

Nhớ lại hành trình hơn 3 năm gắn bó với Đội Tình nguyện Xung kích (đội sinh viên tiên phong trong các hoạt động vì cộng đồng của Học viện), Mai Quỳnh Anh không khỏi xúc động: “Trải qua nhiều chuyến đi tình nguyện, mình nhận ra bản thân đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, có thể mình chỉ muốn tham gia để rèn luyện kỹ năng, để làm điều gì đó ý nghĩa. Nhưng càng đi nhiều, mình càng nhận ra, mỗi hành trình không chỉ là cho đi, mà nhận lại tình yêu thương, sự trưởng thành, kiên trì và cả tinh thần trách nhiệm”.
Quỳnh Anh đã đồng hành cùng đội trong 5 chuyến thiện nguyện dài ngày và 2 chuyến đi ngắn. Trong hành trình ấy, “Mùa hè xanh 2024” là dấu mốc đặc biệt - chuyến đi đầu tiên cô gái trẻ đảm nhận vai trò đội trưởng. Lần đầu tiên liên hệ với địa phương, khảo sát điểm đến, quản lý tài chính, xây dựng nội dung chương trình và điều phối thành viên... tất cả đều là những trải nghiệm mới mẻ và không ít thử thách. Tuy vậy, đó trở thành cơ hội để Quỳnh Anh, từ một tình nguyện viên trở thành người lãnh đạo một tập thể hướng tới những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Với chương trình “Hơi ấm mùa đông 2024” vào tháng 1/2025, Quỳnh Anh đùa vui đây là đợt phát động “khó nhằn” nhất đối với mình. Không đơn thuần lên kế hoạch cho chuyến đi thiện nguyện, cô gái cùng đội viên tổ chức một đêm nhạc gây quỹ. Đây là thử thách đối với cô, bởi hai hoạt động diễn ra gần sát nhau, khối lượng công việc lớn và cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều bên. Quỳnh Anh chia sẻ: “Có thời điểm, mình phải liên hệ với 40-50 người để sắp xếp lịch trình và công việc cụ thể cho từng ngày”.
Bên cạnh khó khăn trong khâu xây dựng lịch trình, vấn đề tài chính cũng là trở ngại lớn đối với hoạt động tình nguyện. Để đêm nhạc gây quỹ diễn ra đúng kế hoạch, Quỳnh Anh cùng đồng đội tính toán kỹ lưỡng và phân bổ ngân sách hợp lý. Thực tế không hề dễ dàng, đội đã gặp phải nhiều thách thức khi nhà tài trợ bất ngờ rút lui sát ngày tổ chức, chi phí mời nghệ sĩ vượt quá dự kiến, cũng như lượng vé bán ra không đạt kỳ vọng.
Trước tình huống đó, cả đội đã cùng nhau rà soát lại toàn bộ ngân sách, cân đối các khoản chi, ưu tiên hạng mục thiết yếu và tối giản những phần có thể cắt giảm. Nhờ sự đoàn kết và khả năng ứng biến linh hoạt, chương trình vẫn được tổ chức thành công, mang lại nguồn quỹ thiết thực cho những chuyến đi tình nguyện sắp tới.
Với Quỳnh Anh, dù vất vả, nhưng khi mọi thứ vận hành trơn tru, đó là cảm giác đáng nhớ và đầy tự hào. “Với mỗi dự án từng tham gia, mình luôn đặt vào đó 100% tâm huyết nên chưa từng có cảm giác tiếc nuối. Mỗi chuyến đi đều để lại dấu ấn riêng, đều mang đến giá trị tích cực cho cộng đồng, dù nhỏ hay lớn”, Quỳnh Anh nhìn nhận.


Thúy Anh cũng tìm thấy niềm vui sâu sắc trong việc cống hiến và lan tỏa giá trị tích cực cho cộng đồng. Với cô, mỗi cuối tuần đứng lớp làm tình nguyện viên giảng dạy cho các em nhỏ không chỉ là một hành động thiện nguyện, mà còn là khoảng thời gian chữa lành tâm hồn. Trong khoảnh khắc được sẻ chia kiến thức và yêu thương, mọi áp lực và mỏi mệt dường như tan biến, nhường chỗ cho niềm hạnh phúc giản dị.

