(Sóng trẻ) – Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, các công tác phòng chống dịch luôn được triển khai và cập nhật liên tục trên trang tin của  Bộ Y tế. Bên cạnh những hệ lụy từ dịch bệnh, thì Việt Nam lại đang được chứng kiến nhiều sự thay đổi “đáng mừng”.

Khi Covid-19 bắt đầu được WHO nâng lên mức khẩn cấp trên toàn cầu với số ca nhiễm và số ca tử vong liên tục tăng, Vũ Hán - Trung Quốc được cho là “tâm bão” của dịch bệnh. Trước mức độ nguy hiểm và dễ lây lan của virus, Việt Nam đã đưa ra hàng loạt các quyết định để kịp thời ứng phó và chủ động phòng dịch. Mới đây, tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá cao và ghi nhận Việt Nam trong việc xử lý dịch Covid-19 rất tốt. Nhờ các chỉ đạo kịp thời của bộ, ban, ngành trước dịch bệnh mà người dân đang được chứng kiến những điều “đặc biệt”, tích cực khác hẳn so với ngày thường.

Quán xá vắng vẻ

Trước các khuyến cáo của Bộ Y tế không tụ tập nơi đông người để tránh sự lây lan của virus, nhiều người dân đã dừng việc đi ăn hàng quán. Những trung tâm thương mại, quán cà phê ở Hà Nội vốn đông khách vào các ngày cuối tuần, nay đã vắng vẻ hẳn, lượng khách vào quán nhiều khi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều quán ăn vỉa hè cũng tự động đóng cửa vì không có người mua. Quán mở thì chỉ có lác đác vài người ngồi ăn. 

3e9322d8f_quanxa.jpg

Dù là cuối tuần nhưng nhiều quán ăn vỉa hè vẫn vắng khách

Thường thì vào giờ ăn mỗi ngày cuối tuần, ở nhiều địa điểm ăn uống hiếm khi có cảnh quán xá "vắng như chùa bà Đanh" này. Việc tụ tập hàng quán được cho là thói quen phổ biến của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Có những tụ điểm ăn uống, nhậu nhẹt xuyên đêm mang lại nhiều hệ lụy đáng quan ngại nay cũng đã thưa dần. Chính việc nà đã góp phần giúp cho nhiều người nhìn nhận và thay đổi những thói quen tiêu cực trong văn hóa ăn uống thường ngày. 

Lễ hội không còn tiêu cực

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cũng yêu cầu dừng tất cả các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc tại các nơi đã công bố dịch; tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, để tránh tập trung đông người, kịp thời thông báo cho nhân dân, du khách biết để thực hiện.

3e9322d8f_lehoi2.jpg

Chỉ đạo dừng tất cả các lễ hội từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

3e9322d8f_lehoi1.jpg

Nhiều tỉnh thành cũng đồng loạt thực hiện chỉ đạo, ra quyết định kịp thời để phòng dịch

Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng, điều không may khi phải tạm dừng các lễ hội để phòng chống dịch bệnh cũng được coi là cơ hội để hiểu sâu sắc ý nghĩa của văn hóa xưa. Bởi lẽ nhiều lễ hội vốn có truyền thống rý nghĩa đã bị đưa vào các yếu tố tâm linh, thu hút lượng khách lớn đổ về để phát triển thương mại cho địa phương dẫn đến sai lệch, mất kiểm soát.

 

Hình ảnh chen lấn, đổ xô của biển người tại Lễ hội đền Hùng vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương. 

Hằng năm, cứ vào mùa lễ hội tại các Đền, Chùa lớn lại diễn ra việc quá tải du khách trở về hành hương, dẫn đến những khó khăn trong vấn đề kiểm soát, tổ chức lễ hội. Các nét đẹp văn hóa bị biến tướng, lệch lạc do ý thức chen lấn, xô đẩy của người dân, hiện tượng tranh nhau cướp lộc đền, chùa trở nên quen thuộc vào những ngày đầu năm tại lễ hội.

Nhưng năm nay, khi các lễ hội bị dừng do dịch bệnh, người dân không còn thấy những hình ảnh tiêu cực như trước. Một mùa lễ hội được cho là “im ắng”, nhiều người đã lựa chọn ở nhà thay vì đi du xuân giống mọi năm. Khách thập phương cũng tự bảo vệ mình phòng chống dịch bệnh, không còn hiện tượng phấn khích, tranh giành. Việc hạn chế lễ hội phòng Covid-19 cũng chính là dịp để mọi người nhìn lại những tiêu cực không đáng có trong nhiều mùa lễ hội đã qua. 

Không khí trong lành

Tại Hà Nội, vào ngày 16/2 các chỉ số không khí (AQI) hầu hết đều ở ngưỡng từ 0 – 50, chất lượng không khí được đánh giá là tốt cho sức khỏe. Điều này trở nên vô cùng “hiếm hoi” khi trước đây, chỉ số (AQI) của Hà Nội thường xuyên ở mức đáng báo động, bụi mịn trong không khí cao, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

3e9322d8f_khongkhi.jpg

Chất lượng không khí được đo tại Hà Nội với tín hiệu “đáng mừng”. (Ảnh: VTV24)

Không khí được đánh giá tốt cho sức khỏe là do các phương tiện đi lại giảm đáng kể trong mùa dịch. Các trường học đều nghỉ theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mọi người đều tránh dịch và hạn chế ra đường. Nhiều người cho rằng đường phố Hà Nội mùa dịch “vắng vẻ như mùng 1 Tết”.

Điều này cũng làm cho Hà Nội không còn cảnh tắc đường vào những giờ cao điểm, xe cộ đi lại thông thoáng, nhiều người đã phải bất ngờ vì những hình ảnh “hiếm thấy” của thủ đô so với thường ngày.

Mọi người có ý thức hơn trong chăm sóc sức khỏe

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, mọi người dân đều có ý thức hơn trước việc bảo vệ sức khỏe của bản thân. Các sản phẩm tăng cường sức đề kháng, nước rửa tay khử trùng được tiêu thụ với số lượng khá lớn. 

Trước các khuyến cáo từ Bộ Y tế, hầu hết người dân ra đường đều trang bị khẩu trang phòng chống lây lan dịch bệnh. Nhiều món ăn tăng cường miễn dịch được các gia đình chú ý hơn. Các thói quen ăn uống lành mạnh trở nên phổ biến. 

3e9322d8f_phongchong.jpg

Khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm giảm nguy cơ mắc virus

Covid-19 đã làm cho người dân thay đổi lối sống tích cực một cách nhanh chóng, tuy có phần hoang mang nhưng mọi người đều trở nên chủ động trước cách phòng tránh, giảm thiểu rõ rệt những điều tiêu cực. Liệu dưới sự tác động của Covid-19, chúng ta đã tranh thủ nhìn nhận lại cuộc sống tiêu cực của mình hay chưa? 
Như Quỳnh

Covid-19 và những điều thay đổi đặc biệt

(Sóng trẻ) – Trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19, các công tác phòng chống dịch luôn được triển khai và cập nhật liên tục trên trang tin của Bộ Y tế. Bên cạnh những hệ lụy từ dịch bệnh, thì Việt Nam lại đang được chứng kiến nhiều sự thay đổi “

Video 4 năm trước