Đi dọc theo con đường Đặng Bá Hát đẹp như một dải lụa, chúng tôi tìm đến quán nước đã hẹn từ trước. Nếu như trước đây, con đường này là những hố bom loang lổ mà quân thù trút xuống thì giờ đây, thay vào đó là hình ảnh đường phố khang trang, sạch đẹp. Đây cũng chính là nơi mà Đại đội pháo cao xạ 37mm từng đóng quân. Dù đã đến sớm hơn giờ hẹn nhiều nhưng họ đã ngồi đây đầy đủ từ bao giờ. Chúng tôi nửa bất ngờ nửa ngại ngùng.
Những pháo thủ trẻ trung, gan dạ ấy đã trở thành những cụ ông, cụ bà bảy, tám mươi, tóc đã bạc, mắt đã mờ. Thế nhưng họ vẫn giữ nguyên “chất lính” của mình. Tác phong nhanh nhẹn, ánh mắt kiên cường, những tiếng cười của họ mang đến niềm vui cho những người xung quanh.
Trước đây, Đại đội Đặng Bá Hát có tên là Đại đội tự vệ pháo cao xạ 37mm, thành lập năm 1960, thuộc Công ty Tuyển than Hòn Gai (trước là Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai) quản lý, hiện là đơn vị tự vệ duy nhất trong ngành Than làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu 24/24h, bảo vệ khu vực phòng thủ trên địa bàn TP. Hạ Long.
Được tiếp xúc với các nhân chứng lịch sử và những cựu chiến sĩ Đại đội tự vệ pháo cao xạ 37mm của Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai, chúng tôi đã nghe họ sẻ chia nhiều kỷ niệm buồn vui cùng không ít những giọt nước mắt.
Đại đội tự vệ pháo cao xạ 37mm của Xí nghiệp tuyển than Hòn Gai gồm 43 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Đặng Bá Hát làm Đại đội trưởng kiêm Bí thư Chi bộ. Đại đội được trang bị 4 khẩu pháo cao xạ 37mm.
Theo tìm hiểu, ngay từ những ngày đầu thành lập, xí nghiệp đã nhanh chóng xây dựng một đơn vị tự vệ bao gồm công nhân làm việc ở các phân xưởng, nhà máy, nhà sàng, than luyện, hỏa xa. Đồng thời tổ chức huấn luyện quân sự tích cực chuẩn bị về mọi mặt và sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Ngày 05/08/1964, Đế quốc Mỹ đã leo thang chiến tranh đưa máy bay ném bom miền Bắc Việt Nam, trong đó có thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh). Các chiến sĩ tự vệ bến Hòn Gai đã chiến đấu anh dũng, cùng với các lực lượng phòng không, hải quân và tự vệ của các đơn vị khác tạo nên lưới lửa góp phần bắn rơi ba máy bay, bắt sống phi công Mỹ Evereet N. Alvarez khi hắn nhảy dù xuống vịnh Hạ Long. Sau trận đánh này, thợ mỏ Đặng Bá Hát và 27 chiến sĩ tự vệ của đơn vị được tặng thưởng huy hiệu 05/08.
Ánh mắt rực sáng, hai bàn tay bóp chặt, ông Sang - người đồng đội năm xưa tự hào: “Trong trận chiến đấu ác liệt với máy bay Mỹ, Đại đội tuy bị tổn thất nặng nề, song với tinh thần chiến đấu quả cảm, chúng tôi - những chiến sĩ Đại đội pháo phòng không 37mm tự vệ Xí nghiệp Bến Hòn Gai đã góp phần bắn rơi máy bay địch, bảo vệ bến phà và vùng mỏ, bảo đảm giao thông thông suốt”.
Với tinh thần không ngừng nỗ lực chiến đấu, trận địa pháo phòng không 37mm năm ấy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997. Năm 2006, Đại đội đã được đổi tên thành Đặng Bá Hát, thuộc Công ty Tuyển than Hòn Gai.
