Với mục tiêu giảm các điểm ùn tắc, Hà Nội có một hành trình “dài hơi” cho thử nghiệm phân làn. Năm 2005, thành phố thí điểm phân làn ở đường Kim Mã. Năm 2008 thí điểm ở trục đường Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân và năm 2009 ở đường Giải Phóng.

Để thực hiện phân làn, lực lượng chức năng đã kẻ vẽ lại các vạch sơn, ghi lại tên làn đường dành cho các phương tiện, lắp đặt thêm nhiều biển báo, băng rôn hướng dẫn người dân tham gia giao thông đúng làn. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian thí điểm, trên các tuyến đường này, ô tô, xe máy, xe đạp… vẫn lưu thông rất lộn xộn.

Tháng 9/2011, dù có nhiều ý kiến đánh giá việc phân làn xe thất bại nhưng Hà Nội tiếp tục thực hiện giải pháp dựng dải phân cách cứng bằng bê tông tách làn phương tiện trên các tuyến phố: Xã Đàn - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt; Giải Phóng; Bà Triệu; phố Huế - Hàng Bài.

Đường đã phân làn, thế nhưng giao thông vẫn hỗn loạn. Nhiều điểm ô tô dàn hàng 3, hàng 4 giữa phố. Những điểm ùn tắc cục bộ, xe máy chui sang làn ô tô, luồn lách thoát thân. Đoàn xe buýt kềnh càng vẫn thản nhiên tạt ngang, tạt dọc, chèn ép các phương tiện giao thông khác khi đi lại trên 2 tuyến đường đã được phân.

Sau gần một tháng triển khai (từ tháng 9 đến 10/2011), các tài xế đã “hạ gục”, làm xoay lệch gần 200 cột biển báo cắm ở đầu dải phân cách, thậm chí nhiều vụ tai nạn do dải phân cách đặt “lửng lơ” giữa đường.

Đến đầu năm 2015, Hà Nội quyết định dỡ bỏ tất cả các dải phân cách cứng ở các tuyến phố trên. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội giải thích, do ý thức của người tham gia giao thông đã tốt lên, ôtô, xe máy không còn lấn làn nên quyết định thu hồi dải phân cách cứng.

Năm 2017, khi tuyến xe buýt nhanh BRT 01 đầu tiên của Hà Nội được đưa vào hoạt động, Sở GTVT Hà Nội đã thí điểm lắp đặt một số dải phân cách cứng tại một số khu vực như ngã tư Giảng Võ – Đê La Thành; Lê Văn Lương – Hoàng Đạo Thúy...để ngăn cách làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh với dòng phương tiện khác.

Theo đó, các dải phân cách cứng này có chiều dài khoảng 100m và chiều cao khoảng 60cm, được làm bằng vật liệu nhẹ và dễ dàng tháo lắp.

Đường vẫn tắc, thí điểm không được rút kinh nghiệm cũng như làm rõ tính hiệu quả và tất cả đều thất bại theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Những người chịu trách nhiệm đối với hàng chục tỷ đồng ngân sách nhà nước bỏ ra để thực hiện thí điểm cũng “phớt lờ” dư luận.

Mới đây, tháng 8/2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tiếp tục tổ chức thí điểm phân làn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân bằng dải phân cách cứng như mũi tên phản quang, trụ chống va xô (bằng lốp), hàng rào di động... kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ.

Tại đoạn thí điểm dài khoảng 1,5km này, 2 làn sát vỉa hè được dành cho xe máy, xe thô sơ và xe buýt hoạt động; 3-4 làn sát dải phân cách dành cho xe ô tô hoạt động. Việc phân làn sẽ thực hiện ở cả 2 chiều đường. Thời gian thực hiện thí điểm trong 1 tháng (kéo dài đến ngày 6/9/2022). Sau 1 tháng, Sở GTVT Hà Nội sẽ tổng kết rút kinh nghiệm và có phương án tiếp theo.

