(Sóng trẻ) - Hành trình bảo tồn động vật hoang dã chưa bao giờ là dễ dàng. Ngoài kia, nhiều kẻ cầm súng tự chế, sẵn sàng hạ gục bất kỳ con thú nào, miễn bán được giá. Người mua nhộn nhịp, mong muốn săn được hàng hiếm, hàng độc,.. Chỉ riêng điều đó đã là mối đe dọa lớn đối với những cá thể động vật hoang dã tại Việt Nam.
Việt Nam là mảnh đất gắn với sự phong phú, phì nhiêu và đa dạng cả về sinh vật. Trên thế giới, Việt Nam xếp hạng thứ 16 về độ đa dạng. Rất tiếc khi phải nhớ lại năm 2007, nước ta có đến 880 loài động, thực vật ghi tên vào Sách đỏ. Đến nay, số lượng loài tuyệt chủng đã không ngừng tăng lên với: Tê giác hai sừng (còn gọi là tê giác Sumatra); Lợn vòi; Cầy rái cá; Cá chình Nhật; Cá chép gốc; Cá lợ thân thấp; Hươu sao; Cá sấu hoa cà; Tê giác một sừng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự mất cân bằng trong hệ sinh thái hiện nay.
Bảo vệ động vật hoang dã chỉ là một phần nhỏ trong lĩnh vực bảo tồn, với mục đích tối thượng là vớt vát lại sự đa dạng của tự nhiên và cân bằng lại hệ sinh thái vốn đã và đang bị suy thoái nghiêm trọng. Hệ sinh thái, hay tự nhiên, là ngôi nhà của tất cả các sinh vật đang cùng chung sống trên Trái đất, là môi trường để chúng ta sinh trưởng và phát triển.
Nhưng thực tế cho thấy điều gì? Loài người là loài có khả năng cải tạo tự nhiên, biến đổi môi trường sao cho phù hợp với nhu cầu, với ham muốn của mỗi người, cùng với sự gia tăng dân số thế giới, môi trường tự nhiên cũng ngày càng bị "cải tạo" nhiều hơn và trên diện rộng, với một tốc độ chóng mặt; và tự nhiên thì không thể phục hồi kịp để cân bằng lại sự biến đổi đó, nên chúng ta đang thấy những thiên tai và nhân tai xảy ra trên khắp thế giới như một phản lực với sự tác động của con người theo định luật III Newton.
Hiện nay, tình trạng mua bán động vật hoang dã để làm thú nuôi, thú cưng độc lạ trong nhà diễn ra vô cùng phổ biến. Không quá khó để tìm mua rái cá, khỉ, thậm chí là gấu con trên mạng xã hội. Dường như với sự phát triển của mạng xã hội, nhờ vào lượng người dùng khủng mà các hội nhóm mua bán thú hoang dã lại càng trở nên nhộn nhịp.
Chỉ với vài từ khóa về ‘rái cá’, có thể tìm thấy các bài đăng miêu tả rõ những đặc điểm như rái cá con 10 -18 tháng, mở mắt, cai sữa… Với giá cả dao động từ 4 đến 7 triệu, người mua có thể sở hữu một con rái cá về làm thú cưng. Nói riêng về rái cá, đây là loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng do nạn săn bắt, phá hoại môi trường sống của con người.
Tại khu vực miền Nam, nhiều hội nhóm mang danh “Yêu rái cá” công khai đăng tải thông tin mua, bán rái cá con. Có thể thấy rằng, hoạt động này diễn ra khá thường xuyên và không nằm dưới sự quản lý. Nhiều người mua rái cá tại các chợ trôi nổi, mua lại từ thợ săn về chăm sóc như thú cưng. Nhưng rái cá khi nuôi nhốt đều dần yếu đi, gặp nhiều vấn đề sức khỏe.
Theo các nhà khoa học, nuôi rái cá làm giống, nhất là trên quy mô lớn, để cung cấp cho thị trường rất khó vì rái cá không dễ sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt nếu không có chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ. Do đó, giới khoa học tin rằng rái cá "cưng" trên thị trường hiện nay phần lớn là từ môi trường hoang dã.