Tiếp nối truyền thống anh hùng và thành tích vẻ vang của Đại đội, ngày nay các thế hệ trẻ vẫn đang kế thừa và phát huy, luôn sẵn sàng chiến đấu, tham gia bảo vệ vùng trời, vùng mỏ Quảng Ninh.
Đứng ở nơi tưởng chừng có bao nhiêu nắng, trời gom cả vào để đổ xuống mảnh đất này, chúng tôi ngẫm thấy, cái khó khăn trong đời sống sinh hoạt mà những người lính “canh trời” nơi đây đã phải đối mặt thật quá đỗi gian lao.
Khi chúng tôi đề cập tìm hiểu về những khó khăn mà người lính đại đội pháo cao xạ 37mm đã phải vượt qua, bà Trần Thị Hường không trả lời ngay mà thả ánh nhìn xa xăm rồi mới cất lời: “Đời sống lúc bấy giờ thiếu thốn trăm bề nhưng anh em trong đại đội mỗi người đều cố gắng, góp gió thành bão ấy mà cũng qua”.
Bà Phạm Thị Thuý nói tiếp: “Chúng tôi có gì ăn nấy bởi có được cái ăn là hạnh phúc lắm rồi. Có những ngày chúng tôi chỉ ăn sắn rồi uống nước cầm hơi”. Thật vậy, là vùng đất cảng nhưng chẳng mấy khi có cá mà ăn, bởi nơi đại đội đóng quân ở tận đồi cao. Có những hôm được bà con thương cho ít cá, ít tôm, anh em mừng lắm. Có lẽ vì những thứ đó có thể kho mặn ăn được nhiều ngày.
Việc sinh hoạt trên địa hình núi cao nên cuộc sống cũng khó khăn hơn nhiều. Hàng ngày các anh em trong đại đội chia nhau đi gánh nước, quãng đường cả đi và về ngót nghét 20km. “Thật sự mà nói thì vô cùng khó khăn. Thế nhưng lúc đó chúng tôi chẳng hề quan tâm, kể cả chuyện sống chết. Khí thế chúng tôi như trời rung đất chuyển, chỉ nghĩ đến việc tiến công và chiến thắng thật nhanh” - ông Đoàn Thành xúc động kể lại.
Sống cùng bom đạn nên chuyện bị thương là không thể tránh. Bấy giờ, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, y tế cũng chẳng khá hơn. Bà Trần Thị Hường vừa kể vừa nghẹn, những lúc đồng đội bị thương nặng nhưng không có bông băng, anh em thậm chí phải xé màn, có khi xé cả quần áo để sơ cứu cho đồng đội cầm máu. Có những trường hợp cần cấp cứu kịp thời, đồng đội cùng hợp sức để khiêng băng ca xuống tận chân đồi để cứu chữa.
Những năm tháng cùng nhau ra trận, không ít những giọt nước mắt đã rơi ngay trên tuyến lửa. Song, đó là những giọt nước mắt không phải vì cô đơn, vì chiến tranh ác liệt, vì sợ hãi, đói khát, mà vì nghĩa tình những người đồng đội dành cho nhau.
Mỗi gương mặt, mỗi người chiến sĩ họ đang ngồi đây, trong thời bình cách mấy mươi năm sau nhưng lại như làm sống lại lịch sử một thời “bom đạn chiến tranh”, mà ở đó có một kí ức không thể nào quên: Trận đánh ngày 12/07/1972.
Khi được chia sẻ về một thời hoa lửa, những “pháo thủ thép” ngày ấy không ngăn được dòng nước mắt nghẹn ngào, xúc động.
Xuôi theo dòng ký ức của những người kể chuyện, chúng tôi quay về thước phim ngày 12/07/1972. Hôm ấy, giặc Mỹ mở đợt tấn công quy mô lớn vào miền Bắc, nhiều tốp máy bay Mỹ liên tục đánh phá dữ dội vào thị xã Hòn Gai. 9h sáng ngày 12/07, địch cho máy bay trinh sát vọt qua phía đông trận đánh, 10h địch trinh sát lần thứ hai, máy bay Mỹ ngập trời, nòng pháo nào cũng đỏ lựng, Đặng Bá Hát - đại đội trưởng phất cờ lệnh bắn, cả đại đội đồng loạt nổ súng. Trận đánh hay, mọi người đều rất vui, đại đội phó Đoàn Thành xuất 2kg gan vừa mua được dưới khu sơ tán để nấu một nồi cháo khao quân.
