Với kỹ thuật chế tác tinh xảo, làng kim hoàn Định Công (Hà Nội) là một trong bốn nghề thủ công tinh hoa nhất đất Kinh kỳ xưa "lĩnh hoa Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã". Sau khoảng thời gian tưởng chừng như thất truyền, nay vẫn có những nghệ nhân miệt mài giữ nghề…
Về "thủ phủ" nghề đậu bạc xưa, đi dọc phố Định Công, những xưởng đậu bạc ngày xưa đã không còn, thay vào đó là những hàng quán, cửa hiệu khang trang mọc lên san sát.
Đến nay người Định Công vẫn truyền nhau câu chuyện: Thế kỷ VI, ở làng có 3 anh em họ Trần theo nghề làm vàng bạc là: Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền đã dạy cho dân làng cùng làm.
Với kỹ thuật chế tác tinh xảo, Định Công trở thành làng nghề làm bạc nổi tiếng, là một trong bốn nghề thủ công tinh hoa nhất đất Kinh kỳ xưa. Gắn liền với câu ca được dân gian lưu truyền "lĩnh hoa Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã". Cũng vì thế mà nhiều người thợ trong làng được tuyển lựa vào cung làm đồ trang sức cho vua chúa.
Làng nghề kim hoàn Định Công đã trải qua bao thăng trầm biến cố, có giai đoạn nghề này gần như biến mất hoàn toàn. Nghệ nhân Quách Văn Trưởng năm nay đã ngoài 80 nhớ lại, thời kỳ bao cấp 1976 – 1985, nhà nước thực hiện những chính sách cải cách kinh tế, vàng bạc bị quản lý rất chặt chẽ. Không có nguyên liệu, kinh tế khó khăn khách hàng cũng hầu như không có. Vì thế “nghề này ở Định Công gần như biến mất hoàn toàn”.
Mang trong mình nhiều vết thương do bom đạn, nhưng nghệ nhân Quách Văn Trường quyết tâm cùng cháu trai là nghệ nhân Quách Văn Hiểu khôi phục nghề đậu bạc truyền thống của làng Định Công.
Nghệ nhân ưu tú Quách Văn Trường kể lại: "Từ năm 1986, lúc bấy giờ kinh tế mở những hàng mỹ nghệ miền Nam du nhập về miền Bắc. Tôi thấy với cái nghề quý là nghề đậu bạc Định Công và tiếc vì nghề truyền thống quý của quê hương Hà Nội. Tôi bắt đầu định hướng, khôi phục lại. Ra thị trưởng tham khảo sản phẩm vàng bạc, sau đó kết hợp với các ý tưởng của mình sản xuất ra các sản phẩm độc đáo và tinh xảo”.
Các sản phẩm đậu bạc tại của hàng của gia đình Nghệ nhân Quách Văn Trường luôn được khách hàng đón nhận. “Có những thời điểm, sản phẩm không đủ bản, không dám nhận thêm đơn hàng vì không có thời gian”, ông Trường tự hào kể lại.
Nghề kim hoàn nói chung có 4 kỹ thuật chính là: trơn (làm nhẵn bóng, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn); đấu (lắp ráp các chi tiết); chạm (khắc hình vẽ, hoa văn trên sản phẩm) và đậu (ghép nhiều chi tiết nhỏ thành sản phẩm). Trong đó, kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ rất cao, khi làm phải đều tay, các chi tiết phải hài hòa, cân xứng.
Để có được một sản phẩm đậu bạc, trước tiên, người thợ kim hoàn phải nấu chảy bạc nguyên liệu thành các thanh, khi đổ thanh phải đều, trơn và không bị vón cục để khi cán không bị "dớp" (gãy, vỡ vụn). Sau đó đưa vào máy cán phải đảm bảo phẳng, mịn, không đứt đoạn, quá trình cán phải được "nướng" thường xuyên cho mềm.
Xong công đoạn cán là rút chỉ, tùy vào từng mẫu mã mà người thợ có thể rút các sợi "chỉ" có kích thước khác nhau, loại chỉ mảnh nhất có thể kéo đạt kích thước 0,26mm. Hai sợi chỉ như thế se lại với nhau để thành sợi chỉ se bạc. Những bộ phận tinh xảo đặc mang nét đặc trưng của nghề đậu bạc, chính xác đến từng chi tiết nhỏ.
Có những sản phẩm người thợ phải mất tới hàng tháng để hoàn thành. Người thợ đậu có tay nghề cao là khi tất cả các hoa văn của sản phẩm đều nhau, thậm chí không nhìn thấy những mối hàn liên kết các chí tiết.
