(Sóng trẻ) - Với những cư dân của xóm Phao sông Hồng, ông Nguyễn Đăng Được hay còn gọi là ông Được “đen” được coi là một người “nổi tiếng”, không chỉ bởi công việc nghĩa hiệp, vớt xác, cứu người mà còn bởi những đóng góp âm thầm của ông dành cho xóm trọ nghèo suốt gần 40 năm qua…
Bãi giữa sông Hồng là khu đất nhô cao, trải dài dọc theo dòng sông, nằm phía dưới chân cầu Long Biên. Đây là nơi tập trung sinh sống của gần 40 hộ gia đình với đủ những số phận và hoàn cảnh đặc biệt. Một trong số đó là hoàn cảnh của ông “trưởng xóm” Nguyễn Đăng Được - người được coi là “linh hồn” của xóm ngụ cư này.
“Rô-bin-xơn” trên bãi bồi sông
Điều gì đã khiến ông quyết định “cắm dùi kiếm sống” ở nơi bãi bồi mênh mông sông nước này?
Tôi vốn quê gốc ở Quảng Bình. Xưa đi bộ đội cũng là chỉ huy trưởng đấy chứ, nói hàng nghìn người nghe…nhưng hết chiến tranh, gia đình, người thân chẳng còn ai, đến những đồng đội chiến đấu với tôi cũng đều hi sinh cả, tôi đành đi lang thang từ Huế rồi lại ra Hà Nội.
Chẳng còn nơi nào để đi, tôi lần mò xuống đây ban đầu chỉ định làm nơi nghỉ tạm. Lúc đó xuống sông giặt quần áo, đợi quần áo khô thì mặc sang phố làm thuê. Đêm về kiếm được manh chiếu, tôi trải ra bãi sông này mà ngủ. Thế xong mới nghĩ là sao không ở đây luôn rồi “bám trụ” đến tận bây giờ, gần 40 năm nay rồi. Nếu để mà tính, tôi chắc được coi là người đầu tiên sinh sống ở cái đất này.

Để bắt đầu cuộc sống mới là điều không hề dễ dàng, đặc biệt là ở một nơi hoang sơ như này. Vậy từ những ngày đầu đến nay, ông đã phải đối mặt với những khó khăn gì?
Ngày xưa khổ lắm, khu này chỉ có lau sậy thôi, không có người. Đường xuống ngày đó chỉ toàn là đường đất, gạch đá lổn nhổn, đi xe còn ngã lên ngã xuống. Mùa nước lên thì mênh mông nước, toàn là sình lầy, bùn đất nhưng chẳng có chỗ nào để về, vợ chồng tôi lại bảo nhau chịu khó lội bùn mà đi. 2 vợ chồng tôi xưa cũng chỉ đi nhặt rác, bán ve chai đủ tiền chạy ăn từng bữa thôi.
Ngày đầu về đây, nhà tôi ở dưới bè, mùa mưa lũ vất vả lắm. Nước lên là phải kéo bè lên không là trôi mất bè, nước xuống không kéo kịp thì mắc cạn phải dỡ bè ra hết để làm lại.
Nước ngày ấy cũng chỉ dùng nước sông Hồng thôi, mà nước đó cứ đỏ quạch, đục ngầu ấy. nhà tôi lại dùng phèn đánh tan, lắng cặn xuống, rồi mới dùng được…nói chung là vất vả thì có vất vả nhưng ở đây bao nhiêu năm, dần rồi cũng quen cả.
Mang tiếng rằng sống ở thủ đô nhưng dân xóm này lại không được công nhận những quyền lợi tối thiểu. Thậm chí khi nhắc đến vùng này người ta thường biết đến nơi có cuộc sống 3 “không”: “không điện, không nước, không định danh”. Vậy ông và những người dân nơi đây đã đối diện với những khó khăn nào trong suốt quá trình bám trụ ở bãi giữa sông này?
Cư dân xóm này, ai cũng có lý do, có hoàn cảnh đặc biệt, thân phận con người đến cùng cực họ mới dạt đến. Thời gian đầu có 2 vợ chồng tôi thôi, sau này cứ thỉnh thoảng lại thêm 1,2 người, rồi đông dần. Cứ thế mà đến giờ cả xóm cũng gần 40 hộ gia đình, với khoảng 150 nhân khẩu, có cả người già, trẻ con rồi người lớn đủ cả. Nhiều đôi cũng nên duyên từ đây, kết đôi rồi sinh con trên chính mảnh đất này.
