(Sóng trẻ) - Lạch cạch, lạch cạch, những người phụ nữ nhỏ gầy lúi húi chằng lại mấy tấm bìa các tông cũ, đập dẹp những chai nhựa, lon thiếc cho vào thúng rồi lại vội vã leo lên chiếc xe đạp đầy vết rỉ sắt, tỏa đi như những “con thoi” giữa con ngõ chằng chịt. Đó là hình ảnh dễ dàng bắt gặp ở “xóm ve chai” thuộc phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội). 


Xóm “nhảy dù”

Ngay cạnh đường Hoàng Cầu – con đường “đắt nhất hành tinh”, ít ai nghĩ được rằng lại tồn tại một “xóm ve chai” tạm bợ, lay lắt và cuộc sống của người dân nơi đây lại cơ cực đến thế.

Con ngõ nhỏ hẹp, tối tăm dẫn vào “xóm ve chai” như lằn ranh phân cách giữa những thân phận: một bên là những tòa nhà cao tầng khang trang, bề thế; một bên là một loạt những căn nhà tạm được dựng lên chồng chéo, ken sát vào nhau. Đó là nơi sinh hoạt, cũng là chốn mưu sinh của hàng trăm người dân tứ xứ đổ về. 

d34a1add2_anh_1.jpg
Chạy dài theo con ngõ chật hẹp là hàng loạt những ngôi nhà tạm bợ làm từ gỗ mỏng và phế liệu. Không có sân phơi, quần áo giặt xong được phơi cùng với những bao tải đựng rác và chai nhựa cũ đã qua xóc rửa.

Gọi là “nhà”, nhưng thực chất đó chỉ là những túp lều mỏng tang, được dựng lên từ gỗ tạp và phế liệu, chênh vênh như muốn đổ sụp bất cứ lúc nào. Mái nhà được phủ lại bằng vải bạt, áo mưa; những hốc tường thủng lỗ chỗ được bít lại cho kín gió bằng túi ni-lông người ta m nhặt về.

Bác Bính (70 tuổi, huyện Thanh Oai) – một người làm nghề đồng nát lâu năm cho biết, “Những căn nhà chỉ được xây tạm bợ như thế là bởi với chúng tôi, một bữa ăn giá 10.000 đồng thôi cũng đã phải trăn trở lắm rồi, làm sao có tiền để mà xây được những căn nhà kiên cố. Thêm vào đó, cứ chỗ nào người dân tập trung lại làm nghề ve chai thì chính quyền lại đến giải tỏa, lấy đất để quy hoạch đô thị mới, thành thử chúng tôi chỉ dựng nhà tạm, để chính quyền có đuổi thì chúng tôi lại đành chuyển đi nơi khác.” 

c64e38c46_anh_2.jpg
Những bao bì đựng phế liệu, vải vụn và hàng trăm tấm bìa các tông xếp la liệt trong xóm.

Những người hành nghề ve chai ở khu vực này đa phần là người dân tỉnh lẻ. Loay hoay từ nghề này sang nghề khác, cuối cùng họ lại trở về với nghề thu m, mua bán phế liệu. Phải “buộc” mình vào cái nghề “sống chung với rác” này, đó là điều cực chẳng đã, nhưng với họ, đó là nguồn thu nhập chính để họ có thể gửi thêm ít tiền về cho gia đình ở dưới quê nghèo.

Với cánh xe ôm ở bãi đất Hoàng Cầu, “xóm ve chai” còn có tên gọi là “xóm nhảy dù”. Bởi những người làm nghề ve chai ở đây thỉnh thoảng lại dời đi chỗ khác kiếm sống, cũng có người đổi nghề, rồi sau đó lại lác đác có người trở về, “bám” đất này để sinh nhai bằng nghề cũ. 

c64e38c46_anh_3.jpg
Trong những căn nhà ọp ẹp, xiêu vẹo, ẩm thấp, nồng nặc mùi hôi từ rác thái, những con người này vẫn miệt mài làm việc, hi vọng có thêm thu nhập để gửi về cho gia đình.

Trước cách gọi này của cánh xe ôm, nhiều người làm nghề ve chai ngậm ngùi: “Có lẽ với nghề này, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ có cuộc sống nhàn hạ, ổn định. Cái nghề này thì ở lâu một chỗ là đói, là chết. Bởi làm gì có chuyện cứ ở mãi một chỗ mà ngày nào cũng thu được nhiều sắt vụn, phế liệu đâu. Trong một ngày, sáng thì chúng tôi phải đạp xe khắp các con đường, ngõ ngách trong thành phố, nhặt mấy thứ đồ người ta bỏ đi; trưa thì lại chở hàng về phân loại rồi đem bán. Đến tối, chúng tôi phải tỏa đi nhặt nhạnh ở chỗ khác. Nếu ở lâu một nơi mà thấy không làm ăn được nữa, chúng tôi lại chuyển đi nơi khác một thời gian. Nơi nào kiếm được nhiều mối quen thì chúng tôi ở lại lâu hơn.”

Từ năm 2014 trở về trước, những người làm nghề ve chai tập trung ở bãi đất Hoàng Cầu rất đông. Ở bãi ve chai rộng 1.000 m2 có gần 30 hộ gia đình với hơn 200 con người sinh sống. Nhưng sau khi nhiều dự án xây dựng được triển khai ở khu vực này thì chỉ còn hơn 10 hộ gia đình làm nghề ve chai bám trụ lại.