Thúy Anh bén duyên với chương trình tình nguyện giáo dục Hyundai Jump School từ năm hai đại học. Cô tin rằng đây là lĩnh vực phù hợp nhất với thế mạnh của mình. Kinh nghiệm làm gia sư cùng nền tảng từ chuyên ngành Tâm lý học giúp Thúy Anh dễ dàng đồng hành, thấu hiểu và truyền cảm hứng cho học sinh.
Trong quá trình dạy học, Thúy Anh không ít lần gặp khó khăn khi học sinh nản chí, không tập trung hay chưa có động lực học tập. Những thử thách đó không khiến cô nản lòng, mà trở thành động lực rèn luyện sự kiên nhẫn và sống sâu sắc hơn. “Với mình, mỗi khó khăn là một bài học, cần vượt qua để trưởng thành hơn mỗi ngày”, Thúy Anh chia sẻ.
Người ta luôn thấy Thúy Anh trong hình ảnh cô sinh viên chịu khó hay một cô giáo tâm huyết với các em nhỏ. Nhưng ít ai biết, để cân bằng việc học và dạy tình nguyện như hiện tại, cô bạn từng nhiều lần rơi vào trạng thái chênh vênh, mất phương hướng.
Có thời điểm, Thúy Anh cho biết bản thân phải ôm đồm 4-5 công việc một lúc. Cô vừa ôn thi cuối kỳ, tham gia nghiên cứu khoa học, vừa hoạt động dự án, đi làm gia sư và dạy tình nguyện. “Mình thường xuyên phải thức đêm, điều này ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe và khiến mình có xu hướng muốn buông bỏ, trì hoãn”. Tuy nhiên, nhớ lại ánh mắt, nụ cười các em khi hiểu bài, Thúy Anh lấy đó làm động lực, cố gắng để bản thân trở thành tấm gương sáng cho các em noi theo. Cô gái trẻ hào hứng chia sẻ: “Sự hồn nhiên và tình cảm ấy trở thành động lực lớn để mình tiếp tục cố gắng”.

Nhìn lại chặng hành trình đã đồng hành với công việc dạy học tình nguyện, Thúy Anh khẳng định mình không chỉ cho đi mà còn nhận lại được rất nhiều. “Là trưởng nhóm tại điểm trường, mình học cách kết nối các tình nguyện viên, phối hợp với thầy cô và hỗ trợ học sinh hiệu quả hơn. Kỹ năng giao tiếp cũng tiến bộ rõ rệt qua quá trình làm việc với giáo viên, phụ huynh và cán bộ địa phương”, Thúy Anh bày tỏ sự tự hào khi nhìn lại một hành trình dài.
Song điều thay đổi lớn nhất với cô gái trẻ là sự kiên trì. “Dạy học giúp mình học cách kiên trì, nhẫn nại, từng bước thấu hiểu và gắn bó sâu sắc hơn với học sinh. Từ đó, mình muốn được đồng hành, chắp cánh cho những ước mơ của trẻ thơ”, Thúy Anh chia sẻ.
Sóng Trẻ News Awards 2024: Lời hứa tiếp nối của những người làm báo trẻ
(Sóng trẻ) - Sự kiện thường niên Sóng Trẻ News Awards của Trang tin điện tử Sóng trẻ trở lại với chủ đề "Evangeline - Lời hứa của hoa hồng", đánh dấu chặng đường 17 năm hoạt động của CLB.
Khóa II Khoa Báo chí: Hành trình 50 năm hội ngộ và tri ân
(Sóng trẻ) - Nhân kỷ niệm 50 năm ngày tựu trường của cựu sinh viên báo chí (1975 - 2025), ngày 15/3, Ban liên lạc khóa II khoa Báo chí tổ chức buổi gặp mặt thân mật tại tầng 10, tòa nhà A1, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Người dân cả nước hân hoan đón Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025
(Sóng trẻ) - Thời khắc chuyển giao sang năm mới Ất Tỵ 2025, không khí hân hoan bao trùm nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hàng triệu người dân từ Bắc vào Nam hòa mình vào màn pháo hoa rực rỡ, các chương trình nghệ thuật đặc sắc cùng nhiều hoạt động văn hóa.