(Sóng trẻ) - Trước ngày Tổng khởi nghĩa, hàng nghìn thanh niên đã tập hợp dưới ngọn cờ cách mạng. Ngọn lửa lý tưởng rừng rực cháy trong tim mỗi người. Tất cả đã sẵn sàng bước vào trận tuyến.
Nhớ lại những ngày tháng tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi, ông Lê Đức Vân cho biết: “Mỗi Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu chúng tôi đều ý thức rõ công việc của mình vô cùng nguy hiểm, nếu bị bắt sẽ phải chịu những trận tra tấn khủng khiếp, thậm chí có thể mất mạng. Tuy nhiên, trước nỗi đau chung của dân tộc, chúng tôi chỉ nghĩ đến việc được góp sức mình cho phong trào, đồng lòng đứng lên cùng cách mạng giành lấy chính quyền”.
Sau gần 1 năm thành lập, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu ngày càng lớn mạnh. Gần ngày Tổng khởi nghĩa, nhiệm vụ của đội ngũ thanh niên ấy càng quan trọng hơn. Những thành viên cốt cán đã bắt đầu được phân công về các tỉnh lân cận như Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Nam Định, Hải Dương… để hỗ trợ nhân dân, xây dựng phong trào, chuẩn bị sẵn sàng cho Tổng khởi nghĩa.
Ông Vân khẳng định, thành công vang dội của Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu chính là việc xung kích phá vỡ cuộc mít tinh tuyên truyền cho chính quyền bù nhìn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 17/8/1945. Sự kiện này đã biến thành cuộc biểu tình tuần hành của đông đảo quần chúng, ủng hộ Mặt trận Việt Minh, tạo tiền đề quan trọng cho thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ngày 19/8/1945.
“Tôi vẫn nhớ ngày hôm ấy, ngày 17/8/1945, 2 giờ chiều, Tổng hội viên của chính quyền Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn. Thông thường, các cuộc mít tinh được tổ chức vào sáng sớm, nhưng cuộc mít tinh này lại diễn ra vào buổi chiều”, ông Vân nhớ lại.
Cuộc diễn thuyết vừa khai mạc, các chiến sĩ trẻ đã chiếm lấy diễn đàn. Một lá cờ đỏ sao vàng được thả xuống từ phía Nhà hát Lớn. Đồng chí Thái Hy, Đội phó Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, đã bảo vệ đồng chí Từ Trang Anh, thành viên Đội Cứu quốc thành Hoàng Diệu, trong lúc đồng chí Từ diễn thuyết ngắn gọn trong khoảng 5 đến 10 phút. Nội dung chính của bài diễn thuyết thông báo về việc Nhật đã đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện và giới thiệu 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh.
Ngay sau đó, đồng chí Nguyễn Khoa Diệu Hồng, thành viên Đảng Dân chủ đã đọc bản hiệu triệu của Đảng Dân chủ kêu gọi đồng bào ủng hộ Mặt trận Việt Minh tổng khởi nghĩa, giành độc lập. Lúc này, giữa đám đông hàng vạn người dự lễ, lá cờ đỏ sao vàng đã bắt đầu xuất hiện, giương cao trong niềm hân hoan. Những khẩu hiệu như “Đánh đổ Nhật - Pháp”, “Ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập” vang lên và được quần chúng nhiệt liệt hưởng ứng, tạo nên khí thế sục sôi.
“Đồng bào theo tôi!”. Sau tiếng hô đó của đồng chí Mai Thiện Chi, thành viên của Đội Danh dự trừ gian, một lá cờ lớn được giương lên, tất cả mọi người theo bóng cờ, tiến qua các phố Tràng Tiền, ra hồ Hoàn Kiếm, rồi dọc phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cửa Bắc. Cuộc mít tinh dưới sự dẫn dắt của Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hoàng Diệu đã chuyển sang biểu tình, tuần hành rầm rộ.
Nhắc lại về cuộc mít tinh ngày 17/8 ấy, ông Nguyễn Tiến Hà bày tỏ một niềm tin với cách mạng và niềm tin độc lập chắc chắn sẽ về với Việt Nam.
“Dòng người ấy như con đê bị tức nước vỡ bờ. Chúng tôi tham gia cách mạng chủ yếu là hoạt động bí mật. Đó là lần đầu tiên trong đời chúng tôi tham gia một cuộc diễu hành công khai. Trước đây, là một người dân nước nô lệ, giờ được tự do hô vang “Việt nam độc lập muôn năm”, “Mặt trận Việt Minh muôn năm”. Tự hào lắm, vui sướng lắm, khó có thể diễn tả bằng lời được. Cuộc diễu hành diễn ra đến tận khuya cùng ngày với hàng vạn người tham gia”, ông Nguyễn Tiến Hà bày tỏ.
