Bài toán khó xử lý rác thải và quá tải các bãi rác tại Hà Nội vốn đã gặp nhiều khó khăn, thế nhưng những ngày gần đây, tình trạng những bãi rác tự phát xuất hiện ngày càng nhiều lại tiếp tục gây nhức nhối. Đáng buồn thay! Khi chúng ta đang tích cực tuyên truyền và lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường sống xanh – sạch – đẹp, thì ở ngay giữa một đô thị lớn, tình trạng những bãi rác tự mọc lên diễn ra cũng bởi chính hai chữ “ý thức”.
Có lẽ không ở đâu lại lắm biển “cấm” như ở nước ta. Phổ biến nhất là cấm họp chợ; cấm phóng nhanh, vượt ẩu; cấm thả súc vật chạy rông ngoài đường; cấm chặt phá cây xanh; cấm bán hàng rong; cấm sờ vào hiện vật; cấm gây tiếng ồn; cấm gây mất trật tự công cộng; cấm đổ vật liệu xây dựng trên vỉa hè, thậm chí phải đề cấm cả tiểu tiện, đại tiện; cấm phóng uế nơi công cộng,....Nhưng mà lạ lắm, càng cấm người ta càng làm, có khi làm lén lút, cũng có khi làm rất công khai. Đó là thói xấu rất buồn cười và rất khó bỏ của người Việt. Mà không phải chỉ với trẻ con đâu nhé, rất nhiều người lớn mang thói xấu đó.
Đổ rác đúng nơi quy định tưởng như là việc chẳng có gì khó khăn nhưng không ít những người thiếu ý thức vẫn cố tình phớt lờ, chỉ cần tiện đâu là vứt rác đó. Mặc dù đã có những biển báo cấm đổ rác, thế nhưng hiện tượng đổ trộm, đổ lén vẫn thường xuyên diễn ra. Thậm chí, không ít lần người dân cũng bực mình vì càng cấm, rác lại càng nhiều.
Nổi bật giữa con ngõ nhỏ là một bãi rác tự phát nằm chính giữa khu vực ngã 3 - Ngôi nhà số 62, ngõ 85 Xuân Thuỷ. Phần nhiều là rác thải sinh hoạt từ những hộ dân xung quanh, mùi ô uế bốc lên nồng nặc. Tổ dân phố văn mình nhưng có vẻ điều đó không đúng với 100% người dân sinh sống, khi mà kể cả đã có tấm biển “CẤM ĐỔ RÁC” to rõ ràng được treo lên, vô hình chung lại biến khu vực đó thành địa điểm đổ rác quen thuộc cho người dân.
Theo phỏng vấn, người dân chia sẻ ngõ có giờ đổ rác riêng và xe rác đi gõ kẻng hàng ngày nhưng mọi người vẫn vô tư đổ rác tại đây. Thậm chí, dù đã được tổ dân phố nhắc nhở và đề biển “Cấm”, nhưng người dân không mấy quan tâm. Bãi rác hình thành ngày một lớn gây vất vả cho những người thu gom.
Bà N.T.H (58 tuổi, chủ số nhà 32) cho biết, nhà bà là nhà mặt tiền, bên ngoài rộng, lại còn có bức tường lớn và vị trí thuận lợi cho mọi ngách nhỏ trong ngõ nên mọi người hay đổ rác trước cửa nhà bà. Rác ngập ngụa thối um cả nhà lên, rất ảnh hưởng đến vệ sinh và không khí sống.
“Sau này, tôi đã phải nhờ tới cán bộ phố theo dõi, lắp cả camera để quay lại khoảnh khắc mọi người xả rác bừa bãi, lấy nhà tôi làm điểm tập kết rác tự phát để trình báo lên.” – Bà H. bức xúc chia sẻ.
Khi các biển “cấm” tăng dần lên bao nhiêu thì ta ngầm hiểu ý thức con người lại hạ xuống thấp bấy nhiêu. Có người ý kiến rằng nên xử phạt thật nặng, bỏ bớt phần tuyên truyền hay cảnh cáo qua đi. Nhưng người dân có vẻ lại toàn “nhà mặt phố, nhà làm to”, giờ đến tiền cũng không thể làm lung lay ý chí của họ. Những tấm bảng “Cấm đổ rác” phía dưới cũng có dòng chữ ghi mức phạt tiền cho hành vi xả rác không đúng nơi quy định 5-7 triệu đồng/hành vi. Tuy nhiên, chính xung quanh những tấm bảng này cũng lại đầy rác.