Có rất nhiều hội nhóm dành cho những người yêu thích rái cá để mọi người đăng tải những tấm hình, clip quay những chú rái cá được nuôi như thú cưng. Nhưng bên cạnh đó, cũng không thiếu những bình luận, bài viết rao bán, hay bày tỏ nhu cầu muốn tìm mua rái cá hoang dã.
Rái cá có răng sắc nhọn, cơ thể nặng mùi, tính cách hiếu động, thích ồn ào,... Với bản năng hoang dã, chúng có thể tấn công con người để phòng vệ bất cứ lúc nào. Dù vậy, nhiều người vẫn tỏ ra ưa thích loài động vật này chỉ vì vẻ bên ngoài của nó.
“Việc này đã được lên án và cảnh báo khá nhiều lần nhưng có vẻ mọi người không để tâm. Tôi phản đối hoàn toàn về vấn đề này. Số lượng rái cá đang ngày một giảm dần và chúng có những đặc tính không thể làm thú cưng được. Rái cá có cơ thể sắc nhọn, chúng nặng mùi và khá kích động, chúng có thể làm hại tới con người. Thức ăn không phù hợp sẽ khiến chúng gặp nhiều vấn đề về đường tiêu hoá. Quan trọng là lượng cung không thể bằng lượng cầu”, Đại diện Phòng Phúc lợi động vật - Tổ chức động vật Châu Á tại Việt Nam cho hay.
Trên thế giới có khoảng 15 triệu loài sinh vật, mỗi loài đều nằm trong một mắt xích hoặc nhiều mắt xích quan trọng của chuỗi thức ăn tự nhiên. Sự biến mất của một loài sẽ dẫn đến sự thay đổi toàn bộ cấu trúc đã diễn ra theo quy luật của hàng chục triệu năm nay. Một số loài chủ chốt trong thế giới tự nhiên biến mất cũng đồng nghĩa với nguy cơ biến mất của những loài lân cận. Vì thế, bảo vệ sự tồn tại của thế giới động vật cũng là bảo vệ sự đa dạng về loài, cá thể trong loài, bởi suy cho cùng đó chính là bảo vệ môi trường sinh thái.
Đại diện Phòng Phúc lợi động vật - Tổ chức động vật Châu Á tại Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay tại Việt Nam có khá nhiều các tổ chức bảo vệ ĐVHD, mỗi tổ chức lại tập trung bảo tồn một loài hoặc một nhóm loài khác nhau. Nhờ những nỗ lực tuyên truyền, các hoạt động giáo dục và làm việc với cộng đồng của các tổ chức mà việc nâng cao nhận thức và ý thức của người dân về vấn đề bảo tồn đã cải thiện hơn trước nhiều. Tuy nhiên những hoạt động buôn bán, sử dụng trái phép ĐVHD vẫn còn nhiều và tràn làn tại nhiều nơi. Việc thực thi hành luật pháp vẫn còn khó khăn và chưa có những hình phạt đủ nặng để răn đe”.
Không còn là trách nhiệm riêng của từng người, bảo tồn động vật hoang dã đã trở thành một nhiệm vụ chung. Khi thiên nhiên gióng lên từng hồi chuông cảnh báo, khi động vật hoang dã đang đứng trên bờ vực của tận diệt, có những người trước đây là người “ngoài cuộc”, giờ sẵn sàng rời bỏ những thành công của sự nghiệp để sống trọn với hành trình bảo tồn động vật hoang dã.
Vậy thì, chúng ta có trách nhiệm gì trong việc giữ gìn và vun đắp cho ngôi nhà lớn của chúng ta hay không? Dù câu trả lời là gì, thì đó cũng là lựa chọn của mỗi cá nhân, và mỗi con đường sẽ mang đến những trải nghiệm khác nhau cho mỗi người. Và anh chàng Tiun cũng đã chọn cho mình một con đường riêng - bảo tồn rái cá.
Gần 10 năm qua, bỏ lại sau lưng bao lời đàm tiếu, Tiun (Vũ Đức Nhân, 36 tuổi) vẫn chuyên tâm với công việc bảo tồn rái cá mà mình đã chọn. Người ta biết tới anh nhờ những video đăng tải trên Tiktok và kênh Youtube Tiun, cũng nhớ tới anh với nickname ‘Chàng tiên cá’ mà chính Tiun cũng rất tự hào.