Ông Hà nhận định, thắng lợi của cuộc đấu tranh ngày 17/8 là yếu tố quyết định cho thành công của ngày 19/8 lịch sử.
Ngay tối muộn ngày 17/8, một cuộc họp được diễn ra tại nhà bà Hai Nhã, thôn Dịch Vọng do đồng chí Nguyễn Huy Khôi (phụ trách Ban Công vận Xứ ủy) và đồng chí Nguyễn Quyết (Đại tướng Nguyễn Quyết, bấy giờ là Bí thư Thành ủy Hà Nội) chủ trì. Ông Lê Đức Vân và ông Nguyễn Tiến Hà đều vinh dự được tham dự cuộc họp đó.
Ông Hà nhớ lại: “Cuộc họp đã nhận định rằng, dù có sự chênh lệch giữa ta và địch, nhưng quần chúng nhân dân đã ngả về ta. Lực lượng của địch cũng đã nghiêng ngả, chính quyền bù nhìn không phản ứng, hàng vạn binh lính của Nhật tại Hà Nội cũng án binh bất động… Quyết định Tổng khởi nghĩa được diễn ra vào ngày 19/8”.
Cuộc họp thống nhất phương thức khởi nghĩa là tổ chức một cuộc mít tinh lớn vào lúc 11 giờ ngày 19/8/1945. Sau đó, cuộc mít tinh sẽ chuyển thành biểu tình tuần hành thị uy, có lực lượng vũ trang yểm trợ, tạo áp lực từ quần chúng để chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền bù nhìn thân Nhật và thành lập chính quyền cách mạng. Công tác tổ chức và đấu tranh được phân công cụ thể cho từng người phụ trách.
Theo ông Lê Đức Vân, trước ngày Tổng khởi nghĩa, đã có hàng nghìn thanh niên tập hợp dưới ngọn cờ cách mạng. Ngọn lửa lý tưởng rừng rực cháy trong tim mỗi người. Tất cả đã sẵn sàng bước vào trận tuyến.
Sáng sớm ngày 19/8/1945, lực lượng cách mạng ở ngoại thành đã tổ chức mít tinh, tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ và thành lập chính quyền nhân dân cách mạng lâm thời. Đồng thời, họ tiến hành thu giữ con dấu, sổ sách, tuyên truyền các chính sách của Mặt trận Việt Minh và phát động phong trào chống đói, chống lụt nhằm hỗ trợ nhân dân.
Theo lời kể của nhạc sĩ Doãn Nho, chính tại nhà ông, quyết định khởi nghĩa khu vực ngoại thành được diễn ra. “Lực lượng tự vệ xung phong ngoại thành đã kiểm soát tình hình và chiếm được Đại lý Hoàn Long (chính quyền của địch tại khu vực ngoại thành Hà Nội trước đây, bao gồm các khu vực như Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân... ngày nay). Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở ngoại thành đã hoàn toàn thắng lợi. Sau đó, nhân dân nơi đây cũng đổ về khu vực nội thành để ủng hộ cách mạng”, nhạc sĩ Doãn Nho tự hào kể lại.
Đúng 11 giờ ngày 19/8/1945, hơn 20 vạn người đã tập hợp tại Nhà hát Lớn. Đồng chí Trần Quang Huy, đại diện Ủy ban Khởi nghĩa, đọc lời kêu gọi. Cuộc mít tinh sau đó biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Lần lượt dòng người tỏa đi các hướng, đánh chiếm các cơ quan quan trọng của địch như: chiếm phủ Khâm sai, tòa Thị chính, Kho bạc, bưu điện Bờ Hồ và sở Cảnh sát Hàng Trống, chiếm trại Bảo an binh…
Theo ông Lê Đức Vân, Việt Minh đã cử một đoàn cán bộ trực tiếp đến Tổng hành dinh của quân Nhật để tiến hành đàm phán. Cuộc đàm phán diễn ra đầy căng thẳng và phức tạp, nhưng nhờ vào sự khéo léo và linh hoạt, đoàn đàm phán của ta đã buộc quân Nhật phải chấp nhận các điều kiện: không được can thiệp vào công việc của Việt Minh và phải công nhận chính quyền cách mạng. Đổi lại, quân Nhật được đảm bảo an toàn. Đến tối ngày 19/8/1945, các cơ quan trọng yếu của chính quyền bù nhìn đã thuộc về cách mạng, Việt Minh đã làm chủ thành phố hoàn toàn.
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội
(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.
Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá
(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.
Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác
(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.