“Đu idol” thời đại số: Từ động lực đến ranh giới cuồng si
(Sóng trẻ) - Từ động lực học tập đến hành trình đầu tư cảm xúc, việc “đu idol” ngày càng phổ biến. Thế nhưng, nếu không kiểm soát tốt, đam mê sẽ dễ trở thành sự mù quáng.
Khi “đu idol” trở thành động lực
Giữa guồng quay học tập, thi cử, áp lực việc làm và kỳ vọng từ gia đình, nhiều bạn trẻ đã tìm thấy sự an ủi nơi thần tượng. Những câu chuyện vượt khó, hành trình từ vô danh đến đỉnh cao của thần tượng đã trở thành nguồn động lực cho không ít người trẻ.
Anh Thư (22 tuổi, Quảng Nam) chia sẻ: “Mỗi khi mệt mỏi, mình lại nghe nhạc của thần tượng. Nhìn họ cố gắng từng ngày, mình thấy bản thân không có lý do gì để bỏ cuộc, cách họ sống khiến mình học được rất nhiều điều”. Không chỉ riêng Anh Thư, rất nhiều người từng trải qua khủng hoảng tinh thần, cảm thấy lạc lõng đã dần tìm được niềm vui, mục tiêu phấn đấu nhờ việc “đu idol”.
Nhắc đến “đu idol”, chuyện chi tiêu gần như là điều không thể thiếu - từ những món nhỏ như móc khóa, ảnh thẻ, đến các khoản lớn như vé concert, vé máy bay hay lightstick. Một album có thể chỉ vài trăm nghìn, nhưng nếu là bản giới hạn, con số có thể lên tới hàng triệu đồng.

Hà Phương (19 tuổi, Hà Nội) từng bay sang Thái Lan để tham gia fan meeting của diễn viên mà cô nàng yêu thích, đây được xem là một quyết định táo bạo đối với một cô gái trẻ. Dù gia đình khá giả nhưng khi quyết định bay tới Thái Lan để gặp thần tượng, Hà Phương vẫn phải cân nhắc kỹ lưỡng rất nhiều điều.
Đối với nhiều người, việc bỏ một số tiền lớn để gặp người nổi tiếng nghe có vẻ hoang đường, thậm chí là “mù quáng”. Nhưng với Phương, đó là một trong những khoảnh khắc đáng giá nhất trong đời. “Người ta hỏi mình tiêu tiền cho thần tượng như vậy có đáng không, nhưng với mình, khoảnh khắc được nhìn thấy thần tượng, được nghe họ nói ‘Cảm ơn bạn vì đã đến’ là điều không gì có thể thay thế được”, Hà Phương tâm sự.

Ranh giới mong manh giữa hâm mộ và cuồng si
Sự “chịu chi” của các bạn trẻ đối với thần tượng của mình không chỉ thể hiện qua vật chất, mà còn là hàng nghìn giờ ngồi dựng và chỉnh sửa video, banner sinh nhật, viết thư tay cho thần tượng - tất cả đều là sự đầu tư cảm xúc, công sức và thời gian. Nhiều cộng đồng người hâm mộ tại Việt Nam đã và đang chứng minh rằng, văn hóa thần tượng có thể tạo ra những giá trị rất đáng trân trọng.
Không ít chiến dịch thiện nguyện, hiến máu, bảo vệ môi trường, gây quỹ giúp trẻ em nghèo,… đã được khởi xướng và thực hiện dưới danh nghĩa của thần tượng như một cách tri ân và lan tỏa thông điệp sống tích cực mà thần tượng truyền cảm hứng. Những hành động này cho thấy tình yêu dành cho thần tượng không chỉ dừng lại ở cảm xúc cá nhân mà còn có thể chuyển hóa thành những hành động ý nghĩa cho xã hội.

Tuy nhiên, văn hóa thần tượng cũng có mặt trái. Không ít người lún sâu vào việc “đu idol” đến mức đánh mất sự cân bằng trong cuộc sống. Họ sẵn sàng bỏ ra số tiền vượt quá khả năng để mua sản phẩm, đi concert, thậm chí vay mượn để được gần thần tượng. Trong khi đó, học tập, công việc và các mối quan hệ xã hội lại dần bị bỏ bê.
Tình trạng này càng đáng lo ngại khi một số người bảo vệ thần tượng một cách cực đoan. Họ sẵn sàng công kích những người chỉ trích hay không đồng tình với thần tượng của mình. Chính sự bảo vệ mù quáng ấy đôi khi biến thành “fan cuồng”, gây ra xung đột trên mạng xã hội và làm ảnh hưởng ngược đến chính hình ảnh của thần tượng mà họ tôn sùng.

Ngoài ra, việc lý tưởng hóa thần tượng, xem họ là hình mẫu hoàn hảo có thể khiến nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái tự ti. Khi so sánh bản thân với thần tượng, những người đã đạt đến đỉnh cao, họ dễ cảm thấy áp lực, mất phương hướng và quên rằng mỗi hành trình sống đều cần được tôn trọng như nhau.
Trong thời đại số, khi khoảng cách giữa người hâm mộ và thần tượng ngày càng thu hẹp, người trẻ cần “đu idol” một cách văn minh và tỉnh táo. Thay vì sao chép thần tượng, hãy xem họ như nguồn cảm hứng để phát triển bản thân và lan tỏa giá trị tích cực. Khi đó, việc hâm mộ sẽ trở thành động lực sống lành mạnh chứ không phải sự tôn sùng mù quáng.