Ghi nhận của nhóm PV, vào giờ cao điểm sáng 6/10/2022, sau 2 tháng triển khai thí điểm, trên tuyến đường Nguyễn Trãi vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài. Các phương tiện nối đuôi nhau, chật vật di chuyển từng chút một qua đây. Tại nút giao Ngã Tư Sở, ô tô, xe máy xếp dài hàng trăm mét chờ lên, xuống cầu. Lối dẫn từ trên đường vành đai 2 xuống đường Trường Chinh cũng ùn ứ kéo dài.

Đáng chú ý, dù đã phân làn riêng, nhưng ôtô và xe máy vẫn đi vào làn của nhau, chen nhau “điền vào chỗ trống”, mặc cho lực lượng chức năng ra sức điều tiết, “thổi còi” cật lực để chỉ dẫn các phương tiện.

Taxi và xe buýt bị bủa vây bởi hàng chục xe máy nên không thể chuyển làn, đành chấp nhận đi vào làn đường dành riêng cho xe máy. Người tham gia giao thông “phi” xe máy lên cả vỉa hè đi dàn hàng ngang. Thậm chí, nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm quay xe đi ngược chiều tại dải phân cách cứng khi không thấy lực lượng chức năng.

Được biết, Nguyễn Trãi là tuyến đường huyết mạch phía Tây nam Thủ đô, kết nối với quốc lộ 6 đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Tuyến đường từ lâu đã trở thành “ác mộng” với người tham gia giao thông vào mỗi khung giờ cao điểm.

Tuyến đường tuy chỉ dài 1,5 km nhưng lại có nhiều điểm giao cắt. Cụ thể, hướng đi Ngã Tư Sở có 5 làn đường, hướng đi Khuất Duy Tiến có 6 làn đường. Trên tuyến có 3 điểm mở quay đầu tại dải phân cách giữa, tại các vị trí: Trước Công ty Thuốc lá Thăng Long, trước Công ty cao su Sao Vàng, trước ngân hàng Agribank.

Hướng từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở: Giao cắt với 3 đường, 8 ngõ, 15 điểm giao cắt với lối vào các công ty, cơ quan, cây xăng… Còn chiều ngược lại từ Ngã Tư Sở đi Khuất Duy Tiến giao cắt với 6 đường, 15 ngõ, 8 lối ra vào cơ quan, trường học.

Như mọi ngày trên đường Nguyễn Trãi, anh Hùng Dũng (47 tuổi, Triều Khúc, Thanh Xuân) lại tỏ ra sốt ruột, sợ sẽ đến muộn giờ làm.

“Giải pháp là phân làn rất là tốt, tuy nhiên thực tế đoạn đường này rất là ngắn, nhiều ngõ và ngách rẽ ngang. Mỗi ngày tôi mất 2 lượt qua con đường này, dù muốn đi đúng phần đường dành cho xe máy, nhưng nhiều khi không thể, toàn phải lấn ra làn ôtô đi”, anh Dũng nói.

Đồng cảm với những bức xúc khi tham gia giao thông trên đường Nguyễn Trãi sau phân làn, chị Thúy Diễm (35 tuổi, Thanh Xuân) cho rằng nguyên nhân dẫn đến xung đột giao thông tại đường Nguyễn Trãi là thói quen đi ẩu của tài xế xe buýt.

“Xe buýt thường xuyên tạt ngang đầu xe máy để vào bến đón khách, rồi lại tạt xiên ra làn ô tô. Với khổ xe đồ sộ ra vào liên tục như thế đã làm ách tắc cục bộ do các phương tiện khác phải dừng lại để nhường đường cho xe buýt ra vào bến”, chị Diễm nói.

Có thể thấy, dù phương án thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi được dư luận ủng hộ, tuy nhiên sau một thời gian thí điểm, việc triển khai vẫn thiếu quyết liệt, hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn.

Trước đó, sau 1 tháng thí điểm, Sở Giao thông Vận tải đánh giá tình hình giao thông trên tuyến đường đã có cải thiện, đặc biệt vào cao điểm sáng. Cả hai chiều từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở và ngược lại đều giảm ùn ứ, phương tiện lưu thông trật tự hơn. Một bộ phận người tham gia giao thông đã có ý thức đi đúng phần đường, xe buýt đi lại thuận tiện, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Tuy nhiên, Sở cũng thừa nhận còn một số tồn tại như chỉ 10 ngày đầu thí điểm (6-16/8) đã xảy ra 54 sự cố va quệt vào biển báo, lốp phản quang, trụ đảo mũi tên; vẫn còn tình trạng xe máy đi vào làn của ô tô và ngược lại (đặc biệt theo chiều đường từ Ngã Tư Sở về Khuất Duy Tiến). Vào khung giờ cao điểm, các khu vực gần nút giao thông (Ngã Tư Sở, Vũ trọng Phụng), khu vực lối lên cầu vượt Ngã Tư Sở, điểm quay đầu trên tuyến vẫn bị ùn ứ.