Tình trạng đó phần nào được phản ánh tương tự ở một ngõ nhỏ khu dân cư khác tại Cầu Giấy. Rác thải sinh hoạt, đồ gia dụng bỏ đi như tủ, đệm,... cũng được vứt bừa bãi tại đây mà không được thu gom, giải quyết. Lâu dần, nơi đây nghiễm nhiên trở thành điểm tập kết rác không chính thức, rác sinh hoạt, vật dụng bỏ đi cứ bừa bãi được thải ra tại đây mà không ai quản lý.
Những người dân sinh sống quanh đây cũng cho biết, lợi dụng đoạn đường vắng vẻ, ít người qua lại nên việc đổ trộm rác thải diễn ra khá thường xuyên. Những dòng chữ trên tấm tôn dựng ở vỉa hè như “Cấm đổ rác”, “Đổ rác thải phạt từ 1 - 2 triệu”… như vô tác dụng.
Có thể thấy, các bãi rác tự phát không hề hiếm gặp trong các khu dân cư nằm trong ngõ ngách, nơi mà đơn vị thu gom rác thải không thể đến tận nhà để thu nhận mà chỉ có thể đứng ngoài ngõ. Các bãi rác tự phát xuất hiện tại những nơi có khoảng đất rộng rãi, hoặc chỉ cần có một góc tường trống, dù nơi đó có nhiều người qua lại hay là trước cửa nhà một hộ dân nào đó.
Ngã tư Mạc Thái Tổ - Nguyễn Quốc Trị đến điểm giao cắt với đường Phạm Hùng, vỉa hè dài khoảng 100m ngập những rác thải, chất cao thành một lớp dày từ 0,5 đến 1m. Trong đó có cả gạch đá, vật liệu xây dựng lẫn với rác thải sinh hoạt của người dân. Cá biệt có những ngày rác nhiều đến nỗi tràn ra cả lòng đường. Nhiều mảnh kính, thuỷ tinh vỡ cũng bị vứt tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn với người đi đường.
Người dân gần khu vực này chia sẻ, mùi hôi từ bãi rác phát tán ra môi trường xung quanh, ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của người dân. Mỗi khi trời nổi gió lên, mùi hôi càng dữ dội. Mùa mưa, tình trạng ruồi nhặng sinh sôi quá nhiều, bay linh tinh gây mất vệ sinh. Sau cơn mưa, nước từ bãi rác chảy ra đen kịt ở đường.
Bãi phát tự phát này tồn tại trong một thời gian dài mà không được giải quyết triệt để, thậm chí người dân quanh khu vực này cũng không nhớ nổi nó “mọc” lên từ bao giờ. Tình trạng bãi rác này cũng đã từng được phản ánh cho chính quyền địa phương. UBND phường đã tiến hành điều xe thu gom rác và xử phạt những ai xả rác bừa bãi. Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn vì người ta “quen tay”, đâu lại hoàn đấy. Nhìn tình trạng hiện tại của nơi này, có lẽ nhiều người đã quên, đường Mạc Thái Tổ đã từng là một trong những công trình sạch đẹp được thi công nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại lối đi vào Bệnh viện Giao thông vận tải. Nơi này là một ngõ nhỏ cạnh bệnh viện, lối nhỏ, rất khó đi. Mật độ dân cư thưa thớt, thường rất ít đèn sáng. Hiện tại nơi đây có nhiều khu nhà cũ bỏ hoang, lại gần bệnh viện nên rác thải và vật liệu xây dựng vứt tràn lan rất nhiều, gây mất mỹ quan đô thị. Tuy nhiên, có thể là do chưa thực sự ảnh hưởng trực tiếp đến hộ dân nào nên bãi rác cứ thế càng ngày càng lớn.
Thực tế cho thấy, rác tự phát thường chỉ tập trung ở các khu vực đang đô thị hoá, các xóm trọ, điểm dân cư tự phát..., những nơi chưa có hoạt động quản lý thu gom rác hoặc hoạt động này chưa đạt hiệu quả. Đối với rác cồng kềnh, rác xây dựng và một số loại rác đặc biệt, như một số loại rác mà công ty môi trường đô thị từ chối thu gom, thì nguy cơ bị đổ trộm làm phát sinh bãi rác tự phát là vẫn hiện hữu.
Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Phương Loan - Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực Tài nguyên và Môi trường thuộc Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, nguyên nhân hình thành các bãi rác tự phát là do sự không tương thích và phù hợp giữa hệ thống cung dịch vụ (đơn vị có chức năng quản lý thu gom rác) và hệ thống cầu dịch vụ thu gom rác (người thải rác).
Về hậu quả mà rác tự phát mang lại, TS Nguyễn Thị Phương Loan khẳng định, ai cũng có thể nói các bãi rác tự phát ảnh hưởng xấu đến môi trường cảnh quan và sức khỏe con người, nhưng hầu như người ta chỉ nhận biết ảnh hưởng một cách định tính, chung chung, rất khó định lượng các tổn hại do ảnh hưởng xấu này gây ra.
Có nghĩa rằng, chưa thực sự có một nghiên cứu cụ thể nào nói về những ảnh hưởng nhất định của các bãi rác tự phát đối với môi trường, cảnh quan đô thị hay sức khỏe người dân. Mà khi chưa rõ ràng về hậu quả, sẽ chẳng có một cách giải quyết cụ thể nào được đặt ra cho vấn đề này.
Khi được hỏi về trách nhiệm xử lý rác tự phát, TS. Nguyễn Thị Phương Loan thẳng thắn: “Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam quy định: ai gây ra vấn đề môi trường người đó phải chịu trách nhiệm khắc phục (dọn dẹp), phải đền bù thiệt hại do ô nhiễm, có thể phải chịu xử phạt hành chính và hình sự”.
Tùy thuộc vào nguyên nhân chính gây phát sinh bãi rác tự phát sẽ có thể quy trách nhiệm chính thuộc về đối tượng gây ra nguyên nhân đó. Nếu năng lực và dịch vụ của bên cung (có thể là công ty môi trường đô thị hoặc một doanh nghiệp tư nhân nào đó đã nhận trách nhiệm) chưa đáp ứng thì các đơn vị này phải có trách nhiệm khắc phục. Nếu do người dân - doanh nghiệp xả rác bừa bãi thì phải bắt họ chịu trách nhiệm.
“Đây là giải pháp không dễ dàng, vì nếu nguyên nhân là do người dân, thì cần phải rình kín, bắt tận tay, thu gom bằng chứng chính xác thích hợp, báo cơ quan có trách nhiệm để họ thực thi quyền lực được luật pháp quy định và đứng ra tổ chức xử lý giải quyết” – TS. Nguyễn Thị Phương Loan chia sẻ.
Bài toán giải quyết rác thải ô nhiễm vốn đã khó, mà là rác tự phát lại càng khó hơn, bởi nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ thời điểm nào. Hai chữ “ý thức” nói ra thì đơn giản, nhưng không phải ai cũng luôn giữ được nó ở trong người mình.
TS. Nguyễn Thị Phương Loan chia sẻ thật lòng khi nói về hướng giải quyết cho rác tự phát: “Một trong những hướng giải quyết bền vững chính là giảm rác thải cả về lượng rác (tăng tái chế tái sử dụng, tăng độ bền và tuổi thọ hàng hóa sử dụng...) và về kích cỡ các loại rác cồng kềnh. Giải pháp quan trọng tiếp theo là phải thực hiện phân loại rác từ nguồn để có lựa chọn thải rác (từ bên xả rác) và lựa chọn thu gom rác (từ bên dịch vụ thu gom rác) phù hợp nhất và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Ngoài ra, văn hóa tiêu dùng và thải rác cần được xây dựng, định hình cho phù hợp lối sống đô thị công nghiệp và hưởng thụ, tránh xả rác bừa bãi, có túi đựng rác trong hành trang đi phố, du lịch, thay thế hàng tiêu dùng có chứa các nguyên liệu độc hại sang các hàng hóa ít gây nguy hại cho môi trường hơn, phát triển công nghiệp xử lý chất thải theo định hướng trở thành ngành kinh tế sinh lợi nhuận, một mắt xích không thể thiếu trong nền kinh tế tuần hoàn – sinh thái, phục vụ sự phát triển bền vững.”
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.