(Sóng trẻ) – “Với mình, thành phố hay nông thôn không phải là rào cản mà sự ngừng học của giáo viên mới chính là tụt hậu. Và dù là ở đâu, mảnh đất khô cằn hay màu mỡ, nếu như chúng ta có niềm tin và sự cố gắng, chắc chắn thành công sẽ đơm hoa, kết trái”, cô giáo Hà Ánh Phượng một trong top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 chia sẻ.

Biến thách thức thành cơ hội

Sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi nghèo Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, cô giáo Hà Ánh Phượng từ khi học lớp 6 đã có niềm đam mê đặc biệt với môn tiếng Anh: “Tiếng Anh đối với mình là một sở thích và một khi đam mê đã ăn sâu vào tiềm thức thì bằng cách này hay cách khác mình cũng sẽ quyết tâm theo đuổi đến cùng”.

Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, cô Phượng trúng tuyển vào Đại học Hà Nội. Sau đó, nữ sinh dân tộc Mường ấy đã chăm chỉ tham gia các lớp học và trở thành giáo viên trung tâm Anh ngữ có tiếng tại Hà Nội, một phiên dịch cho sự kiện của đơn vị đến từ 18 quốc gia khác nhau trên thế giới.

Đặc biệt, trong một lần tham gia phiên dịch hồi năm cuối đại học, nhờ vào khả năng tiếng Anh cùng kiến thức về dược do mẹ làm trong lĩnh vực này, cô Phượng được một công ty dược của Pakistan mời làm Giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với mức lương khá cao, lên tới ngàn đô.

“Đối với một sinh viên sắp ra trường thì đây là một lời mời, một cơ hội vô cùng hấp dẫn và mình cảm thấy rất vui. Nhưng quả thật, ngoài khả năng về tiếng Anh thì các kiến thức về luật kinh doanh, về quản lý… không phải là thế mạnh của mình nên mình đã thẳng thắn từ chối. Hơn nữa, tình yêu và ước mơ trở thành giáo viên dạy tiếng Anh vẫn còn cháy bỏng và mình đã quyết tâm theo đến cùng” – cô giáo Hà Ánh Phượng chia sẻ.

Từ chối với mức lương ngàn đô, năm 2016, sau khi bảo vệ xuất sắc luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, cô Phượng trở về quê hương dạy học ở ngôi trường miền núi Trung học phổ thông Hương Cần với gần 90% học sinh là người dân tộc thiểu số.

(Đồ họa: Nguyễn Thúy)
(Đồ họa: Nguyễn Thúy)

“Sau nhiều cuộc hành trình, mình chọn điểm dừng chân cuối cùng là quê hương. Bởi hơn ai hết mình thấu hiểu được những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

Nhiều người cho rằng ở thành phố sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn ở nông thôn. Nhưng mình nghĩ rằng ở đâu cũng vậy, cũng sẽ có những thách thức và cơ hội của riêng nó. Hơn nữa, đối với mình, thành phố hay nông thôn không phải rào cản mà sự ngừng học của giáo viên mới chính là tụt hậu. Trở về quê hương cống hiến và làm những gì mà mình yêu thích thì đó là một điều vô cùng tuyệt vời”.

Từ “vườn chuối” vươn ra thế giới

Thời gian đầu khi trở về trường, ít ai biết cô giáo ấy đã trăn trở với rất nhiều phương pháp dạy học khác nhau, song đều không hiệu quả. Bởi hầu hết các em học sinh ở đây đều là người dân tộc thiểu số và không có nhiều cơ hội được tiếp xúc với thế giới bên ngoài.

“Các bạn học sinh ở đây không có nhiều điều kiện để phát triển bản thân như các bạn học sinh ở thành phố như là đi học ở Trung tâm anh ngữ để có thể nói chuyện với giáo viên nước ngoài hay học các chương trình được thiết kế đặc biệt để nâng cao năng lực ngoại ngữ. Chính vì vậy mà mình thấy được rất rõ trong tính cách của các em là có phần nhút nhát, rụt rè và hiểu biết về thế giới bên ngoài, về văn hóa của các quốc gia còn hạn chế”.

Thế nhưng, với mong muốn là người truyền cảm hứng để các em học phát triển năng lực thành công dân toàn cầu, cô giáo ấy vẫn luôn có niềm tin vào học trò của mình: “Với mình, mình nghĩ rằng đây là một cơ hội chứ không phải thách thức bởi vì bản thân bất cứ bạn học sinh nào người dân tộc thiểu số khi mà sinh ra, các bạn đó đều là những đứa trẻ đa ngôn ngữ. Các bạn vừa có thể nói được tiếng Kinh, vừa có thể nói được tiếng dân tộc của riêng mình. Và nếu như bố bạn ý là người dân tộc Dao, mẹ bạn là người dân tộc Mường thì ngay từ lúc bé bạn ý đã có thể nói được 3 ngôn ngữ rồi. Vậy nên, việc học thêm một ngôn ngữ nữa là lợi thế”.

(Đồ họa: Nguyễn Thúy)
(Đồ họa: Nguyễn Thúy)

Niềm tin ấy lại một lần nữa được khẳng định, trong một buổi sinh hoạt chuyên môn, khi cô Phượng có dịp trò chuyện với thầy giáo người châu Phi. Cô nhận ra, dù thầy đến từ đất nước có GPA thấp hơn Việt Nam, nhưng chỉ số phát triển tiếng Anh lại cao hơn rất nhiều.