Đến 15 giờ 45 phút, tất cả các đài quan sát đều bắt được mục tiêu, 16 chiếc máy bay địch từ hướng đông nam theo đường Khe Cá lên bắc Bàng Danh (mỏ Hà Tu), rồi quay ngoắt lại đánh vào nhà máy nước ngọt, 22 chiếc lao thẳng từ hướng đông đánh thẳng vào bến phà Bãi Cháy. Cùng lúc ấy, từ hướng 34 (hướng đông nam thị xã Hòn Gai), có 2 chiếc máy bay địch lao tới đánh thẳng vào trận địa, đơn vị vừa phải đánh chi viện vừa phải đánh trực tiếp để bảo vệ trận địa. Hai chiếc A6 bổ nhào cắt 4 thùng bom xuyên vào trận địa, khói bom, đất đá mù mịt, nhà cửa đổ rầm rầm, đường ray bị lật ngửa bên đường, tiếng súng đánh trả đồi pháo rung lên từng đợt.
Dù cho bị thương, nhưng Đặng Bá Hát - người đại đội trưởng kiên cường vẫn cố gắng đứng thẳng phất cờ lệnh cho đồng đội nhả bom đạn vào máy bay địch. Đặng Bá Hát hô lớn: “Tập trung hỏa lực bảo vệ người và phà…”, khẩu lệnh bắn liên tục được anh hô vang, toàn đội tập trung quan sát tiêu diệt mục tiêu, đạn, pháo liên tục vút lên. Nhưng bọn địch xảo quyệt cho 2 máy bay từ hướng Hoành Bồ bay ra với thủ đoạn bay thấp, đánh lén. Trận địa trúng bom, hai quả bom xuyên nổ cách Đặng Bá Hát không đầy 1m, nhiều mảnh bom găm vào người ông, ông bị mảnh bom xuyên thủng bụng. Với tinh thần chiến đấu, một lòng muốn bảo vệ vùng mỏ nên dù đau đớn về thể xác, một tay giữ chặt vết thương, tay kia ông vẫn cầm chắc cờ lệnh và miệng còn hô vang: “Bắn…bắn…bắn!”. Do vết thương quá nặng, bộ quần áo ông thấm đẫm màu máu đỏ, 16 giờ 40 phút, Đặng Bá Hát hy sinh!
28 người bị thương, 4 đồng đội đã mãi mãi nằm xuống. Dường như đó là sự mất mát sẽ không bao giờ nguôi ngoai sẽ nằm mãi trong ký ức những người ở lại. Cả đại đội 58 người giờ chỉ còn phân nửa, cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục do Mai Văn Ngôn - đại đội phó chỉ huy thay liệt sĩ Đặng Bá Hát. Bốn khẩu 37 đều bị hỏng ngắm bắn, tất cả pháo thủ phải quỳ ngắm bắn như bắn súng bộ binh.
Máy bay Mỹ liên tục rụng. Khoảnh khắc những người lính ngã xuống trên chiến tuyến, khoảnh khắc người đội trưởng Đặng Bá Hát mãi mãi yên nghỉ ở vị trí chỉ huy nhưng tay vẫn không rời cờ lệnh… Đau thương nhưng anh dũng. Đó là sự ghi dấu cho một tinh thần anh dũng của một đại đội kiên cường, bất khuất.
Sau khi Đặng Bá Hát hi sinh, lá cờ lệnh trong trận chiến đấu đã được sưu tầm và được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 3. Với những cống hiến và chiến công xuất sắc trong chiến đấu và lao động sản xuất, đầu năm 1973, Đại đội pháo cao xạ 37mm vinh dự được chủ tịch nước Tôn Đức Thắng trao tặng lẵng hoa ngay tại trận địa. Xí nghiệp bến Hòn Gai được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội
(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.
Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá
(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.
Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác
(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.