604c57253_anh_6.jpg
Những bãi đất hoang từng được tận dụng làm nơi tập kết phế liệu. Tuy nhiên, sau khi bị các hộ dân xung quanh phản đối, người dân “xóm ve chai” phải chuyển phế liệu về nhà mình và chịu cảnh “sống chung với rác”.

Hầu hết những người hành nghề ve chai ở đây đều gặp vấn đề về sức khỏe. Bệnh về đường hô hấp, bệnh về da,… là những căn bệnh phổ biến nhất ở đây, bởi công việc buộc họ phải thường xuyên tiếp xúc với rác thải và các chất độc hại. 

Thêm vào đó, vì không có bãi đất trống nào đủ rộng để tập kết tất cả rác thải, chai lọ m về nên các hộ dân ở “xóm ve chai” phải chấp nhận biến tầng 1 trong căn nhà mình thành nơi tập kết phế liệu. Những căn phòng ẩm thấp, hôi hám; những chất độc hại rỉ ra từ hàng trăm kilogam phế liệu đang dần bào mòn sức khỏe của người dân nơi đây.

Làm nghề ve chai cũng cần “kỹ nghệ”

Theo chia sẻ của những người có thâm niên trong nghề ve chai, công việc này thật ra không hề đơn giản. Để làm nghề này, điều đầu tiên là phải thuộc hết từng con đường, ngõ ngách trong thành phố, “thế thì mới biết được chỗ nào hay có bìa các tông, chai lọ người ta thải loại ra để đến lấy, làm việc mới đỡ cực. Hơn nữa, thuộc hết đường xá để mỗi người chúng tôi còn chia nhau ra các vùng khác nhau trong một ngày. Chứ không thì sáng có người đã thu mua rồi, mà chiều mình không biết, khi đến đó thì nhà người ta làm gì còn phế liệu nữa mà bán cho mình.”

Thế nhưng, chăm đi lại để nhặt nhạnh chưa chắc đã thu được nhiều phế liệu bằng việc tạo dựng được “mối” quen. Do đó, đã xác định theo nghề này thì còn phải xởi lởi, phải biết cách nói chuyện để lần sau người ta còn để dành phế liệu mà bán lại cho.

c64e38c46_anh_5.jpg
Mỗi khi có “mối” đặt mua lớn, người dân ở “xóm ve chai” lại háo hức rủ nhau m phế liệu về một chỗ để chở đi bán. Nhưng những xe hàng lớn, chất cao hơn đầu người như thếlại luôn khiến người dân ở đây
gặp khó khăn với các lực lượng chức năng.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (30 tuổi, Hải Dương) cho biết: “Quan trọng nhất là phải làm quen được với những “mối” dễ, thường xuyên có phế liệu như: nhà sách, quán sửa xe, nhà hàng, quầy tạp hóa,… để thu mua được những nguồn phế liệu giá rẻ. Như thế thì sau khi bán lại cho các đại lý mình vẫn còn lời. Nếu người nào có nhiều “mối” quen thì mỗi tháng có khi cũng để dành được 3-4 triệu đồng.”

Tuy nhiên, cuộc sống bon chen, đắt đỏ ở thủ đô luôn khiến các hộ dân nơi đây phải lo lắng, hoang mang. Vật giá ngày càng tăng, trong khi giá phế liệu thì vẫn chỉ ở mức 6.000 đồng/kg. Điều này buộc những người làm nghề ve chai phải tìm cách để tìm được thêm nhiều “mối” mới. Họ cố gắng biến gánh ve chai của mình trở nên khác biệt hơn bằng những bài rao lạ tai, hi vọng sẽ có vài hộ gia đình xung quanh biết tới và gọi họ dừng lại để bán phế liệu cho. 

c64e38c46_anh_4.jpg
Sau khi phân loại sắt vụn, chai lọ,… thu mua về, người dân sẽ bán lại cho các đại lý thu mua phế liệu.

Có lẽ bởi thế mà ở mọi ngõ ngách của Hà Nội đều đọng lại những tiếng rao ve chai đặc biệt. Ở mỗi nơi, ở mỗi gánh ve chai đi qua lại có những tiếng rao khác nhau, không hề trộn lẫn. Có lúc là tiếng rao luyến láy và ngân dài “Ai nhôm, đồng, sắt vụn, chai, dép, hỏng,… bán không?”. Có lúc lại là tiếng rao bằng giọng nam có vần có nhịp “Bàn là, quạt cháy, máy bơm, ti vi, tủ lạnh, nồi cơm, đồng, màn, công tơ, cát xét, bộ đàm,… hỏng rồi, không dùng nữa, thành hàng bán đê”. 

Những tiếng rao ấy dù không giống nhau, nhưng ở đó đều chứa đựng sự nhẫn nại, nỗi lo toan và cực nhọc của những kiếp người làm nghề ve chai. Và những tiếng rao ấy cũng chở theo niềm hi vọng của biết bao con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn, về một tương lai thoát nghèo, thoát nghề…

Nguyễn Hoài Phương
Báo chí Đa phương tiện K34A2
 

Xóm ve chai giữa “khu đất vàng” Thủ đô

(Sóng trẻ) - Lạch cạch, lạch cạch, những người phụ nữ nhỏ gầy lúi húi chằng lại mấy tấm bìa các tông cũ, đập dẹp những chai nhựa, lon thiếc cho vào thúng rồi lại vội vã leo lên chiếc xe đạp đầy vết rỉ sắt, tỏa đi như những “con thoi” giữa con ngõ chằng ch

Video 7 năm trước