Bà con ở đây thì hoàn cảnh ai cũng như ai hết, họ toàn người mất “gốc” thôi, chẳng có bố mẹ, quê hương họ hàng gì cả, cũng chẳng có chứng minh thư hay giấy tờ gì hết. Chúng tôi ở đây chủ yếu là đi nhặt rác, nhặt phế liệu, hay ai ở trong chợ Long Biên có việc gì gọi thì lại sang bên đó làm. Vợ chồng tôi trước đây cũng thế, nhưng giờ già rồi, chẳng có sức đi lại nữa thì lại về đây, thuê được miếng đất ngoài mặt đường này túc tắc bán quán nước thôi. Ngày nào khá thì lãi được 5,3 chục, đủ tiền đong cân gạo hoặc mua mớ rau.
Bọn trẻ sinh ra ở cái đây chẳng đứa nào có giấy khai sinh, cũng tội chúng nó lắm. Thời gian đầu vì không có giấy tờ, chẳng trường lớp nào nhận chúng vào học cả. Bà con ở đây cùng chung hoàn cảnh nên ai cũng hiểu và thông cảm mà giúp đỡ nhau. Họ chẳng có nhiều tiền đâu, nhưng có có gì cũng san sẻ, từ bó rau đến những thứ đi nhặt nhạnh được, họ đều mang về rồi chia nhau cả. Tôi ở đây từng ấy năm, chưa bao giờ thấy người trong xóm này có xích mích hay to tiếng với nhau bao giờ. Nhiều người cứ coi thường xóm tôi, gọi chúng tôi “dân bụi đời” chỉ biết đâm thuê chém mướn rồi tệ nạn xã hội, nhưng bà con ở đây toàn người làm ăn chân chính, lương thiện, dù có nghèo nhưng lúc nào cũng đoàn kết.

Dõi theo cuộc sống nơi đây từ những thuở ban đầu, ông cảm thấy ở thời điểm hiện tại, cuộc sống nơi bãi bồi này đã được cải thiện nhiều hơn trước hay chưa?
Thay đổi nhiều chứ, so với trước kia là cải thiện hơn nhiều rồi đấy. Ngày xưa lối xuống đây là đường đất, mùa mưa bà con đi lại vất vả lắm, nhưng từ ngày có đội tình nguyện kêu gọi cùng với chính quyền giúp đỡ, đường xá được đổ bê tông sạch sẽ cả rồi.
Nước sinh hoạt bà con dùng bây giờ tuy không phải nước sạch nhưng cũng không phải dùng nước sông như ngày xưa. Giờ nhà ai cũng có giếng khoan, nhà nào không có thì chung 4,5 năm nhà một cái giếng để có nước dùng.
Mừng nhất là bọn trẻ con bây giờ không bị “thất học”, chúng nó được đến trường, được biết con chữ cả rồi. Tôi chẳng mong gì hơn, chỉ mong chúng nó được đến trường, đến lớp, có bạn bè, thầy cô, được mở mang kiến thức rồi học tập mà thoát nghèo. Chúng nó có tội tình gì đâu…
Còn cuộc sống ở đây bao năm vẫn vậy, bảo sướng hơn thì cũng chẳng phải, có chăng thì giờ nói chung cũng đỡ vất vả hơn xưa đôi ba phần thôi…
Là một người có thể coi là “khai hoang lập địa” ở đây, ông thấy sao khi mảnh đất mà mình dành tâm huyết nửa đời người để cải tạo lại bị một số người gọi là “khu ổ chuột”?
Tôi chỉ thấy rằng những người như vậy cần xem xét lại tư duy và lời nói của mình. Với bản thân tôi, tôi luôn tự hào về cuộc sống và những người dân ở xóm tôi. Đừng gọi khu này là khu ổ chuột. Chúng tôi tuy chỉ là xóm ngụ cư nhưng chúng tôi có nề nếp sinh hoạt rất quy củ.
Hằng tháng chúng tôi đều có buổi họp xóm để tổng kết lại tình hình sinh hoạt chung cũng như phê bình và khen thưởng người dân trong xóm. An ninh ở đây cũng rất đảm bảo, thậm chí tôi khẳng định còn an toàn hơn ở trên bờ ấy. dưới đây không bao giờ có tình trạng trộm cắp hay mất mát gì cả. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần xuống rà soát và kiểm tra, nhắc nhở bà con để bảo đảm an sinh xã hội, nên cũng không có tình trạng tệ nạn hay ma tuý gì ở đây đâu.
