Với những ai yêu thích các sản phẩm tái chế làm từ hoa khô, chắc hẳn Xưởng hoa khô Xavia không còn là một cái tên xa lạ. Tại không gian Xưởng hoa, nhiều phụ phẩm, rác thải nông nghiệp đã, đang và sẽ được tái sinh trở thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có giá trị. Đây là ước mơ và tâm huyết của chị Nguyễn Trang Phương, chủ nhân Xưởng hoa, trong suốt hơn 10 năm nay.
Chị lấy cảm hứng từ đâu để “khai sinh” ra Xưởng hoa khô Xavia?
Năm 2008 là thời điểm tôi bắt đầu nghiên cứu về việc tái chế các phụ phẩm nông nghiệp. Mỗi lần về quê, đi qua những thửa ruộng ngô, vừng đang trong mùa thu hoạch, tôi thấy hàng đống vỏ bắp ngô, vỏ quả vừng được chồng chất trên bờ. Thu hoạch xong, người ta đốt những đống vỏ thừa đó, làm xuất hiện từng đám khói đen kịt, mùi rất nặng. Tôi nghĩ rằng, nếu như tất cả những phụ phẩm nông nghiệp như vậy được tận dụng cho một việc gì đó tình trạng này sẽ không còn. Chính vì vậy, tôi muốn khởi xướng một dự án với những nguyên vật liệu đặc biệt này để có thể giảm thiểu rác thải và làm môi trường xanh, sạch hơn.
Tôi là một người yêu thiên nhiên và yêu cái đẹp nên khá tâm đắc với dự án của mình. Sau 6 năm ròng rã tìm tòi, khi bắt đầu có những dấu hiệu thành công, tôi nghĩ mình không thể chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu mà cần phải có bước tiến xa hơn. Tôi nảy ra ý tưởng về một địa điểm chuyên sáng tạo tác phẩm nghệ thuật từ hoa khô. Xưởng hoa Xavia đã ra đời từ đó.
Xavia trong ngôn ngữ phương Tây có nghĩa là “tỏa sáng lấp lánh”. Đây có phải là ý nghĩa chị muốn đặt cho Xưởng hoa của mình không?
Ban đầu, tôi đặt ra cái tên Xavia với nghĩa là Xanh Việt Nam. Về sau tôi mới biết nó còn có ý nghĩa là “tỏa sáng”. Đây là một sự trùng hợp khá thú vị. Bởi khi xây dựng dự án, tôi mong muốn tất cả những phụ phẩm cây trồng và rác thải nông nghiệp được sống lại một lần nữa và tỏa sáng đúng nghĩa. Ước mơ của tôi là hồi sinh những phụ phẩm nông nghiệp đã tận sinh.
Chẳng hạn với vỏ bắp ngô. Tôi tưởng tượng vỏ bắp ngô giống như một người mẹ ôm ấp và chở che cho các con mình, chính là những hạt bắp, bảo vệ chúng khỏi sâu, khỏi nắng, khỏi mưa. Nếu không có “người mẹ” này thì hạt ngô không thể mẩy, chắc và tròn đầy được. Vậy nên, lớp áo vỏ ngô xứng đáng được quay sang một vòng đời đẹp đẽ hơn.
Năm 2023, chị được vinh danh là 1 trong 10 Phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp sáng tạo với ý tưởng biến phụ phẩm nông nghiệp thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Vậy đâu là những tiêu chí chị đặt ra trong quá trình sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật đó?
Hiện nay Xavia đang áp dụng Triple Bottom Line (Mô hình Bền vững) - một mô hình kinh doanh cực kỳ phổ biến trên thế giới gồm 3 tiêu chí: Môi trường - Xã hội - Kinh tế.
Đầu tiên là tiêu chí về môi trường. Khi bắt tay thực hiện Xưởng hoa, tôi muốn biến rác thải thành một nguyên vật liệu có giá trị cao. Bởi vì phụ phẩm nông nghiệp khi đốt đi sẽ gây nên khói bụi, mà khi chôn xuống lòng đất sẽ làm ô nhiễm nguồn nước. Thêm nữa, nếu nó lẫn cùng những rác thải khác sẽ tạo ra uế khí rất khó chịu.
Tiêu chí thứ hai là xã hội. Dự án tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động, đặc biệt là lao động nữ, người yếu thế ở miền núi và nông thôn. Từ khâu thu gom vỏ bắp, vỏ vừng, xử lý các phụ phẩm đến việc sáng tạo các sản phẩm nghệ thuật, họ đều có thể tham gia làm việc, từ đó nâng cao địa vị của mình trong xã hội.
