Trong tiết trời chớm lạnh, thầy Vũ Văn Tùng vẫn đều đặn thức dậy từ 4h sáng, chuẩn bị khoảng 200 chiếc bánh mì, vượt 40km để đến điểm trường TH&THCS Đinh Núp (Gia Lai). 

6h sáng, nhân lúc học sinh chưa đến, người thầy 43 tuổi bắt đầu xếp bánh mì cùng một vài chiếc xúc xích vào tủ bánh 0 đồng. Cùng sự hỗ trợ của các giáo viên, 200 chiếc bánh mì đã được chia đều cho các em học sinh dân tộc Ba Na. Nhìn chân các em còn dính đất đỏ, bẻ đôi chiếc bánh mì chia nhau, thầy Tùng càng chắc chắn hơn về quyết định 16 năm bám trường, bám bản của mình.

Năm đầu tiên được phân công giảng dạy tại điểm trường nằm trong vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, thầy Vũ Văn Tùng để ý các em cứ đi học đến nửa buổi là trốn về.

"Có lẽ nhiều người không tin nhưng vẫn còn nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số đang tuổi ăn tuổi lớn mà phải sống trong sự lo lắng cơm không đủ no, quần áo không đủ ấm. Ngày mùa, chúng vắng lớp liên tục vì phải theo cha mẹ lên nương rẫy hoặc nghỉ học giữa chừng bởi quan niệm cổ hủ, lạc hậu đã ăn sâu vào tập quán”, thầy Tùng nói.

Để học trò không bỏ học giữa chừng, thầy Tùng chẳng ngần ngại mang bao đi xin từng lon gạo. 

Tận mắt chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của học trò, người thầy 44 tuổi không ngại khó, ngại khổ mà quyết định xây dựng tủ bánh mì 0 đồng cũng như các mô hình trao sinh kế cho học sinh dân tộc thiểu số nơi đây.

“Tôi bắt đầu phát bánh mì miễn phí cho học sinh từ tháng 12/2021, trong đợt dịch COVID-19 khó khăn. Mỗi tuần các em học sinh trường TH&THCS Đinh Núp sẽ nhận suất ăn sáng từ tủ bánh mì 0 đồng vào thứ 2 và thứ 6. Riêng ngày thứ 4, tủ bánh được chia sẻ cho một ngôi trường có điều kiện khó khăn khác trong vùng”, thầy Tùng nói.

Từ vài chục chiếc bánh mì của riêng người thầy, đến nay với sự chung tay của mọi người, xe bánh mì 0 đồng đã đầy ắp 200 chiếc/buổi. Bên cạnh việc hỗ trợ các bữa ăn sáng nhỏ, thầy Tùng cũng xây dựng mô hình trao sinh kế cho học sinh nghèo.

“Từ năm 2021, khi tủ bánh mì còn rất hạn chế, tôi đã gửi tặng một số con dê cho học sinh nuôi để tạo đàn. Sau đó nhiều em nuôi thành công và bắt đầu bán dê để mua bò vì ở đây xây dựng chuồng trại và tìm thức ăn cho bò dễ hơn.

Tính đến nay, tôi đã trao được 7 con dê và 9 con bò cho học sinh, một phần quỹ từ tủ bánh mì 0 đồng cũng đang được sử dụng cho việc nhân giống dê và bò”, thầy Tùng chia sẻ về mô hình trao sinh kế của mình.

Như trường hợp một em học sinh bị nhiễm trùng nấm, một loại nấm lạ ăn sâu vào tận xương sọ não. Thầy đưa trò đi chữa trị ròng rã 5 tháng mới hết bệnh. Hay trường hợp một học sinh đi chữa bệnh tim bẩm sinh, nhờ sự kết nối của thầy nên đã được tài trợ 100% chi phí phẫu thuật...

16 năm gắn bó với những điểm trường vùng cao khó khăn, thầy Tùng thương học sinh nhưng cũng không thể quên nghĩa vụ với gia đình.

"Nhưng may mắn hơn là vợ con tôi rất hiểu và cũng thường xuyên đến trường để chia sẻ, giúp đỡ các em. Bản thân tôi ngày nào cũng đi đi đi lại 40km vì không muốn bỏ lỡ bữa cơm nào với gia đình”, thầy Tùng chia sẻ.

Cống hiến hết mình cùng những thành tích cao, thầy Tùng từng có cơ hội chuyển công tác về vùng thuận lợi và gần nhà hơn, song chỉ vì một câu nói của các em học sinh, người thầy 44 tuổi đã quyết định tiếp tục bám trường, bám bản.

Đối với thầy Tùng, khó khăn hơn cả vấn đề lo cho các em học sinh đủ ăn mỗi ngày là việc vận động người dân cho con em đi học. Theo thầy Tùng, những năm đầu công tác tại trường TH&THCS Đinh Núp, các thầy cô phải vượt đèo, vượt suối đến gõ cửa từng nhà, thuyết phục từng phụ huynh cho con nhỏ đi học.

"Ngoài việc đi học, các em vẫn phải mưu sinh cùng gia đình, nhiều phụ huynh không muốn cho con đi học vì đi học không có tiền”, thầy Tùng nói.

Sau những dự án vận động học sinh đi học từ thầy cô cũng như các chính sách giáo dục mới, thầy Tùng đã chứng kiến những sự thay đổi đáng kể trong suy nghĩ của người dân và học sinh dân tộc thiểu số. Từ con số 0, trường TH&THCS Đinh Núp đã có 370 học sinh, trong đó gần 100% là học sinh dân tộc Ba Na.

16 năm gắn bó với các điểm trường khó khăn, trong mắt thầy Tùng, các em học sinh vùng cao luôn có sự hồn nhiên và ham học. Đó cũng chính là lý do mà người thầy 44 tuổi vẫn ngày ngày vượt 40 km đến trường, sau lưng là giáo án cùng những ổ bánh mì miễn phí.

Đừng bỏ lỡ
Các nhà lãnh đạo khí hậu: COP không còn phù hợp, cần cải cách

Các nhà lãnh đạo khí hậu: COP không còn phù hợp, cần cải cách

Tin nổi bật2 giờ trước

(Sóng trẻ) - Ngày 15/11, một nhóm cựu lãnh đạo và chuyên gia về khí hậu cho biết các cuộc đàm phán về khí hậu thường niên của Liên hợp quốc (COP) không còn phù hợp với mục đích và cần phải được cải tổ. Gần 200 quốc gia đã họp tại Baku, Azerbaijan nhằm

EU “bật đèn xanh”cho loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer mới 

EU “bật đèn xanh”cho loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer mới 

Tin nổi bật2 giờ trước

(Sóng trẻ) - Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chính thức khuyến nghị cấp phép cho thuốc Leqembi để điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn đầu. 

Conan O’Brien dẫn dắt Lễ trao giải Oscar lần thứ 97

Conan O’Brien dẫn dắt Lễ trao giải Oscar lần thứ 97

Tin nổi bật2 giờ trước

(Sóng trẻ) - Conan O'Brien sẽ dẫn dắt lễ trao giải Oscar 2025, thay thế cho MC Jimmy Kimmel - người đã đảm nhận vị trí này trong 2 năm trước đó.

XEM THÊM TIN