên không thể lấy ra khỏi cơ thể.
Dưới sự chăm sóc của các bạn nhân viên, bạn tê tê hiện tại có thể sinh hoạt như bình thường, trở thành đại sứ giáo dục của trung tâm và được đặt một cái tên rất ý nghĩa: Miracle (điều kỳ diệu). Lần kiểm tra gần nhất là khoảng nửa năm trước, tình trạng sức khỏe Miracle vẫn ổn định. Tuy nhiên, Miracle vẫn được giữ lại trung tâm chứ không tái thả về tự nhiên vì chúng tôi không thể chắc chắn rằng bạn ấy có thể đi săn hay tự tìm kiếm thức ăn được.
PV: Có một số ý kiến cho rằng nên loại bỏ hình thức sở thú, là một bác sĩ thú y đang làm việc tại khu bảo tồn ĐVHD, anh có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Bác sĩ thú y Trần Nam Triều: Hình thức sở thú phổ biến như trước nay mọi người vẫn nhìn thấy đang vô tình tạo ra một một trường giam cầm ĐVHD. Ở môi trường này, chúng không được đáp ứng đúng nhu cầu hành vi hay vai trò sức khoẻ tự nhiên, do đó, bản thân tôi không ủng hộ việc này.
Mặt khác, hiện nay đang có những mô hình vườn thú mở, vườn thú bán hoang dã được thiết kế gần với điều kiện sinh sống tự nhiên của các loài thú. Du khách vẫn có thể tham quan, trải nghiệm, hiểu biết hơn về các loài mà vườn thú vẫn đáp ứng đầy đủ vai trò, chức năng cần thiết để phát triển sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho động vật. Hơn nữa, dạng mô hình này cũng có đội ngũ bác sĩ thú ý và chuyên gia theo dõi hành vi động vật giám sát, đảm bảo sức khỏe cho chúng.
PV: Trên cương vị là một người làm công việc bảo tồn, anh nghĩ biện pháp nào nên được ưu tiên cao nhất để đạt được hiệu quả bảo vệ ĐVHD? Anh có lời nhắn nhủ nào dành cho các bạn trẻ - thế hệ tương lai của đất nước không?
Bác sĩ thú y Trần Nam Triều: Môi trường sống của ĐVHD ngày càng thu hẹp dần, số lượng ĐVHD tại Việt Nam đang bị suy giảm cực kỳ nghiêm trọng. Theo tôi, biện pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức của các bạn trẻ nói riêng và người dân nói chung về vai trò, trách nghiệm của toàn dân trong việc bảo vệ ĐVHD. Từ việc hiểu hơn về vai trò của việc bảo vệ ĐVHD, thì các trường hợp cần chúng tôi cứu hộ cũng sẽ ít đi. Tôi mong muốn các bạn trẻ có thể chung tay bảo vệ môi trường sống, bảo vệ mái nhà chung để con người và ĐVHD, để muôn loài có thể chung sống với nhau, đảm bảo cân bằng sinh học.
PV: Cảm ơn vì đã chia sẻ!
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.