Cuối cùng là về kinh tế. Nghệ thuật là không thể định giá. Những tác phẩm nghệ thuật, dù sản xuất hàng loạt hay mang tính độc bản, đều có thể được bán với bất kỳ mức giá nào xứng đáng với giá trị của câu chuyện đằng sau nó. Làm công việc kinh doanh các sản phẩm từ hoa khô, tôi nghĩ rằng mình đang “nhặt đô la” dưới gót giày người khác. Bởi vì tất cả các phụ phẩm nông nghiệp này đều là thứ rác thải bị mọi người giẫm lên ở các khu chợ mà!
Đa số mọi người biết đến các nguyên vật liệu Xưởng sử dụng là vỏ bắp ngô, vỏ quả vừng. Còn nguyên liệu đặc biệt nào khác mà nhiều người chưa biết?
Nguyên vật liệu chính để làm nên những tác phẩm hoa khô bao gồm vỏ bắp, vỏ vừng, hạt é, hạt mắt nai… Ngoài ra còn rất nhiều nguyên liệu khác mang tính ứng dụng cao trong giáo dục như bông lau, bông lúa, cây cỏ lồng vực. Cây cỏ lồng vực, dù bị nhiều người coi là có hại bởi nó cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng làm cây lúa phát triển chậm, nhưng hoàn toàn có thể được sử dụng để trang trí và làm hoa. Ngoài ra cũng có các loại lá cây như lá cây hoa ban, lá cây hoa bồ đề, lá cây ngọc lan…
Trước đây, tôi phải “chu du” khắp mọi miền Tổ quốc để tìm kiếm và thu nhặt những nguyên liệu này đem về Xưởng. Tôi nhớ nhất chuyến đi lên núi Ba Vì hay vào tận Đà Lạt để lấy những bông cúc quỳ về phơi. Những bông cúc quỳ khi rụng cánh sẽ còn lại cái đài, cái đài này được dùng làm đài hoa.
Xưởng hoa đã ứng dụng công nghệ trong quá trình xử lý và sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật. Điều này có gây khó khăn cho một doanh nghiệp chuyên về sản phẩm thủ công như Xavia không?
Thực ra không có gì khó khăn cả! Những cánh hoa vặn vẫn có thể được thực hiện thủ công. Tuy nhiên, với việc cắt cánh hoa, trước đây chúng tôi thực hiện thủ công, nhưng hiện tại đã chuyển sang sử dụng máy móc. Cụ thể, chúng tôi sử dụng máy dập theo khuôn, quy trình thao tác khá đơn giản nên mọi người nhanh chóng làm quen, không gặp vấn đề gì. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng áp dụng trí tuệ nhân tạo AI vào việc tạo ra mẫu mã cho sản phẩm. Chúng tôi thường tìm kiếm trên Internet các hình mẫu có sẵn, lưu lại và sử dụng cho từng sản phẩm phù hợp.
Chất lượng sản phẩm thủ công của Xavia phụ thuộc khá nhiều vào tay nghề của người thợ. Làm thế nào để chị đảm bảo đầu ra của sản phẩm đồng đều?
“Chìa khóa” để Xavia cho ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng đầu ra đồng đều đó là chia công việc thành nhiều công đoạn và ứng dụng mô hình liên kết trong sản xuất. Mỗi khâu, từ tìm kiếm, thu gom đến sản xuất, vận chuyển, được phân chia cho mỗi nhóm lao động riêng. Chẳng hạn, người nông dân, không thể đòi hỏi đôi tay quá khéo léo, sẽ chỉ cần xử lý nguyên liệu thô. Hay trẻ khuyết tật, không thể làm được bông hoa đẹp như nghệ nhân, sẽ thực hiện khâu gia công, phân loại nguyên vật liệu. Những người thợ khéo tay sẽ sáng tạo tác phẩm theo dây chuyền. Đó là cách chúng tôi vận hành Xưởng hoa.
"Tuổi đời" của các sản phẩm làm từ hoa khô có phải là thử thách đối với chị và cộng sự?
Có thể nói các sản phẩm của Xavia khá bền. Nhiều sản phẩm được làm từ khi tôi bắt đầu hoạt động, tức là từ năm 2008, đến bây giờ vẫn còn nguyên. Hồi đó, có những khách hàng đặt tranh cưới kèm hoa khô, đến nay họ đã có hai, ba người con mà bức tranh vẫn được trân trọng và treo ngay ngắn trong phòng khách của gia đình. Những sản phẩm mang tính chất kỷ niệm như vậy, để đảm bảo sản phẩm bền nhất có thể, tôi sẽ lồng trong khung kính, như một cách giúp khách hàng lưu giữ những ký ức đẹp một cách lâu dài.
