(Sóng trẻ) - Lớn lên trong vận nước rối ren, những người thanh niên thuở nào đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, giải phóng dân tộc.
Tôi được gặp Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho (thành viên nhỏ tuổi nhất tham gia Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu) lần đầu cách đây 4 tháng để lắng nghe những xúc cảm của ông về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Ở tuổi 91, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn còn rất mẫn tiệp và tinh anh, sức khỏe của ông vẫn còn rất tốt. Trong tiết thu Hà Nội, ông dành cho tôi một cuộc gặp gỡ tại nhà riêng, hai ông cháu tiếp tục say sưa những câu chuyện về năm tháng hào hùng của dân tộc.
Từ những câu chuyện của quá khứ, tôi được nhạc sĩ Doãn Nho kết nối để tới thăm hỏi, trò chuyện với ông Lê Đức Vân (tên thật là Nguyễn Hữu Phúc) - Trưởng ban Thường trực Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu và Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà (tên thật là Nguyễn Hữu Tự) - Phó trưởng ban Thường trực Ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Ông Vân và ông Hà cùng sinh năm 1928. Theo lời của nhạc sĩ Doãn Nho, “anh Vân và anh Hà” hiện nay là những bậc lão thành cách mạng cuối cùng của lớp người từng trực tiếp tham gia Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Quốc khánh 2/9 nói chung và của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu nói riêng.
Thuở ban đầu tham gia cách mạng, ông Lê Đức Vân đang là học sinh trường Bưởi khóa 1939-1943 (nay là trường THPT Chu Văn An). Trong môi trường học tập của phương Tây, ông càng nhận thức được bản chất tàn bạo của thực dân và nỗi nhục của người dân mất nước.
Cậu thanh niên Lê Đức Vân khi ấy được người bạn cùng khóa Vũ Oanh (đồng chí Vũ Oanh sau trở thành Ủy viên Bộ chính trị) vận động tham gia tổ chức “Tu thân” (sau đổi tên thành đội Ngô Quyền) - tổ chức yêu nước bí mật của trường Bưởi. Tại đây, ông Vân cùng đồng đội được đọc những sách, báo bị cấm bấy giờ về tình yêu nước, cách mạng và chống thực dân,... Ngoài ra, họ còn tổ chức đi thăm những danh lam thắng cảnh lịch sử như Đền Hùng, thành Cổ Loa để tăng thêm lòng tự hào, tự tôn dân tộc, noi gương các anh hùng để cứu nước.
Đội Ngô Quyền sau đó được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc. Đến giữa năm 1944, ông Vân cùng hai đồng chí khác được cử đi học lớp chính trị ngắn ngày do đồng chí Lê Quang Đạo trực tiếp giảng dạy ở quê nhà đồng chí Vũ Oanh tại Cẩm Giàng, Hải Dương và được kết nạp Đảng không lâu sau đó. Lớp học khi đó mang tên Hoàng Văn Thụ - người chiến sỹ vừa hy sinh, để nhắc nhở “Một người đảng viên ngã xuống thì sẽ có thêm một lớp đảng viên trẻ khác sẵn sàng nối bước đi lên.”
Nhớ lại những ngày tháng ấy, ông Vân bảo: “Chúng tôi giống như mở ra một chân trời mới, có hướng đi rõ ràng, có lý tưởng rõ ràng. Đó là đi theo Việt Minh để cứu nước”.
Còn với ông Nguyễn Tiến Hà, thuở nhỏ, ông được lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại Hải Dương. Anh trai của ông là Nguyễn Hữu Văn, tức ông Tạ Quang Chiến - một trong tám người cận vệ được Bác Hồ đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.
Trước Cách mạng tháng Tám, người thanh niên Nguyễn Tiến Hà đã kịp thi đỗ tú tài. Song, vận nước rối ren, mà theo lời ông kể là “một cổ hai tròng”, ông luôn mang trong lòng nỗi đau xót, căm phẫn trước những bất công ngày ngày diễn ra tại nơi mình sinh sống.
“Dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Mỗi ngày tôi bước ra khỏi nhà tại khu phố Bạch Mai (Hà Nội) là bao cảnh đau thương. Đồng bào mình chết vì đói, chết vì bệnh, chết vì rét. Xác người như ngả rạ, la liệt khắp đầu đường, góc phố”. Những điều ấy thôi thúc chàng thanh niên Nguyễn Tiến Hà phải làm điều gì đó để góp sức mình vào công cuộc giải phóng dân tộc.
Tháng 8/1944, trước yêu cầu của cách mạng và dưới sự lãnh đạo của Đảng, tại số nhà 46 Bát Đàn, Hoàn Kiếm (Hà Nội), một tổ chức quần chúng của thanh niên Hà Nội trực thuộc Mặt trận Việt Minh ra đời, chính thức mang tên Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu (Hoàng Diệu là tên gọi bí mật của Hà Nội bấy giờ). Nòng cốt của lực lượng này bấy giờ là các Đảng viên vừa được kết nạp từ lớp học Hoàng Văn Thụ. Ông Vân dĩ nhiên trở thành thành viên của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Ông Lê Đức Vân cho biết, thời điểm đó có khoảng 60 thành viên hoạt động bán công khai, thực hiện nhiệm vụ rải truyền đơn, đưa các tin tức cách mạng vào sâu trong quần chúng nhân dân; đồng thời kết hợp tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình trong công sở, trường học, các chợ, xí nghiệp, rạp chiếu bóng,...