Cái tên “Chàng tiên cá” xuất hiện nhiều năm trước đây, khi anh Tiun hoạt động trong Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp (gọi tắt là PADI) – Hiệp hội thành viên lặn giải trí và đào tạo thợ lặn lớn nhất thế giới. Tiun là một trong những người đầu tiên mang bộ môn bơi tiên cá về với Việt Nam. Đào tạo học viên bơi cũng giúp anh kiếm thêm thu nhập cho bước ngoặt cuộc đời sau này. Về sau, cái tên Tiên cá còn khiến người ta nghĩ đến anh với đầy sự mến mộ, bởi nó gắn liền với cuộc sống sông nước nơi rừng ngập mặn - nơi anh chọn để thực hiện sứ mệnh bảo tồn rái cá.
“Rái cá được ví như “dũng sĩ” của rừng ngập mặn khi chúng đóng vai trò quan trọng và được xem là dấu hiệu phát triển tốt của hệ sinh thái. Tuy nhiên, rái cá đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao vì môi trường sinh sống ngày càng khắc nghiệt và tình trạng săn bắt, buôn bán thú hoang dã trái phép. Những lý do này đã thúc đẩy mình đến với công việc bảo tồn rái cá”, Tiun chia sẻ.
Khi Tiun chia sẻ về cuộc sống bảo tồn của mình, đã có không ít người cho rằng anh là kẻ “khùng điên”, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp lại chọn bỏ thành thị, về nơi rừng hoang vu, dành phần lớn thời gian cho bầy rái cá và nhiều loài động vật hoang dã khác.
“Trước đây mình chỉ ủng hộ tiền cho các tổ chức bảo vệ thú, nhưng rồi chẳng biết con thú đó đang như thế nào. Mình quyết định bản thân phải tham gia, trực tiếp làm, như vậy mới có thể yên tâm”.
Lấy bàn đạp từ khả năng làm truyền thông, thiết kế, cùng với sự quan tâm đặc biệt mà Tiun dành cho động vật hoang dã, anh có cơ hội hợp tác cùng các vườn quốc gia, hiện tại là Vườn Quốc Gia Cát Tiên để chăm sóc thú và học hỏi theo mô hình bảo tồn tại đây.
Hiện nay, Tiun đã bảo tồn được 25 cá thể rái cá tại rừng ngập mặn. Không nuôi nhốt, không huấn luyện, toàn bộ rái cá sau khi đảm bảo về sức khỏe đều được thả lại về rừng. Chúng tự chia lãnh thổ, thành lập bầy đàn sinh sống. Đó cũng là điều mà Tiun mong đợi nhất.
Nhưng đến với bảo tồn động vật hoang dã cũng khiến Tiun phải đánh đổi. Được biết, gia đình anh đã cấm cản thời gian đầu khá gay gắt. Thậm chí những người quen khi biết anh đang thực hiện bảo tồn còn ngỏ ý “xin” và “mua” rái cá về làm thú cưng. Quay lưng với những mối quan hệ độc hại, Tiun kết nối với những người bạn mới, cùng chung tiếng nói và mục tiêu. “Nhờ có sự ngăn cản gay gắt của gia đình mà tôi càng có thêm động lực phấn đấu”, Tiun bộc bạch.
Bên cạnh việc dạy bơi lặn, Tiun còn làm nhiều công việc khác như lập trình web, youtuber, giáo viên tiếng Anh. Cuộc sống của anh vốn đã rất thành công và ổn định. Tuy vậy, anh vẫn quyết định để lại mọi thứ phía sau để tập trung vào việc bảo tồn rái cá.
Dù vậy, anh cho biết, số tiền anh dùng vào công việc bảo tồn chưa bao giờ là đủ. Đứng trước trào lưu nuôi rái cá làm thú cưng hay bán rái cá tràn lan trên mạng xã hội, Tiun luôn tự bỏ tiền chuộc về, cho ăn và chờ ngày tái thả. Đối với rái cá nuôi, khi tách ra môi trường tự nhiên, chúng gần như mất bản năng sinh tồn, sẵn sàng cắn chết con non của đàn rái cá khác. Chính vì vậy, Tiun lại tiếp tục bỏ tiền xây dựng “trạm xá rái cá”, nơi ở tạm thời cho những đàn rái cá chưa thể sống trong tự nhiên.