Sắp tới đây sẽ có dự án di dời dân cư ở đây để cải tạo và quy hoạch vùng bãi giữa sông Hồng này thành khu du lịch sinh thái của thủ đô. Là một người có thể coi là “thổ địa” ở đây, cảm xúc của ông khi nghe thông tin này như thế nào?
Tôi giờ sao cũng được, đâu cũng là nhà cả mà. Tiếc nuối nơi đây thì tôi chẳng có gì để tiếc nuối, chỉ có điều tôi lo cho tương lai của bọn trẻ con ở đây thôi. Chúng nó đang ở đây, quen trường quen lớp, được đi học đều mỗi ngày rồi, giờ di dời đi chỗ khác, liệu người ta có đồng ý cho chúng nó theo học ở đó hay không? Chúng nó đã thiệt thòi đủ điều rồi, tôi không muốn chúng nó phải khổ.
Còn về phần chúng tôi, chúng tôi không muốn đi đâu cả. Cuộc sống bao năm nay của chúng tôi chủ yếu là tự cung, tự cấp, có sao ăn nấy, ở đây cũng quen rồi, làm ăn buôn bán có vất vả nhưng cũng cố gắng duy trì bao năm nay rồi, hàng xóm quanh đây cũng giúp đỡ nhau, chẳng có đâu nhưng mỗi người hỗ trợ nhau một ít thì cũng đủ sống qua ngày…giờ bảo chúng tôi đi, chúng tôi biết làm gì để sống đây?

Người “khai sinh” cho đám trẻ nhỏ
Từ đâu mà ông lại có quyết định sẽ là người “đại diện” đi xin giấy khai sinh cho trẻ em vùng này?
Tôi làm mọi việc ở đây đều xuất phát từ tình yêu đối với trẻ con của tôi thôi, nói thật tôi rất quý và thương bọn trẻ. Bọn nó được sinh ra đứa nào cũng hoàn cảnh như nhau,hoặc là bố không có gốc, mẹ không có gốc hoặc là cả bố cả mẹ đều vậy. Có đứa được sinh ra khi mẹ mới 14 tuổi, bỏ lại nó cho bà nuôi. Xót xa lắm.
Nhìn chúng nó như vậy tôi mới ngẫm: “đời ông bà, bố mẹ chúng nó đã vất vả rồi, chúng nó sinh ra ở đây đâu có tội tình gì mà bắt chúng nó phải khổ.” Chỉ cần nghĩ đến đấy thôi là tâm quyết tâm sẽ giúp cho chúng có được cái giấy khai sinh đàng hoàng,ít nhất là đủ điều kiện để cho chúng nó được đến trường, hoà nhập với cộng đồng.
Hành trình để xoá “kiếp vô danh” cho một đứa trẻ có gặp nhiều khó khăn hay trở ngại gì không, thưa ông?
Vất vả lắm. Xưa phương tiện đi lại, xe cộ làm gì sẵn như bây giờ, lúc nào bắt được xe thì đi xe, không có thì tôi lại đi bộ. Nói chung chi phí, xe cộ các thứ tốn cũng nhiều, mà tôi thì làm gì đã có. Vậy nhưng tôi cũng cố gắng, chăm chỉ tích cóp, nhặt nhạnh từng đồng một, đi hết các tỉnh xa gần, từ các tỉnh quanh đây như Hưng Yên, Hà Nam…đến vào tận trong miền trong, Quang Nam, Đà Nẵng…tôi cũng cố gắng tìm bằng được quê cha đất mẹ từ đời ông bà chúng nó để xin công chứng bằng được.
Có công chứng rồi tôi lại mang về đây, “gõ cửa” chính quyền. Mà tôi không làm việc với phòng tiếp dân hay văn phòng nhỏ lẻ đâu, tôi phải gặp trực tiếp ông trưởng Uỷ Ban xã, phường ấy, bao giờ ông công chứng cho tôi thì tôi mới về. Về sau này tôi được một cô cán bộ bên phường Phúc Tân (Ba Đình) giúp đỡ thì mọi việc cũng nhanh chóng hơn.