Để khắc phục, ngành giao thông đề xuất điều chỉnh thu ngắn các vị trí dải phân cách bằng trụ đảo mũi tên 6-8 m cho phù hợp thực tế; bổ sung các biển báo, hiệu lệnh kết hợp chỉ dẫn tại đầu giải phân cách; điều chỉnh tổ chức giao thông tại điểm quay đầu gầm cầu vượt Ngã Tư Sở để giảm bớt xung đột, cải thiện tình trạng ùn ứ.

Theo các chuyên gia, việc phân làn ô tô, xe máy trên đường Nguyễn Trãi là hợp lý. Tuy nhiên, việc dành phần đường cho mô tô, xe gắn máy và xe buýt phải được khảo sát kỹ, trên cơ sở đo đếm lưu lượng phương tiện cụ thể. Đặc biệt, tại các nút giao phải được xử lý một cách khoa học trên toàn tuyến mới đem lại hiệu quả.

Trao đổi với nhóm PV, TS. Phan Lê Bình – Chuyên gia Giao thông cho rằng, việc phân làn xe máy, ô tô trên đường Nguyễn Trãi có ý nghĩa lớn với giao thông Thủ đô. Tuy nhiên, việc bố trí làn phương tiện cần phù hợp với thực tế.

“Nếu 2 làn không đủ cho xe máy tạo ra ùn ứ thì lập tức xe máy sẽ tràn sang làn đường dành cho ô tô. Rất cần xem xét, nghiên cứu kỹ để cân đối số lượng làn phương tiện ô tô, xe máy, nên chăng dành phần rộng rãi hơn cho xe máy", TS Phan Lê Bình nói.

Cũng theo ông Bình, ý thức của người dân khi tham gia giao thông cũng là yếu tố có tính chất quyết định. “Ý thức của người điều khiển phương tiện kém thì kết quả vẫn chỉ là chen chúc, lấn làn gây mất trật tự. Do đó, lực lượng chức năng cần túc trực thường xuyên để hướng dẫn, nhắc nhở người dân, kiên quyết không để xảy ra vi phạm đi sai làn, ngược chiều, dừng đỗ tuỳ tiện”, ông Bình nói.

Xem chi tiết bài viết tại: Kỳ 2 - 17 năm phân làn phương tiện, tắc vẫn hoàn tắc

Xem trọn bộ ba kỳ tại: Hà Nội và những thí điểm: Bao giờ thành? 

Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Bế mạc Hội báo toàn quốc năm 2024: Học viện Báo chí và Tuyên truyền đạt giải B Gian hàng trưng bày xuất sắc

Tin nổi bật1 tháng trước

(Sóng trẻ) - Sáng 17/3/2024, tại TP Hồ Chí Minh, Hội Báo toàn quốc 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân” đã bế mạc trọng thể.

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Thời tiết Noel 2023: Miền Bắc chìm trong rét đậm, Trung và Nam Bộ khả năng có mưa lớn

Tin nổi bật4 tháng trước

(Sóng trẻ) - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia dự báo thời tiết trong 10 ngày tới, từ đêm nay 17/12 đến ngày 27/12, cho các khu vực trên cả nước.

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Chấp nhận ngủ lề đường "chờ mua iPhone 15"

Tin nổi bật7 tháng trước

(Sóng trẻ) - Như thường lệ, thời điểm tháng 9 sẽ là lúc Apple - một tập đoàn công nghệ về ngành công nghệ thông tin lớn bậc nhất thế giới cho “trình làng” các sản phẩm mới nhất. Vào ngày 13/9, Apple đã cho ra mắt iPhone 15.

XEM THÊM TIN