(Sóng trẻ) - Thị trường làm việc online đem đến nhiều cơ hội, nhưng bên cạnh đó cũng kèm theo không ít thách thức, đặc biệt là những "biến tướng" trong tuyển dụng online. Không ít học sinh, sinh viên đã mất tiền oan nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề việc làm

Phóng viên (PV) đã liên hệ với một trang Facebook có tên “Cộng tác viên 5.0” với ảnh đại diện là logo Shopee - sàn thương mại điện tử lớn nhất hiện nay. Theo bài đăng dưới đây, Shopee đang cần tuyển một lượng lớn cộng tác viên (CTV) hỗ trợ hệ thống, thù lao hấp dẫn nhưng công việc lại đơn giản, không có định mức, không áp lực. Ở dưới phần bình luận, có hàng trăm người mong muốn được nhận công việc này dù không biết “hỗ trợ hệ thống” là làm gì.

Các thông tin tuyển dụng CTV được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội. Đáng chú ý là ở phần bình luận, rất nhiều người quan tâm đến công việc này (Ảnh: Sưu tầm Facebook).
Các thông tin tuyển dụng CTV được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội. Đáng chú ý là ở phần bình luận, rất nhiều người quan tâm đến công việc này (Ảnh: Sưu tầm Facebook).

Sau quá trình tiếp cận, phóng viên được chuyển qua làm việc trên nền tảng Zalo. Tại đây, các CTV sẽ gặp gỡ với người xưng là Quản lý bán hàng của Shopee, từ đây, cuộc săn mồi chính thức bắt đầu.

Để tạo dựng niềm tin ban đầu, người quản lý này liên tục nêu tên tuổi các sàn thương mại điện tử lớn và có thương hiệu. Sau đó, đưa ra công việc mua hàng đơn giản với mục đích tăng lượt mua “ảo” cho các sản phẩm trên những sàn thương mại điện tử này.

Để tạo dựng niềm tin ban đầu, người quản lý này liên tục nêu tên tuổi các sàn thương mại điện tử lớn và có thương hiệu. (Ảnh: Khánh Huyền) 
Để tạo dựng niềm tin ban đầu, người quản lý này liên tục nêu tên tuổi các sàn thương mại điện tử lớn và có thương hiệu. (Ảnh: Khánh Huyền) 

Sau quá trình thâm nhập và tìm hiểu, chúng tôi đúc kết quy trình lừa đảo của các đối tượng này như sau: Nạn nhân được cung cấp các tài khoản để mua hàng trên các ứng dụng thứ 3 không phải qua sàn thương mại điện tử. Sau khi các đầu mối phổ biến xong quy trình mua hàng, nạn nhân bắt đầu thực hiện mua những đơn hàng đầu tiên với giá trị thấp, khoảng dưới 1 triệu đồng. Thời điểm này, các nạn nhân vẫn được nhận tiền hoa hồng từ các đối tượng lừa đảo - điểm mấu chốt khiến cho con mồi trở nên tin tưởng vào quá trình này. Về sau, khi giá trị đơn hàng lớn hơn gấp nhiều lần, có thể lên đến cả chục triệu, dù có do dự nhưng các nạn nhân vẫn dễ dàng bị thuyết phục bởi những “kẻ đi săn”. Những đơn hàng giá trị lớn đó chắc chắn sẽ không được hoàn tiền, và đến lúc đó chỉ còn lại con mồi và dòng chữ “hiện bạn không thể liên lạc với người này”.

 Quy trình lừa đảo khiến hàng trăm người bị lừa tiền ngay trong vài phút (Ảnh: Khánh Huyền) 
 Quy trình lừa đảo khiến hàng trăm người bị lừa tiền ngay trong vài phút (Ảnh: Khánh Huyền) 

Trong quá trình đó, các đối tượng này liên tục có những chiêu trò làm cho nạn nhân trở nên tin tưởng. Nếu như có vấn đề gì xảy ra, các đối tượng sẽ trả lời và xử lý ngay. Một số đối tượng còn chụp ảnh căn cước công dân để lấy lòng tin. Như trường hợp dưới đây, khi phóng viên có thể hiện sự phân vân về việc đơn hàng có giá trị quá cao,các đối tượng liền tìm cách trấn an.

Các đối tượng luôn trấn an
Các đối tượng luôn trấn an "con mồi" ngay khi nhận thấy sự phân vân, do dự. (Ảnh: Khánh Huyền)

Tuy nhiên, khi đến thời điểm cần thúc đẩy sự cắn câu, các đối tượng này đưa ra lý do rằng cần phải làm đủ một số lượng đơn nhất định mới có thể lên làm CTV chính thức.

Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (NCSC), năm 2022 đơn vị đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến được báo cáo trên cả nước. Dù có nhiều cách thức triển khai khác nhau, hoạt động của kẻ gian có thể được phân thành 2 loại hình lừa đảo chính theo mục đích là đánh cắp thông tin cá nhân và tài chính. Các vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài chính (tiền và các loại tài sản khác) chiếm đa phần khi có tới 75,6% số vụ bị phát hiện thuộc dạng này. Lừa đảo để lấy thông tin chiếm 24,4%. Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hành vi đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính. 

Trong số đó, trường hợp nạn nhân là sinh viên được ghi nhận rất nhiều. Phải kể đến vụ lừa đảo quy mô lớn, với hàng trăm nạn nhân là sinh viên tại khu vực Cần Thơ vào tháng 6/2022. Theo phản ánh, có hơn 300 sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP. Cần Thơ bỗng dưng bị ôm khoản nợ từ 15 - 60 triệu đồng do đứng tên làm hồ sơ mua hàng trả góp (gồm điện thoại di động, laptop…) theo mời gọi của Trương Quang Anh Đức (22 tuổi, ngụ tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ).

Từ năm 2020 đến nay, Đức đã thực hiện hành vi trên và chiếm đoạt số tiền khoảng 4 tỷ đồng sau đó rời khỏi địa phương khiến nhiều sinh viên bỗng dưng ôm nợ, bị bên cho vay liên tục siết nợ, hăm dọa gây tâm lý hoang mang, lo sợ, nhiều em phải bảo lưu kết quả học tập để làm thuê kiếm tiền trả nợ. Các em đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Biết không thể chạy thoát, Trương Quang Anh Đức đã ra cơ quan công an đầu thú.

Trương Quang Anh Đức tại cơ quan Công an (Ảnh: Công An Cần Thơ)
Trương Quang Anh Đức tại cơ quan Công an (Ảnh: Công An Cần Thơ)

Theo anh Nguyễn Trung Hiếu - Chuyên gia và giảng viên Content Marketing, PR tại Vinalink Academy chia sẻ với VTVnews: “Các đối tượng thường tập trung vào những mảng, ngách thị trường dành cho những lao động phổ thông, sơ đẳng trên Internet với những công việc như là: Gõ đánh máy văn bản, duyệt đơn online, thậm chí có những dạng xem video Tiktok bấm like cũng được trả tiền. Sinh viên sẽ dễ dàng bị lừa vào những công việc phổ thông, có tính cạnh tranh cao”.

Để tìm được công việc làm thêm phù hợp, các sinh viên cần đặc biệt lưu ý về những thông tin tuyển dụng công việc đơn giản nhưng lại có mức thu nhập cao. Các bài đăng không có địa chỉ làm việc cụ thể hoặc khi nhà tuyển dụng tiếp cận lại yêu cầu những khoản tiền bất hợp lý như lệ phí hay tiền cọc. 

Các bạn sinh viên nên tìm hiểu và lựa chọn những địa chỉ cung cấp việc làm uy tín, không chỉ vì muốn nhanh chóng kiếm tiền mà bỏ qua giai đoạn cần thiết như gửi hồ sơ, phỏng vấn, thử việc. 

TopCV - một trong số những nền tảng online cung cấp việc làm uy tín (Ảnh: Facebook)
TopCV - một trong số những nền tảng online cung cấp việc làm uy tín (Ảnh: Facebook)

Ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM chia sẻ với Báo Người lao động: "Các em cần xác định việc học là chính, làm thêm chỉ là phụ nên tìm kiếm công việc nào phù hợp nhất với năng lực, thời gian học ở trường, đừng chạy theo công việc mà bỏ bê việc học tập. Chọn công việc thì phải tìm hiểu thật kỹ, đến những địa chỉ uy tín như Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM, Đoàn trường nơi đang học... để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp, tránh bị lừa đảo”.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần xử lý mạnh tay đối với các công ty mạo danh tuyển dụng, lừa tiền sinh viên. Đồng thời thường xuyên phát hành các ấn phẩm truyền thông tuyên truyền về các chiêu thức lừa đảo mới nhất nhằm giúp người dân, đặc biệt là các bạn sinh viên dễ dàng nhận diện các hình thức lừa đảo, từ đó bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi những đối tượng xấu.

Thời gian gần đây, Bộ Công an đã liên tục ra cảnh báo việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các nhóm lừa đảo có nhiều hình thức tinh vi như: Dụ dỗ đăng ký, sử dụng các dịch vụ online; Giả mạo các trang thông tin điện tử cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…) đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân của người đăng nhập; Đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…), nhận việc làm tại nhà, không mất thời gian di chuyển… Đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho xã hội.

Đừng bỏ lỡ
Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Mời độc giả tham dự Tọa đàm trực tuyến "Đi và viết khi ta còn trẻ"

Tin nổi bật2 ngày trước

(Sóng trẻ) - 14h30 ngày 05/12/2024, Trang tin điện tử Sóng trẻ sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đi và viết khi ta còn trẻ”.

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật2 tuần trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

XEM THÊM TIN