Đứa nào sinh ra ở đây tôi cũng đều làm như vậy cả. Đến bây giờ, cả xóm có tổng cộng 37 đứa thì tôi là người đi xin cho 20 đứa rồi, còn khoảng hơn chục đứa là bố mẹ đi xin hoặc là có giấy tờ sẵn. Đứa nào giờ cũng đều được đi học cả.
Được biết, ông không chỉ là người “khai sinh” mà còn là người “gieo con chữ” ở xóm Phao khi xây dựng được một thư viện để các em có không gian đọc sách, thậm chí còn xây dựng cả một “sân chơi phiêu lưu” cho các em. Vậy quá trình này đã diễn ra và duy trì như thế nào?
Trăn trở lớn nhất của tôi ở đây lúc nào cũng dành cho bọn trẻ, vậy nên tôi làm gì cũng vì mục đích đầu tiên là dành cho chúng nó. Cái thư viện này ban đầu không phải ở trên mặt đất như này đâu mà ở dưới bè nhà tôi ấy. Sách ngày đầu cũng không đa dạng như bây giờ, tôi toàn đi xin rồi đi gom từ các hàng đồng nát, hoặc không thì mua theo cân, cứ 6 nghìn/cân. Bọn trẻ thích lắm, được đọc hết từ những cuốn Doraemon rồi truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn đủ cả. Nhưng sau này nguồn sách không có, chúng nó cứ đọc đi học lại thành ra cũng chán, thư viện cũng bị bỏ không 1 thời gian. Mãi đến năm 2021, sau Covid-19, có một nhóm thiện nguyện của sinh viên trường Giao thông vận tải xuống đây, họ dọn dẹp rồi quyên góp thêm sách mới, đầu sách trong thư viện mới được đa dạng như bây giờ.
Mấy cái tủ sách này tôi cũng được người ta cho đấy chứ. Họ dọn dẹp không dùng đến, tôi lại xin mang về để đựng sách cho bọn trẻ, chứ hồi đầu không được gọn gàng như này đâu. Cũng chẳng riêng gì cái tủ sách mà cả cái sân chơi ở ngoài đây, cũng toàn đồ tôi đi nhặt, đi xin về lắp lại cho chúng có chỗ chơi, từ cái lốp xe đến tấm ván hỏng, ai cho gì tôi cũng xin về hết, tận dụng được ít nào hay ít đấy.
Nhiều người bảo tôi “điên” khi bỏ tiền ra thuê đất nhưng lại cắt 1 phần ra cho đám trẻ con. Tôi chẳng nói gì. Tôi chỉ thấy vui khi nhìn thấy bọn trẻ được đọc, được chơi, đứa nào cũng tíu tít, có đứa quý tôi cứ chạy ra ôm cổ chặt lắm. Tôi chỉ cần thế thôi, không mong gì nhiều, vì giờ già rồi, tiền nong tiêu được bao nhiêu nữa đâu mà phải nặng nề.

Thưa ông, xóm Phao xưa nay là xóm ngụ cư nghèo với biết bao khó khăn, thiếu thốn. Vậy khi “cái bụng còn chưa đủ no”, ông đã làm cách nào để thúc đẩy tinh thần học tập của các em học sinh nơi đây?
Bọn trẻ ở đây tuy hoàn cảnh vậy thôi nhưng đứa nào cũng có chí lắm. Tôi vốn trình độ cũng chỉ học hết lớp 7 thôi, nhưng cũng cố gắng “đứng lớp” để dạy cho chúng biết đọc, biết viết. Ngày đầu phòng học của ông cháu tôi làm gì có gì đâu, chỉ được dựng lên bằng cái lán nhỏ nhỏ thôi, có cái ván tôi đi xin treo lên làng bảng với vài viên phấn màu. Bọn trẻ đến đây học cũng chẳng được ngồi bàn ghế, mỗi đứa có 1 cái ghế nhựa, sách vở đặt trên đùi, cứ thế ê a mà đọc Nhà đứa nào cũng nghèo nhưng được cái chúng cố gắng học từng ngày một.