Với những kinh nghiệm của mình, ông Trường khẳng định: "Nghề đậu bạc biểu trưng cho sự tinh xảo của nghề mỹ nghệ truyền thống, hoàn toàn làm thủ công và không thể thay thế bằng máy móc. Ngoài đôi bàn tay khéo léo, người thợ đậu bạc phải có con mắt thẩm mỹ cao và sự kiên nhẫn mới có thể làm được một tác phẩm hoàn hảo".
Tận mắt nhìn các sản phẩm đậu bạc, mới cảm nhận được sự khéo léo, tinh tế của người thợ qua từng nét uốn mềm mại, tinh xảo.
"Bén rễ" với nghề đậu bạc đã hơn nửa thế kỷ, nghệ nhân Quách Văn Hiểu, tâm sự: "Người làm nghề đậu bạc cũng như một người thợ dệt thổ cẩm. Sản phẩm đậu bạc như những tấm vải the, cả hai mặt đều mảnh mai, nhẹ nhàng như nhau, từ các sợi chỉ nhỏ li ti gắn kết với nhau bởi những vảy hàn dệt nên sản phẩm đậu bạc tinh xảo".
Sinh ra trong gia đình có nghề thống, được làm quen với công việc của người thợ kim hoàn từ nhỏ, nhưng để có thể trở thành một người thợ giỏi là cả một quá trình gian nan. Tính đến nay đã hơn 20 năm anh Tuấn Anh theo nghề đậu bạc truyền thống, thế nhưng anh vẫn nhớ rõ câu trả lời khi lần đầu tiên, được bố hỏi có theo nghề không.
Anh chia sẻ: "Mình đã trả lời dứt khoát rằng, không thể làm được, không thể ngồi chỗ này được vì nó quá tỉ mỉ so với tính cách của mình. Thế nhưng cho đến giờ, thực sự mình đã bị nghề lôi cuốn, bất cứ lúc nào mình cũng có thể ngồi làm để cho ra những mẫu sản phẩm mới".
Giữa thời điểm trên thị trường ngày càng có thêm nhiều thương hiệu vàng bạc mở ra, anh Quách Phan Tuấn Anh luôn giữ cho nghề truyền thống của ông cha mang một nét riêng để có chỗ đứng vững vàng. “May mắn được sinh ra trong gia đình có nghề truyền thống và 4 năm học Kinh tế đã giúp mình nhìn thấy cơ hội, thị trường phát triển nghề quý”.
Khi được hỏi về niềm đam mê với nghề, anh Quách Phan Tuấn Anh tự hào rằng: “Đầu tiên muốn gìn giữ nghề truyền thống của địa phương. Thứ hai, là trong lúc làm công việc này đòi hỏi sự tỉ mẫn chi tiết cao, mỗi một sản phẩm đều có 1 cái khó riêng, càng làm sẽ càng cuốn hút vào nó”.
"Giữ lửa" nghề, mở rộng xưởng sản xuất đậu bạc, giới thiệu nghề đến cho nhiều người biết đến hướng tới mục tiêu khôi phục lại nghề đậu bạc Định Công nức tiếng là mong muốn của nghệ nhân trẻ Quách Phan Tuấn Anh.
"Nhưng để tìm được một người yêu nghề, muốn gắn bó với nghề rất khó". Với những yêu cầu kĩ thuật cao của người thợ đậu bạc, không phải ai cũng sẵn sàng "chôn chân" một chỗ để tỉ mỉ se từng sợi bạc nhỏ.
Thế nhưng, vẫn có những bạn trẻ vì yêu thích sự tinh tế, tỉ mỉ của nghề đậu bạc đã tìm đến xưởng kim hoàn Định Công của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh xin theo học. Sinh ra tại một vùng quê có truyền thống chạm bạc tại Thái Bình, nhưng chàng thanh niên Đỗ Ngọc Tuấn (24 tuổi) lại chọn theo học nghề đậu bạc Định Công.
Tuấn chia sẻ: "Chọn theo nghề đậu bạc vì mình thấy đây là truyền thống đang bị mai một. Sản phẩm của nghề đậu bạc tinh tế từng chi tiết nhỏ và mình cũng thích sự tinh tế đố. 5 năm theo nghề, càng làm mình càng thấy yêu và muốn gắn bó với nghề".
Tại xưởng kim hoàn Định Công của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, không chỉ có Tuấn, còn rất nhiều các bạn trẻ cũng có tình yêu đặc biệt dành cho nghề đậu bạc.
Hiện tại, chưa nhiều bạn trẻ biết, yêu thích và muốn gắn bó với nghề đậu bạc truyền thống. Nhưng với nỗ lực của nghệ nhân trẻ Quách Phan Tuấn Anh và những bạn trẻ như Tuấn là tín hiệu vui cho nghề đậu bạc Định Công khi thức tỉnh sau hàng thập kỉ “ngủ quên”.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.