(Sóng trẻ) - 79 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về ngày Quốc khánh lịch sử, những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới và giọng nói ấm áp của Bác Hồ vẫn còn in đậm mãi trong tâm trí của những chàng thanh niên thuở nào.

 

Ông Nguyễn Tiến Hà cho biết, sau Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng Đoàn Thanh niên có nhiệm vụ vận động nhân dân tham gia buổi mít tinh ngày 2/9. “Khi ấy, bầu không khí và lòng người Hà Nội đều sục sôi hướng về buổi mít tinh. Ai cũng muốn xem đất nước sẽ chuyển biến ra sao và nhân dân cũng háo hức để biết lãnh tụ Hồ CHí Minh là người như thế nào”.

Còn với những đứa trẻ ở độ tuổi thiếu niên như nhạc sĩ Doãn Nho thì cũng háo hức, đua nhau tiến vào nội thành để mua trống, kèn. Ông cho biết, bản thân cùng những người bạn làng Cót nhanh chóng dạy nhau tập luyện những bài hát về cách mạng rồi dạy cho những bạn thiếu niên khác để chuẩn bị cho ngày Quốc khánh. 

Sáng 2/9/1945, thời khắc thiêng liêng của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng tôi hỏi chuyện cả ông Lê Đức Vân, ông Nguyễn Tiến Hà và nhạc sĩ Doãn Nho về tâm trạng trước ngày Quốc khánh, ai cũng trả lời rằng đều háo hức từ đêm và dậy từ rất sớm để tiến về Quảng trường Ba Đình. 

Sáng hôm ấy, ông Hà dẫn đầu đoàn người từ Bạch Mai đến Quảng trường Ba Đình. Trên đường đi, lại có thêm những người khác nhập đoàn, ai gặp ai cũng tay bắt mặt mừng. Cứ như vậy, hàng ngàn người hòa vào biển người, cả dân tộc hò reo trong niềm sung sướng vô cùng. 

Trên đường, nhạc sĩ Doãn Nho cùng nhóm thiếu nhi cứu quốc của làng Cót còn đánh trống ếch và hát vang các bài hát Tiến quân ca, Du kích ca... Dọc đường, khắp các tuyến phố, cờ đỏ sao vàng được treo tung bay phấp phới. Khung cảnh được ông Hà miêu tả là “biển người, rừng cờ”, hoành tráng chưa từng thấy trước đó.

 

Tới Quảng trường Ba Đình, hàng vạn người từ khắp nơi đổ về. Nhưng theo lời ông Hà kể, biển người sắp xếp theo hàng lối chỉnh tề, trật tự, không ồn ào. Có lẽ rằng ai cũng hồi hộp mong chờ Chính phủ lâm thời ra mắt, nhất là muốn tận mắt thấy lãnh tụ Hồ Chí Minh. 

“Trước khi thấy Bác, tôi đã nghĩ lãnh tụ phải là một người cao lớn, quắc thước, ăn mặc lịch sự. Nhưng người bước lên kỳ đài ngày hôm ấy là một ông cụ gầy gò, ăn mặc giản dị, chỉ có bộ quần áo kaki vàng đã cũ. Tôi thấy thương ông cụ - Người suốt đời chỉ mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân…”, Ông Hà bộc bạch. 

Khoảnh khắc Bác tiến lên lễ đài rồi cất tiếng hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”, cả hội trường đang im lặng bỗng vỡ òa bằng những tiếng hô đồng thanh “rõ rõ”.

Ông Hà tiếp tục: “Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa thể hết xúc động khi nhắc về khoảnh khắc ấy. Giữa một vị lãnh tụ và nhân dân lại gần gũi đến thế. Từ xưa đến nay, chưa bao giờ bọn thực dân hỏi người dân như vậy. Chúng luôn ra lệnh, quát tháo. Còn khi nhìn thấy vua quan phong kiến là phải cúi đầu, không được nhìn. Nếu không sẽ bị coi là khi quân, phạm thượng. Còn hiện tại chúng tôi được nhìn tận mắt vị lãnh tụ của mình. Sự gần gũi ấy khiến tôi ngỡ chủ tịch Hồ Chí Minh là người trong gia đình…”. 

Còn với nhạc sĩ Doãn Nho, ông bảo rằng cả cuộc đời có lẽ cũng không thể nào quên được giây phút ấy và giọng nói của Bác. 

“Cũng chính ngày hôm ấy, nhiều người mới biết Bác Hồ chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc”, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ.

Ông cho biết thêm, khung cảnh ngày 2/9/1945, giữa biển người tham dự cuộc mít tinh, hai chiếc máy bay của Mỹ bay xung quanh Quảng trường Ba Đình, cách mặt đất không quá cao. Nhân dân ta bấy giờ mỗi người trên tay đều có một lá cờ, ngẩng cao đầu vẫy chào máy bay Mỹ. Nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng, mỗi người dân vẫy chào lúc máy bay Mỹ bấy giờ đều trong tư thế là một người dân của một đất nước độc lập.

Khi đoàn tham dự mít tinh, cậu bé Doãn Nho vẫn mải mê ngoái nhìn đoàn quân nhạc thổi kèn, đánh trống biểu diễn những ca khúc mừng độc lập khiến đầu bị va vào cột điện. 

“Đau nhớ đời”, ông cười lớn.

Nhắc lại về ngày tháng gian truân lẫn vinh quang của đất nước, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ, những kỷ niệm ấy trong ông vẫn sống động như vừa mới hôm qua, đầy tự hào và hạnh phúc. Từ hình ảnh nạn đói đầu năm 1945 tới khi giành lại chính quyền, cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trong ngày 19/8 và 2/9, hình ảnh và giọng nói Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình… trở thành những chất liệu âm nhạc quý cho những sáng tác của nhạc sĩ Doãn Nho sau này.

“Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, quân dân Hà Nội trở về tiếp quản thủ đô. Ngày 1/1/1955, một cuộc diễu binh hoành tráng được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình. Những kỷ niệm về ngày Quốc khánh năm 1945 khi còn là một cậu bé ùa về trong tôi. Trong không khí trang nghiêm và xúc động ấy, tôi đã viết: Đây Ba Đình/ Kỳ đài cao hùng vĩ/ Súng thép quyện màu cờ/ Muôn sao bay như nhắc lại từng giờ/ Ngày khởi nghĩa năm xưa/ Chốn đây, trong nắng thu vàng…”, nhạc sĩ Doãn Nho nhớ lại.

Đừng bỏ lỡ
[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

[Infographic] 2 mức quà tặng người có công dịp 27/7 của TP Hà Nội

Tin nổi bật2 tháng trước

(Sóng trẻ) - Theo quyết định số 590/QĐ-CTN Chủ tịch nước ký ngày 25/6/2024, quà tặng cho người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024) được chia thành hai mức 600.000 đồng và 300.000 đồng.

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Đoàn giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền thực tế tại cơ quan báo chí, xuất bản Thanh Hoá

Tin nổi bật3 tháng trước

(Sóng trẻ) - Hoạt động diễn ra vào ngày 6/6, nhằm tăng cường gắn kết lý luận với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo ngành báo chí - truyền thông tại các đơn vị.

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Xúc động hàng nghìn người dân nối dài vào viếng Lăng Bác

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 19/5, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), đồng bào khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Lăng Bác dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980 - 19/5/2024). Trong tim mỗi người dân đều mang một cảm xúc bồi hồi khó tả.

XEM THÊM TIN