Thấy bọn trẻ cũng ham học, tôi lại “treo thưởng”, cứ mỗi điểm 10 là tôi thưởng 10 nghìn. Thế là chúng nó ra sức quyết tâm, cuối tuần nào về cũng có đứa khoe được 10 điểm, có đứa được nhiều quá tôi lại phải xin “nợ” chúng nó ấy. Vậy mà giờ đứa nào đứa vào cấp 2, cấp 3 hết rồi, năm nào cũng được học sinh giỏi. Có cháu còn đỗ cả Đại học, giờ học giỏi lắm. Lứa đầu tiên mà tôi dạy giờ cũng đã trưởng thành, có gia đình hết rồi…
Nhìn các cháu như vậy tôi cũng mừng, chỉ mong chúng nó học hành giỏi giang, sau này vững lấy cái nghề trong tay để mà thoát nghèo, chứ cứ loanh quanh ở cái xóm này như đời ông bà, bố mẹ chúng nó thì quá tội.

“Kẻ cướp miếng ăn của Hà Bá”
Nhiều người biết đến ông với danh xưng “người cướp cơm Hà Bá”. Cảm xúc ông như nào khi bị gọi như vậy?
Họ gọi vậy cũng chẳng có gì sai cả. Người ta có câu “đất có thổ công, sông có Hà Bá”, mình cứu người từ dưới sông lên thì là mang miếng cơm của Hà Bá đi, họ nói vậy cũng đâu có sai. 40 năm ở khu này, tôi không nhớ nổi đã cứu, vớt được bao người. Nhiều lắm, người ngoài 80 cũng có, thanh niên cũng có, thậm chí cả trẻ con đỏ hỏn cũng có cả. Có nhiều người được tôi cứu lên thì đi thẳng, chẳng có lấy một lời cảm ơn. Thậm chí có những nhà, tôi trả người nhà của họ về, họ còn mắng, đuổi tôi đi. Nhưng tôi vẫn làm, ai gọi bảo ở đâu có người nhảy cầu là tôi cũng có mặt.

Vậy có kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất trong suốt quá trình này hay không?
Kỉ niệm thì nhiều chứ, kỉ niệm buồn cũng có, mà vui cũng có. Tôi nhớ cách đây khoảng 10 năm, có anh này người nước ngoài, lên cầu định tự tử. Tôi thấy thế lại an ủi, đưa cậu ta về nhà cho ăn uống nghỉ ngơi suốt 3 tháng trời. Sau này hỏi ra mới biết, cậu ta người Canada, lấy vợ Sài Gòn nhưng sau ly hôn, tài sản của cải đứng tên cô vợ, giấy tờ cũng mất hết cả nên không thể về nước. Cùng quẫn quá nên mới lên cầu quyên sinh.
Còn có một đôi cùng nhảy xuống cầu, tôi thấy 2 cô cậu cứ chới với rồi trôi từ cầu Long Biên này về Chương Dương. Tôi bơi ra cứu nhưng chỉ cứu được cô gái thôi, còn cậu con trai quay lại đã chìm rồi. Nói chung tôi cứu sống người ta cũng nhiều, mà không cứu được cũng không đếm xuể… mỗi lần như thế tôi cũng bất lực lắm, nhưng cũng chẳng biết làm thế nào được…

Trong văn hoá của Việt Nam, người sống ở vùng sông nước rất kiêng kị những việc liên quan đến tai nạn đuối nước. Nhưng trong suốt hơn 30 năm qua, ông lại gắn bó với công việc này. Vậy ông có lí do nào đặc biệt không?
Dân thuyền chài họ kiêng kị cứu người chết đuối, kể cả xác trôi đến gần cũng đẩy ra. Họ quan niệm phải đền mạng khi cướp miếng cơm của Hà Bá.Còn đối với tôi, tôi làm việc này không xuất phát từ lợi ích nào cả. mỗi lần vớt được xác người, tôi lại làm mâm cơm cúng thủy thần để tạ lỗi, và tôi cũng chưa bao giờ có ý định "bỏ mặc" nạn nhân.
Một phần tôi cũng đặt mình vào vị trí của những gia đình có người bị nạn, vì tôi cũng như vậy. 20 năm trước con gái tôi cũng đuối nước ở đây nên tôi hiểu được nỗi đau của những người làm cha, làm mẹ đau đớn đến mức nào. Nên cứ thế suốt bao nhiêu năm nay, không kể ngày nắng hay mưa, xa hay gần, bất cứ đâu có tin nhảy cầu hay xác trôi nổi là tôi lại ra giúp họ, mong sẻ chia được phần nào những mất mát mà gia đình người ta đang trải qua.
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ
(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.