Với lòng căm thù giặc sẵn có, cùng với lời hiệu triệu “Đem sức ta mà giải phóng cho ta” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông Nguyễn Tiến Hà cũng tình nguyện tham gia vào Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Theo lời kể của nhạc sĩ Doãn Nho, khi ấy, nhà của ông tại làng Cót (nay là phố Hạ Yên Quyết, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) là cơ sở hoạt động cách mạng, nơi sinh hoạt bí mật của Đảng bộ ngoại thành, chủ trì là đồng chí Vũ Oanh. Một thời gian dài, gia đình của ông là nơi nuôi giấu, qua lại và họp bàn của nhiều cán bộ Việt Minh, trong đó có chính anh trai ông. Trong cuốn hồi ký của mình, đồng chí Vũ Oanh cũng nhắc đến việc sinh hoạt tại nhà ông Hai Chú - thân phụ của nhạc sĩ Doãn Nho.
Gia đình là nơi hoạt động cách mạng, anh trai cũng là thành viên của Đoàn thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu nên những suy nghĩ, nhận thức về cách mạng đã nhen nhóm hình thành trong nhạc sĩ Doãn Nho từ khi còn là cậu thiếu niên.
Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu ra đời, thực hiện chỉ thị của Thường vụ TƯ. Đảng “Mỗi thành phố lớn phải có một ban thanh vận và ra một tờ báo riêng của thanh niên”. Sau khi BCH bàn bạc, tờ báo lấy tên là Hồn nước. “Tòa soạn” báo Hồn Nước chỉ có năm người. Ông Vân được giao nhiệm vụ phụ trách tờ báo, lo bài vở cho các mục in ấn và phát hành, ngoài ra còn phải lo cơm nước cho anh em.
Ông Vân chia sẻ, ngoài ông, thời điểm đó các đồng chí khác gần như không ai được rời khỏi nơi in báo để đảm bảo an toàn. Ban đầu, tờ báo này ra mỗi số 2 trang, có các bài mang tính xã luận, thời sự, thơ văn về chủ đề cách mạng với mục đích tuyên truyền chủ trương, đường lối của Việt Minh, hoạt động của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Thời điểm ấy, người này đọc báo rồi truyền đến tay người kia vì báo không in được số lượng lớn. Tuy vậy, các số báo tiếp theo vẫn được ra và chuyển đến các tổ Thanh niên cứu quốc.
Hồn nước ra tổng cộng được 5 số báo với khoảng 2000 tờ, góp phần tuyên truyền chủ trương của Đảng và Mặt trận Việt Minh đến thanh niên; động viên, khích lệ đoàn viên xung kích trong các cuộc mít tinh, diễn thuyết, trấn áp bọn phản động… Sau này, khi cách mạng thành công, báo Hồn nước chuyển sang công khai, trở thành cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam.
Do đã đỗ tú tài trước đó, nên ông Nguyễn Tiến Hà thời điểm trước Cách mạng tháng Tám được giao nhiệm vụ làm giáo viên dạy chữ quốc ngữ. Đêm đêm, trên tay chiếc đèn dầu, thầy giáo Hà đi tới địa điểm dạy học tại ngõ chùa Liên Phái trên phố Bạch Mai để dạy chữ cho người lao động, giác ngộ và vận động những người ấy đi theo cách mạng.
“Nhiệm vụ quan trọng của Đoàn thanh niên lúc bấy giờ là đi vào sâu quần chúng để giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu rõ tôn chỉ mục đích của Mặt trận Việt Minh, vận động nhân dân ủng hộ Việt Minh. Tới đầu năm 1945, tôi cùng đội tự vệ khu phố tập luyện sử dụng vũ khí chiến đấu và tham gia rải truyền đơn khắp khu phố Bạch Mai rồi ra tới khu vực Mai Động, Hoàng Mai, Kim Liên…”, ông Hà nhớ lại.
Còn cậu thiếu niên Doãn Nho khi ấy làm nhiệm vụ liên lạc cho các anh trong Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đang hoạt động tại chính nhà mình. Ngoài ra, bởi có khiếu âm nhạc nên ông được giao thêm nhiệm vụ hướng dẫn các đội viên học hát, tuyên truyền, phổ biến những bài hát về cách mạng.
Nhớ lại thuở ấy, nhạc sĩ Doãn Nho cho biết: “Tôi phụ trách nhóm thiếu nhi cứu quốc của làng. Khi các anh họp bàn, thông báo có mít tinh, tôi sẽ báo cho các bạn bè và dân làng cùng biết. Để cuộc mít-tinh thành công, rất cần đông đảo bà con cùng tham dự.
Tôi nhớ lần các anh tổ chức mít tinh ở đầu làng, chỗ xóm Chợ, làng Cót. Tôi xuống cuối làng chỗ xóm Chùa rồi chạy ngược lên xóm Chợ. Vừa chạy, tôi vừa hô lớn: “Có mít tinh. Có mít tinh ở xóm Chợ…”. Bà con nghe xong, kéo nhau ra đầu làng để xem cuộc mít tinh đó”.
Trong một lần khác đi học về, đứng từ sân nhà nhìn vào gian thờ tổ tiên, nhạc sĩ Doãn Nho phát hiện một khẩu súng trường của Nga do một cán bộ Việt Minh vội đi họp nên dựng ở góc nhà. Ông không khỏi giật mình và nhanh chóng giấu kín khẩu súng đó đi. Bởi khi ấy quân Nhật thường xuyên đi tuần, nếu để phát hiện thì tai họa không chỉ ập đến với gia đình ông mà những người khác cũng bị ảnh hưởng.
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
(Sóng trẻ) - Nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tạo không khí thi đua phấn khởi cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo.
Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam
(Sóng trẻ) - 94 năm qua, Mặt trận Thống nhất Việt Nam đã trở thành biểu tượng của sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
[Infographic] Lịch sử ngày Ngày truyền thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam
(Sóng trẻ) - Ra đời vào năm 1950, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Vietnam Union of Friendship Organizations - VUFO) đã góp phần to lớn trong việc xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.