Nhiều khách đặt mua hàng của Xavia không phải vì những sản phẩm đã cũ, hỏng hay xấu đi. Đôi khi người ta thay đổi chỉ vì “ngắm mãi cũng chán”. Có những cành hoa đã trưng hơn một năm, vẫn còn đẹp nguyên, nhưng giờ khách hàng gửi lại Xưởng để đổi sang một cành hoa khác vì muốn thay đổi không gian căn nhà. Tất nhiên chẳng có gì bền mãi với thời gian, con người cũng không thể trẻ mãi được. Dù có nhiều công thức và chất liệu tốt để nhuộm hoa, sẽ có lúc những chiếc lá, bông hoa phai màu hoặc dần oải đi.
Một số ý kiến cho rằng sản phẩm thủ công tái chế, thường có chất lượng thấp hơn sản phẩm từ vật liệu mới. Điều gì ở Xavia thuyết phục người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm của mình?
Không thể nói rằng các nguyên vật liệu tái chế không sánh bằng hàng mới. Ví dụ, tôi vẫn giữ một bức tranh được làm từ lá sen vào năm 2010, tuy không được lồng kính nhưng vẫn bền đẹp cho đến hiện tại. Tại sao ta cứ nghĩ rằng đồ thủ công là nhanh hỏng? Câu chuyện về độ bền của sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào cách bảo quản mà còn do chất liệu sử dụng. Nếu sử dụng loại gỗ không phù hợp, sản phẩm sẽ bị oải mục nhanh chóng. Tuy nhiên, Xưởng hoa chúng tôi luôn lựa chọn loại gỗ chất lượng như gỗ đào hoặc gỗ lê. Do đó, sản phẩm có thể “sống” khá lâu dài.
Trong hơn một thập kỷ “sống” cùng hoa khô, chắc hẳn chị đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật. Vậy tác phẩm nào làm chị ấn tượng nhất?
Có lẽ có nhiều kỷ niệm với tôi nhất là tác phẩm mang tên “Hương thu” được một khách hàng mua và đưa đi đấu giá làm từ thiện. Bức tranh được tạo nên bởi những bông hoa dệt từ vỏ ngô, gợi lên hương vị man mác, xốn xang của mùa thu. Ban đầu, giá khởi điểm của bức tranh là 3,8 triệu đồng, nhưng vào buổi đấu giá đã đạt đến 35 triệu. Khi đó, tôi có chia sẻ thêm đôi lời về câu chuyện và thông điệp đằng sau bức tranh, thì con số đã là 65 triệu đồng, cao nhất trong các sản phẩm ở buổi đấu giá ngày hôm đó. Điều này làm tôi vô cùng cảm kích. Chắc hẳn bức tranh phải đẹp và có ý nghĩa thì người ta mới đưa ra mức giá cao như vậy.
Đa số các sản phẩm độc bản của Xavia đều mang những giá trị và thông điệp ý nghĩa. Vậy các thông điệp ấy ra đời như thế nào?
Mỗi tác phẩm tôi sáng tạo đều chứa đựng thông điệp riêng với ý tưởng khởi phát từ tâm hồn. Không ai có thể thay thế người khác trong quá trình tư duy và cảm nhận một tác phẩm. Với những sản phẩm của Xavia, có thể nhiều người chỉ thấy được vẻ đẹp bên ngoài, nhưng tôi nhìn thấy được tận cùng vẻ đẹp ấy: từng giọt mồ hôi của những người nông dân, từng đôi bàn tay của một đứa trẻ khuyết tật đang cắt tỉa và tạo hình cánh hoa, thấy cả công sức và tâm huyết của mình gửi gắm vào từng tác phẩm.
Thực tế, tôi chưa từng trải qua các khóa học chính thống ở các trường đào tạo mỹ thuật hay bất kỳ lớp học nghệ thuật nào. Tất cả những tác phẩm của tôi xuất phát từ cảm xúc, từ sự tương tác với cuộc sống hằng ngày. Nghệ thuật là một thế giới vô cùng đa dạng, giá trị thực sự của tác phẩm nằm ở cảm nhận và câu chuyện của người nghệ sĩ.
(còn nữa...)
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.