Và rồi, trong buổi ngày hôm đó, nói vui theo cách của cô Phượng là được “giải ngố” bởi cô đã học được phương pháp dạy tiếng Anh có tên gọi SVA: "SVA thực ra là viết tắt của: Situation (đặt học sinh vào trong tình huống) - Visualization (Học từ mới thì phải hình dung nó ra thế nào) - Action (Hành động - Lặp lại từ đó mỗi ngày).

Tức là chúng ta phải tăng tần suất học từ mới, đồng thời khi học phải hình dung từ đó trong ngữ cảnh cụ thể thế nào. “Phương pháp này có lẽ không hề mới, nhưng đối với mình, lại mở ra cách học được định hình cụ thể rất nhiều. Vậy nên mỗi buổi dạy, mình đã cho các em học sinh kết nối với các bạn cùng trường quốc tế mà mình biết”, cô Phượng chia sẻ.

Anh ngữ là sinh ngữ

Với quan điểm dạy học “Anh ngữ là sinh ngữ”, hiểu được những khó khăn mà học sinh đang phải đối mặt, cô Phượng muốn làm điều gì đó khác biệt để giúp học trò học tiếng Anh hiệu quả: “Trở về quê với mong muốn các em học sinh không chỉ tiến bộ về khả năng học tiếng Anh mà còn tiến dần lên công dân toàn cầu nên mình đã nghĩ đến việc một lớp học vượt ra ngoài những bức tường. Và quan điểm “Anh ngữ là sinh ngữ” cũng ra đời từ đó.

Nếu như tiếng Anh không có môi trường ắt hẳn nó sẽ không tồn tại lâu. Nó cũng  giống như một con cá lúc nào cũng cần phải có nước. Chính vì thế, khi dạy tiếng Anh mình luôn cố gắng làm sao tạo môi trường ngoại ngữ nhiều nhất có thể cho các em”.

Với nhiệt huyết, đam mê, mạnh dạn đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin, năm 2018, cô Phượng bắt đầu tham gia cộng đồng Giáo viên Sáng tạo toàn cầu của Microsoft - nơi thầy cô và học trò ở khắp nơi trên thế giới có thể tương tác với nhau thông qua ứng dụng Skype.

Từ đó, mỗi tiết học của cô đều được xây dựng thành "lớp học xuyên biên giới”. Khi là điểm cầu Washington, điểm cầu Hàn Quốc... và điểm cầu còn lại chính là lớp học miền núi.

Ngoài giờ lên lớp, cô giáo 9X còn cùng một nhóm giáo viên tham gia dạy trực tuyến miễn phí cho trẻ em nghèo ở Ấn Độ, Nam Phi… Cô cũng dành thời gian dạy văn hóa Việt Nam cho những đứa trẻ gốc Việt ở California (Mỹ). 

Nhờ vào “lớp học xuyên biên giới” của cô Phượng, những tiết học tiếng Anh của các em học sinh trường Trung học phổ thông Hương Cần không còn nhàm chán mà hết sức hấp dẫn. Năng lực tiếng Anh của các em cũng dần được cải thiện. Đặc biệt, không cần visa các em đã du lịch tới 40 quốc gia khác nhau với biết bao câu chuyện văn hóa thú vị và những tình bạn xuyên biên giới.

"Mình rất vui vì việc làm của mình đã truyền cảm hứng lớn, nguồn năng lượng tích cực cho các em học sinh để các em hiểu rằng dù ở bất cứ nơi nào nếu các em có sự cố gắng thì ở đó sẽ có sự nở hoa", cô Phượng chia sẻ.

Tiếp tục làm “cô giáo làng”

Say mê, cố gắng và luôn sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, năm 2020, cô giáo trẻ người dân tộc Mường vượt qua hàng chục nghìn ứng viên để vào top 50 và tiếp tục lọt vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu do Ban tổ chức giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) - Quỹ Varkey (Varkey Foudation) bầu chọn. Đây là giải thưởng được ví như Giải Nobel về giáo dục.

Đặc biệt, trong tháng thanh niên năm nay, cái tên Hà Ánh Phượng lại tiếp tục vang lên, khi Trung ương Đoàn công bố cô giáo Hà Ánh Phượng lọt vào Danh sách 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020, lĩnh vực hoạt động xã hội.

(Đồ họa: Nguyễn Thúy)
(Đồ họa: Nguyễn Thúy)

Cho đến thời điểm này, dù nhận được nhiều lời mời giảng dạy từ các đơn vị, cơ sở giáo dục nhưng cô Phượng hết lần này đến lần khác từ chối vì bản thân vẫn mong muốn gắn bó với môi trường hiện tại: “Mình nghĩ rằng lý do mình trở về quê ngày xưa như thế nào thì chính là lý do đang gắn với mình ngày hôm nay. Mình vẫn sẽ tiếp tục làm cô giáo làng vì sứ mệnh các học trò và với quê hương”.

Chia sẻ thêm về những dự định trong thời gian tới, cô Phượng tâm sự muốn tiếp tục hoàn thiện dự án “Phòng chống bạo lực trên không gian mạng” cùng học trò nghiên cứu suốt thời gian qua để lan tỏa tích cực tới nhiều trường học trong và ngoài nước. Đây là dự án phi lợi nhuận được thực hiện với mong muốn nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh trong việc phòng, chống bạo lực trên không gian mạng. Qua đó, cùng kết nối với học sinh các trường trong và ngoài nước bày tỏ quan điểm, tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng này…

Bên cạnh đó, cô cũng sẽ tiếp tục phát triển kênh YouTube cá nhân để có thêm nguồn tài liệu học tiếng Anh miễn phí - chất lượng cho học sinh cả nước.

Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Tin nổi bật4 ngày trước

(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

XEM THÊM TIN