“Một mình mình không đủ sức nên mình đã kêu gọi sự ủng hộ của mọi người trên các trang mạng xã hội. Mọi chi phí phục vụ cho việc bảo tồn đều được mình công khai rõ ràng. Bên cạnh đó, một số bạn cũng đến, giúp mình thu gom rác trong rừng đước và chăm sóc các “bạn” rái cá hoang dã”, Tiun chia sẻ.
Nhờ hoạt động trên Tiktok, Tiun được nhiều người biết đến hơn. Anh thường xuyên nhận được hỗ trợ của công an địa phương, các tổ chức phi lợi nhuận và cả những người theo dõi anh trên mạng. Nhưng thời điểm này cũng là lúc anh bắt đầu nhận về điều tiếng với các mác “xin tiền online”.
Không ít người tỏ ra ngờ vực, ghét bỏ “chàng tiên cá” Tiun. Hàng loạt bình luận tiêu cực xuất hiện, nhưng điều đó lại càng khiến anh có thêm nỗ lực. Tiun chia sẻ: “Thời gian cứu mấy con thú còn không đủ, mình không thể trả lời hết những bình luận đó. Mình chỉ tương tác lại bằng cách thả tim, dù họ có nói xấu hay nói tốt. Mình tự nhủ phải làm cho người ta thấy và yên tâm”.
Những ngày đầu bảo tồn rái cá, Tiun gặp rất nhiều khó khăn. Để bảo vệ rái cá hoang dã, anh không chỉ phải hiểu môi trường rừng ngập mặn nơi chúng sinh sống mà còn phải trải nghiệm. Với suy nghĩ đó, Tiun bắt đầu hành trình bảo vệ rái cá trong rừng ngập mặn.
Anh cho biết có những ngày phải túc trực trong rừng để gỡ bẫy, ngăn chặn người dân hay những kẻ có ý đồ săn bắt rái cá. Về sau, khi rái cá đã quen với môi trường tự nhiên và tự tìm được nơi ở cho mình thì có thể yên tâm về nhà. Tuy nhiên, thỉnh thoảng anh vẫn phải mua cá, tôm cho chúng ăn no, tránh việc ăn đồ trong bẫy.
Được biết, do tình trạng nuôi nhốt rái cá nên những con được chuộc về có bản năng sinh tồn kém, mang nhiều mầm bệnh, sức khỏe yếu. Đặc biệt là rái cá con cần phải chăm sóc kỹ càng để chờ sức khỏe hồi phục và có thể tái thả, cho chúng trở về với thiên nhiên.
Tuy nhiên, bản năng tự vệ của loài rái cá hoang dã rất cao. Do đó Tiun không thể tránh khỏi những vết thương do rái cá để lại trong suốt quá trình làm bảo tồn. Sống trong môi trường rừng ngập mặn, phần lớn thời gian lội bùn, ướt át, chính Tiun cũng gặp nhiều căn bệnh ngoài da. Trên hành trình bảo tồn động vật hoang dã, điều đó không khiến anh bỏ cuộc.
Được biết, chàng trai này không chỉ chăm sóc và bảo tồn duy rái cá mà còn có nhiều loại động vật quý hiếm khác. Từ khi chuyển vào rừng ngập mặn sinh sống, anh đã trồng được 3 triệu cây đước, thường xuyên vào rừng nhặt rác, bảo vệ môi trường sống cho cả động - thực vật nơi đây.
Mỗi người đều có một sự lựa chọn, một con đường riêng. Khi chưa thể lo cho bản thân, chúng ta cũng sẽ chẳng còn tâm trí nào lo cho nhiều thứ khác. Tuy nhiên, những hành động dù nhỏ nhặt nhất như bảo vệ môi trường tự nhiên, tuyên truyền, cảnh báo săn bắn và không ủng hộ những hành động mua bán động vật hoang dã đã đều đáng được công nhận. Số lượng các loài động vật hoang dã tại Việt Nam tuyệt chủng đang dần tăng lên. Hành trình bảo tồn còn dài và nhiều khó khăn, nhưng cuộc hành trình này sẽ không bao giờ dừng lại!
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.